146. Vua Hùng dựng nước: sau cơn hồng thủy

Ngày nay Giỗ tổ Hùng Vương đã chính thức thành ngày Quốc giỗ. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau trong giới nghiên cứu, nhưng trong tâm trí người Việt Nam nước ta vẫn là nước có 4.000 năm văn hiến. Những phát hiện mới nhất về cổ địa chất mà chúng tôi giới thiệu sau đây là tư liệu quý giá để hình dung rõ hơn về diện mạo đất nước thời các vua Hùng. 

1. Điều gì xảy ra khi “đùng một cái” biển dâng 5 mét rưỡi? 

Khi đem quân đánh Tống để ngăn chặn mưu đồ xâm lược, Lê Hoàn đã cho lập Ngọc phả Hùng Vương. Đó là bản Ngọc phả xưa nhất mà truyền bản hiện nay còn lưu giữ. Trước đó, Đinh Tiên Hoàng đã cho xây Đền Hùng chính tại nơi đóng đô của các vua Hùng (được ghi trong Ngọc phả). Điều lạ lùng là trải qua những biến cố lịch sử, Ngọc phả nhà Lý, Ngọc phả nhà Trần, cả Ngọc phả nhà Lê cũng thất lạc, nhưng Ngọc phả Hùng Vương thì vẫn còn. Phải chăng những gì thuộc về hồn thiêng sông núi đều là những thứ không thể hủy diệt được, không thể mất đi được?

vua-hung-2
Sơ đồ cổ địa lý đồng bằng Bắc Bộ trước biển tiến đột biến cách nay 4115 năm -Hoàng Ngọc Kỷ, 2008
vua-hung-3
Sơ đồ cổ địa lý sau giai đoạn biển tiến đột biến khi mực nước biển ở +3,5m và ổn định đến tại 1.015 năm, diện tích đồng bằng chỉ còn 1/4 so với trước đó và bằng 1/10 so với hiện nay – Hoàng Ngọc Kỷ, 2008

Về sử liệu, cuốn sử xưa nhất được biết đến (nhưng đã thất truyền) là cuốn Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu viết thời nhà Trần, không ghi thời Hùng Vương. Nhưng cuốn Đại Việt sử lược (còn gọi là Việt sử lược), cũng là cuốn sử xưa nhất viết thời nhà Trần (cuốn này cũng thất lạc, nhưng được khắc in ở Trung Quốc thời nhà Thanh, nên chúng ta may mắn còn truyền bản) lại có ghi thời Hùng Vương, tuy ghi một cách sơ sài. Đến thời Lê, thời Hùng Vương được chính thức ghi thành một Kỷ trong Đại Việt sử ký toàn thư: Kỷ Hồng Bàng.

Ngô Sỹ Liên đã kết hợp những sử liệu từ Trung Quốc (chủ yếu trong Tiền Hán thư) và câu chuyện trong cuốn huyền sử viết vào cuối thời Trần: cuốn Lĩnh Nam chích quái. Lấy nguồn từ Lĩnh Nam chích quái, Ngô Sỹ Liên có đối chiếu với những gì có thể đối chiếu được, vì vậy trong Kỷ Hồng Bàng ông có xác định niên đại rõ ràng. Vả lại thời kỳ đầu dựng nước là thời kỳ không thể không có trong lịch sử, vấn đề là diện mạo của nó như thế nào mà thôi. Việc chính thức đưa Hùng Vương vào sử sách chắc chắn là do chỉ đạo của vua Lê Thánh Tông, vì việc đó thực hiện cùng lúc với việc nhà vua anh minh này cho lập Ngọc phả Hùng Vương và tuyên bố “một tấc đất của cha ông cũng không để mất”.

Hơn nữa Lê Thánh Tông chủ trương viết quốc sử trong hoàn cảnh sử liệu bị mất mát nghiêm trọng do mưu đồ tận diệt văn hóa dân tộc của thế lực phương bắc mỗi lần xâm lược nước ta, nên ông đã đề nghị tập hợp tất cả các nguồn tài liệu có thể tập hợp được, kể cả dã sử. Mọi thứ đều được ghi lại để đời sau tiếp tục đối chiếu, thẩm định, điều này có ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Từ đó đến nay nhiều tài liệu về thời Hùng Vương không ngừng được bổ sung.  Đặc biệt từ cuối thập kỷ 60 và thập kỷ 70 của thế kỷ trước, giữa lúc người Mỹ đem bom dội xuống miền Bắc và tuyên bố “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, bên cạnh sự đáp trả bằng vũ khí của chính nghĩa, một chiến dịch khám phá thời kỳ Hùng Vương quy mô lớn nhất trong lịch sử đã được tiến hành do đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo. Kết quả của cuộc khám phá này, nhất là kết quả của khảo cổ học, từ văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn…, không những chứng minh thời kỳ này là có thật mà còn phát hiện biết bao nhiêu điều kỳ thú của văn minh dân tộc. Đó là một sự đáp trả bằng văn hóa.

Truyền thuyết và sử liệu ít ỏi đã được bổ sung bằng những sự thật nằm trong lòng đất. Nhưng những gì tìm kiếm được mới chỉ cho phép phác thảo một diện mạo ban đầu cộng với rất nhiều tranh luận. Những bí ẩn của thời kỳ Hùng Vương kéo dài trên dưới 2.000 năm trước Công nguyên đang và sẽ là cảm hứng thu hút các sử gia và các nhà khoa học hiện nay và nhiều thế hệ sau này nữa.

Hai năm trước, khi đọc loạt bài viết liên quan đến thời Hùng Vương đăng trên Báo Thanh Niên, một nhà địa chất học – tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ có gửi thư đến tòa soạn cho biết ông sẽ cung cấp những tài liệu về cổ địa lý để góp phần nghiên cứu thời Hùng Vương. Chúng tôi đã đọc kỹ những tài liệu của ông, đã nhiều lần trao đổi với ông và càng tìm hiểu càng thấy thú vị.

Theo kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Kỷ, thời kỳ địa chất Đệ Tứ (khoảng 2 – 2,5 triệu năm trước đến ngày nay) Việt Nam có 4 lần biển thoái và 4 lần biển tiến, hình thành 8 tầng trầm tích nguồn gốc lục địa và biển đan xen chuyển tiếp với nhau.

Những khảo sát địa chất cũng cho thấy trong 4 lần biển tiến thì lần thứ 3 là biển tiến đột biến. Độ cao và niên đại của đợt biển tiến này có thể đo được.

Thời điểm biển tiến đột biến có niên đại đo được là 4115 năm cách ngày nay (có sai số ± 50 năm). Nước biển dâng với biên độ 5,5 mét. Do mực nước giai đoạn cuối của thời kỳ biển thoái trước đó là – 2 mét (âm 2 mét) so với mặt nước biển hiện nay, nên mực nước do biển tiến đột biến thời kỳ này dâng lên 3,5 mét so với mặt nước biển hiện nay. Mực nước này duy trì ổn định kéo dài một khoảng thời gian là 1.015 năm, đến cách đây 3100 năm biển mới bắt đầu thoái.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên vô cùng thú vị: Đây chính là thời kỳ ra đời Nhà nước Hùng Vương, là khởi đầu của một nền văn minh mà chúng ta tự hào gọi là lịch sử 4.000 năm văn hiến.

Nhưng điều gì đã xảy ra khi “đùng một cái” nước biển dâng lên 5,5 mét và điều gì đã xảy ra khi mực nước cứ “ở lỳ” tại đó hơn 1.000 năm?

Trước hết, hãy nhìn hai tấm sơ đồ địa lý đồng bằng Bắc bộ thời đó trước và sau khi biển tiến: Diện tích đất đai sau khi biển tiến chỉ còn bằng 1/4 so với thời kỳ trước đó và chỉ bằng khoảng 1/10 so với diện tích hiện nay. Và chúng ta hãy hình dung: Cả một vùng đất đai màu mỡ rộng lớn bây giờ gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hà Đông, Hà Nội, một phần của Bắc Ninh… đã chìm trong nước biển. Những nơi trước đây là gò đồi thì biến thành hàng trăm đảo nhỏ nằm giữa một vùng vịnh nông nhưng rộng lớn bằng 90% diện tích đất đai bây giờ. Cha ông ta đã phải sống như thế nào, đã phải thích nghi như thế nào với một cơn đại hồng thủy thực sự như vậy?

2. Cái nhìn mới về Sơn Tinh – Thủy Tinh và chuyện Trăm trứng 

vua-hung-4
Hình chữ V nằm ngang do nước biển mài mòn tại Kim Sơn, Phát Diệm (Ninh Bình) – Ảnh: tư liệu

Những vết tích trên đá, trong lòng đất cho chúng ta thấy một cơn đại hồng thủy đã diễn ra hơn 4.000 năm trước. Chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh lại diễn ra vào thời Hùng Vương. Phải chăng đây là câu chuyện nói về sự kiện biển tiến đột biến này?

Vì sao gọi là biển tiến đột biến? Tài liệu khảo sát địa chất của tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ và các nhà địa chất học khác cho thấy:

+ Vết tích bào mòn của sóng biển trên vách đá tạo thành hình chữ V nằm ngang được ghi nhận trên chân vách đá nằm trong đồng bằng ở Kim Sơn (Ninh Bình) và những nơi khác ở Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tây, vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà… đều có độ cao trung bình 3,5 mét so với mặt nước biển hiện nay. Những vết tích bào mòn như vậy còn được ghi nhận trên hòn Trống Mái ở bờ biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) và nhiều nơi khác ở Bắc Trung Bộ, ở Nha Trang, Bà Rịa-Vũng Tàu, đảo Phú Quốc Nam Bộ. Những vết bào mòn hình chữ V đó chứng tỏ mực nước biển ổn định trong một thời gian rất dài.

+ Những khu rừng thực vật bị chôn vùi dưới lớp sét biển với những thân cây chết thẳng đứng rễ còn bám đất đã được tìm thấy tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Tây và nhiều nơi khác. Tiêu biểu là tại huyện Gia Lộc, Hải Hưng vào năm 1977 khi khai thác sét để sản xuất gạch ngói, người ta đã phát hiện những cây dừa nước bị chôn vùi, thân cây gồm cành lá và gốc rễ đều còn nguyên vẹn trong lớp sét mịn ở độ sâu 3 mét, dùng C14 để xác định tuổi, người ta đã xác định niên đại của cây dừa nước là 4.115 ± 50 năm. Đó chính là niên đại của biển tiến đột biến. Những rừng cây vẫn còn nguyên chết thẳng đứng chứng tỏ chúng đã bị chôn vùi trong môi trường yếm khí nước sâu, do biển tiến đột ngột bao trùm trên diện rộng, biên độ biến đổi lớn với tốc độ nhanh, riêng những cây có đường kính lớn thì nằm ngang do chúng cao hơn mực nước biển nên khi chết đã ngã xuống, quá trình trầm tích đã chôn vùi chúng dưới lớp sét dày.

+ Những đống vỏ hàu lớn được các nhà khảo cổ học phát hiện ở nhiều nơi có niên đại lớn hơn lớp thực vật và chôn vùi như lớp thực vật đó, chứng tỏ đống vỏ hàu này không phải được tạo thành ở môi trường tự nhiên mà chỉ có thể do con người từng sống ở đây bắt chúng làm thức ăn để lại vỏ.

+ Lớp sét xanh dẻo mịn và đồng nhất phủ trên lớp thực vật và bãi hàu có độ dày 2-3 mét được phân bố trên diện rộng nằm trên độ cao của lớp thực vật bị chôn vùi và nằm dưới những vết tích hình chữ V có mối liên quan với nhau. Vết tích mài mòn trên vách đá và chiều dày trầm tích bên dưới là bằng chứng không chỉ của hiện tượng biển tiến đột biến mà còn là bằng chứng của việc mực nước biển đã “nằm lỳ” ở đây trong một thời gian dài trước khi biển thoái. Thời gian mực nước biển “nằm lỳ” ở độ cao 3,5 mét được tính là 1.015 ± 80 năm, sau đó biển bắt đầu thoái.

Làm sao biết được nó đã “nằm lỳ” ở đó 1.015 năm? Những khảo sát về lớp hàu bé bám trên vách đá dưới vết tích hình chữ V nằm ngang cho biết điều đó. Trên vách đá dưới mực nước biển có một lớp hàu bám vào sinh sống, khi nước biển rút xuống lớp hàu vẫn bám trên vách đá và chết đi. Người ta dùng C14 để đo độ tuổi của lớp hàu này và xác định được niên đại là 3.100 ± 80 năm. Lớp hàu chết đánh dấu thời điểm mực nước rút xuống, lấy thời điểm nước lên là 4.115 năm trừ đi thời điểm nước rút 3.100 năm thành thời gian “nằm lỳ” của nó là 1.015 năm.

Như vậy là những khảo sát cổ địa chất cho thấy rất rõ từ hơn 4.000 năm trước, biển đã đột ngột dâng cao 3,5 mét và độ cao đó đã duy trì ổn định hơn 1.000 năm. Thời kỳ địa chất này tương ứng với thời Hùng Vương dựng nước ghi trong lịch sử.

Và như đã nói ở phần trước, đồng bằng Bắc Bộ chỉ còn lại một diện tích bé nhỏ bằng 1/4 trước đó và chỉ bằng 1/10 diện tích bây giờ (cần biết: mực nước hiện nay cao hơn mực nước trước khi biển tiến đột biến 2 mét, theo suy luận thông thường thì diện tích đồng bằng hiện nay phải bé hơn diện tích đồng bằng trước khi biển tiến đột biến, nhưng thực tế lại lớn hơn rất nhiều, lý do là quá trình biển tiến và biển thoái đã tạo ra trầm tích khiến cho đồng bằng bây giờ được mở rộng). Người Việt Nam ta không ai là không biết truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, đó có lẽ là truyền thuyết lâu đời nhất của dân tộc. Câu chuyện này được ghi trong Kỷ Hồng Bàng của Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng Ngô Sỹ Liên đã cẩn thận ghi chú: “(đây là câu chuyện) tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi”. 

Ngày nay chúng ta đã biết đến cơn đại hồng thủy 4.000 năm trước. Chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh lại diễn ra vào thời Hùng Vương. Vì vậy, chỉ có thể giải thích đây là câu chuyện nói về sự kiện biển tiến đột biến này. Đó chính là thiên anh hùng ca của người Việt chống lại, nói đúng hơn là thích nghi để tồn tại trước cơn đại hồng thủy kinh hoàng nhất trong lịch sử từng in đậm dấu ấn trong người xưa, được cách điệu để lưu truyền cho hậu thế.

Còn câu chuyện Trăm trứng, có lẽ cũng ra đời trong bối cảnh này. Đó là câu chuyện tuyên bố cội nguồn dân tộc. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh trăm trứng nở trăm con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển, dân tộc hình thành từ đó. Ngô Sỹ Liên không cho chuyện ấy là hoang đường. 50 người lên núi thì đã rõ, còn 50 người xuống biển thì đi đâu? Phải chăng do đất đai lúc đó bị thu hẹp, dân tộc ta đã phải tự tổ chức lại, vừa phải khai phá những vùng đất trên núi, vừa tận dụng hàng trăm hòn đảo được hình thành do biển tiến để tổ chức lại cuộc sống. “Xuống biển”, nghĩa là đến ở tại những hòn đảo này.

Có lẽ khi ấy không có chiến tranh, trước khi biển tiến, con người tự do sinh sống một cách riêng lẻ bằng đánh bắt, hái lượm, canh tác trên một vùng đất bao la màu mỡ. Bỗng nhiên môi trường sống bị thu hẹp, thu hẹp một cách khắc nghiệt. Muốn sống được, con người phải đoàn kết lại. Chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh và chuyện Trăm trứng chính là những bản tuyên ngôn, tạo tiền đề để dựng nước.

vua-hung-5
Biểu đồ dao động mực nước biển 7.000 năm nay: Mực nước ổn định trong khoảng thời gian từ 4.115 năm đến 3.100 năm cách ngày nay, đạt cực tiểu vào 2.300 năm cách ngày nay, sau đó tiến cao dần lên mức hiện nay

3. Biển tiến: dựng nước – Biển lùi: giữ nước .

vua-hung-6

Biển tiến 3,5 mét, các vua Hùng dựng nước để đối phó với thiên tai. Biển lùi – 6 mét, dân tộc phải đương đầu với quân cướp nước. 

Chúng ta không thể hình dung khi đất đai bị thu hẹp chỉ còn lại núi và vùng đồi khô cằn do bị xâm thực, cha ông ta đã phải thích nghi như thế nào. Nhưng điều chắc chắn là con người không thể sống riêng lẻ như trước nữa, mà phải tổ chức lại cuộc sống để thích nghi với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt. Trước đây với đất đai rộng lớn màu mỡ, con người có thể hái lượm, đánh bắt, canh tác với công cụ bằng đá thô sơ thì nay không thể sống theo cách đó được.

Việc cải tiến công cụ và phân công lao động được đặt ra một cách bức thiết.

Trong một số hoàn cảnh cụ thể của lịch sử nhân loại thì nhà nước ra đời khi con người đứng trước sự đe dọa sống còn mà bản thân mỗi người không thể tự mình đối phó được. Hai mối đe dọa chủ yếu là thiên tai và chiến tranh. Thời đó chắc là chưa có chiến tranh, nhưng mối đe dọa từ thiên nhiên là kinh khủng. Muốn tồn tại trong điều kiện biển tiến đột biến thời đó, tổ tiên ta ít nhất phải giải quyết 3 vấn đề: đoàn kết thành cộng đồng, phân bố lại dân cư và cải tiến công cụ lao động.

“50 người lên núi, 50 người xuống biển” nếu không phải là phân bố dân cư thì là gì? Nó còn là chỉ báo nói lên sự đoàn kết, không đoàn kết thì làm sao dắt nhau lên núi, dắt nhau xuống biển? Và phải có một cộng đồng có quyền lực đủ mạnh mới có thể làm được việc đó. Nó phải do nhà nước tiến hành.

Từ những di chỉ khảo cổ học, các nhà sử học cho rằng với thời đại đồng thau, chúng ta bước vào thời kỳ nước Văn Lang, tức là Nhà nước Hùng Vương ra đời sau khi cha ông ta chế tác được các công cụ bằng đồng. Nhưng theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, Nhà nước Văn Lang nhất định phải có trước khi có đồ đồng. Theo ông, việc khai thác và chế tác đồng là không hề đơn giản, vì trong tự nhiên không có đồng nguyên chất, nó chỉ chứa trong quặng và với hàm lượng không cao, phải luyện mới ra đồng. Ông nói ngay cả trong thời đại công nghệ ngày nay thì việc thăm dò, khai thác tuyển quặng và luyện kim đồng vẫn còn là việc phức tạp. Chỉ có một xã hội trình độ cao, nói thẳng ra là phải có nhà nước thì mới có thể tổ chức thăm dò, khai thác và luyện đồng được. Tất nhiên quá trình chế tác công cụ bằng đồng phải trải qua rất nhiều thế hệ mới đến một trình độ tinh xảo như chúng ta biết ngày nay qua các di chỉ khảo cổ học. Cần biết thêm, những di chỉ đồ đồng được phát hiện từ văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn… đều nằm ở độ cao trên 3,5 mét và hậu thế không thể không cúi đầu bái phục tài nghệ của tiền nhân.

Cho nên, có thể đưa ra một luận cứ rằng, cơn đại hồng thủy đã đẩy người Việt đến chỗ thúc bách phải xây dựng một nhà nước. Đó là Nhà nước Hùng Vương. Những phát hiện cổ địa chất có thể giúp các nhà sử học nghiên cứu thêm để xác định niên đại ra đời của Nhà nước Hùng Vương mà theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, nhà nước đó ra đời ngay sau khi biển tiến đột biến, nếu chậm hơn cũng không lâu.

vua-hung-7
Hàu bé hóa thạch có niên đại 3.100 năm trên vách đá cách cửa chùa Hang (Kiên Giang) 10 mét ở độ cao 2 – 3 mét bằng độ cao vách dưới hình chữ V nằm ngang do mực nước biển mài mòn. Đây là niên đại đánh dấu thời kỳ biển bắt đầu thoái

Và giữa lịch sử và địa lý lại tiếp tục có mối tương quan thú vị khác. Sau hơn 1.000 năm nằm lì ở độ cao 3,5 mét, biển đã đột ngột hạ xuống 1,5 mét, mực nước còn cao hơn 2 mét so với hiện nay. Đặc biệt, biển thoái đột biến đã khiến cho những dòng sông chảy cắt ngang qua đồng bằng hình thành từ thời biển tiến trước đó thành những đoạn sông thẳng kéo dài trước khi phân nhánh, đó là đoạn sông Hồng từ Mê Linh, Vĩnh Phúc tới thị xã Hưng Yên, sông Thái Bình từ Phả Lại đến Thanh Miên ở Bắc Bộ, hay sông Hậu từ Châu Đốc đến Cần Thơ, sông Tiền từ Hồng Ngự đến Mỹ Thuận. Sau đó biển thoái từ từ và đạt đến cực tiểu – 6 mét so với mực nước biển hiện nay.

Dấu tích của thời kỳ biển thoái này còn để lại hình chữ V nằm ngang trên các vách đá bị mài mòn, tuổi tuyệt đối của lớp vỏ hàu bé trên vách đá và lớp than bùn trên các kênh rạch cổ…

Mực nước biển hạ đột ngột 1,5 mét có niên đại 3.100 năm ±80 năm. Đến khoảng 2.300 năm cách ngày nay thì hạ xuống mức cực tiểu – 6 mét. Sau đó là thời kỳ biển tiến, tiến từ từ cho đến ngày nay.

Điều gì đã và có thể diễn ra trong thời kỳ này? Thử hình dung: Khi biển hạ xuống – 6 mét, diện tích đồng bằng đã mở rộng ra bát ngát. Đất liền đã mở ra hàng chục km hướng biển Đông và diện tích đất nước rộng hơn gấp rưỡi so với bây giờ.

Với một đồng bằng phì nhiêu rộng lớn, nước ta lúc ấy trở thành một đích ngắm cho thế lực xâm chiếm từ phương Bắc. Tổ tiên ta lúc này có lẽ không phải đối phó nhiều với thiên nhiên nữa mà bắt đầu một cuộc đấu tranh dai dẳng chống xâm lược. Chuyện Thánh Gióng là sự ghi dấu của thời kỳ đồ sắt và là thiên anh hùng ca chống ngoại xâm của dân tộc ra đời vào thời kỳ này.

Tóm lại Nhà nước Hùng Vương hình thành sau một sự cố thiên tai có thể liệt vào loại nghiệt ngã nhất trên hành tinh và khi được thiên nhiên ưu đãi, dân tộc phải đem máu xương ra giữ nước. Trải qua những giai đoạn thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử, những gì của cha ông để lại là trường tồn muôn đời cho con cháu. “Các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, người Việt Nam không ai có thể quên được lời nói bất hủ đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hoàng Hải Vân
Báo Thanh Niên
Tiêu đề do lstv đặt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *