260. Triệu Đà là con cháu của vua Hùng: một “giả thuyết” kỳ cục

Vào đề: GS Bùi Văn Nguyên (1918- 2003)là nhà nghiên cứu văn học Việt Nam (Văn học cổ  và Văn học dân gian), trước đây công tác giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Là nhà nghiên cứu thuộc loại cây đa, cây đề của Việt Nam, đã từng được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2005). Tuy nhiên, có những vấn đề mà ông nêu lên không khỏi hồ đồ, thiếu suy xét, có hại cho việc nghiên cứu lịch sử nước nhà. Đây là một trong những vấn đề đó. Bài viết này được đăng trên Tạp chí Thế giới mới số 388/2000, sau đó được tập hợp in vào cuốn “Nhìn lại Lịch sử” (Nxb Văn hóa- Thông tin, 2003)

Vấn đế này lẽ ra không  cần bàn cãi. Sử gia Tư Mã Thiên, trong Sử ký, đã khẳng định Triệu Đà là người Trung Hoa, quê ở huyện Chân Định (nay thuộc tỉnh Hà Bắc, gần Bắc Kinh). Tư Mã Thiên đã dành hẳn cả một Liệt truyện để viết về nhân vật lịch sử này: “Vua Nam Việt họ Triệu tên Đà, người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Bấy giờ, nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đi đày đến ở lẫn với người Việt. Như thế được 13 năm. Thời Tần, Đà được làm lệnh ở huyện Long Xuyên thuộc quận Nam Hải” (Sử ký Tư Mã Thiên – Nam Việt úy Đà liệt truyện). Khi Nhâm Ngao (quan úy quận Nam Hải) ốm nặng sắp mất, đã làm giả chiếu chỉ (của nhà Tần) cho Đà làm công việc của quan úy quận Nam Hải thay mình. Từ đó, Triệu Đà dùng thế lực, uy hiếp các miền biên giới, mở rộng lãnh thổ. Nước Âu Lạc của An Dương Vương đã bị thôn tính trong thời gian này, bởi một “mẹo vặt” của Đà, cho con là Trọng Thủy ở rể để do thám tình hình triều đình Âu Lạc. Câu chuyện để lại một bài học nhớ đời về sự mất cảnh giác ”nuôi ong tay áo, nuôi cáo dòm nhà”. Từ xưa đến nay, trong sử sách cũng như trong tâm thức dân gian, đều cho Triệu Đà là người nước ngoài, là kẻ xâm lược. Điều đó tưởng chừng như không có gì phải bàn cãi thêm.

Ấy thế mà gần đây, đọc sách, chúng tôi lại thấy có tác giả đưa ra những giả thuyết khác về Triệu Đà, cho Triệu Đà chính là Lý Ông Trọng, con cháu của vua Hùng . Đó là cuốn Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo ( NTVBHCĐC) của Bùi Văn Nguyên (NXB.Khoa học xã hội – Hà Nội 1999)(1). Đây là cuốn sách viết ở dạng kể chuyện danh nhân, viết về anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, trong câu chuyện, tác giả cũng lồng vào một vài đoạn viết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Đó là các đoạn từ trang 36 – 40 (chương I) và đoạn từ trang 106 – 112 (chương III). Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, tác giả giải thích tương tự như trong Việt Nam: thần thoại và truyền thuyết (NXB Khoa học xã hội và NXB Mũi Cà Mau – 1993) mà chúng tôi đã có dịp phê phán, , chỉ có điều khác là ở sách này, tác giả đã liều lĩnh gắn cho các vị vua Tổ Hùng Vương đều là họ Nguyễn như Kinh Dương Vương là Nguyễn Lộc Tục, Lạc Long Quân là Nguyễn Sùng Lãm… Về vấn đề này, xin để dành một dịp khác. Ở đây, chỉ xin đề cập đến “tiểu sử” của nhân vật Triệu Đà, được tác giả dựng lên tương đối ly kỳ.

Theo cuốn sách trên (NTVBHCĐC) thì Triệu Đà là con đẻ của Hùng Dực Công, gọi Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương 18) bằng bác. Lúc đầu, ông tên là Nguyễn Thân, sinh quán tại làng Chèm (Từ Liêm, Hà Nội ngày nay). Có viên quan úy nhà Tần là Nhâm Ngao làm chức úy ở quận Nam Hải, do có quan hệ qua lại với An Dương Vương Thục Phán nên xin Nguyễn Thân về làm gia nhân thân tín trong phủ. Sau đó, Nhâm Ngao để nghị với An Dương Vương cử Nguyễn Thân sang làm con tin trong triều đình của Tần Thủy Hoàng. Do cao lớn, khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, Nguyễn Thân được Tần Thủy Hoàng phong là Tư lệ Hiệu úy (một chức võ tướng) và gả con gái cho. Nguyễn Thân trở thành phò mã nhà Tần và là một võ tướng tài giỏi, đã có công lớn trong việc đánh dẹp quân Hung Nô. Ỏng đổi tên là Lý Ông Trọng. Được ít lâu, Lý Ông Trọng nhớ nhà, xin về thăm quê ở Chèm rồi không sang nữa. Quân Hung Nô lại xâm phạm biên giới nhà Tần . Tần Thủy Hoàng lại đòi ông sang nhưng An Dương Vương phải nói dối là Ông đã chết. Sự thật thì Lý Ỏng Trọng chưa chết mà Nhâm Ngao đưa ông sang làm con nuôi Triệu Cao, viên hoạn quan thân tín của Tần Thủy Hoàng. Từ đây, Lý Ông Trọng đổi tên, gọi là Triệu Đà, theo họ của bố nuôi. Thủy Hoàng chết, Nhị Thế lên thay. Lúc này, Triệu Đà được làm chức huyện lệnh huyện Long Xuyên. Khi Nhâm Ngao, quan úy Nam Hái sắp mất, có gọi Triệu Đà đến, trao cho tờ chiếu giả, cho Đà thay Ngao làm úy Nam Hải . Từ đây, Đà bành trướng thế lực, đem quân đánh An Dương Vương. Việc Đà đánh An Dương Vương, xâm lược Âu Lạc được tác giả cho là chính đáng, để “đòi lại ngôi vua nhà Hùng” bị Thục Phán cướp mất trước đó 50 năm để nối lại dòng chính thống họ Hùng”.

Trên đây là tóm tắt sơ lược xuất xứ, hành trạng của Nguyễn Thân – Lý Ông Trọng – Triệu Đà được tác giá trình bày hơn 7 trang in trong cuốn NTVBHCĐC. Tác giả không cho biết xuất xứ những tư liệu mà ông đã sử dụng để dựng lên câu chuyện này. Ở đoạn đầu, câu chuyện được đặt vào miệng Hồ Tông Thốc – một nhà nho, nhà sử học cuối thế kỷ 14. Tác giả cho ông Hồ Tông Thốc trình bày ý chính trong cuốn Nam Việt thế chí (NVTC) của mình. Tuy nhiên, NVTC của Hồ Tông Thốc đã bị thất truyền từ lâu, không ai được đọc cả. Vậy thì tác giả lấy nội dung NVTC ở đâu ra? Ở đoạn 2 (từ trang 106 – 112), tác giả lại đặt câu chuyện vào miệng của Nguyền Phi Khanh, thân phụ Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, Nguyễn Phi Khanh chỉ là nhà thơ, ông chỉ làm thơ chứ chưa hề nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử thời dựng nước. Tác phẩm của Nguyễn Phi Khanh còn lại ngày nay là 77 bài thơ được tập hợp lại trong phần Nguyễn Phi Khanh thi văn trong bộ Ức trai thi tập, chứ không có một tác phẩm biên khảo lịch sử nào.Vậy thì tác giả căn cứ vào đâu để cho Nguyên Phi Khanh “giảng giải” về lịch sử nước nhà mà lại là những câu chuyện bịa đặt một cách phi lý như thế?

Về nhân vật Triệu Đà, chúng tôi thiết nghĩ không có gì phải tranh luận thêm. Bởi vì, thân thế, sự nghiệp của ông đã được sử gia Tư Mã Thiên đề cập đến rất đầy đủ. Tư Mã Thiên còn đề cập đến quê hương, họ hàng của Triệu Đà: “Đà nhân có mồ mả cha mẹ ở huyện Chân Định, nhà vua (Hán) bèn đặt người giữ ấp ấy để hàng năm đến ngày giỗ thờ cúng. Đối với anh em họ của Đà, nhà vua ban ơn cho họ làm quan to và thưởng cho nhiều của”. Như vậy là mồ mả cha mẹ cũng như anh em họ hàng của Đà đều ở bên Trung Hoa, chứng tỏ ông có gốc tích lâu đời bên Trung Hoa, cớ đâu ông lại là Lý Ông Trọng ở làng Chèm (Từ Liêm, Hà Nội) của ta? Tư Mã Thiên (145 – 86 trước Công nguyên) là người chép sử gần như cùng thời với nhà Triệu (207 – 111 trước Công nguyên), vì vậy sử liệu của ông là đáng tin cậy. Còn nếu xét về tính lôgíc của lịch sử thì ta có thể đặt câu hỏi: nếu Triệu Đà chính là Lý Ông Trọng, con cháu của vua Hùng thì tại sao sau khi thôn tính được Âu Lạc, ông không trở về đóng đô ở Từ Liêm (quê hương) hay Cổ Loa (kinh đô của An Dương Vương) hay Phong Châu (kinh đô của vua Hùng) để nối lại cơ đồ của tổ tiên và cũng là để dựa vào con cháu vua Hùng, anh em đồng tộc với mình, để cơ đồ thêm dài lâu, vững bền, mà lại đóng đô tận Phiên Ngưng (Trung Hoa)? Hai là, khi sứ giả nhà Hán đến Nam Việt để thu phục Triệu Đà, Đà đã nói một câu rất xấc xược, ngạo mạn, có ý miệt thị dân tộc Việt chúng ta: “ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng mà cũng xưng vương, lão thần trộm danh hiệu “đế” chỉ để tự vui mà thôi” Có lẽ nào con cháu của các vua Hùng mà lại miệt thị cha ông, tổ tiên và đồng bào của mình như vậy?

Xét về tình tiết của câu chuyện cũng hết sức phi lý. Lý Ông Trọng đã là phò mã nước Tần, làm đến chức Tư lệ Hiệu úy (một võ tướng), lý gì ông lại từ bỏ danh vọng, địa vị, chức tước của mình, chỉ để làm con nuôi một viên hoạn quan? Để rồi sau đó, phấn đấu mãi mới lên được chức huyện lệnh, một chức quan ở địa phương, có địa vị kém xa một vị phò mã triều đình? Và Lý Ông Trọng ở triều đình vua Tần đã nổi tiếng như thế, làm sao ông có thể cải trang làm con nuôi của Triệu Cao mà không ai trong triều phát hiện ra? Nhất là ông lại là người cao lớn, quá khổ người thường nên rất dễ nhận dạng? Tóm lại, những tình tiết câu chuyện đưa ra thật là hết sức nực cười!

Chúng tôi cho rằng, mỗi nhà nghiên cứu có quyền đưa ra những giả thuyết, những kiến giải của mình, có những điều có thể ngược lại với những cách hiểu thông thường xưa nay, miễn là phải có đủ tư liệu, đủ luận cứ để chứng minh cho luận điểm của mình. Lịch sử xưa nay có nhiều điều chưa rõ ràng, cần tranh cãi, cần khám phá để tiếp cận chân lý. Không ai cấm chúng ta phát biểu quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, việc đưa ra những câu chuyện mập mờ, không rõ ràng, không chứng cứ như trên đây chỉ làm nhiễu thông tin, làm cho người đọc thiếu suy xét càng thêm mơ hồ về lịch sử dân tộc. Một việc làm thiếu ý thức trách nhiệm như thế không đáng phê phán hay sao?

Khoa học về lịch sử đòi hỏi sự cân nhắc, thận trọng, chặt chẽ, chứ đâu có thể đặt bút viết bừa!

NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
Nguồn
Tranh minh họa: Trần Nam Anh.


Chú thích:

(1): Cuốn sách này cùng một số sách khác của GS Bùi Văn Nguyên đã được xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2005. Điều đó chứng tỏ rằng, những người xét tặng giải thưởng chỉ xét theo cảm tính chứ chẳng đọc gì cả (hoặc có đọc mà chẳng hiểu gì). Ôi, GS thì như thế, giải thưởng thì như thế, hèn gì nền giáo dục, nền học thuật của chúng ta không lụn bại đi !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *