Lời vào đề: Trước khi tìm hiểu tư tưởng thời văn hóa Đông Sơn, thời kỳ các vua Hùng dựng nước, cần phải tìm hiểu hai vấn đề cơ bản đã xảy ra trên phần đất nay là miền Bắc Việt Nam, cái nôi của tộc Bách Việt. Đó là: việc nước biển lên xuống và việc thuần hóa kỹ thuật trồng lúa nước tại vùng này. Sự hiểu chưa đến nơi cổ sử và tư tưởng sử của Đại tộc Bách Việt nói chung, của Việt Nam nói riêng, có lẽ là ở chỗ đã không chú ý đúng mức đến hai vấn đề then chốt này. Bài viết dưới đây có dụng ý điều chỉnh cách nhìn đó.
Đọc quyển Theo Dòng Lịch sử của Giáo Sư Trần Quốc Vượng do nhà Xuất bản Văn Hóa Hà Nội in năm 1996, chúng tôi thấy có một đoạn thú vị nói về sự hội tụ con người và văn hoá lần thứ nhất ở Vĩnh phú vào khoảng hậu kỳ thời đại đồ Đá cũ Pleistocene, rồi đột nhiên những người ở vùng đó biến đâu mất để đến cả hơn chục ngàn năm sau mới có dấu vết xuất hiện lại những hậu duệ của họ ở vùng này. Đoạn đó nguyên văn viết như sau: “… vào xuân hè 1968, tôi cùng các đồng nghiệp và sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội trong khi đào lại Phùng Nguyên, đã phát hiện ra nền văn hoá cuội gia công tiền Hoà Bình, sau được mệnh danh là văn hóa Sơn Vi với niên đại C14 khoảng 10000 – 20000 năm cách ngày nay, vào cuối thời Đá cũ ở thời điểm cuối thế kỷ canh tân Pleistocene. Bấy giờ là băng kỳ cuối cùng ở Bắc Á, Bắc Âu, mực nước biển còn ở xa ngoài khơi biển Đông, cái đồng bằng Bắc bộ thứ nhất với rừng cây rậm rạp che phủ những hệ thống sông chảy dài ra hải đảo…Trường sinh thái nhân văn của người Sơn Vi hái lượm và đi săn rộng mênh mông những tưởng là vô tận.
Những phát hiện gần đây về văn hóa Sơn Vi về cả ba lưu vực sông Lô, sông Đà và Yên Bái Hoàng Liên Sơn dọc thượng – trung lưu sông Hồng Hà đã dẫn Nguyễn Khắc Sử (1991) đến một giả thiết về sự hội tụ Sơn Vi ở đỉnh Việt Trì Vĩnh Phú từ ba nguồn Sơn Vi sớm dọc sông Lô, sông Đà, sông Nhị. “Hội thủy” là của tự nhiên; Hội nhân, Hội văn hoá là của con người.
Người cực khôn ngoan (Homo Sapiens – Sapiens) đã hội tụ về Vĩnh Phú hàng vạn năm về trước rồi lan tỏa về xuôi, về biển…Đấy là sự hội tụ con người và văn hoá lần thứ nhất ở Vĩnh Phú…
Nhưng sau đó thì những hậu duệ (con cháu) của chủ nhân văn hóa Sơn Vi đã mất tích ở trung du Vĩnh Phú. Tiền thân của họ, chúng tôi đã tìm thấy trong các hang động Thần Sa, Bắc Thái (văn hóa Thần Sa, trung kỳ hay hậu kỳ đạo cũ với niên đại C14 trên 30000 năm). Hậu thân của họ tức chủ nhân những nền văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn nổi tiếng (niên đại C14 9000 đến 6000 năm cách ngày nay) chúng ta cũng đã tìm thấy nhiều trong các hang động đá vôi ở Hòa Bình, ở Bắc Sơn, ở vùng núi đá vôi Thanh Nghệ, ThượngTrung Lào và rải rác ven biển Quảng Ninh (Hà Khẩu) hay ven biển Quảng Nam (Bầu Dũ) cho mãi tận ven biển Sumatra…
Tôi hỏi Nguyễn Khắc Sử, Trịnh Năng Chung và các nhà khảo cổ khác rằng vì sao con cháu người Sơn Vi lại mất tích ở Trung du Vĩnh Phú và các anh đều lắc đầu nói rằng số phận họ ra sao ta chưa được biết…”
Đấy là ý kiến của những nhà khoa học thuần túy trung thành với thuyết chừng nào có chứng liệu khoa học thì phát biểu ý kiến, chừng nào không có chứng liệu khoa học thì nói là không biết.
Sau đây là ý kiến của một nhà khảo cổ khác tương đối mềm mỏng hơn, ông Trần Quốc Trị:
“Và trước tai họa biển tiến cùng lũ lụt đó, con người Sơn Vi phải “co rút” về vùng núi đá vôi và vùng thung lũng cao hơn (Hòa Bình – Bắc Sơn – Tây Bắc), nó đánh dấu sự “hoang vắng” của trung du trong suốt thời gian từ khoảng một vạn năm đến khoảng trên dưới 4000 năm cách ngày nay”….
Sau 4000 năm là thời holocene muộn (4000 – 2000 năm), đây là một thời biển lùi. Đồng bằng châu thổ Bắc bộ thứ hai được thành lập, cố nhiên là cũng phủ đầy rừng. Con người hậu kỳ Đá mới từ miền núi cao Vân Quý – Quảng Tây tiến xuống, từ miền hải đảo, biển khơi ngược sông tiến vào, từ giải Trường Sơn dọc Trung bộ Việt Nam – trung hạ Lào tiến ra, hội tụ ngày một đông đảo ở miền trung du giáp đồng bằng. Rồi Trần Quốc Vượng kết luận “đây là sự hội tụ con người và văn hoá lần thứ hai ở miền trung du Vĩnh Phú, Sơn Tây. Ta có thể gọi đó là sự hội tụ Phùng Nguyên”.
Tôi chưa bằng lòng về câu trả lời “không” đơn giản của Nguyễn Khắc Sử, Trịnh Năng Chung đã đành, tôi cũng chưa thỏa mãn về lối giải thích của Trần Quốc Trị. Không phải là một nhà triết học nên tôi không có cặp mắt phóng nhìn vào sự u linh huyền nhiệm của huyền sử như Giáo sư Kim Định, nhưng tôi cũng không phải là một là khoa học thuần túy để không chịu giải thích sự kiện một khi chưa có những bằng chứng khoa học như Nguyễn Khắc Sử. Vốn là một người học luật, tôi xin dùng phương pháp của luật gia vậy. Một người nghiên cứu luật, dù là một thẩm phán chuyên buộc tội hay là một luật sư gỡ tội, thì đầu tiên cũng phải dựa vào những chứng cớ (evidences) chắc chắn, cụ thể, rồi mới từ những chứng cớ đó dùng những biện luận khoa học đi từ nguyên nhân đến kết quả để mà tìm ra kết luận. Tất nhiên, kết luận đó có giá trị nhiều hay ít, đúng với sự thật nhiều hay ít là tuy cách thức biện giải của người thực hành pháp luật. Nếu không có những biện pháp này thì phần thường ông tòa đành chịu bó tay không thể kết tội những phạm nhân ranh ma quỷ quái, và luật sư cũng đành chịu không thể nào biện hộ cho những phạm nhân ngay tình vô tội chẳng may bị mắc vào tròng của những kẻ phạm pháp tinh khôn.
Vậy áp dụng phương pháp của luật học vào việc tìm hiểu người Sơn Vi đã biến đi đâu trong khoảng thời gian dài cả chục ngàn năm đó, thì việc đầu tiên là phải tìm ra những cớ đã, rồi từ những chứng cớ đó mới có thể dùng những định luật khoa học mà biện giải. Chúng tôi xin tìm chứng cớ ở ngay việc biển tiến này.
Về phương diện này ta có thể xét về ba phần:
– Thứ nhất: hiện tượng biển tiến qua thời gian.
– Thứ hai: phản ứng của cư dân sinh sống trước hiện tượng biển tiến.
– Thứ ba: suy đoán ảnh hưởng biển tiến đối với tư duy của con người cổ.
MÔ TẢ HIỆN TƯỢNG BIỂN TIẾN THEO THỜI GIAN
Trước thập kỷ 60, các nhà khoa học chỉ nói đến khoảng bốn hay năm thời kỳ băng hà và gián băng: mỗi lần có sự băng hà, nước co về hai cực thì biển lui, mỗi lần có sự gián băng thì nước biển lại nhiều, lại dâng lên, khoa học gọi là biển tiến. Đến nay, người ta được biết ít nhất đã có 20 thời kỳ băng hà và gián băng trong 2 triệu năm qua. Hai mươi thời kỳ gián băng cũng có nghĩa là 20 thời kỳ nước biển lên xuống. — mỗi khu vực có thể khác nhau, khác về thời gian, khác về số lần, khác về mức lên xuống nhiều hay ít. Sự khác đó tùy thuộc vào mặt đất cũng luôn luôn biến chuyển, trồi, sụt lúc thì lên cao, lúc thì tụt xuống. Nay nếu chỉ giới hạn vào trong hậu kỳ pleistocene nghĩa là vào thời gian bắt đầu có người khôn ngoan xuất hiện sinh sống vào khoảng từ 125000 năm cho đến 10000 năm cách ngày nay thì chúng ta thấy tất cả có năm lần nước biển lên xuống ở Đông Nam Á (Chappell 1983). Năm lần đó, xuất hiện vào những năm 100.000, 80.000 năm, 60.000 năm, 40.000 năm và 28.000 năm cách ngày nay. — Việt Nam, nhất là đồng bằng Bắc bộ, việc nước biển tiến thoái lại có tầm mức quan trọng hơn nữa bởi hạ tầng đất cũng luôn luôn trồi sụt lên xuống, trước kia người ta đã có nhận xét rằng trong thời kỳ nước biển lên cao có khi đến 100m hơn ngày nay. Đó là thời kỳ cách đây khoảng gần cả triệu năm (cuối thời kỳ thứ ba) lúc đó cả vùng Bắc Việt ngày nay chỉ là một vịnh lớn. Đến nay người ta còn thấy dấu vết để lại là giải cuội trắng kéo dài từ Phả Lại qua Bắc Ninh đến Vĩnh Phú, nằm vắt ngang sườn các đồi cao, có chỗ thì 25m, có chỗ thì 45m cao hơn mực nước sông. Còn có một di tích khác bám trên vách đá để lại là vỏ các con hà, khoa học gọi là ostria xác định mực nước biển ngày xưa. Điều này thêm chứng tích cho giải cuội trắng nói ở trên về mực nước biển ngày xưa.
Sau đó bắt đầu kỷ thứ tư cách đây khoảng dưới một triệu năm thì có cảnh ngược lại: khí hậu trở nên băng giá cùng cực, nước đông ở hai cực nên mực đại dương lại thấp xuống, thấp từ 20m cho đến 100m so với ngày nay. Nước biển rút ra xa hiện ra một vùng đồng bằng Bắc bộ rộng mênh mông cho đến tận đảo Hải Nam. Đồng bằng đó đã có những cầu nổi nối liền với các hải đảo phía đông, phía nam đến tận Sumatra, có thể đến tận Úc Châu. Nói một cách khác người ta có thể đi bộ từ đất mà nay gọi là Việt Nam sang đất mà nay gọi là Úc Đại Lợi hay ngược lại. Ta phải nhấn mạnh đặc biệt vào hiện tượng biển lui và những cầu nổi nối liền từ Việt Nam đến những hải đảo này. Điều này giải thích tại sao đã có những dân lai giữa hai đại tộc Mongoloid và Hải Đảo mà khoa học gọi bằng nhiều tên như Malanesien, Indonesien, Nam Á sinh sống tại phần đất nay là Việt Nam. Tất nhiên, sự giao thông từ Việt Nam đến Trung quốc bằng đường ven biển lúc đó cũng dễ dàng. Bây giờ người ta mới hiểu được sự giao lưu giữa các tộc người, sự pha giống và sự trao đổi hòa đồng văn hoá giữa các miền với nhau, ngày đó vì sao đã không bị biển cả ngăn cách.
Nay ta chỉ chú ý đặc biệt đến đợt biển tiến cuối cùng bắt đầu sau băng hà thứ tư cách đây từ 20000 năm đến 17000 năm. Trước khi chú ý đến hiện tượng biển tiến, tưởng chúng ta cần phải lưu ý đến hai đặc điểm sau đây liên hệ đến biển Đông và đến châu thổ sông Hồng:
- – Biển đông ở vùng vịnh Bắc Việt là một biển kín có dung tích là 3.447.900 cây số vuông. Vùng vịnh Bắc bộ rất nông thường chỉ sâu dưới 100m, lại rất kín nên vẫn gọi là nội hải. Bởi vậy, như đã nói, khi biển rút thì châu thổ Bắc bộ có đường bờ đến tận đảo Hải Nam.
- – Đặc tính thứ hai là vùng đất mà nay là châu thổ sông Hồng, thời đó có những biến chuyển rất đặc biệt: có lúc đất trụt xuống biến khiến cả một vùng rộng lớn thành vịnh. Có lúc đất nổi lên cao mà đợt nổi cao sau cùng là đợt nổi chuyển động nhô cả móng vùng Hà Nội cao lên như lưng một con rồng, chiều dài đến 100 cây số, ngang đến vài chục cây số theo trục Tây Bắc, Đông Nam. Việc đó xảy ra theo những tính toán được của khoa học ngày nay là vào cuối thời pleistocene, khoảng từ 10.000 năm đến 6.000 năm cách ngày nay. Mực mặt đất chuyển động nhô cao lên đó tương ứng đúng với mực nước biển bắt đầu tiến như trên đã nói, sau băng hà wurm cách đây khoảng 17.000 năm. Mỗi năm biển trung bình tiến lên 10mm. Vậy thì vào khoảng 17000 năm trước đây, mực nước thấp hơn bây giờ khoảng 100m, bờ biển cách xa trung tâm đảo Cát Bà khoảng 50 cây số và toàn bộ Vịnh Hạ Long như vậy lộ ra như một đồng bằng, mà trên đồng bằng đó những sông cổ đổ nước từ Quảng Ninh men theo vịnh Hàm Cối, Tiên Yên chảy xuống đồng bằng Hạ Long nhập vào cửa sông Lục để chảy ra biển Đông (Lưu Tì 1983). Nhìn về một khía cạnh khác, người Việt cổ mà nay đã tìm thấy chứng tích qua C14 đã xuất hiện ở hang động Thần Sa, Bắc Thái cách đây 30.000 năm. Khuynh hướng của con người là luôn luôn tiến về vùng đất thấp và hướng dần ra biển, vậy thì từ trên 30.000 năm cho đến 17.000 – 18.000 năm trước, và có thể gần hơn nữa, người Việt cổ đã có một đồng bằng cực kỳ tốt để sinh sống, để phát triển và để xây dựng đời sống văn hoá của mình. Thời kỳ đó tóm lại có thể dài đến vài chục ngàn năm. Trong khi đó biển vẫn tiếp tục tiến. Đến khoảng 8000 năm cách ngày nay thì nước biển lúc đó có thể ngang tầm với mức nước biển ngày nay. Dần dần mức nước biển còn cao hơn mức nước biển ngày nay đến bốn, năm thước khiến cho những người Việt cổ thời đó phải bỏ cái nơi cư trú một thời đã cực kỳ lý tưởng đó mà di đi nơi khác. Di đi đâu ? Đó là câu hỏi mà chúng ta phải tìm câu giải đáp.
Chúng ta đã có hai câu trả lời cho câu hỏi này. Như ở phần đầu đã nói: một là trả lời không biết của các nhà khảo cổ Nguyễn Khắc Sử, Trịnh Năng Chung, và một là câu trả lời của Trần Quốc Trị: di lên vùng cao Hòa Bình – Bắc Sơn.
Tôi muốn đề nghị một câu trả lời thứ ba là tại sao không giả thiết rằng người Việt cổ đã có một thời gian sống yên bình ở một đồng bằng tốt như vậy tất đã đạt được một trình độ văn minh nào đó. Khi thấy sự đe dọa của biển cả, nước biển dâng dần, họ có điều kiện, tại sao lại không di dần lên phương Bắc mà tìm đất sống mới, nhất là khi những đồng bằng ở miền Bắc, ở bờ sông Giang Tây, bờ sông Dương Tử hay xa hơn nữa, ngay cả châu thổ sông Hoài, sông Hoàng, khí hậu đã bắt đầu ấm áp rất thuận tiện cho việc sinh sống. Tôi muốn nhấn mạnh đến môi truờng sinh thái miền Lĩnh Nam, nay là Quảng Đông, Quảng Tây… xem ra không khác với môi trường sinh thái nay là Bắc phần Việt Nam bao nhiêu. Chúng ta hãy thử xét bằng vào những di chỉ khảo cổ mới tìm được ở ngay vùng đất mà nay gọi là Trung Hoa, xem điều giải đáp này có chứng cớ khoa học nào không.
PHẢN ỨNG CỦA CƯ DÂN TRƯỚC HIỆN TƯỢNG BIỂN TIẾN
Từ trước đến nay, người ta chỉ học rằng con người đã từ phương Bắc, nay là đất Trung quốc tiến về phương Nam để thành lập ra nước cổ Việt gọi là Văn Lang. Những sự học hỏi đó có trong sách sử, trong truyền thuyết và đã được kể hàng ngàn năm, thấm sâu vào máu của nhiều người Việt. Nay nói ngược lại rằng con người đã từ vùng châu thổ sông Hồng tiến lên phía Bắc thì đối với một số người nghe có vẻ nghịch lý, khó mà tin được. Nhưng thời đại này là thời đại khoa học, tất cả những gì không có chứng cớ thì không nên tin, ngược lại cái gì có chứng cớ, có lý, tất phải tin theo dù nó trái với những sự hiểu biết của chúng ta từ trước đến giờ. Nay, xét về mặt lịch sử, chúng ta thấy sử ghi vua Kinh Dương Vương đã được vua cha phong cho làm vua phương Nam, lấy quốc hiệu là Xích Quỷ, vào năm Nhâm Tuất tức là khoảng năm 2879 trước Tây Lịch. Như vậy, từ ngày lập quốc do gốc tích từ phương Bắc đến nay kể cũng chưa tới 5000 năm. Vậy thì trước 5000 năm đó, tình trạng người Việt ở miền mà nay là Bắc Việt Nam, châu thổ sông Hồng ra sao? Chúng ta ngày nay căn cứ vào phương pháp khoa học phổ thông nhất là tia phóng xạ carbon C14 đã chứng minh được bảng xương cốt người cổ tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam liệt kê như sau:
Văn hóa Tiền Hòa Bình | C14 = 33000 – 2500BP |
hay Tiền Sơn Vi | (BLn-1412/II) |
(Thẩm Khương) | |
Văn hóa Sơn Vi sớm | C14 = 18390 – 125BP |
(Mai Châu,Hà Sơn Bình) | (BLn-1735/I) |
Văn hóa Sơn Vi muộn | C14 = 11840 – 75BP |
(hang Con Moong, | (BLn-1713/I) |
Thanh Hóa) | C14 = 11755 – 75BP |
(BLn-1713) | |
Văn hóa Hòa Bình | C14 = 10875 – 175BP |
(Thẩm Hội, Hòa Bình) | C14 = 11365 – 80BP |
(Sũng Sàm) | |
(BLn-1541/I) | |
Văn hóa Bắc Sơn | C14 = 10295 – 200BP |
(Bó Lúm, Lạng Sơn) | (BLn-1001/II) |
C14 = 9990 – 200BP | |
(BLn-1001/I) |
Những tài liệu này đã được quốc tế công nhận. Vậy thì trước 5000 năm nhiều người cổ Việt đã chiếm ngụ được một đồng bằng tuyệt đẹp dài từ châu thổ sông Hồng đến tận đảo Hải Nam ngày nay. Với đồng bằng đẹp và cư ngụ lâu dài như vậy, chắc chắn họ đã đạt đến một mức độ văn minh nào đó mà chẳng may khi nước biển dâng lên đã nhận chìm nền văn minh đó xuống dòng nước cả. Ngày nay khó mà tìm được những di tích cụ thể.
Nay, xem ở Trung quốc đã có dấu tích của người cư ngụ từ thời nào? Nhận xét đầu tiên ta có thể thấy là những dấu vết có người ở phương nam Trung quốc ngày nay vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam trước lâu hơn những dấu vết của người ở phương Bắc.
Chúng ta đã làm một cuộc so sánh với niên đại C14 xương người cổ đại ở Trung Quốc trong bài “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam” để chứng minh ít nhất về phương diện khảo cổ, đã có chứng tích người cổ có nguồn gốc từ Hòa Bình đi dần lên Trung Quốc theo hai ngả phía Tây và phía Đông. — đây chỉ xin ghi lại một vài niên đại tiêu biểu để có thêm một ý niệm:
Tiến theo hướng Đông Bắc
Văn hóa Lĩnh Nam
Bạch Liên Động (Quảng Tây) | C14= 19910 ổ180BP |
(BK 82097) | |
Độc Thạch Tử (Quảng Đông) | C14 = 14260 ổ130BP |
(BK 83016) | |
Hải Lôi Động (Đài Loan) | C14 = 10000 – 750BP |
Văn hóa Giang Nam | C14 = 10870 ổ 210BP |
Tiểu Nhâm Động (Giang Tây) | |
(ZK 39) | |
Ho-mu-tu (Chiết Giang) | C14 = 6085 ổ 100 |
Văn hóa Ching Liên Kang | (trước 1950) |
(thuộc Long Sơn?) | C14 = 5785 ổ 105 |
Ta-Tun-Tzu (Giang Đông) | |
(trước 1950) |
Tiến theo hướng Tây Bắc
Văn hóa Vân Nam -Tứ Xuyên (Thục)
Bạch Nham Cước (Quảng Tây) | C14 =14220 – 200B) | |
Hoàng Sơn Huy (Tứ Xuyên) | C14 = 5535 – 130BC | |
Văn hóa Ngưỡng Thiều | C14 = 6065 – 110 | |
Pau-P’o (Sian – Thiểm Tây) | ||
(trước 1950) | ||
Văn hóa Long Sơn | hay | 4115 ổ 110BC |
= 4260 ổ 95 | ||
Miao-ti-ku (Hanan) | C14 | |
(trước 1950) | ||
hay | 2310 ổ 95BC |
Quay lại những thời kỳ biển tiến, chúng ta thấy rằng vào khoảng độ 8.000 năm – 10.000 năm trước Tây Lịch thì nước biển đã xấp xỉ như ngày nay và đã bắt đầu đe dọa đời sống của cư dân ở châu thổ Bắc Việt ngày nay rồi vì đất đó trũng hơn bây giờ và phù sa sông Hồng chưa lấp đầy chỗ trũng đó nên không còn là đất có thể cư trú, sinh sống một cách dễ dàng. Vậy thì người cư ngụ tại vùng đó đã phải di đi ít nhất là từ lúc đó, từ lúc vào khoảng hơn 8000 năm trước Tây Lịch. Và tại sao lại không giả thuyết rằng trong hoàn cảnh thuận lợi họ có thể đi bộ chứ không cần phải đi thuyền về cả hai phía, phía đông và phía tây để lên phần đất mới nay gọi là Trung Hoa ấm áp rất thuận tiện cho cuộc sống mới? Chúng ta sẽ có những bằng chứng rõ ràng hơn nói về sự di dân này một cách hợp tình hợp lý (xin xem bảng niên đại trên), nhưng ở đây tưởng có thể nói ngay đến những ý kiến của những học giả có uy tín trên thế giới về vấn đề này. Trước hết, phải kể đến Tiến Sĩ Matthews J.M. trong bài “ Văn hóa Hoà Bình ở Đông Nam Á và các nơi khác” (năm 1964) thì đã coi Tứ Xuyên như một dạng địa phương của văn hóa Hòa Bình. Đây là tác giả đầu tiên đã dùng danh từ văn hóa Hòa Bình mở rộng ra khỏi biên cương của nước Việt mà ông cho rằng về phía bắc đã đi đến Trung Hoa, phía đông đi đến Phillippine, phía nam đến tận Nam Dương. Học giả thứ hai là Ông J. Aigner thì lại cho rằng ở Nam Trung quốc đã tìm thấy đá cuội ghè và gốm là một bộ phận của phức-hợp Hòa Bình. Danh từ phức hợp Hòa Bình là danh từ do học giả người Mỹ Gorman C.F. đề nghị để thay cho danh từ văn hóa Hòa Bình. Nhưng có lẽ đi xa nhất là học giả Solheim W.G. II, ông chủ trương rằng không những nam Trung quốc mà cả Ngưỡng Thiều cũng là hậu thân của văn hóa Hòa Bình (Solheim W.G. II – 1974, A: 25). Về những đặc trưng văn hóa có thể chứng tỏ người Việt đã ảnh hưởng đến người phương bắc như thế nào về các phương diện đồ đá, đồ gốm, đồ đồng và các hình thái văn hóa khác cũng sẽ được trình bày sau. Riêng ở đây bằng vào những chứng cớ vừa trình bày, tưởng có thể tạm kết luận rằng: vào cuối thời đồ đá cũ, trên 8000 năm trước đây, do ảnh hưởng của sự biển tiến đã làm thay đổi môi trường sinh thái một cách cực kỳ nghiêm trọng đe dọa đến đời sống của cư dân sông ở vùng châu thổ Bắc Việt bây giờ nên đã có sự di cư của cổ dân đó lên phía bắc. Họ đem theo những đặc trưng văn hóa đã có được trong khi sinh sống ở bình nguyên cực kỳ tốt đẹp là vùng châu thổ Bắc Phần lúc đó rộng ra đến tận đảo Hải Nam cùng với họ lên phía Bắc. Những đặc trưng văn hóa này theo nhà sử học Joseph Needham, gồm 25 điểm như sau:
- – Văn hóa biển và sông nước.
- – Kỹ thuật đóng tàu dài.
- – Đặc điểm nhà làng để cho dân tụ tập sinh hoạt.
- – Tục đua thuyền.
- – Huyền thoại con rồng.
- – Thờ phụng loài rắn.
- – Tục linh thiêng hóa ngọn núi.
- – Đặc thù về giống chó.
- – Văn minh trống đồng.
- – Thuật dùng nỏ bắn bằng tên.
- – Phép làm quần áo bằng vỏ cây.
- – Tục xâm mình.
- – Đốt rừng làm rẫy.
- – Hội về mùa xuân và mùa thu cho trai gái vui chơi để tự do lựa vợ kén chồng
- – Văn minh trồng lúa nước.
- – Thuật đào mương dẫn nước.
- – Thuật làm nuơng rẫy.
- – Phép thuần hóa trâu để cầy.
- – Tục thờ cúng ông bà.
- – Tục giết heo để cúng bái.
- – Tục cầu tự.
- – Thuật làm khí giới có chất độc.
- – Thuật trồng cây tre và sử dụng dụng cụ bằng tre.
- – Kỹ thuật đúc sắt.
- – Kỹ thuật làm sơn mài.
(Science and civilization in China – Introduction)
Nếu công nhận bảng liệt kê về đặc trưng văn hóa mà tộc Hoa đã học của tộc Việt như trên là đúng thì quả có thể kết luận mà không sợ quá đáng rằng văn minh Hoa tộc ngày nay đã học được từ văn minh Việt tộc phần lớn. Và điều đó góp thêm phần chứng minh rằng: khi nước biển tiến lần cuối vào khoảng từ 17000 – 7000 năm cách ngày nay, một phần cư dân ở vùng đồng bằng sông Hồng đã di lên phía Bắc, sau này góp phần chính vào việc hình thành đất nước ngày nay mang tên là Trung Hoa.
ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC BIỂN TIẾN ĐỐI VỚI TƯ DUY CỦA CON NGƯỜI VIỆT CỔ:
Về việc biển tiến làm thu hẹp diện tích sinh sống, một mặt đẩy người Việt cổ ở vùng châu thổ Bắc Việt thời đó di lên phía Bắc, mặt khác đưa những người còn bám trụ đồng bằng Bắc Việt lùi lên cao hoặc sống trong những hang động ở vùng Hòa Bình hay ở vùng Quảng Ninh… đó là bắt đầu văn hóa Hòa Bình. Việc thu hẹp diện tích, theo một số các nhà khảo cổ học và cổ sử học đã là nguyên nhân thúc đẩy con người thời đó phải tìm cách sinh sống khác nữa ngoài vấn đề hái lượm và săn bắn: nó kích thích sự nảy sinh ra việc chăn nuôi và trồng tỉa, khởi đầu của nông nghiệp (Carl Sauer 1952). Nhiều học giả nổi danh thế giới kể cả các học giả hàng đầu Trung quốc cũng đồng ý với quan điểm này (J. Barrau 1965: 282; William Meacham 1882; Trương Quang Trực 1970: 63 và ngay cả LiChi).
Về phía những nhà khảo cổ và sử học Việt Nam thì ý kiến lại chưa được thống nhất. Nếu cố Giáo sư Phạm Huy Thông nguyên Viện Trưởng Viện Khảo Cổ đồng ý với ý kiến trên và dùng nó để lý giải các di tích Hòa Bình thì ngược lại cũng có những ý kiến phản bác như của Giáo sư Hà văn Tấn hiện là Viện Trưởng Viện Khảo Cổ bây giờ. Theo ông thì việc biển tiến có làm tăng dân số và giảm môi trường sinh sống thật nhưng có là sự thúc đẩy cho việc ra đời và phát triển nông nghiệp hay không thì không có cơ sở khoa học để chứng minh (Hà văn Tấn 1986: 84).
Ta sẽ còn có dịp để quay lại vấn đề này trong những bài tới. Bây giờ thử bàn về ảnh hưởng của việc biển tiến trong tư duy của con người cổ Việt Nam. Trong bài viết về “Văn hóa biển tiền sử Việt Nam”, Nguyễn Khắc Sử đã có nói đến những đặc tính căn bản của văn hóa biển là:
- Có tính động.
- Có tính biến đổi trong không gian và thời gian.
- Có tính giao lưu trao đổi vĩnh hằng.
- Có tính thống nhất trong đa dạng.
Có thể Nguyễn Khắc Sử nghĩ nhiều đến văn hóa của cư dân vùng biển nói chung hơn là cư dân sống ở vùng biển khi nước biển tiến như cư dân cổ Việt trong thời kỳ 17000 năm – 8000 năm vừa nói ở trên, nên ông không đào sâu nhận xét của mình về phương diện tư duy triết học mà lại dừng lại ở những nhận xét có tính cách thực tế như sự Lan tỏa, sự hội nhập, như sức sống của văn hóa biển biểu hiện ở những trung tâm gốm, ở sự hình thành nền văn hóa thời đại đồng thau sau đó….
Tôi muốn bổ túc vào bốn đặc trưng văn hóa mà Nguyễn Khắc Sử đã nêu ở trên bằng ba điểm nữa là: thứ nhất, cái lẽ biến dịch hiểu theo nghĩa triết lý khác hơn là sự biến đổi của vật chất trong không gian và thời gian – thứ hai, cái tính vô thường và nhờ đó – thứ ba, cái lòng từ bi cố hữu. Phải hiểu được sự biển tiến đã in hằn sâu xa thế nào lên tâm thức của người Việt cổ mới hiểu được những nhận xét thực tế các đặc trưng của biển đã thăng hoa lên thành tư duy Triết học như thế nào, để rồi lại lắng đọng sâu thẳm trong tâm hồn của người Việt cổ và di truyền lại mãi mãi cho đến đời nay.
Không phải vô cớ mà khởi đầu tác phẩm bất hủ Truyện Kiều, Thi hào Nguyễn Du đã viết:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc biển dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Biển dâu, bãi biển biến thành nuơng dâu không phải là cái chuyện tưởng tượng mà là thực tế hiện ra trước mắt những người Việt cổ. Bởi vậy, nó cũng có cái nghĩa đặc biệt khác hẳn với bất cứ con người nào khác ở bất cứ nơi nào. Nếu chúng ta hiểu rằng ngày nay, một số di tích thời Lý Trần đang bị ngập, bị phá hủy bởi nước biển tại Quỳnh Phú, tại Đông Lĩnh, tại Giếng Đáy, nếu chúng ta biết rằng chỉ cách đây không lâu những rừng gỗ lim ở phía đông làng Vạn Bá hãy còn là rừng rậm nay đã bắt đầu trở thành đầm ao để cho dân dùng làm nơi nuôi hải sản (Phạm Đình Thọ – Khảo Cổ Học 1997, số 2) thì chúng ta mới hiểu được tại sao người xưa đã có một quan niệm sống không giống với các nền văn minh khác. Giải thích hiện tượng người cổ Việt rất văn minh nhưng đã không xây những công trình kiến trúc đồ sộ như người Ai Cập ở bờ sông Nil, như người Trung Hoa xây Vạn Lý Trường Thành hay như người Nam Mỹ xây những công trình đồ sộ, Giáo sư Kim Định đã cho rằng bởi văn minh Việt là văn minh nhân bản, những lãnh tụ người Việt vì yêu dân nên không muốn phí sức dân, không muốn dân phải cực khổ trong việc xây những kiến trúc lớn lao như thế. Và bởi vì bắt nguồn từ văn minh nhân bản nên người Việt muốn xây dựng những kiến trúc mỹ thuật vừa tầm tay của mình mà không xây cất những công trình đồ sộ vượt quá tầm thước của con người có tính cách đè nặng lên tâm tư con người. Giải thích như thế không phải là không có lý. Nhưng còn có một cách giải thích thực tế nữa là bởi xây cất những kiến trúc vĩ đại để làm gì khi biết chắc rằng rồi chúng cũng lại chìm xuống biển sâu trong một thời gian có thể biết được. Do đó, chuyện bãi biển trở thành nương dâu, rồi nương dâu trở thành bãi biển đã gây ấn tượng mạnh trong tâm thức người cổ Việt và đã làm cho người ta hiểu rõ cái lẽ biến dịch ở đời. Có thể từ đó đã là nguồn gốc, cái động lực để người cổ Việt sáng tạo ra hay góp phần sáng tạo Kinh Dịch phản ánh đúng biến dịch của thiên nhiên, một kinh điển chung cho tất cả những người Châu Á. Và cũng bởi hiểu được cái lẽ vô thường mà ca dao có những câu tương tự như:
Trông ra nào thấy đâu nào
Đám mây lơ lửng ngôi sao giữa trời.
Hiểu được lẽ vô thường nên người Việt sau này tiếp xúc với đạo Phật đã tiếp nhận một cách dễ dàng như đón nhận một cố nhân. Và trên hết, từ những điều mắt thấy tai nghe do sự biển tiến như thế, từ những kinh nghiệm phải đương đầu trong việc ứng xử thực tế như thế, người Việt cổ nảy sinh ra lòng từ bi cố hữu. Không phải bây giờ mà đã tự bao giờ, người Việt vẫn quan niệm:
Thương người như thể thương thân.
Không phải bây giờ mà tự bao ngàn năm trưóc, người cổ Việt đã quan niệm:
Người trồng cây Phúc người chơi
Ta trồng cây Hạnh để đời về sau
Tất cả cái hiểu lẽ biến dịch, cái hiểu lẽ vô thường và tấm lòng từ bi cố hữu đó là đặc điểm của văn hóa Việt. Nó vừa có ưu điểm nếu hiểu theo lẽ triết học nhân bản mà nó là nhược điểm nếu hiểu theo sự cạnh tranh trong cuộc sống để mưu đoạt tài vật. Đó là lý do giải thích tại sao tộc Việt đã văn minh rất sớm mà cuối cùng bị Hoa tộc đồng hóa chỉ còn giữ được giải đất chữ S để sinh sống. Vai trò của tộc Việt trong cộng đồng nhân loại tương lai thế nào, họ có thể đóng góp được gì trong việc đi tìm một đường lối giải quyết vấn đề bế tắc của tư tưởng nhân loại hôm này ngo hấu cùng tránh bị diệt vong và đạt được chân hạnh phúc là tùy thuộc vào những đặc điểm này vậy.
CUNG ĐÌNH THANH
Tập san Tư Tưởng.