154. Mã số di truyền của Tổ Hùng Vương

Để hiểu rõ truyền thuyết, huyền sử và cổ sử Việt ta hãy thử đi tìm mã số DNA hay mã số di truyền học (genetic code) của Hùng Vương. Muốn thế trước hết ta phải đi tìm bản thể của Hùng Vương dựa trên DNA. Bản thể phải dựa vào “tế bào gốc” của các Tổ Hùng tức là ta phải dựa vào tế bào cuống nhau, tế bào màng nhau, tế bào bọc con của Hùng Vương. Truyền thuyết kể rằng Mẹ Tổ Âu Cơ sinh ra một bọc trứng chim nở ra trăm Lang Hùng. Tại sao Mẹ Tổ Âu Cơ lại sinh ra một bọc trứng chim? Theo truyền thuyết Mường Việt cổ bà Ngu Cơ (Âu Cơ) là con Nai sao. Nhìn vào hàng trên Gà, Bầu, Cọc (Hươu) của bàn Bầu Cua Cá Cọc tức ngành dương, ngành Lửa, ta thấy con Nai (nai là con cái, nai biến âm với nái) thuộc dòng con hươu Cọc (Hươu Nọc, Hươu Đực, Hươu Mặt Trời, Lộc Tục) Kì Dương Vương (hươu là con đực, hươu, hiêu, hươu biến âm với hèo, nọc) . Kì Dương Vương là con của Bầu Đỏ Đế Minh (Bầu là bầu trời, Đỏ là lửa, lửa bầu trời là ánh sáng tức Minh), thuộc ngành Lửa thế gian con Gà. Gà là hình bóng thế gian của thần Mặt Trời Viêm Đế. Như thế Mẹ tổ Âu Cơ có dòng máu bầu nên đẻ ra một bầu, một bọc trứng và có dòng máu Gà là một loài chim nên bọc trứng là bọc trứng chim (Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc). Bọc trứng này mang hình bóng của Trứng Vũ Trụ (Cosmic Egg), Bọc Trứng Tạo Hóa, Sinh Tạo. Các vua Hùng thế gian (đây có thể là Hùng Vương của lịch sử) vì thế có một khuôn mặt vũ trụ, tạo sinh, tạo hóa. Nói một cách khác các vua Hùng thế gian đội lốt các vua Hùng Tạo Hóa, vũ trụ. Các vua Hùng lịch sử đội lốt các vua Hùng truyền thuyết. Các Lang Hùng sinh ra từ bọc Trứng Vũ Trụ hiển nhiên có bản thể là Bầu (bọc, nang), bầu Tạo Hóa, bầu vũ trụ, bầu trời, Trứng Vũ Trụ. Tại sao bọc trứng chim của Mẹ Tổ Âu Cơ chỉ sinh ra toàn con trai mà không có con gái ? Mẹ Tổ Âu Cơ thuộc dòng lửa (dương tính), chim (chim có một khuôn mặt là dương, đực) và nhìn theo diện dòng thái dương mặt trời Viêm Đế nên bọc trứng chim này mang dương tính trội (dominant), vì thế mới sinh ra toàn là con trai Lang. Các vua Hùng là vua dòng mặt trời giống như các Pharaohs của Ai Cập cổ. Các vua mặt trời Pharaohs (dù có vị còn ở dưới tuổi dậy thì) đều được biểu tượng bằng bộ râu cằm (râu dê) mang hùng tính (phái nam) vì thế ngay cả hoàng hậu Hatchepsut tự coi mình như một Pharaoh cũng cho làm các tượng của mình có râu cằm. Tất cả các vị thần Ai Cập cổ thuộc dòng mặt trời nên đều được diễn tả bằng linh tự (hieroglyph) là một người có râu cằm. Vậy ta phải hiểu nhìn theo diện duy dương, bọc trứng sinh ra toàn con trai là bọc trứng dương sinh ra các vua mặt trời, các vua Hùng dòng mặt trời Viêm Đế. Bọc vũ trụ dương tức Khôn dương (IO) nên là bọc Khí, bầu Gió dương, tức Đoài vũ trụ. Theo Dịch Đoài tầng vũ trụ ứng với số 3 và Đoài tầng thế gian ứng với con số 11 (Dịch có 64 quẻ chia ra làm 8 chu kỳ tuần tự, ta suy ra các quẻ trừ đi 8 hay cộng thêm 8 cho ra các số khác cũng vẫn là một quẻ cùng tên chỉ khác là ở các tầng khác nhau). Vậy mã số di truyền thứ nhất của Hùng Vương mang khuôn mặt vũ trụ là con số 3 và khuôn mặt thế gian là số 11. Mẹ Tổ Âu Cơ có dòng máu Tốn gió âm từ phía bên ngoại Khảm Thần Long (Rồng Nước) và Khôn Vụ Tiên (chim Le Le). Di thể (gene) Tốn gió âm này của mẹ Âu Cơ truyền xuống Hùng Vương ở ngành dương, lửa trở thành di thể Đoài vũ trụ khí gió dương (Tốn OII là khuôn mặt âm của Đoài IIO). Theo Dịch Tốn vũ trụ ứng với số 6 và Tốn thế gian là 14. Vậy mã số di truyền thứ nhì của Hùng Vương mang dòng máu mẹ sinh tạo, Tạo Hóa, vũ trụ là con số 6 và mẹ thế gian là con số 14. Như thế Hùng Vương ngành Lửa dòng mẹ là Đoài/Tốn (3/6 hay 11/14).

Vì có mạng gió Đoài vũ trụ, dòng máu gió âm Tốn của mẹ nên Hùng Vương dòng lửa mới đóng đô ở Phong châu tức châu Gió và có chim biểu là con Cò Gió, Cò Lả, Cò Lang tức Cò Trắng (Lang có một nghĩa là trắng như chứng bị lang da, da hóa trắng, chứng vitiligo). Cò Gió Lang Hùng Vương có mẹ là U Cò (có tác giả cho rằng Âu Cơ là biến âm của U Cò). U cò Âu Cơ có mạng Tốn gió âm là Cò Gió cái nên phụ nữ Việt, con cháu Âu Cơ mới mang hình ảnh “Cái cò lặn lội bờ aophất phơ hai dải yếm đào gió bay”. Có Gió Lang Hùng Vương có cha là Cò Nước, Cò Nác, Cò Lạc. Cũng vì có khuôn mặt là Cò Gió, Cò Lang, Cò Trắng nên mới có địa danh Bạch Hạc (Cò Trắng) bên bờ sông Thao (Lô), kinh đô cũ Phong châu của nước Văn Lang:

Hùng Vương đô ở Phong châu,
Ấy nơi Bạch Hạc, hợp dòng Thao Giang.
Đặt tên là nước Văn Lang.
Chia mười lăm bộ, bản chương cũng liền…

(Lê Ngô Các, Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca).

Khuôn mặt gió dông Đoài vũ trụ này đi với truyền thuyết Phù Đổng thiên vương. Đây là vị thần hay vị anh hùng văn hóa có cốt là sấm dông tố, có mạng Đoài vũ trụ (vì thế mới giúp Hùng Vương thứ 6 có mạng Đoài/Tốn đánh giặc Ân) (xem bài viết về Phù Đổng Thiên Vương).

Mặt khác, Đoài thế gian là Bầu thế gian, là bầu, bọc nước ấm tức ao đầm, ruộng nước (bầu có một nghĩa là ao, đầm như bầu sen = ao sen = đầm sen, ao biến âm với áo, cái bao, cái bọc, lớp bao che). Hùng vương thế gian có một khuôn mặt là ao đầm nên mới có thủ đô lấy tên là Việt Trì (Ao Việt) ở đất Phong châu, có địa danh là Hạc Trì (Ao Cò).

Ở cõi Tạo Hóa, Sinh Tạo, đi đôi với khuôn mặt gió âm Tốn, Lạc Long Quân có khuôn mặt sinh Tạo cõi trời là Nước-Lửa cõi trời là Mây-Chớp tức sấm mưa Chấn. Chấn vũ trụ là số 1. Ở cõi thế gian, đi đôi với khuôn mặt thế gian Non (Núi âm) của Âu Cơ (Mẹ Tổ Âu Cơ có dòng máu Nai ngành Lửa, Núi dương Kì Dương Vương Hươu Cọc tức Cấn Non nên bà đem 50 con lên núi về quê nội), Lạc Long Quân thế gian có một khuôn mặt là Chấn thế gian tức Biển. Theo Dịch số 9 là số Chấn thế gian tầng 2 (1 + 8 = 9). Vậy mã số di truyền theo dòng máu cha của Hùng Vương vũ trụ là con số 1 và Hùng Vương thế gian là con số 9. Hùng Vương thế gian theo dòng cha có mã số di truyền là số 9.

Ngoài ra qua hình ảnh hai con số 6 và 9, ta cũng thấy rất rõ Âu Cơ Tốn 6 và Lạc Long Quân Chấn 9 ngược nhau như hai con số 6 và 9. Số 6 và số 9 kết hợp chồng lên nhau thành hình số 8. Trong toán học số 8 để nằm ngang có một khuôn mặt vô cực, dùng làm ký hiệu vô cực. Điều này cũng xác nhận thêm một lần nữa là Trăm Lang Hùng có một khuôn mặt Hư Vô, Vô Cực, Vũ Trụ. Hai số 6 (Âu Cơ) và 9 (Lạc Long Quân) hôn phối với nhau dưới dạng chuyển động, sinh tạo sinh ra hình nang Thái Cực hay Trứng Vũ Trụ (ở dạng âm dòng Lạc Long Quân ngược với đĩa Thái Cực của Đạo giáo Trung Hoa) tức đẻ ra bầu, bọc Trứng Vũ Trụ Trăm Lang Hùng.

thaicuc-thumb

Đĩa Thái Cực của Đạo giáo Trung Hoa

clip-image004-thumb7

Nang Thái Cực hay Trứng Vũ Trụ (dạng âm) = bọc trứng Trăm Lang Hùng (phần mầu trắng dương có hình số 6 và phần đen âm có hình số 9).

Bọc Trứng Hùng Vương Vũ Trụ (hay đĩa Thái Cực) cho thấy rõ như ban ngày là Hùng Lang chia ra làm hai ngành âm dương, nước lửa. Năm mươi Lang Hùng theo mẹ lên núi và 50 người còn lại theo cha xuống biển. Năm mươi người theo mẹ lên núi ứng ngành lửa (phụ nữ Việt, con cháu Âu Cơ mang dòng máu dương nữ) với phần dương, lửa mầu trắng có hình số 6 (số 6 là số chẵn số âm, số mẹ) thuộc dòng Lửa, Núi Dương Kì Dương Vương là các vua Mặt Trời Nọc Lửa hừng rạng thuộc hệ Nọc, Lửa (Viêm Đế, Đế Minh, Kì Dương Vương). Các vua Hùng Vương thế gian ngành này là Hùng Li hay Hùng Kì hay Hùng Âu thuộc hệ phái Kì Dương Vương. Năm mươi Lang theo cha xuống biển ứng với phần âm, nước, mầu đen có hình số 9 (số 9 là số lẻ, số dương, số cha) thuộc dòng Nòng, Nước dương, (Thần Nông, Lạc Long Quân, Hùng Vương ngành âm) thuộc hệ phái An Dương Vương. Phái nam Việt Nam, con cháu Lạc Long mang dòng máu âm nam (nên các ông Việt âm nam phải biết thân biết phận với các bà dương nữ!). Các vua Hùng thế gian này là Hùng Lạc hay Hùng An. Vì thế về sau mới có dạng kết hợp giữa Hùng Âu và Hùng Lạc tạo ra nước Âu Lạc.

Đọc truyền thuyết và cổ sử Việt, ta cũng thấy các vị Hùng Vương thường gắn bó chặt chẽ với con số 18. Ví dụ như các vua Hùng trị vì 18 đời kéo dài suốt khoảng thời gian 2622 năm, trong truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, mỵ nương Ngọc Hoa đời Hùng Vương thứ 18 lấy Sơn Tinh, Lang Liêu vị công tử thứ 18 làm ra bánh chưng, công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử lúc 18 tuổi, vân vân…

Tại sao Hùng Vương lại gắn bó mật thiết với con số 18? Dĩ nhiên con số này phải liên hệ ruột thịt với bản thể Hùng Vương nghĩa là liên hệ với các mã số di truyền vừa mới nói ở trên. Vậy ta cần phải tìm ý nghĩa con số 18 này trong Dịch lý dựa vào các mã số di truyền 3, 6, 9.

Trước hết, như đã biết 100 Lang Hùng đẻ ra từ bọc Trứng Vũ Trụ nên có mạng Đoài vũ trụ. Số 3 là số Đoài vũ trụ. Vậy ta hãy nghiên cứu ma phương có số trục là số 3:

clip-image006-thumb7

Ma phương 3/18 (lưu ý trong ma phương này số 1 còn tương đương với 10 và số 2 tương đương với 11).

Xin nhắc qua một chút về ma phương. Ma phương (magic square) là gì? Nói nôm na giản dị là hình vuông thần kì có 9 ô, trong mỗi ô có một con số. Đọc theo tất cả các chiều, 3 con số cộng lại đều bằng nhau. Ma phương 3/18 có con số 3 là con số trục nằm ở ô giữa hình vuông và cộng các con số theo các chiều lại bằng 18.

Như thế trăm Lang Hùng có mạng Đoài vũ trụ ứng với ma phương 3/18. Năm mươi Lang theo mẹ có dòng máu sinh tạo, Tạo Hóa là Tốn (đi với khuôn mặt chim) thuộc ngành lửa Càn Li. Số 6 là số Tốn. Như thế 50 Lang theo mẹ lên núi ứng với ma phương có số trục là số 6 tức ma phương 6/18. Ma phương 6/18 có con số 6 là con số trục nằm ở ô giữa hình vuông và tổng cộng các con số đọc theo các chiều lại bằng 18.

clip-image008-thumb4Ma phương 6/18
(lưu ý trong ma phương này cũng giống như trong ma phương 3/18, số 1 còn tương đương với 10 và số 2 tương đương với 11).

Năm mươi Lang theo cha Lạc Long Quân xuống biển, nước dương, Chấn. Số 9 là số Chấn thế gian. Như thế 50 Lang theo cha xuống biển ứng với ma phương có số trục là số 9 tức ma phương 9/18.

clip-image010-thumb4

(lưu ý trong ma phương này cũng giống như trong ma phương 3/18, 6/18, số 1 còn tương đương với 10 và số 2 tương đương với 11).

Tóm lại trăm Lang Hùng Đoài vũ trụ có ma phương 3/18. Năm mươi lang Hùng Đoài/Tốn (6) ngành mẹ, Lửa, Đế Minh-Kì Dương Vương có ma phương 6/18 và năm mươi lang Hùng Đoài/Cấn-Chấn (9) ngành cha, Nước, Lạc Long Quân-An Dương Vương có ma phương 9/18. Cả ba khuôn mặt Hùng Vương đều có con số 18. Mặt khác ba ma phương 18 có ba số trục là (Đoài Hùng Vương vũ trụ) 6 (Tốn, dòng máu mẹ Âu-Cơ) và 9 (Chấn, dòng máu cha Lạc Long Quân) cộng lại là 3 + 6 + 9 = 18. Như thế rõ như ban ngày con số 18 là một mã số di truyền học của Hùng Vương. Điều này giải thích tại sao trong truyền thuyết và cổ sử Việt, ta thấy con số 18 gắn bó với Hùng Vương.

Cũng cần nói thêm một điều lý thú nữa là ta có con rùa nước ngọt, rùa ao đầm Đoài thế gian (bản thể của Hùng Vương thế gian) có tên là con ba ba (ta có món ăn nấu giả ba ba vì kiêng ăn thịt vật tổ). Ta biết con rùa có mai hình vòm vũ trụ, bầu trời nên là biểu tượng cho hư vô, vũ trụ ruột thịt với Dịch như ta thấy bên cạnh Phục Hy thường có con rùa và con rùa có mai “ba thước vuông” của Việt Thường trên có khắc chữ nòng nọc ghi lại vũ trụ tạo sinh từ thuở mở ra trời đất… (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Rùa ba ba là rùa nước ngọt ao đầm Đoài thế gian nên được đặt tên theo Dịch Hùng Vương. Ba ba có các nghĩa như sau: ba (3) ứng với ma phương 3/18, là khuôn mặt Hùng Vương vũ trụ , ba cộng ba là 6 ứng với Tốn 6, với ma phương 6/18 là khuôn mặt Hùng Vương dòng lửa, dòng mẹ và ba nhân ba là 9. Số 9 là số Chấn, ứng với ma phương 9/18, là khuôn mặt Hùng Vương dòng nước, dòng cha. Rùa ba ba là rùa Hùng Vương. Trên Bàn Bầu Cua Cá Cọc, con Cua tương đương với con rùa ba ba vì cua và rùa đều có mai hình vòm biểu tượng cho vòm vũ trụ, vòm trời, bọc khí gió. Con Cua là biểu tượng mang tính dân gian, bình dân của Hùng Vương trong khi rùa ba ba mang tính biểu tượng bác học của Hùng Vương (Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc).

Như thế, hiển nhiên con số 18 là mã số di truyền học của Hùng Vương. Hiểu như thế rồi ta hãy thử phân tích vài con số 18 liên hệ với Hùng Vương trong truyền thuyết và cổ sử Việt.

Trước hết là Hùng Vương làm vua được 18 đời. Con số này thật ra thay đổi. Trong số các ngọc phả Hùng Vương hiện còn giữ lại ở Vĩnh Phú nơi có đền Hùng, có quyển ghi là 17 đời, có quyển ghi 18 đời và nếu tính cả Kì Dương Vương và Lạc Long Quân, có quyển ghi đến 29 đời… Nhưng phần lớn các nhà văn hóa Việt Nam chọn con số 18. Vấn đề Hùng Vương làm vua được 18 đời này đã được các nhà nghiên cứu cổ sử Việt tranh cãi rất nhiều. Đa số đồng thuận cho rằng đây là 18 dòng vua, 18 triều đại, trong mỗi triều đại có nhiều vị vua, không phải chỉ là 18 vị vua Hùng mà thôi (vì nếu lấy khoảng thời gian 2622 năm chia cho 18 ông vua thì mỗi vị cai trị trên một trăm năm). Trần Huy Bá nghiên cứu các ngọc phả Hùng Vương đếm được đến 43 vị vua Hùng. Có người cho rằng con số 18 này lấy từ 18 vị vua Hùng của nước Sở (Nguyễn Phương). Riêng tôi, tôi nghĩ là con số 18 này dù là truyền thuyết hay dù là lịch sử đều có nguồn gốc từ Dịch lý, từ mã số di truyền của Hùng Vương. Thật vậy những con số 17, 29 đời ghi trong các ngọc phả Hùng Vương khác nhau đều có thể giải thích bằng Dịch. Nếu trong ngọc phả viết 17 đời thì con số 17 là con số Chấn tầng 3 (số 1 là Chấn tầng 1, số 9 là Chấn tầng 2 và 17 là Chấn tầng 3, tầng nước thế gian). Ngọc phả này tính theo Hùng Vương thuộc dòng An Dương Vương, Lạc Long Quân thế gian có bản thể Chấn nước. Ngọc phả ghi 29 đời thì số 29 là số Li tầng 4 (số 5 là Li tầng 1, 13 là Li tầng 2, 21 là Li tầng 3 và 29 là Li tầng 4). Ngọc phả này tính theo dòng Kì Dương Vương (vì thế mới ghi là gồm cả Kì Dương Vương là vậy) thuộc dòng mẹ Âu Cơ. Còn con số 18 đời hiển nhiên bao gồm cả hai ngành của Hùng Vương như đã thấy qua các ma phương ở trên.

Còn khoảng thời gian trị vì của họ Hồng Bàng thế gian kể từ Kì Dương Vương trở xuống thường cho là dài 2622 năm (Đại Việt sử ký toàn thư), con số này cũng đã gây ra nhiều tranh luận giữa các nhà nghiên cứu truyền thuyết và cổ sử Việt từ trước tới nay. Kết quả cũng không đi tới đâu. Tôi lại dựa vào Dịch lý. Phân tích số 2622 có hai số đầu 26 là số Khảm tầng 4. Khảm hôn phối với Li ứng với Kì Dương Vương. Hai số cuối 22 là số Tốn tầng 3. Tốn là bản thể của Âu-Cơ thuộc dòng lửa Càn Li, nếu nhìn theo diện thế gian là dòng Kì Dương Vương. Vậy con số 2622 năm trị vì của họ Hồng Bàng thế gian này tính từ Kì Dương Vương đến Hùng Vương, tính theo dòng lửa đất thế gian Kì Dương Vương, tính theo Hùng Kì, Hùng Âu. Giản dị chỉ là thế. Lưu ý con số 2622 là số chẵn, số âm vì tính theo dòng mẹ. Trong một ngọc phả Hùng Vương viết thời gian này dài 2535 năm (Trần Huy Bá). Phân tích ta thấy số 25 là số Chấn tầng 4 ứng với Lạc Long Quân và 35 là số Đoài tầng 5. Con số trong ngọc phả này tính theo Lạc Long Quân dòng An Dương Vương tức Hùng An hay Hùng Lạc. Ta cũng thấy con số 2535 là số lẻ, số dương vì tính theo dòng cha.

Kế đến, trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, nàng mỵ nương Ngọc Hoa con vị Hùng Vương thứ 18 lấy Sơn Tinh. Sơn Tinh là Thần Núi Tản Viên như thế con số 18 này dựa vào ma phương dòng lửa núi dương Kì Dương Vương tức dòng mẹ Âu-Cơ ứng với ma phương 6/18. Đây là lý do Hùng Vương dòng núi Li mới gả con cho Sơn Tinh, Thần Núi Dương có mạng Li cùng một dòng nọc, lửa và cũng giải thích tại sao Sơn Tinh giúp Hùng Vương thứ 18, đời cuối cùng, đánh lại An Dương Vương dòng nước Thủy Tinh.

Mặt khác tên Ngọc Hoa có nghĩa là “Đá Quí đẹp như Hoa”. Đá tương đồng bản thể với núi dương, núi đá Sơn Tinh. Ngọc là một thứ đá quí cùng dòng tộc với núi đá. Vì vậy mà Ngọc Hoa mới lấy Thần Núi Sơn Tinh.

Trong truyện Bánh Chưng, vào đời Hùng Vương thứ 6, Lang Liêu vị công tử thứ 18 làm ra bánh chưng. Hùng Vương thứ 6 mang dòng máu Tốn số 6 của Âu Cơ thuộc ngành Lửa, Hùng Kì, Hùng Âu. Lang Liêu là công tử thứ 18 ứng với ma phương dòng ngoại 6/18. Dưới diện hình thể, bánh chưng làm theo hình vuông đất âm ruộng đồng (mặt vuông chữ điền). Trong chữ Nòng Nọc, hình vuông là dạng dương hóa, dạng thái dương của nòng vòng tròn O. Hình vuông là O thái dương, O Lửa, U Thái dương tức Âu Cơ Thái dương Thần Nữ của chúng ta (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Ta cũng thấy rõ O Lửa (II) là OII (Tốn), là Âu Cơ có khuôn mặt Tốn số 6. Về hình học, hình vuông có bốn cạnh do bốn que nọc ghép lại nên có nghĩa là bốn. Theo biến âm v=b, vuông = buông = bốn. Hán ngữ tứ (bốn) viết với khung hình vuông. Theo Dịch, số 4 là số Cấn, đất âm (non, đồng ruộng). Như trên đã biết Cấn là dòng máu núi non về phía nội lửa Kì Dương Vương của Âu Cơ. Ta cũng thấy theo duy âm, bánh chưng ruột thịt với U, Âu-Cơ qua hình ảnh chiếc bánh chưng gói theo hình cái vú gọi là bánh ú của Miền Trung. Với v câm, vú = ú, u (vú là chỗ phồng u lên, ú lên ở ngực phái nữ). Vú, u cũng có nghĩa là mẹ. Ta cũng biết bánh chưng đi đôi với bánh dầy. Nếu bánh chưng là biểu tượng của Âu-Cơ thì lúc này bánh dầy là biểu tượng của Lạc Long Quân. Tại sao gọi là bánh dầy? Theo biến âm d=t (dựa = tựa), dầy = tầy = thầy. Bánh dầy là bánh Thầy Lạc Long Quân trong khi bánh chưng là bánh U, bánh Ú Âu-Cơ. Bánh dầy hình tròn thường mầu trắng biểu tượng cho bầu trời, bầu vũ trụ tròn, cho mặt trời nòng âm biểu tượng khuôn mặt sinh tạo, Tạo Hóa của Lạc Long Quân đi với bánh chưng vuông ruộng đồng đất âm Âu-Cơ. Nhiều nơi ở miền Bắc còn làm bánh dầy nhuộm mầu hồng tím biểu tượng cho mặt trời lặn Lạc Long Quân.

Công chúa Tiên Dung con vua Hùng vương thứ lấy Chử Đồng Tử lúc 18 tuổi. Hùng vương thứ 3 có mạng Đoài vũ trụ ứng với ma phương 3/18. Vì thế mà Tiên Dung đến tuổi 18 gặp và lấy Chử Đồng Tử. Công chúa Tiên Dung có Dung là Dong (bao dung = bao dong) có nghĩa là bao, bọc (lá dong dùng bọc, gói bánh chưng) có dòng máu gió âm Tốn (6). Hiển nhiên Chử Đồng Tử, Cậu Bé Ven Sông thuộc dòng nước Chấn (9), Hùng Lạc, Hùng An (An Dương Vương). Bất chấp sự chống đối của vua cha Tiên Dung vẫn lấy Chử Đồng Tử vì duyên tiền định đã khiến hai người gặp nhau trong lúc trần truồng. Cái duyên tiền định này chính là cái lẽ trời, cái lý hòa hợp âm dương của trời đất, vũ trụ, càn khôn. Tiên Dung 6 hôn phối với Chử Đồng Tử 9 là hình bóng của Âu Cơ 6 hôn phối với Chấn 9 tạo thành Trứng Vũ Trụ, Nang Thái Cực mang hình ảnh bọc Trứng Hùng Vương như đã thấy qua hình ở trên. Tiên Dung và Chử Đồng Tử là một thứ âm dương, càn khôn hòa hợp tạo thành Nhất Thể.

Tiên Dung mạng khí gió vòm vũ trụ, vòm trời có vật biểu là cái nón lá hình vòm và Chử Đồng Tử có Chử là bờ nước, Chử biến âm với cừ là cái cọc cắm ở bờ nước. Chử Đồng Tử là Cậu con Trai sống bên bờ nước chính là nghĩa của chiếc cừ, chiếc cọc cắm ở bờ nước là “cọc nước” nên có vật biểu là cây gậy tre tròn (gậy tròn mang âm tính dòng âm, nước). Do đó Tiên Dung và Chử Đồng Tử mới được một tu sĩ trao cho một cây gậy tre và một chiếc nón lá và bảo “linh thiêng ở những vật này đây”. Tới một đêm kia, khi bị quân của vua cha vây hãm, hai người lấy cái nón âm để lên cây gậy dương để xem linh ứng ra sao. Âm dương giao hòa. Dông tố nổi lên, hai người vụt bỗng bay lên trời (về với Đoài vũ trụ). Vùng đất ở đó sụt xuống thành một cái đầm gọi là Chằm Nhất Dạ (Đầm Một Đêm). Ao đầm là Đoài thế gian. Điểm này ăn khớp hoàn toàn với bản thể bầu, bọc, Trứng Vũ Trụ, Sinh Tạo của hai người kết hợp lại thành nhất thể. Ở cõi trên là Bọc khí gió Đoài vũ trụ và ở cõi thế gian là bọc, bầu nước ấm ao đầm.

Trước khi chấm dứt cũng xin nói tới một con số mà các nhà văn hóa Việt Nam đã tốn rất nhiều giấy mực là con số 15 trong câu sử ghi rằng nước Văn Lang chia ra làm 15 bộ. Theo tôi, dù là truyền thuyết hay lịch sử thì con số 15 này cũng ứng với ma phương 5/15. Con số 5 là con số nằm giữa chín con số từ 1 đến 9 nên ma phương 5/15 là ma phương trục của chín ma phương ứng với 9 con số. Ma phương 5/15 là ma phương trục của vũ trụ, của Tam Thế ứng với Lạc Thư. Vì thế ma phương này được nghe nói tới nhiều nhất. Số 5 cũng là số Li có một khuôn mặt biểu tượng cho Núi Trụ Thế Gian, Núi Vũ Trụ, Cõi Giữa Thế Gian, Trục Thế Giới ứng với Li Kì Dương Vương. Vì thế 15 bộ của nước Văn Lang tính theo họ Hồng Bàng thế gian kể từ Kì Dương Vương trở xuống thì 15 bộ này là “chính quyền trung ương”, “cái trục quyền hành” cai quản tất cả các đại tộc, bộ tộc của liên bang Văn Lang, của họ Hồng Bàng thế gian.

Kết Luận

Hiển nhiên, rõ như “Con cua tám cẳng hai càng, Một mai hai mắt rõ ràng con cua” là những con số 3 (11), 6 (14), 9 (17), 18… là mã số di truyền học chính yếu của Hùng Vương. Như thế mỗi khi gặp những con số này (cũng như những con số liên hệ âm dương của chúng) trong truyền thuyết và cổ sử Việt, ta cần phải tìm ý nghĩa của mỗi con số theo mã số di truyền học hay DNA của Hùng Vương. Nới rộng ra, như đã viết nhiều lần và trong tác phẩm Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt, tất cả các con số, những ngày tháng vía, giỗ, kỵ, kỉ niệm trong văn hóa Việt Nam thường thường đều phải hiểu theo nghĩa của Dịch lý.

Một lần nữa, muốn hiểu thông suốt văn hóa Việt, ta phải dựa vào Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo, vào Dịch để tìm hiểu. Không nhìn dưới lăng kính Dịch học thì không bao giờ hiểu thấu triệt được văn hóa Việt.

Để chấm dứt cũng xin bật mí là trống đồng Ngọc Lũ I là trống Hùng Vương hay trống Văn Lang hay trống Hồng Bàng của lịch sử. Trống Ngọc Lũ I có vành chính yếu là vành số 10 có 18 con cò bay và 18 con chim nước đứng. Như đã thấy ở trên, con số 18 là mã số di truyền của Hùng Vương, là con số căn cước của Hùng Vương. Mười tám con cò bay là 18 con cò gió Đoài/Tốn, 18 cò Lang, cò Trắng hay bạch hạc (ứng vối thủ đô tên là Bạch Hạc) hay cò Lả (ứng với điệu hát Cò Lả của con dân Hùng Vương dòng gió Đoài/Tốn) ứng với ngành Hùng Vương dòng lửa, dòng mẹ Tốn. Còn 18 chim nước đứng ứng với ngành Hùng Vương Đoài/Cấn-Chấn dòng nước, dòng cha Chấn. Ta cũng thấy vành số 10 với số 10 nằm ngay bên trái của số 11, Đoài thế gian, như thế rõ như ban ngày vành số 10 có một khuôn mặt âm của Đoài 11 thế gian. Nói một cách khác vành số 10 là vành liên hệ ruột thịt với Đoài thế gian, vành liên hệ với Hùng Vương thế gian. 18 con cò bay và 18 con chim nước đứng ở vành số 10 mang một khuôn mặt Đoài thế gian ao đầm tức Hùng Vương thế gian. Các nhà văn hóa Việt Nam hiện nay gọi 18 con cò trên trống đồng Ngọc Lũ I là cò Lạc hay chim Lạc là sai. Đây là 18 con cò Lang, cò Gió Hùng Vương mầu trắng, có bờm gió:

Con cò trắng toát như bông,
Gió bay lất phất chòm lông trên đầu.
(ca dao).

Ngoài ra trống Ngọc Lũ I là trống Đoài/Tốn thế gian có mặt trời có 14 nọc tia sáng (số 14 là số Tốn thế gian) ứng với Hùng Vương thế gian ngành Lửa Âu Cơ dòng Tốn (xem Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á).

Nguyễn Xuân Quang
Original


Tài Liệu Tham Khảo.

.Nguyễn Xuân Quang:

-Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt (Y Học Thường Thức, 1999).

-Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt (Y Học Thường Thức, 2002).

-Tiếng Việt Huyền Diệu (Hừng Việt, 2004).

-Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc (Hừng Việt, 2004).

-Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á (đang in).

.Lê Ngô Các, Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca.

.Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái (NXB Văn Hóa, 1960).

.Nguyễn Phương, Lịch Sử Lạc Việt, Đại Học, số 30, 1962.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *