Trong tất cả những nền văn hóa tiền sử được phát hiện trên đất Trung Hoa, văn hóa Lương Chử có vai trò đặc biệt quan trọng. Là nền văn hóa có diện tích bao phủ lớn nhất, với lượng hiện vật lớn và tiến bộ nhất, với ký tự vào loại sớm nhất được phát hiện và đặc biệt là tòa thành lớn, được xây dựng vững chắc nhất… Lương Chử là di tích của kinh đô nhà nước cổ đại đầu tiên ở phương Đông. Do vậy, đó là nền văn hóa góp phần quyết định soi sáng lịch sử phương Đông.
Trong bài này, cùng với việc giới thiệu những nét tiêu biểu của văn hóa Lương Chử, người viết lần đầu tiên đưa ra nhận định về vai trò của nó trong lịch sử.
I. Giới thiệu văn hóa Lương Chử (1)
Văn hóa Liangzhu được phát hiện năm 1936 tại trấn Lương Chử, huyện Dư, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, là nền văn hóa khảo cổ Hậu kỳ Đá Mới, tồn tại từ 3300 tới 2200 năm TCN, do văn hóa Mã Gia Bang và văn hóa Tung Trạch phát triển lên.
Văn hóa Liangzhu phân bố chủ yếu ở Thái Hồ, thuộc lưu vực sông Dương Tử, nơi người Việt cổ định cư, bao gồm Dư Hàng Liangzhu, Nam Gia Hưng, Đông Thượng Hải, Tô Châu, Thường Châu, Nam Kinh. Di chỉ còn được mở rộng ra phía tây đến An Huy, Giang Tây, phía bắc tới bắc Giang Tô, lan tỏa tới gần Sơn Đông. Văn hóa Lương Chử còn ảnh hưởng tới phía nam Sơn Tây. Vào thời điểm đó, sức mạnh của Liangzhu chiếm một nửa Hoa lục, nếu trình độ kinh tế và văn hóa không cao, thì không thể thực hiện được.
Văn hóa ngọc Lương Chử đại diện cho làn sóng thứ hai của nền văn hóa ngọc bích thời tiền sử phương Đông (làn sóng đầu tiên là văn hóa ngọc Hồng Sơn, lưu vực sông Lao Hà, vùng Nội Mông). Ngọc bích có tông, việt, hoàng (ngọc bán nguyệt), ngọc hình vương miện, ngọc hình đinh ba, vòng tay, ngọc hình ống, Amanda, mặt dây chuyền, ngọc hình trụ, hình nón, nhẫn ngọc. Ngọc thờ cúng (tông, bi, rìu) được đề cao, sau này được các vương triều Trung Nguyên thừa kế.
Công cụ bằng đá khai quật ở Liangzhu có đá hình lưỡi liềm, đầu mũi tên, dáo, rìu đục lỗ, dao đục lỗ, đặc biệt là cày đá và dụng cụ nhổ cỏ được sử dụng, cho thấy nông nghiệp bước vào giai đoạn dùng cày. Đồ gốm đánh bóng màu đen là đặc điểm của gốm Lương Chử.Trên gốm và ngọc bích xuất hiện một số lượng lớn các ký tự đơn hoặc nhóm mang chức năng văn bản, các học giả gọi là “văn bản gốc.” “Văn bản gốc” cho thấy giai đoạn bắt đầu trưởng thành của ký tự tượng hình. Ký tự là dấu hiệu quan trọng của xã hội văn minh (2).
Di tích thành phố cổ Liangzhu có thể được gọi là “thành phố phương Đông đầu tiên”, là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa, “bình minh của nền văn minh” phương Đông, là thánh địa của văn minh phương Đông, được xếp vào “Danh sách Di sản thế giới”
Thành phố cổ ở phía bắc và phía nam thuộc về một nhánh của dẫy Thiên Mục Sơn. Các bức tường thành được dựng ở phía tây nam và đông bắc, vì vậy các chuyên gia kết luận rằng người xưa xây dựng thành phố về mặt địa lý một cách cẩn thận và có quy hoạch.
Thành phố cổ có bức thành theo hướng đông tây dài 1.500-1.700 m, chiều Bắc-Nam khoảng 1.800-1.900 mét, hình chữ nhật hơi tròn. Một số phần của bức thành còn lại cao 4 mét, mặt cắt 40 mét bề mặt, đáy 60 mét (so sánh với bức tường thành phố cổ Tây An được xây dựng trong những năm Hồng Vũ nhà Minh, chân thành 18 mét mặt rộng 15 m) bằng đất hoàng thổ nguyên chất, đưa từ nơi khác tới, được đầm nén kỹ. Thành phía tây dài khoảng 1000 m, có mặt cắt từ 40 đến 60 mét, phía nam liền với Phượng Sơn, bắc tiếp Đông Thiều Hoát. Tiếp theo, bức tường phía nam, bức tường phía bắc và bức tường phía đông, ở dưới đáy đều có móng bằng đá, cùng khối lượng lớn hoàng thổ được đầm nén. So với bức tường phía tây, ba mặt kia của bức tường tương đối phức tạp hơn: rất nhiều nền đá được khai quật, những bức tường đá bên ngoài tương đối lớn, bên trong nhỏ hơn. Thành đắp bằng hoàng thổ, đôi khi thêm một lớp đất sét màu đen, tăng khả năng chống thấm. Các nhà khảo cổ cho rằng những dấu vết còn lại chứng tỏ bức thành phía tây được xây dựng đầu tiên, cho đến khi có kinh nghiệm xây dựng ba bức thành kia.
Từ vị trí, sự bố trí và đặc điểm cấu trúc của thành cổ Liangzhu được phát hiện, các chuyên gia tin rằng có những cung điện, nhà vua và giới quý tộc sống, chính là kinh đô của thời kỳ Liangzhu. Các nhà khảo cổ tin rằng thành phố cổ đó thực sự là “nhà nước Liangzhu cổ đại.” Việc phát hiện thành phố cổ Liangzhu khiến cho một số người nghĩ rằng thứ thế các triều đại của Trung Quốc nên được viết lại: hiện nay các triều đại Hạ, Thương, Chu được coi là sớm nhất, nhưng vai trò này cần được trả cho Liangzhu!
Năm 1986-1987, di chỉ Phản Sơn Liangzhu được phát hiện. 11 ngôi mộ lớn được khai quật, thu hơn 1200 miếng gốm, đá, ngà voi và ngọc khảm sơn mài. Trong những năm gần đây, di chỉ văn hóa Liangzhu được tìm thấy tăng từ 40 lên đến 135 địa điểm, với những làng, nghĩa trang, bàn thờ và các di tích khác. Một số lượng lớn vật tùy táng được khai quật từ các ngôi mộ, chiếm hơn 90% là ngọc bích, một biểu tượng của sự giàu có và quyền thế. Ngọc rìu là một biểu tượng của sức mạnh quân sự và cung cấp thông tin có giá trị. Đây là bộ sưu tập ngọc lớn nhất thế giới được tái xác định, đặt tên, vì vậy đã đính chính sự nhầm lẫn lúc đầu cho là thuộc thời Hán Vũ đế (thực sự là ngọc Liangzhu) đẩy lịch sử về phía trước 2000 năm.
Năm 1994 cũng tìm thấy các cơ sở xây dựng siêu khổng lồ, có diện tích hơn 300.000 m2, xác nhận sự bồi đắp nhân tạo của hoàng thổ, dày tới 10,2 mét, kỹ thuật và quy mô rộng lớn của nó vào loại hiếm trên thế giới.
Nghiên cứu khảo cổ học cho thấy giai đoạn văn hóa Liangzhu, nông nghiệp đã bắt đầu tiến vào thời kỳ cày đất, thủ công mỹ nghệ trở nên chuyên nghiệp hơn, công nghiệp chế tác ngọc đặc biệt phát triển. Việc xuất hiện lượng lớn ngọc bích thờ cúng đã mở ra khúc dạo đầu nghi thức xã hội, sự phân biệt giữa lăng mộ lớn của quý tộc và mộ dân thường cho thấy sự gia tăng của phân tầng xã hội. Ý nghĩa của sự phân biệt giàu nghèo cho thấy là thông qua một số loại quyền lực xã hội đè lên xã hội gia tộc mà hình thành. Công trình xây dựng số lượng lớn các ngôi mộ lớn đòi hỏi một mức độ nhất định trật tự xã hội được đảm bảo, nếu không khó có thể thực hiện. Việc xây dựng một xã hội có sự khác biệt tầng lớp tạo ra được liên kết chặt chẽ. Có thể nói, trong giai đoạn văn hóa Liangzhu, gia tộc và bộ tộc đã nổi lên với các nhà lãnh đạo chính quyền tập trung, một số lượng lớn sức lao động được tổ chức, hình thành một cấu trúc xã hội quy mô lớn.
Sự tồn tại của quyền lực xã hội cũng được phản ánh đầy đủ trong sản xuất ngọc bích. Chế tác ngọc là một quá trình lao động nhiều bước phức tạp, do đó, ngọc bích là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ chuyên nghiệp. Các đồ trang trí thủ công đẹp nhất, cho biết mỗi miếng ngọc bích thể hiện rất nhiều thành quả lao động, với trình độ cao. Điều này chứng tỏ sự phân công giữa lao động trí óc và chân tay đã hình thành.
Trong văn hóa ngọc Liangzhu có một mô hình rất bí ẩn liên tục xuất hiện, một motipe đặc biệt khốc liệt của chiến trận, không thể không gợi nhớ tới chiến binh Si Vưu. Si Vưu là lịch sử cổ xưa của Đông Nam man huyền thoại, chiến đấu và chiến thắng lặp đi lặp lại, tôn kính như vị thần chiến tranh. Văn hóa rìu đá Liangzhu phát triển cao, cho thấy rằng người Liangzhu có vũ khí tinh nhuệ và dũng mãnh trong chiến trận.
Sau khi Si Vưu bị vương triều Hoàng Đế đánh bại, văn hóa Liangzhu bước vào thời kỳ suy thoái. Truyền thuyết nói một vài bộ lạc liên minh với Si Vưu gồm nhóm Đông Di, Sơn Đông và các bộ lạc sống trong lưu vực sông Dương Tử. Tù trưởng bộ tộc Si Vưu có một liên minh bộ lạc lớn được gọi là Cửu Lê, phạm vi của nó bao gồm tất cả các nền văn hóa Liangzhu bản địa, người Lê Liangzhu mạnh mẽ nên đứng đầu Cửu Lê. Trong Cửu Lê có một chi gọi là Vũ nhân hoặc Vũ dân. Họ suy tôn chim, thú, làm tổ tiên, và do đức tin đó, thờ phượng chim, thú. Theo mô hình bí ẩn trên nền văn hóa ngọc bích Liangzhu, con chim con thú, là vật tổ của người Liangzhu. Vì vậy, rất có thể người Liangzhu là Vũ nhân hoặc Vũ dân.
Trong các di chỉ lớn của nền văn minh tiền sử phương Đông, thì Liangzhu lớn nhất, mức phát triển cao nhất. Các nhà khảo cổ ngày 29-11-2007 tại Hàng Châu, thông báo rằng 5000 năm trước, thành phố cổ diện tích hơn 2.900.000 m2 đã được tìm thấy trong vùng lõi của di tích Liangzhu. Giáo sư Đại học Bắc Kinh Nghiêm Văn Minh và các nhà khảo cổ khác chỉ ra rằng đây là các di chỉ thành phố giai đoạn văn hóa Liangzhu lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực sông Dương Tử, có thể được gọi là “thành phố phương Đông đầu tiên.” Thành phố cổ Liangzhu cho thấy nền văn hóa Liangzhu 5.000 năm trước đã bước vào một giai đoạn phát triển trưởng thành của nền văn minh thời tiền sử. Nằm trong lãnh thổ Dư huyện, “nhóm di chỉ Liangzhu” là trung tâm văn hóa Liangzhu. Ban Di sản Quốc gia cho biết: nhóm di sản Liangzhu sẽ trở thành đền thờ năm ngàn năm của nền văn minh Trung Quốc.
II. Khảo cổ soi sáng lịch sử
Từ những tri thức hiện có cho phép đưa ra nhận định sau:
Cho tới 5000 năm trước, trên lục địa Đông Á, người Việt cổ đã xây dựng nền nông nghiệp phát triển. Do cày được đưa vào trồng trọt nên năng suất lao động tăng, lương thực dư thừa, kích thích hoạt động thủ công và thương mại. Một mạng lưới buôn bán ngọc bằng đường biển hình thành, đưa ngọc được khai thác từ các mỏ ở Đài Loan tới các quốc gia quanh Biển Đông.
Do phải chung tay trị thủy hai dòng sông Hoàng Hà và Dương Tử nên các bộ tộc nông nghiệp phải liên minh với nhau và nhà nước cổ đại hình thành từ rất sớm. Thời kỳ này các tộc du mục ở bờ bắc Hoàng Hà và phía tây tăng cường cướp phá khu vực dân cư nông nghiệp trù phú. Do yêu cầu chống xâm lăng nên sự liên minh giữa các bộ lạc người Việt, cùng huyết thống, cùng tiếng nói và văn hóa trở nên chặt chẽ hơn.
Có thể lúc này hai nhà nước cổ ra đời: phía tây là nhà nước Ba Thục gồm vùng đất Ba Thục phía tây Trung Quốc và Thái Lan, Miền Điện do vị vua thần Can Công lãnh đạo. Ở phần còn lại của Hoa lục, cùng với Đông Dương là nhà nước do Thần Nông trị vì. Vương quốc của Thần Nông rất rộng lớn, gồm lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử. Theo tiến trình Bắc tiến của người Việt, lưu vực sông Dương Tử điều kiện tự nhiên thuận lợi và được khai thác sớm nên có sự phát triển trước, trở thành trung tâm lớn mạnh về kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự. Do vị trí đặc biệt của nó nên vùng Lương Chử của Thái Hồ trở thành kinh đô của các vương triều Thần Nông.
Khoảng năm 4879, Đế Minh, hậu duệ của Thần Nông chia đất, phong vương cho con là Đế Nghi cai quản lưu vực Hoàng Hà và Kinh Dương Vương cai quản lưu vực Dương Tử. Như trong truyền thuyết, Kinh Dương vương lập nước Xích Quỷ, địa giới phía bắc tới nam Dương Tử, phía đông là Biển Đông, phía Tây giáp Ba Thục và phía nam tới miền Trung Việt Nam.
Trong thời kỳ này, các bộ lạc du mục phía bắc tăng cường cướp phá phía nam Hoàng Hà. Tình thế này buộc nhà nước của Đế Nghi và Kinh Dương Vương và sau này là Đế Lai và Lạc Long Quân tăng cường vũ trang và liên minh với nhau chống giặc.
Khoảng năm 4698, liên quân của các bộ lạc Mông Cổ do họ Hiên Viên dẫn đầu mở cuốc tấn công lớn vào Trác Lộc bờ nam Hoàng Hà. Liên quân Việt của Đế Lai và Lạc Long Quân chống trả ngoan cường nhưng rồi thất bại. Đế Lai tử trận.
Một kịch bản tôi từng đề xuất là, sau thất bại này, Lạc Long Quân dẫn đoàn quân dân Việt lên thuyền theo Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Nghệ An. Tại đây ông được người địa phương đón tiếp, sau đó tôn con trưởng của ông lên làm vua, gọi là Hùng Vương, lập kinh đô ở Việt Trì, đặt tên nước là Văn Lang. Dựa vào địa giới trùng nhau của Văn Lang và Xích Quỷ, có thể cho rằng, đây là việc dời đô và đổi quốc hiệu của triều đình Lạc Long Quân. Tại kinh đô Việt Trì, các triều đình của Hùng Vương tiếp tục lãnh đạo dân Văn Lang-Xích Quỷ xây dựng đất nước và chi viện cuộc kháng chiến trường kỳ của người dân lưu vực Hoàng Hà. Khoảng năm 4300, do cuộc xâm lăng của vương triều Hoàng Đế, nhà nước Hùng Vương không còn quản lý được vùng đất này, kinh đô Lương Chử bị bỏ phế. Văn hóa Lương Chử suy vong…
Trên đây là sự đoán định của tôi về quá trình hình thành và tan rã của nhà nước đầu tiên ở phương Đông mà kinh đô là Lương Chử. Sự đoán định dựa trên cơ sở sau:
1. Về thời điểm: văn hóa Lương Chử nảy sinh, suy đồi trùng với thời gian truyền thuyết về việc xuất hiện vua Thần Nông rồi Đế Minh chia đất, phong vương cho Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ. Tiếp đó và việc hình thành nhà nước Văn Lang.
2. Về địa giới: văn hóa Lương Chử phân bố rộng trong địa giới của nhà nước Xích Qủy huyền thoại.
3. Truyền thuyết về nhà nước Xích Quỷ rất phổ biến trong các tộc người phương Đông. Điều này cho thấy, chỉ duy nhất nhà nước Xich Quỷ từng xuất hiện nơi đây trong quá khứ.
4. Hình trong ngọc Lương Chử thường khắc “thần nhân thú diện 神人獸面” để tôn thờ mà ngày nay các nhà nghiên cứu nghĩ rằng đây là Viêm Đế hoặc Si Vưu v v… Cái mà người ta gọi là ” thú diện” thì đây chính là gương mặt của con rồng, từ thời Tần, Hán cho đến ngày nay người ta vẫn vẽ gương mặt của con rồng như vậy. Đây chính là dấu ấn “con Rồng cháu tiên” như truyền thuyết của người Việt. Học giả Trung Quốc gọi dân cư Lương Chử là “Vũ nhân hay Vũ dân.” Do vũ và bàng cùng thuộc về chim nên có thể hiểu người dân thờ chim này nhận mình là Hồng Bàng, như trong truyền thuyết về họ Hồng Bàng.
5. Dân cư Lương Chử là hai chủng người Việt cổ Indonesian và Melanesian. Đó cũng chính là hai chủng người Việt từ 40.000 năm trước đi lên khai phá Trung Hoa, đã mang công cụ đá mới Hòa Bình lên, rồi sáng tạo đồ gốm đầu tiên và cây lúa đầu tiên ở di chỉ Động Người Tiên phía Nam Dương Tử.
6. Qua nhiều ký tự được khắc trên ngọc Lương Chử cho thấy, vào thời Lương Chử, chữ của người Việt đã trưởng thành. Chữ Lương Chử thô sơ hơn Giáp Cốt văn Ân Khư và có trình độ tương đương với chữ khắc trên đá Cảm Tang, cho thấy, có sự thống nhất về văn hóa rộng lớn trong quốc gia Xích Quỷ ở phía nam Dương Tử. Chữ Lương Chử, Cảm Tang là tiền bối của Giáp Cốt văn Ân Khư.
7. Trong tài liệu Về Thiên-đài nơi tế cáo của vua Minh, bác sĩ Trần Đại Sĩ ghi cuộc điều tra điền dã của ông như sau:
“Thiên-đài là ngọn đồi nhỏ, cao 179m, đỉnh tròn có đường thoai thoải đi lên. Trên đỉnh có ngôi chùa nhỏ, nay để hoang…
Tại thư viện Hồ-nam tôi tìm được một tài liệu rất cũ, giấy hoen ố, nhưng chữ viết như phượng múa rồng bay, gồm 60 trang. Đầu đề ghi: “Thiên-đài di sự lục. Trinh-quán tiến sĩ Chu Minh-Văn soạn.” Trinh-quán là niên hiệu của vua Đường Thái-Tông, từ năm Đinh-Hợi (627) đến Đinh-Mùi (647) nhưng không biết Chu đỗ tiến-sĩ năm nào ?
Tuy sách do Chu Minh-Văn soạn, nhưng dường như bản nguyên thủy không còn. Bản này do người sau sao chép lại vào đời Thanh Khang-Hy. Nội dung sách có ba phần. Phần của Chu Minh-Văn, phần chép tiếp theo Chu Minh-Văn, của một sư ni tên Đàm-Chi, không rõ chép vào bao giờ. Phần thứ ba chép pháp danh các vị trụ trì từ khi lập chùa tới thời Khang-Hy (1662-1772).
Tài liệu Chu Minh-Văn cũng nhắc lại việc vua Minh đi tuần thú phương Nam, kết hôn với nàng tiên sinh ra Lộc Tục. Vua lập đàn tại núi này để tế cáo trời đất, vì vậy đài cũng mang tên Thiên-đài núi cũng mang tên Thiên-đài sơn. Minh-Văn còn kể thêm :
« Cổ thời trên đỉnh núi chỉ có Thiên-đài thờ vua Đế Minh, vua Kinh-Dương. Đến thời Đông-Hán, một tướng của vua Bà tên Đào Hiển-Hiệu được lệnh rút khỏi Trường-sa. Khi rút tới Quế-dương ông cùng nghìn quân lên Thiên-đài lễ, nghe người giữ đền kể sự tích xưa. Ông cùng quân sĩ nhất định tử chiến, khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm được núi. Về đời Đường để xóa vết tích Việt-Hoa cùng Nam Bắc, các quan được sai sang đô hộ Lĩnh-Nam mới cho xây chùa tại đây ».(5)
Tài liệu này là chứng cứ cho thấy truyền thuyết Đế Minh tuần thú phương Nam, tới núi Thiên Đài lập đàn tế cáo trời đất xuất hiện từ xa xưa và phổ biến ở vùng Giang Nam. Đó cũng là thêm bằng chứng về việc ra đời nước Xích Quỷ.
8. Thục Thư trong Tam Quốc Chí viết rằng, Hứa Tịnh là người phía bắc, tỵ nạn xuống miền nam, sau này làm quan viết sử cho Lưu Bị, lên tới chức Tư đồ (司徒). Trước trận Xích Bích, Tào Tháo sai người do thám hậu phương của Lưu Bị và Tôn Quyền. Vì nể tình quen biết với người của Tào Tháo đã cậy nhờ nên Hứa Tịnh viết thư vắn tắt cho Tào Tháo biết rằng: Ông đã đi từ Hội Kế (Cối Kê – Hàn Châu ngày nay), qua Giao Châu, Đông Âu, Mân Việt, cả vạn dặm mà không thấy đất Hán.
[许靖给曹操的信说:从会稽“南至交州,经历东瓯、闽越之国,行经万里,不见汉地” – Từ Hội Kế nam chí Giao Châu, kinh lịch Đông Âu, Mân Việt chi quốc, hành kinh vạn lý, bất kiến Hán địa.]
Bốn chữ bất kiến Hán địa (不见汉地 ) của Hứa Tịnh chứng tỏ rằng: Phía nam, dù đã nằm trong quốc gia Hán mấy trăm năm nhưng không phải là đất Hán mà thực tế vẫn là Việt! Đến cuối thời Hán, vùng Giang Nam vẫn là đất Việt thì hàng nghìn năm trước đây đã là đất Việt.
Có thể kể thêm những điều nói lên sự tương đồng giữa vương quốc Lương Chử và nhà nước Xích Quỷ nhưng theo tôi, với những chuyện xảy ra 4000 – 5000 năm trước, có được chứng cứ như vậy đã là quá đủ!
III. Kết luận
Dù không ít hoài nghi. Dù bị sử gia triều Nguyễn cho là “ma trâu thần rắn” hoang đường. Dù bị coi là “sản phẩm của văn hóa Tàu”… thì từ bao đời nay, Hồng Bàng thị truyện vẫn như ngọn hải đăng tỏa ánh sáng và sức nóng, vừa chỉ đường, vừa tiếp sức cho dân tộc Việt trong cuộc gian truân bơi ngược dòng lịch sử tìm lại cội nguồn. Đến nay, rất may mắn, trí tuệ nhân loại giúp ta tìm được những bằng chứng vững chắc xác định hơn 5000 năm trước, nước Xích Quỷ là một thực thể tồn tại với bề rộng mênh mông, khối dân cư đông đảo, sức mạnh kinh tế lớn lao cùng nền văn hóa rực rỡ. Không chỉ kiến trúc thành trì đồ sộ, chế tác số lượng lớn đồ ngọc tinh xảo mà chữ viết đã trưởng thành. Phát hiện ra kinh đô Lương Chử để từ đó khẳng định Xích Quỷ – Văn Lang là nhà nước có thật từng tồn tại trong quá khứ là khám phá trọng đại nhất của tộc Việt. Hy vọng rằng, từ đây người Việt sẽ nhìn lại mình để sống xứng đáng với tổ tiên.
Sài Gòn 20-10-2014
Hà Văn Thùy
Original
Tài liệu tham khảo:
1. 良渚文化_互动百科 – www.baike.com/wiki/良渚文化
2. Liangzhu culture – http://en.wikipedia.org/wiki/Liangzhu_culture
3. 良渚文化甲骨文
4. 良渚文化玉器 – https://www.google.com.vn/search?q=%E8%89%AF%E6%B8%9A%E6%96%87%E5%8C%96%E7%8E%89%E5%99%A8&;biw=693&bih=572&tbm=isch&tbo=u&source=univ&sa=X&ei=eL9FVO-rJYStmAXijoLoBQ&ved=0CCUQ7Ak
5. Trần Đại Sĩ. Về Thiên-đài nơi tế cáo của vua Minh. – http://www.vietnamvanhien.net/NuiNguLinh.pdf