192. Nguồn gốc người Việt qua tiếng nói

I – DẪN NHẬP

Minh xác cội nguồn của một dân tộc có lịch sử lâu đời là việc rất khó khăn. Trường hợp thổ dân châu Úc là một thí dụ điển hình. Tuy có khá nhiều bằng cớ xương hóa thạch, di truyền và ngôn ngữ, vẫn chưa có sự thống nhất quan điểm về nguồn gốc người thổ dân Úc. Thật ra, sự hiện diện của thổ dân Úc luôn luôn là một nan đề cho thuyết Một nguồn của loài người hiện đại. Các nghiên cứu DNA gần đây về người Mungo (tìm thấy gần Hồ Mungo, New South Wales vào thập niên 1970) có xu hướng ủng hộ thuyết Liên tục đa địa phương (xem Adcock và nhiều đồng nghiệp 2001). Thí dụ này cho thấy những khám phá trong tương lai có khả năng làm đảo luận các luận thuyết chủ đạo, hay ít nhất là dẫn đến việc xét lại các lối suy diễn cũ.

Trường hợp người Việt cũng rất khó khăn vì nhiều lý do, phần lớn do các thời kỳ bị nước ngoài đô hộ. Trong suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, người Hoa cố tình tìm cách bóp chết văn minh Lạc Việt bằng đủ mọi hình thức, nghiêm trọng nhất là trong thời kỳ nhà Hán và nhà Minh. Vì chữ viết của người Lạc Việt (hay Bách Việt nói chung) chưa đủ phát triển hay đã bị người Hoa tiêu diệt (hay sát nhập vào chữ Hán), nên các sử gia và các nhà nghiên cứu Việt học phải dựa rất nhiều vào các tài liệu lịch sử Trung Quốc. Các khám phá khảo cổ trong vòng nửa thế kỷ nay chứng tỏ các tài liệu này nói chung có nhiều sai lạc, nhận định chủ quan (Hoa Hán bá chủ) và có khi còn cố ý bóp méo sự thật. Vấn đề này đã được thảo luận rất nhiều trên các diễn đàn Việt học, đặc biệt là Tập San Tư Tưởng, thiết tưởng không cần nhắc lại các chi tiết ở đây.

Trong gần một trăm năm Pháp thuộc, các nhà khoa học Tây phương đã thực hiện được nhiều công trình khảo cổ đáng kể tại miền Bắc Việt Nam. Họ đã khám phá nhiều di chỉ và tích lũy được rất nhiều dữ kiện quý báu về cội nguồn văn minh người Việt, nước Việt. Tuy nhiên, trong việc suy diễn các dữ kiện tìm thấy, phần lớn các nhà khoa học này cũng không tránh khỏi mặc cảm tự tôn da trắng cũng như các giới hạn của phương pháp nghiên cứu chuyên môn thời đó. Thí dụ tiêu biểu nhất là các các giả thuyết tiên phong (và hoang đường) của các nhà khoa học Tây phương về nguồn gốc trống đồng Đông Sơn, cổ vật cao quý nhất của dân Việt (xem thêm Phạm Việt Châu 1997: 37-8; Cung Đình Thanh 1999c: 13-4).

Ngành khảo cổ tại miền Bắc trong vòng 50 năm qua đã thu lượm được nhiều kết quả đáng chú ý. Các nhà khảo cổ miền Bắc hoặc tự lực hoặc chung sức với các đồng nghiệp quốc tế đã khai quật, phân loại, nghiên cứu và công bố các khám phá về các thời kỳ văn minh đá và kim loại tiền sử như Sơn Vi, Ngườm, Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đông Sơn …

Một số các kết quả này đã được giới chuyên môn quốc tế công nhận, và được dùng trong các tài liệu khảo cổ và sách chuyên đề. Gần đây hơn nữa, một vài nghiên cứu nghiêm túc về di truyền và ngôn ngữ của các chuyên gia Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện. Rất tiếc người viết chưa có cơ hội tham khảo trực tiếp các công trình quý báu này, mà phải dựa vào sự giới thiệu của các tác giả người Việt nước ngoài.

Tại miền Nam, vì thiếu cơ hội làm nghiên cứu, các tác giả thường hay tổng hợp các kết quả đa ngành trong thời kỳ Pháp thuộc để phỏng đoán cội nguồn của dân tộc Việt. Lấy thí dụ, trước đây gần 40 năm, hai nhà Việt học Nguyễn Bảo Trị và Nguyễn Văn Toán đã đưa ra một giả thuyết tổng hợp như sau:

“Từ thời thượng cổ ở lưu vực sông Hồng Hà vốn đã có một giống dân cư ngụ. Đến khoảng trước Tây lịch bốn ngàn năm, người Anh đô nê diêng ở Ấn Độ bị người A ri ăng đánh đuổi chạy sang bán đảo Trung Ấn, lên Tây Tạng, và sang lưu vực sông Dương Tử. Nhóm người sang bán đảo Trung Ấn về sau lai với giống người Mê la nê diêng từ các hải đảo Nam Thái Bình Dương thành tạp chủng Mê la nê Anh đô nê diêng. Nhóm lên Tây Tạng thì lai với dân bản địa thành dòng Nam Á. Nhóm sang sông Dương Tử là tổ tiên dòng Bách Việt.

Về sau, dòng Nam Á và Bách Việt bị Hán tộc thôn tính và đồng hóa dần. Một số nhỏ lui xuống phía Nam để tránh nạn Hán hóa. Thế là cả hai dòng Nam Á và Bách Việt cùng nhau gặp gỡ với giống dân bản địa – tổ tiên nguyên thủy của dân tộc Việt Nam – ở trên lưu vực sông Hồng Hà (Trung châu Bắc Việt). Mặt khác, cùng với tạp chủng Mê la nê Anh đô nê diêng từ các hải đảo đến, người Tạng Miến (Thái lai Mông Cổ) với người Lạc Việt (một nhóm trong bộ lạc Bách Việt) đã đồng hóa với dân bản địa vốn cư ngụ tại Trung châu Bắc Việt từ thời thượng cổ, đã tạo ra dòng giống Việt Nam ngày nay. Ngoài ra ta có thể kể thêm, yếu tố Hán tộc và Mông gô lích do các người Tầu thời Bắc thuộc mang tới.” (xem Cửu Long Giang và Toan Ánh 1967: 37).

Vào đầu thập niên 1970, tác giả Phạm Việt Châu đề xướng một giả thuyết đơn giản hơn. Theo Ông, dân Bách Việt thuộc chủng tộc Indonesian hoặc Malay. Bộ tộc Bách Việt nam thiên xuống vùng Đông Nam Á thành bốn đợt chính. Đợt nam thiên đầu, vào khoảng giữa thiên kỷ thứ ba đến cuối thiên kỷ thứ hai trước tây lịch, bao gồm các sắc dân cựu Malay (proto Malay), tân Malay (deutero Malay) và Lạc Việt. Đặc điểm của bộ tộc Bách Việt là phương pháp cấy lúa ruộng nước, khác với thổ dân cổ chỉ biết đốt rừng làm rẫy (xem Phạm Việt Châu 1997: 25-8). Nguồn gốc Indonesian/Malay của người Việt trong giả thuyết này phù hợp phần nào với nghiên cứu ngôn ngữ học của tác giả Tô Văn Tuấn (tức nhà văn Bình Nguyên Lộc). Ông cho rằng người Việt Nam cổ (mà ông gọi là Mã Lai đợt I) đã từ miền Nam tiến lên làm chủ miền Bắc Trung Quốc, nhưng sau đó bị giống dân phía Bắc đẩy lùi trở xuống (xem Bình Nguyên Lộc 1971).1

Hai giả thuyết trên đã nêu ra một vài chi tiết chính xác về cội nguồn dân Lạc Việt nói riêng và Bách Việt nói chung : yếu tố Nam Á và hải đảo, văn minh nông nghiệp, nam thiên vì áp lực từ phương Bắc … Tuy nhiên, các ức thuyết này trong tổng thể không còn phù hợp với các khám phá mới trong ngành khảo cổ, di truyền và ngôn ngữ học. Trong loạt bài tham luận trên Tập San Tư Tưởng, tác giả Cung Đình Thanh đã kết hợp các kết quả nghiêu cứu đa ngành mới đây để phân tích nguồn gốc người Việt Nam (xem, thí dụ như, Cung Đình Thanh 1999a, 1999b, 2000). Ngược với các nhà lập thuyết trước, tác giả Cung Đình Thanh (1999b:13) đã dùng hiện tượng biển tiến để lập luận rằng, thay vì nam thiên, những người châu thổ sông Hồng đã tiến lên miền Bắc khi nước biển dâng dần vào khoảng từ 6 đến 10 ngàn năm trước đây.

Trong khi đó, tác giả Nguyễn Quang Trọng lại nhấn mạnh trở lại yếu tố nam thiên trong nguồn gốc dân Việt Nam (xem Nguyễn Quang Trọng 2002a). Ông cho rằng người hiện đại thiên di từ châu Phi về phía Đông Nam Á, tất cả thuộc chủng tộc Nam Cổ (Australoid). Nhóm lên miền Bắc Đông Á thay đổi dần nhân dạng vì môi trường và lai giống với chủng Altaic thiên di từ Nam Á và trở thành dân Bắc Mông (Northern Mongoloid). Dân Nam Mông ngày càng bành trướng về phía Nam, hợp chủng với giống Nam Cổ, thành dân Nam Mông (Southern Mongoloid). Người Nam Mông là tổ tiên của tất cả dân Đông Nam Á và hải đảo Thái Bình Dương hiện nay. Giả thuyết này đã dẫn tới cuộc tranh luận trên Tạp chí Hợp Lưu năm 2002 giữa tác giả và ba cây bút quen thuộc của Tập san Tư Tưởng (xem Cung Đình Thanh, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đức Hiệp 2002; Nguyễn Quang Trọng 2002b).

Tiếp nối các công trình trên, người viết bài này đã tổng hợp các phát kiến về khảo cổ và di truyền học trong thập niên 1990 và đề nghị một giả thuyết như sau (xem Trần Nam Bình 2003: 20):

*- Người hiện đại từ Tây Á di dân qua ngã Đông Bắc Ấn Độ đến định cư tại Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, miền Bắc nước Việt … cách đây khoảng 60, 70 ngàn năm.

*- Các di dân này thay thế hay hợp chủng với các giống người bản địa và Nam Cổ (Australoid) và trở thành giống người hiện đại mà các nhà nhân chủng học ngày nay gọi là Nam Á. Nòi Nam Á định cư tại miền Nam Trung Quốc và miền Bắc nước Việt dần dần phát triển văn minh Hòa Bình và trở thành các bộ tộc Bách Việt.

*- Giống Nam Á này tiếp tục đi dần lên miền Bắc, hợp chủng với người hiện đại đến từ ngã Bắc và Trung Á cũng như thổ dân sẵn có, trở thành người Bắc Á (tiêu biểu là Hán tộc) sau này; và tràn xuống miền Đông Nam, lai giống với người hiện đại đến từ ngã Nam Ấn và người bản địa, trở thành các sắc dân Đông Nam Á hải đảo ngày nay như Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân …

Giả thuyết này đồng ý với lập luận của các tác giả Tưởng và tương đối phù hợp với các khám phá mới nhất về xương hóa thạch, khảo cổ học, di truyền học … Thế còn ngôn ngữ học thì sao?

Mục đích chính của bài tiểu luận này là đóng góp vào việc soi sáng cội nguồn người Việt. Nói cụ thể hơn, bài này sẽ phân tích một số kết quả nghiên cứu ngôn ngữ học và tìm xem có bằng cớ nào ủng hộ giả thuyết vừa nêu trên không. Xin nói ngay là bài này sẽ chỉ tập trung vào phạm vi tiếng nói thay vì cả tiếng nói lẫn chữ viết, vì hai lý do chính. Thứ nhất, chữ viết là sản phẩm rất mới của người hiện đại, chỉ trong vòng 5 ngàn năm nay trở lại (xem Crystal 1994: 196). Văn minh Bách Việt đã thành hình và đạt rất nhiều thành quả huy hoàng trước khi chữ viết ra đời. Thứ hai, vấn đề người Bách Việt đã có chữ viết độc lập với chữ Hán hay không vẫn còn nằm trong vòng tranh luận và chưa được giải quyết thỏa đáng. Tuy dữ kiện vẫn còn thiếu sót, một số nhà nghiên cứu tại Việt Nam đã tìm thấy chứng cớ cho thấy người Bách Việt đã có chữ viết riêng trước khi bị Hán hóa (xem Hà Văn Tấn 1983). Đây là một đề tài quan trọng hàng đầu cho các chuyên gia ngữ học người Việt.

Vì không trực tiếp làm nghiên cứu trong các ngành cổ sử, khảo cổ, di truyền hay ngôn ngữ học, cho nên kiến thức chuyên môn của người viết rất giới hạn. Các dữ kiện, quan điểm và giả thuyết trong bài này bắt nguồn từ những kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Tây phương. Sự tổng hợp và suy diễn các công trình này không thể nào tránh khỏi ít nhiều thiếu sót và sai lạc. Để tránh bẫy rập tự tôn dân tộc mà Giáo Sư Nguyễn Quang Trọng đã cảnh giác chúng ta (xem Nguyễn Quang Trọng 2002a), người viết sẽ cố tránh dùng những giả thuyết quá mạnh nhưng chưa được kiểm chứng, dù những luận thuyết đó làm thỏa mãn tự ái dân tộc và phù hợp với chủ đích của mình.

Bố cục phần còn lại của bài này như sau. Phần 2 phác họa mấy nét đại cương của các học thuyết hiện đại về tiếng nói. Phần này đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phân loại các tiếng nói hiện nay trên thế giới. Phần 3 thảo luận vai trò của ngôn ngữ học trong việc tìm kiếm nguồn gốc người hiện đại. Các lập luận trong phần này cho thấy các kết quả ngôn ngữ học chỉ có thể đóng vai trò tương đối khiêm nhường trong cổ nhân chủng học. Phần 4 tập trung vào nguồn gốc dân Bách Việt nói chung và Lạc Việt nói riêng qua các kết quả nghiên cứu về tiếng nói. Phần này trình bầy một suy diễn mới, tuy ngược với cách giải thích hiện nay nhưng lại phù hợp với ức thuyết do người viết đưa ra bên trên. Phần 5 tóm tắt các ý chính trong toàn bài và đưa ra một vài đề nghị nhỏ.

II –     CÁC HỌC THUYẾT VỀ TIẾNG NÓI

Trong phạm vi nhân chủng học, các học thuyết về tiếng nói hướng đến các vấn đề chính yếu như sau :

a –  Khả năng phát âm và tiếng nói do đâu mà có?  Tiếng nói có tự bao giờ?

b –  Tiếng nói bắt nguồn từ đâu ra?

c – Tiếng nói phát sinh từ một nguồn hay nhiều nguồn trên thế giới?

d – Tiếng nói lan truyền và thay đổi như thế nào? Có sự thay thế tiếng nói hay không?

e – Có bao nhiêu tiếng nói hiện nay. Làm sao phân loại các thứ tiếng nói trên thế giới ngày nay?

f – Có sự tương ứng nào giữa sự biến đổi của tiếng nói và biến đổi của con người theo thời gian không?

Phần 2 thảo luận 5 câu hỏi a-e. Câu hỏi f sẽ được đề cập trong Phần 3.

Trong một bài trước, tác giả Cung Đình Thanh (2000: 4-5) đã trả lời các câu hỏi a, e và f. Về câu hỏi a, điểm cần nói thêm là nhiều nhà nhân chủng học (xem, thí dụ như, Aiello 1998: 22-3) phân biệt giữa khả năng phát âm (speech) và tiếng nói. Theo họ, khả năng phát âm và khả năng nói không xuất hiện trong lịch sử tiến hóa của loài người cùng một lúc hay vì cùng lý do. Người đứng thẳng (homo erectus), xuất hiện cách đây khoảng 1,8 triệu năm, có thể đã có khả năng phát âm. Tiếng nói hiện đại, bao gồm cú pháp, ám chỉ tượng trưng … là một phát triển rất mới của loài người. Trường phái bảo thủ cho rằng tiếng nói hiện đại chỉ vào khoảng 30 ngàn năm trước (xem Crystal 1994: 291). Quan điểm này dựa trên dữ kiện là vào thời đó, người hiện đại, nhất là tại Châu Âu, đã đạt nhiều tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật vượt bực. Đại diện cho trường phái lạc quan, nhà ngôn ngữ học Johanna Nichols ước tính rằng, nếu tất cả ngôn ngữ loài người bắt đầu từ một tổ chung, thì tiếng tổ này bắt đầu xuất hiện khoảng 132 ngàn năm truớc (xem Nichols 1998: 139).2

Về câu hỏi b, các nhà nhân chủng học đồng ý rằng nền tảng của tiếng nói là sự thay đổi môi trường sinh hoạt của tổ tiên loài người cách đây chừng 2 triệu năm. Sự thay đổi này đòi hỏi các thích ứng sinh học và hành xử, mà nhiều cái trực tiếp liên hệ đến sự truyền thông bằng tiếng nói.

Những thích ứng này gồm có sống trong nhóm nhiều thành viên hơn, diện tích sinh hoạt lớn hơn, chế tạo dụng cụ, thay đổi thức ăn và cách đi đứng. Trong thời kỳ này, cũng cần nhắc đến sự tăng trưởng của kích thước bộ óc con người.

Từ quan điểm thuần túy âm thanh, nhà ngôn ngữ học Otto Jespersen, tập hợp các giả thuyết về nguồn gốc tiếng nói thành 4 thuyết lớn và cộng thêm thuyết thứ 5 của chính ông (xem Crystal 1994: 289):

  • Con người bắt chước các âm thanh trong môi sinh, nhất là tiếng thú.
  • Tiếng nói bắt nguồn từ các âm thanh theo bản năng vì đau đớn, tức giận hay các cảm giác tương tự.
  • Tiếng nói phát sinh ra từ những phản ứng của con người với các kích thích từ thế giới chung quanh, và người ta tự động làm ra các âm thanh phản chiếu lại hay hài hòa với môi trường.
  • Tiếng nói bắt nguồn từ con người làm việc chung. Những tiếng la chung, nhịp nhàng, dần dần phát triển thành các tiếng hô hò và cuối cùng là tiếng nói.
  • Tiếng nói khởi sinh từ những cảm giác lãng mạn của đời sống như các âm thanh liên hệ đến tình yêu, chơi đùa, hứng thơ, âm nhạc …

Đến nay vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi c. Nói chung, có 3 giả thuyết về nguồn gốc tiếng nói (xem Crystal 1994: 291) :

  • Thuyết Một Nguồn : tất cả tiếng nói ngày nay đều phân kỳ từ một nguồn chung.
  • Thuyết Nhiều Nguồn : tiếng nói xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới gần như cùng một lúc.
  • Thuyết Trung Dung : tuy tiếng nói xuất hiện một lúc tại nhiều nơi trên thế giới, tất cả các nhánh đều biến mất ngoại trừ một nhánh còn lại là thủy tổ tất cả các tiếng nói ngày nay.

Khác với di truyền học, chưa có nhà ngôn ngữ học nào dám quả quyết là tiếng nói phát xuất ra từ một ông tổ chung. Có nhà ngôn ngữ học còn cho rằng cây phát sinh tiếng nói có dạng ngôi sao thay vì một thân cây chia nhiều nhánh (xem Nettle 2002).

Trả lời câu hỏi d, nhà khảo cổ học hàng đầu Colin Renfrew (1995: 291-2) cho rằng một tiếng nói được sử dụng tại một vùng đất nào đó do sự phối hợp của 4 quá trình sau đây:

  • Sự định cư nguyên thủy của một nhóm di dân biết nói tại một vùng chưa có người ở.
  • Quá trình phân kỳ của ngôn ngữ (do sự cô lập và độ chệch của tiếng nói).
  • Quá trình hội tụ của ngôn ngữ (ngôn ngữ ảnh hưởng lẫn nhau qua sự vay mượn từ ngữ, thành ngữ và văn phạm khi các sắc dân gặp gỡ nhau).
  • Quá trình thay thế (một tiếng nói sẵn có bị thay bởi một tiếng khác du nhập vào).

Riêng về quá trình thay thế, Renfrew còn đề nghị thêm 4 hình thức thay thế: “tồn tại/nhân khấu” (subsistence/ demography, tức là qua phát minh kỹ thuật như nông nghiệp), “tinh túy thống trị” (élite dominance, thường là qua các cuộc xâm lăng quân sự), “hệ thống sụp đổ” (system collapse, sự sụp đổ của chính phủ trong một xã hội trung ương tập quyền cao độ) và “ngôn ngữ chung” (lingua franca, qua buôn bán sâu rộng với người ngoài).

Về câu hỏi e, theo nhà ngôn ngữ học hàng đầu Merritt Ruehlen (1992: 3), hiện nay trên thế giới có khoảng độ 5.000 tiếng nói khác nhau; những tiếng này có thể chia thành 10 đến 20 ngành (phylum). Điều cần nói ngay là các nhà khoa học đã khẳng định rằng tuy thế giới ngày nay còn những xã hội với kỹ thuật còn thô sơ, nhưng không có tiếng nào thô sơ cả. Nói khác đi, tuy loài người đã tiến hóa từ những xã hội thô sơ đến xã hội văn minh hơn, không có dấu hiệu gì cho thấy tiếng nói cũng tiến hóa như thế.

Để phân loại tiếng nói thành gia đình, tập đoàn (stock) và ngành, các nhà ngôn ngữ học thường ứng dụng một trong hai phương pháp sau đây : phả hệ (genetic hay genealogical) hoặc loại hình (typological). Phương pháp phả hệ là lối phân loại lịch sử, dựa trên giả thiết các tiếng nói phát xuất ra từ một ông tổ chung. Phương pháp loại hình phân chia tiếng nói thành các nhóm cùng chung một cấu trúc, dựa trên căn bản âm vị (phonology), văn phạm và ngữ vựng, thay vì các giả thử về liên quan lịch sử giữa các tiếng nói. Nhờ được ứng dụng rộng rãi, nhất là cho ngành Âu Ấn (Indo- European), phương pháp phả hệ có thủ tục và hệ quy chiếu (frame of reference) hoàn chỉnh hơn phương pháp loại hình.

Nhà khảo cổ Renfrew (1995: 285- 6) đề nghị một cách phân loại khác, có phần thích hợp hơn cho nghiên cứu cổ nhân chủng học. Tiếng nói được xếp thành hai hạng : A và B. Tiếng nói hạng A nói chung bao gồm các gia đình tiếng nói đã được sử dụng liên tục từ 10 ngàn năm trở lên. Sự phân phối các gia đình tiếng nói hạng A bắt nguồn từ sự phân tán của người hiện đại trong thời kỳ Pleistocene (chấm dứt cách đây 10 ngàn năm).

Các gia đình tiếng nói hạng B là những loại ngôn ngữ mà sự phân bố địa lý xẩy ra vào thời kỳ Holocene trong vòng 10 ngàn năm nay trở lại. Sự phân bố này gây ra bởi bốn quá trình thảo luận bên trên, và dẫn đến sự lan truyền nhanh chóng (và tương đối gần đây) của tiếng nói.

Cũng cần lưu ý là lối phân loại có tính cách khảo cổ của Giáo Sư Renfrew tương ứng với lối phân loại hoàn toàn dựa trên ngôn ngữ học của Giáo Sư Nichols (1992: 13- 24). Nhà ngôn ngữ học Nichols phân chia các vùng tiếng nói thành “vùng trải rộng” (spread zone) và “vùng còn lại” (residual zone). Tiếng nói hạng A nói chung được sử dụng trên các vùng còn lại, và tiếng nói hạng B trên các vùng trải rộng.

III – VAI TRÒ CỦA NGÔN NGỮ HỌC TRONG CỔ NHÂN CHỦNG HỌC

Các công trình nghiên cứu trong bộ môn ngôn ngữ học đóng góp cho ngành cổ nhân chủng học như thế nào? Nói rõ hơn, các kết quả ngôn ngữ học có thể dùng để bổ sung hay soi sáng các bằng cớ khảo cổ hay di truyền học trong trường hợp nào? Mạnh hơn nữa, liệu các kết quả ngôn ngữ học có thể dùng để kiểm chứng các bằng cớ khảo cổ và di truyền học một cách độc lập không? Nói chung, các kết quả ngôn ngữ học có thể bổ sung các nghiên cứu khảo cổ hay di truyền học, nhưng không thể dùng để kiểm chứng các kết quả khảo cổ và di truyền học một cách độc lập vì các lý do sau đây.

Một trở ngại chính của ngôn ngữ học là, khác với khảo cổ và di truyền học, không thể định tuổi các tiếng nói xa xưa trong quá khứ một cách chính xác được. Dựa trên hiện tượng cứ mỗi một thiên niên kỷ là khoảng 20% danh sách các chữ tiêu chuẩn biến mất, các nhà ngôn ngữ học đoán rằng sau 6 ngàn năm chia cách, hai tiếng nói cùng dòng dõi chỉ còn chung chừng 7% các từ cùng gốc (xem Nichols 1998: 128). Vì vậy tất cả các nhà ngôn ngữ học ngày nay đều đồng ý rằng không thể bảo đảm việc tái lập các gia đình tiếng cổ (proto languages) hơn 6 ngàn năm tuổi được. Trong một số trường hợp thuận lợi, các nhà ngôn ngữ học có thể truy tìm nguồn gốc của tiếng nói đến 10 hay 12 ngàn năm trước, nhưng đây là giới hạn tối đa. Con số này vẫn còn quá ngắn ngủi so với lịch sử tiến hóa của người hiện đại (khoảng 100 đến 150 ngàn năm).

Vấn đề phân loại các tiếng nói trên thế giới theo phương pháp so sánh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trường hợp tiếng Tầy (Tay- Kadai hay Daic), bao gồm tiếng Lào và Thái Lan, là một thí dụ điển hình cho thấy những chữ vay mượn có thể tạm thời làm đảo lộn cách xếp hạng các ngôn ngữ. Thoạt tiên, dựa trên căn bản những sự tương tự về âm vị (thí dụ như giọng lên xuống, đơn âm) và một số nhỏ các từ cùng gốc, người ta cho rằng tiếng Tầy có liên hệ di truyền xa với tiếng Hán, và do đó với gia đình Hán-Tạng (Sino-Tibetan) nói chung. Nhưng thật ra những sự tương tự về âm vị một mình nó không phải là những dấu hiệu khả tín cho liên kết di truyền. Hơn nữa, nghiên cứu những từ cùng gốc kỹ hơn, các tương tự chỉ có giữa tiếng Tầy với tiếng Hán, và không có với các tiếng nói Hán Tạng khác. Ngày nay, tiếng Tầy được xem là có liên hệ gần gũi với gia đình tiếng nói Nam Đảo (Austronesian). Những từ cùng gốc với tiếng Hán Tạng chẳng qua chỉ là những vay mượn lâu đời giữa tiếng Hán và Tầy.

Cho đến nay vẫn chưa có bảng phân loại (dù là phả hệ hay loại hình) hoàn chỉnh cho tất cả tiếng nói ngày nay. Bảng phân loại được giới chuyên gia nhắc nhở và áp dụng nhiều nhất là bảng của nhà ngôn ngữ học Ruhlen (1992) . Bảng này trong thực chất là bảng phân chia tiếng nói theo phương pháp loại hình. Trong một số trường hợp, thí dụ như tiếng Âu Ấn, phân chia theo loại hình cũng tương đương với phả hệ. Nhưng trong các trường hợp khác, thí dụ như tiếng Austric, phân chia loại hình không tương đương với phả hệ. Lý do là vì các nhà ngôn ngữ học chưa nghiên cứu đầy đủ về nhiều thứ tiếng và các kết quả do đó vẫn còn trong vòng tranh cãi. Vì thế, có một số nhà ngôn ngữ học còn cho rằng bảng tiếng nói của Ruhlen chỉ là thứ tự địa lý của các nhóm tiếng nói lỏng lẻo và không đồng nhất. Nói tóm lại, chúng ta chưa có cây phát sinh tiếng nói (phylogenetic tree) mà chỉ có cây phân loại tiếng nói theo ngoại hình (phenetic tree) không hoàn chỉnh.

Nhưng dù nếu có cây phân loại tiếng nói theo ngoại hình hoàn chỉnh, chúng ta vẫn không có sự tương ứng một – một giữa cây này và cây phát sinh loài người.3 Kể từ thời Charles Darwin, rất nhiều nhà nghiên cứu có xu hướng đồng hóa cây tiếng nói theo ngoại hình với quá trình tiến hóa dẫn đến ngày nay. Thật ra, muốn đồng hóa cây tiếng nói với cây di truyền như vậy, hai giả thiết căn bản cần được thỏa mãn. Giả thiết quan trọng nhất là thay đổi tiến hóa phải xẩy ra với tốc độ vững chắc, không đổi. Nếu không, sự phân nhánh của cây di truyền và cây tiếng nói sẽ không hoàn toàn tương ứng với nhau. Giả thiết thứ nhì là dòng dõi chung, thay vì các nhân tố độc lập dẫn đến hội tụ, giải thích các điểm tương tự trong ngôn ngữ. Thật ra chúng ta biết chắc chắn quá trình phân hóa di truyền và tiếng nói không thể nào hoàn toàn song song được vì hiện tượng thay thế tiếng nói. Lấy người Hoa Bắc, Hoa Nam và Việt Nam làm thí dụ. Người Việt có thể gần gũi người Hoa Nam về di truyền, nhưng người Hoa Bắc lại gần người Hoa Nam về ngôn ngữ.

Từ cuối thập niên 1980, nhà di truyền học lừng danh Luigi Luca Cavalli-Sforza không ngừng chủ trương rằng sự đa dạng di truyền và tiếng nói cùng tiến hóa đồng điệu với nhau (xem, thí dụ như, Cavalli-Sforza 1997). Đề xuất này đã thu hút sự chú ý của giới khoa học và có nhà nghiên cứu bắt đầu bàn về “tân tổng hợp” của di truyền, khảo cổ và ngôn ngữ, dẫn đến một giải thích thống nhất về lịch sử con người. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu của Giáo Sư Cavalli-Sforza đã bị rất nhiều chuyên gia khác công kích mạnh mẽ. Chống đối chủ yếu là Cavalli-Sforza không dùng cây phát sinh tiếng nói (chưa kiếm ra), mà dùng cây tiếng nói theo ngoại hình của Ruhlen. Vì thế sự tương đẳng giữa cây di truyền và cây tiếng nói mà Cavalli-Sforza tìm thấy có thể chẳng qua chỉ vì cả hai cây đều xếp theo thứ tự gần gũi địa lý.

Như vậy, các kết quả ngôn ngữ học giúp gì cho cổ nhân chủng học? Dùng phương pháp ước tính tuổi ngôn ngữ của mình, Nichols phân biệt ba trường hợp:

  • Tuổi ngôn ngữ nhỏ hơn tuổi khảo cổ (thí dụ như Châu Phi và Châu Úc).
  • Tuổi ngôn ngữ tương đương tuổi khảo cổ (thí dụ như New Guinea).
  • Tuổi ngôn ngữ lớn hơn tuổi khảo cổ (Châu Mỹ).

Tuổi ngôn ngữ có lợi nếu nhỏ hay lớn hơn tuổi khảo cổ rất nhiều. Nếu tuổi ngôn ngữ nhỏ hơn tuổi khảo cổ rất nhiều chúng ta có thể suy diễn rằng nhiều dòng tiếng nói đã biến mất (như ở châu Phi) . Ngược lại, tuổi ngôn ngữ lớn hơn tuổi khảo cổ rất nhiều là bằng chứng cho nhiều đợt di dân (như ở châu Mỹ).4

IV – NGUỒN GỐC NGƯỜI BÁCH VIỆT QUA TIẾNG NÓI

Kết quả các công trình nghiên cứu ngôn ngữ học giúp cho ta biết thêm gì về người Việt Nam nói riêng và Bách Việt nói chung? Sau một thế kỷ nghiên cứu, liên hệ giữa các tiếng nói của các sắc dân Đông Nam Á chỉ mới bắt đầu trở lên rõ ràng từ thập niên 1950. Tuy vậy, cho đến ngày nay, các nhà ngôn ngữ học vẫn chưa hoàn toàn nhất trí về cách phân loại các tiếng nói tại vùng này, nhất là tiếng nói của dân Mèo – Mán (Miao-Yao) tại miền Bắc Lào, Thái Lan, Việt Nam và Nam Trung Quốc. Tuy phần lớn các nhà ngôn ngữ học ngày nay xếp tiếng Mèo – Mán vào ngành Austric (xem, thí dụ như Ruhlen 1992: 152), có người vẫn xem tiếng Mèo – Mán thuộc ngành Hán Tạng (xem Crystal 1994: 310-11).

Hiện nay các nhà ngôn ngữ học có xu hướng dùng danh từ Austric để gộp chung các tiếng nói tại Đông Nam Á. Nói chung ngành Austric có bốn gia đình chính: Mèo – Mán, Nam Á, Tầy và Nam Đảo (xem Ruhlen 1992: 152 -3). Tiếng Tầy và Nam Đảo còn được xếp chung thành gia đình Nam Tầy (Austrotai). Sự liên hệ giữa các tiếng nói trong gia đình Nam Á cũng như trong gia đình Tầy không giản dị, và trong gia đình Nam Đảo thì lại càng phức tạp và chưa giải quyết xong. Gia đình Nam Á bao gồm hai tiểu gia đình: Munda và Mon-Khmer. Gia đình này gồm nhiều thứ tiếng và đông người nói hơn gia đình Mèo – Mán và Tầy. Tiếng Việt – Mường là tiếng nói chủ yếu trong tiểu gia đình Mon – Khmer, mặc dù, như học giả Cung Đình Thanh đã đề cập (xem Cung Đình Thanh 2000: 2) cũng có lúc tiếng Việt-Mường bị xếp sai vào gia đình tiếng Tầy.

Các sắc dân sinh sống tại Việt Nam ngày nay nói đủ loại tiếng Austric. Người người Mèo, Mán nói tiếng Mèo – Mán, người Kinh, Mường nói tiếng Nam Á; người Nùng, Thổ nói tiếng Tầy; người Chăm và một số sắc dân ít người miền Trung Việt nói tiếng Nam Đảo … Từ đó, chúng ta có thể suy rộng ra rằng tổ tiên người Bách Việt nói tiếng Austric cổ (proto Austric) trước khi ngành này bị phân hóa ra thành nhiều gia đình khác nhau như ngày nay. Gần hơn nữa, người Bách Việt có lẽ nói tiếng Nam Á cổ (proto Austroasiatic). Các tài liệu sử ký cho thấy rằng vào thời kỳ Hai Bà Trưng, các bộ tộc Bách Việt vẫn nói chuyện với nhau khá dễ dàng.5 Nhờ thế cuộc khởi nghĩa của Hai Bà mới thành công nhanh chóng như thế.

Chúng ta biết gì về tiếng nói Austric? Điều tiên chúng ta có thể khẳng định là tiếng Austric là một ngành tiếng nói có nguồn gốc rất xa xưa vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Căn cứ theo công trình nghiên cứu của nhà khảo cổ học hàng đầu Renfrew, tiếng Austric là một trong bẩy ngành tiếng nói hạng A. Như trên đã đề cập, đây là các loại tiếng nói đã thành hình và được sử dụng trong quá trình định cư đầu tiên của người hiện đại (chấm dứt cách đây khoảng 10 ngàn năm) như hình sau đây :

Hình 1  :  Phân phối của các tiếng nói hạng A (do di dân trong thời kỳ Pheistocene) Tiếng 13 là tiếng Austric Theo Renfrew (1995: 303)

Theo Hình 1, người hiện đại di dân ra khỏi Tây Á cách đây khoảng 90 – 100 ngàn năm, đến miền Bắc nước Việt, rồi sang Châu Úc độ 40 ngàn năm trước. Tuy chúng ta không thể quả quyết tiếng nói Austric cổ bắt đầu xuất hiện từ bao giờ, nhưng con số từ 60 đến 70 ngàn năm trước là những ước số hợp lý và khả tín. Ước số này cũng phù hợp với tuổi của xương người hiện đại hóa thạch tìm thấy tại Quảng Tây (xem Trần Nam Bình 2003: 19).

Chúng ta có thể suy đoán ra một số điểm từ Hình 1. Thứ nhất, trái với lối suy nghĩ phổ thông, tiếng Austric (hạng A) có nguồn gốc xa xưa hơn tiếng Hán Tạng (hạng B) rất nhiều. Điểm này cho thấy chúng ta cần tìm hiểu thêm về sự liên hệ mẹ con giữa tiếng Việt và tiếng Hán với quan điểm mới. Thứ hai, trung tâm của tiếng nói Nam Á có thể là miền Bắc nước Việt, thí dụ như châu thổ sông Hồng. Tuy điều này chỉ là phỏng đoán và không thể nào kiểm chứng được, nó khá phù hợp với các di chỉ khảo cổ kiểm được tại Việt Nam trong vòng mấy chục năm nay.

Thứ ba, suy ra từ nguồn gốc lâu đời của tiếng nói hạng A, bản đồ tiếng nói trong bán đảo Đông Nam Á hiện nay giống như một tấm khảm của các đơn vị ngôn ngữ nhỏ. Vì nguồn gốc chung đã biến mất trong quá khứ xa xăm, cho nên các đơn vị này gần như có vẻ độc lập với nhau. Đó cũng có thể là lý do tại sao các nhà ngôn ngữ học gặp nhiều khó khăn trong việc phân tích các liên hệ của từng đơn vị tiếng nói trong ngành Austric. Thứ tư, nhìn vào sự phân bố địa lý của tiếng Austric cổ, chúng ta cũng có thể tạm kết luận ngành Austric cổ chỉ có ba gia đình chính : Mèo – Mán, Nam Á và Tầy.

Cách đây chừng 10 ngàn năm, người Bách Việt phát minh ra kỹ thuật trồng lúa ruộng nước.6 Sự thuần hóa của cây lúa nước giúp tiếng Austric cổ lan rộng đến các vùng hải đảo Đông Nam Á và cả miền Bắc Trung Quốc theo mô hình “tồn tại/nhân khấu” thảo luận trong Phần 2 của bài này. Tiếng nói Nam Đảo của người hải đảo Đông Nam Á ngày nay đã thành hình và phân tán theo quá trình cách mạng nông nghiệp này. Trong khi đó, sự lan truyền của các ngôn ngữ Hán Tạng bắt nguồn đầu tiên với sự thuần hóa hột kê, lúa mì và các loại ngũ cốc khác trong thung lũng sông Hoàng Hà, và chỉ với lúa gạo sau khi học hỏi được từ dân Bách Việt từ phía Nam đi lên. Cũng xin lưu ý là một số các tác giả trước (xem Cung Đình Thanh, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Đức Hiệp 2002; Nguyễn Quang Trọng 2002b) có xu hướng giải thích sự phân nhánh của tiếng Austric thành hai gia đình Nam Á và Nam Đảo qua hiện tượng biển tiến. Cách giải thích đó khác với quá trình tồn tại/nhân khấu do kỹ thuật trồng lúa ruộng nước trong bài này. Thêm nữa, nếu tiếng Nam Đảo bắt nguồn từ tiếng Austric trong lục địa thì sự tương ứng giữa tiếng Mã Lai và tiếng Việt cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Hình 2 : Phân bố của tiếng nói Mèo – Mán, Nam Á và Tầy hiện nay

Theo Ruhlen (1994: 149)

Khoảng hai ngàn năm trước, nhà Tần và nhà Hán qua những biện pháp quân sự đã thôn tính các bộ tộc Bách Việt và tìm cách Hán hóa tiếng nói Austric của dân Bách Việt. Đây là một thí dụ khá hiếm hoi của quá trình tinh túy thống trị trong thời kỳ hữu sử (tưởng cũng cần nhớ một thí dụ gần gũi với chúng ta hơn nữa là quá trình nam tiến thôn tính Chiêm Thành, Chân Lạp của người Việt). Tuy nhiên, sự Hán hóa các tiếng nói Bách Việt không thể nào hoàn toàn và không phải một chiều đơn giản. Một thí dụ nhỏ là ngày nay người Hoa vẫn gọi các tỉnh miền Nam Trung Quốc bằng Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam… (theo cú pháp tiếng Bách Việt) thay vì Đông Quảng, Tây Quảng, Nam Vân, Nam Hải… (theo cú pháp tiếng Hán).7

Người Hoa đã nhất thiết phải du nhập thêm nhiều tiếng Bách Việt, nhất là các chữ liên quan đến văn minh trồng lúa, nuôi gia súc, đi thuyền… Đây là một hiện tượng hội tụ quen thuộc trong các lý thuyết về ngôn ngữ học. Điều này hàm nghĩa là các sự tương tự giữa tiếng Việt và tiếng Quảng, tiếng Phúc Kiến… (nói chung là các tiếng nói miền Nam Trung Quốc) có thể vì chung nguồn Bách Việt thay vì vay mượn từ tiếng Hán. Chứng minh nguồn gốc Bách Việt của các thứ tiếng Hoa Nam và tiếng Việt là một thách đố cho các nhà ngôn ngữ học, nhất là các nhà ngôn ngữ học người Việt.

Trong chương 4 của tác phẩm Địa Đàng ở Phương Đông, nhà khoa học Stephen Oppenheimer (1999) lý luận rằng tính đa dạng được xem là biểu hiệu của sự cổ xưa.

Chẳng hạn một vùng mà cư dân thuộc nhiều nhóm/bộ lạc có tiếng nói nhiều dạng của cùng một thứ tiếng, có thể xem như là vùng có gốc rất xưa của thứ tiếng đó. Hiện nay, như trên đã bàn, dân Việt nói đủ thứ tiếng của ngành Austric: Mèo – Mán, Nam Á (Mon – Khmer), Tầy và Nam Đảo. Có lẽ Việt Nam là nơi có dân nói nhiều các thứ tiếng nói Austric hơn cả. Như vậy, theo lập luận của Oppenheimer thì Việt Nam phải được xem là nơi (hay là một trong những nơi) xuất phát ra tiếng Austric. Tuy nhiên, người viết không nghĩ rằng lập luận đó có thể áp dụng trong trường hợp này. Dù tiếng Austric phát xuất tại một địa điểm khác, qua quá trình di dân và vì lý do địa lý (gần biển), nước Việt vẫn có thể là nơi hội tụ tất cả thứ tiếng Austric.

Như đã nói bên trên, các nhà ngôn ngữ học đã gặp nhiều khó khăn trong việc phân loại tiếng Việt (xem thêm Cung Đình Thanh 2000: 2-3) . Thật ra, cho đến nay, vị trí của tiếng Việt trong gia đình Mon – Khmer vẫn còn bị tranh cãi. Có học giả xem tiếng Việt chỉ là thành viên bên lề của gia đình Mon – Khmer; có người cho rằng tiếng Việt liên hệ với gia đình Tầy (xem Crystal 1994: 309). Các khó khăn đó một phần là hậu quả của hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Sự sử dụng ngôn ngữ Hoa Hán đã che mờ cội nguồn tiếng Việt. Một cách giải thích sự khó khăn trong vấn đề phân loại tiếng Việt như sau. Từ tiếng Nam Á cổ phân ra hai nhánh chính : một nhánh là tiếng Tầy còn nhánh kia là tiếng Mon – Khmer. Vì thế tiếng Việt ngày nay mang đặc tính của tiếng Mon – Khmer lẫn tiếng Tầy. Xin lưu ý đây chỉ là phỏng đoán, nếu chúng ta thay “Nam Á cổ” bằng chữ “Tầy cổ” thì lối giải thích này vẫn có giá trị. Nhưng dù sao đi nữa, sự liên hệ giữa tiếng Thái và tiếng Việt biểu hiệu nguồn chung Bách Việt của hai dân tộc.

Đến đây chúng ta nên tập trung vào phân bố địa lý của tiếng Austric (Hình 2) để xem có thể suy ra gì thêm hay không?

Hai chuyên gia Ian Glover và Charles Higham (1996) gần đây xét lại nguồn gốc trồng lúa gạo tại miền Nam, Đông Nam và Đông Châu Á. Họ cho rằng rất có thể lúa gạo được trồng đầu tiên tại vùng biên giới Assam-Vân Nam (Assam thuộc Ấn Độ). Từ đó, các nhà nông lan tràn xuống hạ nguồn sông Dương Tử, đi đến các cánh đồng tối cổ tại Cối Kê (Hemudu) khoảng bẩy ngàn năm trước, tại điểm cực bắc của những người nói tiếng Nam Tầy cổ (proto Austrotai).

Di chuyển từ khu vực hạt nhân (*) này sang phía Tây theo sông Brahmaputra vào miền Đông nước Ấn mang lại tiếng Munda cổ. Lan tràn xuống miền Nam theo sông Cửu Long giúp phân tán tiếng Mon – Khmer cổ, và theo sông Hồng gieo rắc tiếng Việt cổ. Giả thuyết này hàm nghĩa Cối Kê là nơi phát sinh tiếng Austric và tiếng Tầy là cội rễ của ngành Austric. Nên lưu ý là giả thuyết này vẫn còn trong giai đoạn kiểm nghiệm và chưa được giới chuyên gia chính thức công nhận.

Tuy giả thuyết của Glover và Higham giải thích sự phân bố tiếng Austric một cách tiện lợi, người viết xin phép tạm không đồng ý vì các lý do sau đây. Thứ nhất, giả thuyết này tùy thuộc rất nhiều về nơi phát sinh kỹ thuật trồng lúa gạo. Nếu nơi phát sinh ra trồng lúa nước không phải là vùng biên giới Assam – Vân Nam thì thuyết của Glover – Higham khó đứng vững được. Gần đây, có nhiều bằng cớ khảo cổ khả tín cho thấy người Bách Việt sống tại miền Nam hạ nguồn sông Dương Tử đã có lịch sử trồng lúa gạo rất lâu đời, khoảng 8- 9 ngàn năm trước (xem Nguyễn Quang Trọng 2002a). Như vậy, họ không thể học hỏi kỹ thuật trồng lúa nước từ các nhà nông di cư từ biên giới Assam – Vân Nam đến như Glover và Highham đề nghị.

Thứ hai, theo nhà khảo cổ Renfrew thì tiếng Austric đã thành hình rất lâu, ít nhất là 10 ngàn năm trước, sớm hơn sự ra đời của văn minh nông nghiệp. Khi kỹ thuật trồng lúa nước ra đời, có lẽ tiếng Austric cổ đã phân hóa thành Nam Á cổ và Tầy cổ do sự phân tán địa lý lâu đời. Nếu cho rằng tiếng Nam Đảo cổ phát sinh ra từ sự lan tràn của kinh tế nông nghiệp thì hợp lý hơn. Thứ ba, có bằng cớ gì dân Cối Kê bẩy ngàn năm trước nói tiếng Tầy cổ không? Hay là họ nói tiếng Nam Á cổ? Tại sao khi tiếng nói phân tán từ khu vực hạt nhân Cối Kê theo hai phía hoàn toàn khác nhau, tất cả các tiếng nói mới lại cùng gia đình Nam Á? Có sự liên hệ di truyền giữa các sắc dân này không?

Người viết xin đề xuất một giả thuyết tổng hợp như sau : Sự liên hệ giữa tiếng nói Munda, Mon, Việt – Mường… trong gia đình Nam Á giúp ta suy diễn bước đi của tiền nhân người Bách Việt. Đấy là đường đi qua miền Đông Bắc của Ấn Độ, đúng như sự phỏng đoán của người viết trong một bài trước. (Đây thật ra cũng chỉ là thuyết cũ của Giáo Sư Higham (1989), tuy rằng người viết chưa thấy có bằng chứng cụ thể dân Mundai có nguồn gốc Nam Đảo như Giáo Sư Higham đề nghị.) Những cuộc di dân này, do nhu cầu sinh hoạt nay đây mai đó, bắt đầu cách đây 60, 70 ngàn năm, và vẫn tiếp diễn cho đến khi văn minh nông nghiệp và nếp sống định cư ra đời. Vào khoảng 8-10 ngàn năm trước, tổ tiên dân Bách Việt tại các vùng Nam Trung Quốc, Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam đã nói các thứ tiếng khác nhau như Nam Á cổ, Tầy cổ và Mèo – Mán cổ. Những thứ tiếng này thành hình do sự phân cách địa lý của các giống dân nói tiếng Austric cổ, cũng như sự pha trộn với các tiếng nói của thổ dân địa phương.

Khi kỹ thuật trồng lúa nước xuất hiện tại miền Nam sông Dương Tử, Bắc Thái Lan và Việt Nam (có thể là độc lập và cũng có thể do học hỏi của nhau), các gia đình tiếng nói Austric cổ hội tụ lại một phần nào vì nhu cầu của đời sống định cư trồng lúa gạo, nuôi gia súc. Kinh tế nông nghiệp tại miền Nam sông Dương Tử giúp tiếng Nam Á cổ lan ngược về phương Tây trở lại miền Đông Bắc Ấn Độ. Vì cùng chung nguồn gốc, sự lan truyền ngược về phía Tây xẩy ra tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, vì khoảng cách không thời gian khá xa, ngày nay chỉ có dân Munda nói tiếng Nam Á mà thôi. Mặt khác, sự hội tụ, vay mượn tiếng nói của các sắc dân Bách Việt qua mấy ngàn năm cho ra đời các thứ tiếng như Tầy, Nam Á và Mèo – Mán hiện đại. Hơn hai ngàn năm trước, nhà Tần và rồi nhà Hán thôn tính các nước Bách Việt. Dần dần tiếng Nam Á của các bộ tộc Bách Việt bị sát nhập vào gia đình tiếng Hán Tạng, chỉ còn tiếng Lạc Việt là giữ nguyên nguồn gốc Nam Á.

V  –   KẾT LUẬN

Rất nhiều người Việt Nam ngày nay vẫn còn mang mặc cảm tự ti sai lầm về nguồn gốc “khiêm nhường” của dân tộc mình. Đây không phải là một điều khó hiểu sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc và gần một trăm năm Pháp thuộc, nhất là khi người Hoa đã rất thành công trong việc sát nhập văn minh Bách Việt, trừ Lạc Việt, vào văn minh Hoa Hán. Nhờ nhiều lý do, nhất là nội lực dân tộc, người Lạc Việt vẫn giữ được bản sắc của mình. Các nhà khoa học Tây phương trong đầu thế kỷ 20 không tránh được chủ quan tự tôn tự mãn, đưa ra nhiều giả thuyết ngạo mạn, có tính cách biện hộ cho chủ nghĩa thực dân “khai sáng”. May mắn thay, các công trình nghiên cứu khoa học khách quan và độc lập trong vòng trên dưới nửa thế kỷ nay đã và đang dần dần trả lại vinh dự cho tổ tiên người Việt. Trong một loạt bài trên tập san này, tác giả Cung Đình Thanh đã đúc kết các khám phá quý báu đó.

Các kết quả khảo cổ cho biết tổ tiên người Bách Việt đã xuất hiện tại miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc rất sớm, khoảng 60 đến 70 ngàn năm trước. Quan trọng hơn cả là các di chỉ khảo cổ chứng tỏ người Bách Việt đã góp phần lớn lao trong công cuộc cách mạng nông nghiệp toàn cầu của loài người khoảng 10 ngàn năm trước. Kỹ thuật cấy lúa gạo ruộng nước giúp nếp sống văn minh định cư cầy cấy lan tràn khắp Đông Nam Á và đến tận miền bắc Trung Quốc. Các công trình nghiên cứu di truyền học gần đây ủng hộ các bằng chứng khảo cổ và cho thấy ảnh hưởng di truyền rất đáng kể của nòi Bách Việt cho người Hoa ngày nay.

Các nghiên cứu ngôn ngữ học cũng bổ sung các khám phá khảo cổ và di truyền học nói trên một cách khá độc lập. Ngành Austric, tiếng nói của người Bách Việt, có nguồn gốc tối cổ. Ngành Austric là tiếng nói hạng A, đã thành hình và được sử dụng trước cuộc cách mạng nông nghiệp thủy canh, trong khi các thứ tiếng khác, thí dụ như tiếng Hán, vẫn chưa chính thức ra đời. Căn cứ vào phân bố địa lý của gia đình tiếng nói Nam Á, một gia đình thuộc ngành Austric và bao trùm tiếng Việt – Mường, người viết suy diễn rằng tiếng Nam Á bắt nguồn từ Đông Bắc Ấn Độ. Đề xuất này, tuy tương phản với quan điểm của một vài nhà khoa học Tây phương hiện nay, nhưng phù hợp với giả thuyết tổ tiên người Bách Việt đã di cư sang miền Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam … theo ngã Đông Bắc Ấn Độ do người viết đề nghị trong một bài trước.

Nói tóm lại, tổ tiên người Việt đã góp phần sáng tạo ra một cái nôi lớn của văn minh loài người hiện đại. Các thành quả này quá to tát và huy hoàng, nhất là khi so với vị trí bé nhỏ và tụt hậu của người Việt và nước Việt hiện nay. Như vậy, nâng cao vị trí nước Việt, tăng gia dân trí người Việt, tiếp tục đóng góp vào kho tàng văn minh nhân loại, phải là trách nghiệm chung của người Việt khắp nơi trên thế giới. Theo ý nghĩ chủ quan của người viết, các nhà Việt học ngày nay đang sống trong thời kỳ nghiên cứu rất sôi động và đầy hứa hẹn. Rất nhiều kết quả ngoạn mục sắp sửa ra đời hay đang chờ để được khám phá.

Riêng các nhà khoa học người Việt hay gốc Việt có hai trách nhiệm chính yếu. Thứ nhất, các nhà khoa học người Việt nên chụp lấy cơ hội này, tự mình đẩy mạnh thêm các nghiên cứu, nhất là trong di truyền và ngôn ngữ học. Đối với các nhà khoa học trong nước, điều này chỉ có thể xẩy ra nếu chính quyền có chính sách rõ ràng ủng hộ các hoạt động này. Thứ hai, các nhà Việt học người Việt phải cố gắng truyền bá các khám phá mới về cội nguồn dân tộc một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp dân chúng, trong cũng như ngoài nước, qua mọi hình thức : hội thảo, báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet. Các chuyên gia Việt học cũng nên cố gắng tham dự và trình bầy kết quả nghiên cứu đến giới chuyên môn nước ngoài trong những buổi hội thảo khoa học quốc tế. Để kết luận, tìm hiểu và tuyên dương các di sản của ông cha ngày trước là trách nhiệm chung của tất cả con cháu ngày nay.

TRẦN NAM BÌNH
Tập san Tư Tưởng
số 23-24.


CƯỚC CHÚ

(*) Khu vực hạt nhân là chỗ nguyên thủy có một số loại cây cối hoang dã (có khi cả thú vật nữa) mà sau này có thể thuần hóa dễ dàng. Tiếng nói của khu vực hạt nhân lan truyền theo sự di cư trải rộng của dân số nông nghiệp từ khu vực hạt nhân (demic diffusion) hay sự chấp nhận của những nhóm săn bắt – hái lượm tiếng nói mới đi chung với nền kinh tế nông nghiệp (acculturation). Hậu quả di truyền của hai cơ chế này khác nhau rất xa.

  1. Thật ra, vì tiếng Việt có những chữ giống hay bắt nguồn từ tiếng Mã Lai, không có nghĩa là người Việt gốc Mã Lai. Sự hội tụ của ngôn ngữ của các sắc dân khác chủng tộc là hiện tượng khá thông thường. Các thuyết ngôn ngữ học ngày nay cho rằng tiếng Nam Đảo của người Mã Lai bắt nguồn từ tiếng Tầy hay Nam Á qua quá trình phân tán nông nghiệp.
  2. Điều này không chứng minh được là ngôn ngữ có chung một nguồn, nhưng nếu điều đó đúng thì tiếng nói đã trở thành đa dạng rất lâu trước khi người hiện đại bắt đầu lan tràn.
  3. Điểm cần lưu ý là nếu có sự tương ứng một-một giữa phân hóa di truyền và tiếng nói, thì thuyết Một nguồn của di truyền học hàm nghĩa thuyết Một nguồn của tiếng nói. Cho tới nay, chưa có nhà ngôn ngữ học nào dám quả quyết thuyết Một nguồn của tiếng nói là đúng.
  4. Rất tiếc Giáo Sư Nichols chưa áp dụng phương pháp định tuổi này cho vùng Đông Nam Châu Á.
  5. Xin cảm ơn Luật sư Cung Đình Thanh đã nhắc nhở người viết điều này.
  6. Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát về sự thuần hóa cây lúa nước bắt đầu từ lúc nào và ở đâu. Nhưng dù là 10, 9 hay 8 ngàn năm, và dù là miền Nam sông Dương Tử, Bắc Thái Lan hay Bắc Việt Nam, tất cả nhà khoa học ngày nay đều công nhận cách mạnh nông nghiệp trồng lúa gạo theo lối thủy canh là thành quả của dân Bách Việt.
  7. Xin cảm ơn Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh đã gợi ý này.
    Phạm Việt Châu (1997), Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh, North Falls House, Minneapolis.
    Renfrew, C. (1995), “Language families as evidence of human dispersals” trong Brenner, S. và K. Hanihara (chủ biên), The Origin and Past of Modern Humans as Viewed from DNA , World Scientific, Singapore, trang 285-306.
    Ruehlen, M. (1992), A Guide to the World’s Languages, 1, Classification, Standford University Press, Stanford.
    Trần Nam Bình (2003), “Vài nhận xét về nguồn gốc người Việt”, Tư Tưởng số 22, trang 18-22.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Adcock G.J., Dennis E.S., Easteal S, Huttley G.A., Jermiin L.S., Peacock W.J. và Thorne A. (2001), “Human origins and ancient DNA”, Science, số 292, trang 1655-1656.

Aiello, L. (1998), “The foundations of human language”, trong N.G. Jablonski và L. Aiello (chủ biên), The Origins and Diversification of Language, California Academy of Sciences, San Francisco, trang 21-34.

Bình Nguyên Lộc (1971), Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam, Lá Bối, Sài Gòn.

Cavalli-Sforza, L.L. (1997), “Genes, peoples, and languages”, Proc. Natl. Aca. Sci. USA

tập 94, trang 7719-7724.

Crystal, D. (1994), The Cambridge Encyclopedia if Languages , Cambridge University Press, Cambridge.

Cung Đình Thanh (1999a), “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam”, Tư Tưởng số 2, trang 1-15.

Cung Đình Thanh (1999b), “Khái niệm về biển tiến tại Việt Nam”, Tư Tưởng số 3, trang 11-16.

Cung Đình Thanh (1999c), “Văn hóa Đông Sơn”, Tư Tưởng số 4, trang 13-27.

Cung Đình Thanh (2000), “Tiếng nói và chữ viết của người Việt cổ”, Tư Tưởng số 10, trang 1-9.

Cung Đình Thanh, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đức Hiệp (2002), “Một vài ghi chép thêm về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam”, Hợp Lưu số 66, tháng Tám/Chín, trang 46-59.

Cửu Long Giang và Toan Ánh (1967), Người Viêt Đất Việt, Nam Chí Tùng Thư, Sài Gòn.

Glover, I.C. và C.G.W. Higham (1996), “New evidence for rice cultivation in in south, south east and east Asia”, trong D.R. Harris (chủ biên), The Origin and Spread of Agriculture and Pastoralism In Eurasia , UCL Press, London, trang 413-41.

Hà Văn Tấn (1983), “Có một hệ thống chữ Việt cổ thời các vua Hùng”, Báo Ảnh Việt Nam số 291, Tháng 3.

Higham, C. (1989), The Archaeology of Mainland Southeast Asia. From 10,000 BC to the Fall of Angkor, Cambridge University Press, Cambridge. 

Nettle, D. (2002)“Genetic and linguistic diversity: The view from linguitics”, bài đọc tại Hội Nghị Genes, Peoples and Languages tại UCLA, 11-15 Tháng Hai.

Nguyễn Quang Trọng (2002a), “Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và “Địa Đàng ở Phương Đông” của Oppenheimer”, Hợp Lưu số 64, tháng Tư, trang 24-52.

Nguyễn Quang Trọng (2002b), “Về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam – Trả lời nhóm Tư Tưởng”, Hợp Lưu số 66, tháng Tám/Chín, trang 46-59.

Nichols, J. (1992), Linguistic Diversity in Time and Space, Chicago University Press, Chicago.

Nichols, J. (1998), “Ther origins and dispersal of languages: Linguistic evidence”, trong N.G. Jablonski và L. Aiello (chủ biên), The Origins and Diversification of Language, California Academy of Sciences, San Francisco, trang 127-70.

Oppenheimer, S. (1999). Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia, Phoenix, London.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *