239. Nguồn gốc dân tộc Việt Nam theo sinh học phân tử

Nguồn gốc dân tộc Việt Nam khi chưa có ngành sinh học phân tử, thì có rất nhiều giả thuyết khác nhau, người thì cho rằng chúng ta từ phía Nam đi lên, người thì cho là từ phía Bắc xuống, trong đó chiếm ưu thế là thuyết người Việt có “nguồn gốc từ Trung Quốc”, thuyết này đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng của người Việt cho tới tận ngày nay, nhưng khi có khoa học gen, thì nguồn gốc của người Việt không còn mờ tỏ, nhập nhằng như thế, mà đã trở nên hết sức rõ ràng: người Việt là những hậu duệ từ những người thông minh di cư khỏi châu Phi và tới Việt Nam và Đông Nam Á khoảng 6-40000 năm trước. Khoảng không gian, thời gian của người Việt cổ trải rộng khắp miền Bắc Việt Nam tới lục địa Trung Hoa, với tiến trình lịch sử đi lên đi xuống rất thú vị.

1. Khởi đầu:

Công trình nghiên cứu gen của nhóm Gs. J. Y. Chu đã khởi đầu cho cuộc cách mạng nhận thức về nguồn gốc của người Việt, khi ông cùng 13 đồng nghiệp Đại học Texas đã phân tích 15-30 mẫu “Vi vệ tinh” DNA (microsatelltes) để thử nghiệm sự khác biệt di truyền trong 24 nhóm dân từ nhiều tỉnh khác nhau ở Trung Quốc, 4 nhóm dân vùng Đông Nam Á gồm 2 nhóm thổ dân châu Mỹ, một nhóm thổ dân châu Úc và một thuộc thổ dân New Guinea, 4 nhóm dân da trắng Caucasian và 3 nhóm dân Phi Châu, đưa đến kết luận người châu Á có nguồn gốc từ châu Phi, hướng di cư là từ Đông Nam Á đi lên, chứ không phải ngược lại như những gì giới khoa học xác định trong thời gian trước đây. Ngoài ra, công trình nghiên cứu của nhóm J. Y. Chu cũng đưa ra kết luận: người Trung Quốc phía Bắc có cấu trúc di truyền khác người Trung Quốc ở phía Nam, bởi nhóm ở phía Nam chính là nhóm Bách Việt đã bị đồng hóa về mặt nhận thức, ngôn ngữ và văn hóa, chủng tộc của họ vẫn cơ bản giữ được như người Việt chúng ta ngày nay. Đây là công trình đầu tiên và quan trọng nhất chứng minh nguồn gốc của người Việt.

2. Dân tộc cổ nhất:

Công trình thứ hai cho ta một nhận thức mới về nguồn gốc người Việt:

“Năm 2002, khi nghiên cứu 84 người Hoa Bắc tại Tây An, 82 người Hoa Nam tại Trường Sa, 89 người Nhật và 35 người Việt Nam, nhà nghiên cứu Nhật Hiroki Oota, Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck, Đức, nhận thấy, các cư dân châu Á có sự biến thiên ADN ty thể cao, trong đó người Việt có sự biến thiên cao nhất. Tuy nhiên, khoảng cách di truyền giữa các tộc người châu Á nói chung là nhỏ. Và sự gần gũi về mặt di truyền đó được giải thích bằng sự lan tỏa của nông nghiệp. Nói cách khác, nghiên cứu này cho thấy, so với người Hoa Nam và Hoa Bắc, người Việt nằm gần gốc của cây phả hệ di truyền hơn, có nghĩa là dân tộc cổ nhất; và sự lan tỏa của lúa nước không phải từ Bắc xuống Nam, mà từ Nam lên Bắc!” [Đỗ Kiên Cường]

Người Việt là một trong những dân tộc cổ nhất, nhưng họ chỉ có trong mình khoảng 10% gen của Tổ Tiên của họ là người Australoid (Hoabinhian). Nguyên do cho vấn đề đó là bởi tiến trình lịch sử của người Việt hết sức thú vị, diễn ra một cách liên tục và liền mạch trong khoảng 6-40000 năm, họ đã trải qua lai gen với nhóm người Hoa Bắc rời khỏi châu Phi đi theo con đường phía Bắc (với lượng gen của người di cư từ phía Nam lên chiếm khoảng 80%), để trở thành người có làn da trắng, khiến cho bộ gen bị thay đổi đáng kể. Những người cổ đầu tiên tới Việt Nam thành hai đợt vào khoảng 6-40000 năm trước đây, sinh sống lâu dài trên đất Việt và Đông Nam Á, tới khoảng 20000 năm trước đây, là đợt băng hà cuối cùng, nước biển rút xuống cực đại, khi đó, vùng vịnh Bắc Bộ, một vịnh nông đã lộ ra, nối liền với đảo Hải Nam, tạo thành thềm lục địa rộng lớn kéo dài tới vùng ven biển Nam Trung Quốc ngày nay, ở đây, hậu duệ của những người cổ rời khỏi châu Phi đã định cư, chủ yếu ở hai vùng đồng bằng lớn: đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Châu Giang. Đó là nơi họ sinh sống trong một thời gian rất dài, kịp phát triển nền nông nghiệp sơ khai (ở đồng bằng này đã được chứng minh thông qua nghiên cứu gen của lúa là nơi đã khai sinh ra lúa nước trước tiên) trước khi nước biển bắt đầu dâng trở lại vào khoảng hơn 12000 năm trước đây. Đồng bằng sông Hồng và sông Châu dần dần chìm dần xuống biển, những di sản của người Việt cổ theo đó đã chìm sâu theo nước biển, khiến người cổ ở những vùng đất này đi tới quyết định quan trọng: di cư lên phía Bắc. Họ đã di cư rất xa, có nhóm lên phía Hoa Bắc, có nhóm sang Triều Tiên, có nhóm tới Nhật Bản, nhưng địa bàn chính của người cổ Đông Nam Á di lên từ Việt Nam là vùng hạ lưu Dương Tử, ở đây đã được chứng minh là cái nôi lớn nhất của lúa nước ở vùng Đông Á, từ đó lan tỏa đi khắp châu Á. Ở vùng hạ lưu Dương Tử và hồ Động Đình, nơi ghi dấu lại trong câu ca dao cổ của người Việt:

Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
Tiết trời thu lạnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
Bống bồng bông bống bồng bông
Võng đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên

Động Đình và Tiền Đường chính là cội nguồn của người Việt, được ghi dấu trong cả huyền sử, đây chính là nơi có hai đại văn hóa thời tiền sử nổi tiếng thế giới: Thạch Gia Hà (Động Đình) và Lương Chử (Tiền Đường), với nền văn minh lúa nước, đồ ngọc và đồ đá hết sức tinh xảo. Người Việt ở những vùng đất này đã di cư trở về phía Nam vào khoảng hơn 4000 năm trước đây, tràn xuống Đông Nam Á, một số lượng lớn trở về Việt Nam, cùng hòa nhập với người Hòa Bình ở lại sau khi biển biến chủng da đen Australoid, dần dần ổn định nguồn gen, trở thành Tổ Tiên trực tiếp của người Việt Nam ngày nay, người Việt chính là hậu duệ chính thống của con người các nền văn hóa từ Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn.

3. Các công trình nghiên cứu nguồn gốc các cư dân Đông Á:

Các công trình nghiên cứu về nguồn gốc người Đông Á, cho chúng ta thấy sự đồng nhất về mặt gen và chủng tộc của các cư dân có địa bàn sinh sống rộng lớn ở phía Đông châu Á, các cư dân Bách Việt xưa kia đã được chứng minh là cùng một chủng tộc, và xét về mặt văn hóa, dân tộc học, thì họ cũng từng chung một dân tộc, một nền văn hoá, trước khi tách ra thành hàng năm tộc nhỏ như ngày nay.

Công trình nghiên cứu gen của nhóm các nhà khoa học Viện Pháp Á bao gồm Bs Trần Đại Sỹ (Việt Nam), Gs Tarentino (Ý), và Gs Varcilla Pascale (Pháp) tiến hành khảo sát, nghiên cứu những bộ xương cổ, đồng thời kiểm tra máu của 35 dòng họ tại Hoa Nam và Việt Nam, đối chiếu với các dòng họ Hoa Bắc, cũng như tiến hành khảo sát y phục, mồ mả, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: cư dân Hoa Nam, từ miền Nam Dương Tử tới miền Trung Việt Nam, Lào, Thái đều cùng một chủng tộc, huyết thống, hoàn toàn khác biệt với cư dân Hán Hoa Bắc.

Công trình nghiên cứu gen của Đài Loan cũng cho kết quả tương tự:

“Giáo sư Lâm Mã Lý nghiên cứu di truyền trên hệ thống miễn nhiễm (Human Leucocyte Antigen, HLA) ở nhiễm sắc thể 6 (chromosome 6) qua máu của các dân Mân Nam (Hoklo), Hakka và các mẫu máu từ nhiều nước kết hợp được trong tổ chức hoạt động quốc tế về HLA (International Histocompatibility Workshop) ở Nhật năm 1998, giáo sư Lâm Mã Lý đã công bố kết quả về sự liên hệ và khoảng cách của các nhóm dân trên sơ đồ cây di truyền. Kết quả cho thấy người Mân Nam và Hakka rất gần với người Việt, Thái và các dân thuộc chủng Mongoloid Nam Á, khác xa với người Hán thuộc chủng Mongoloid Bắc Á. Giáo sư Lâm Mã Lý cho rằng người “Đài Loan” thuộc dân Mân Việt (Min Yeuh) chứ không phải dân tộc Hán, mặc dù đã có sự pha trộn trong lịch sử với người Hán di cư đến từ phương Bắc.

Kết luận của nghiên cứu cũng không phải là điều gì mới lạ, vì trước đây hai nhà nhân chủng học nổi tiếng đã công bố lâu rồi về dân tộc và văn minh của người Mân Việt, Hakka và Bách Việt. Kết quả nghiên cứu của bà chỉ chứng minh một cách khoa học thêm mà thôi. Cả hai công trình nghiên cứu này đã được biết từ lâu trước khi có chủ đề bàn luận về về thống nhất hay độc lập ở Đài Loan. Đó là công trình nghiên cứu của Lin Hui Shaing, “The Ethnology of Chine”, xuất bản năm 1937 và W. Meacham, “Origins and development of Yeuh coastal Neolithic: A microcosm of cultural change on the mainland of East Asia”, công bố vào năm 1981. Cả hai đã có cùng kết luận về nguồn gốc của dân Bách Việt.” [Nguyễn Đức Hiệp]

Công trình nghiên cứu của Vinmec công bố hồi giữa năm 2019, đã xác nhận những kết quả đã có từ trước đó, khi nghiên cứu trực tiếp trên gen của người Việt, công trình của Vinmec đã xác nhận về việc Việt, Mường, Thái, Lào, Tày, Nùng, Choang, người Hoa Nam đồng chủng. Gen của người Việt vẫn giữ cơ bản được vốn gen cổ trong tiến trình phát triển của dân tộc mình, theo nhà khảo cổ Nguyễn Việt, thì những người di cư xuống Việt Nam đa phần là những người Bách Việt đã bị đồng hóa về mặt ý thức di cư xuống, vốn là đồng chủng nên họ không thực sự ảnh hưởng tới gen người Việt. Quan lại người Hán Hoa Bắc chỉ tới cai trị, vơ vét, hết nhiệm vụ thì về nhà, không làm ảnh hưởng nhiều tới gen của người Việt.

4. Kết luận:

Nguồn gốc của người Việt Nam đã là một bức tranh rõ ràng và hoàn chỉnh, không còn mờ tỏ như chúng ta đã từng thấy, đó là nhờ sự tiến bộ có được từ các nghiên cứu di truyền. Tìm về cội nguồn, hiểu, yêu và trân trọng nguồn gốc của mình, chúng ta sẽ có ý thức tìm hiểu về nguồn gốc của dân tộc, tìm hiểu rồi, chúng ta sẽ thấy rằng dân tộc ta quả thực là một dân tộc không bình thường và nhỏ bé chút nào, sức vóc tuy có thật nhỏ bé, nhưng người Việt Nam ẩn chứa những sức mạnh phi thường của một dân tộc tự mình thuần hóa và phát triển lúa nước, thuần hóa các loài vật nuôi trong gia đình, tự mình phát triển kỹ thuật luyện đồng rồi luyện sắt, là hậu duệ của những người tối cổ xa xưa có nguồn gốc từ châu Phi. Thời vận của người Việt rồi sẽ tới, chỉ cần, chúng ta nhận thức về cội nguồn của dân tộc mình, đó sẽ là điều làm nên sức mạnh của dân tộc ta trong thời đại mới!

Lang Linh

Bài viết có tham khảo từ các tác giả: Nguyễn Đức Hiệp, Đỗ Kiên Cường, Nguyễn Văn Vịnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *