Trong nhiều vấn đề phải nghiên, cứu để làm sáng tỏ thời kỳ Hùng Vương, có vấn đề con người, tức cư dân nước Văn Lang, những chủ nhân sáng tạo ra lịch sử.
Có nhiều phương diện nghiên cứu về con người. Về phương diện là con người lịch sử, thì đó là lúc đã vượt xa phạm vi một xã hội thị tộc, bộ lạc, tiến tới một hình thái xã hội cao hơn, thời kỳ đầy đủ những điều kiện để một tổ chức nhà nước đầu tiên ra đời. Về phương diện là con người lao động, thì đó là lúc nông nghiệp trồng lúa đã phát triển với phương thức canh tác khá quy mô, và ngoài nghề nông lấy cây lúa là chính, còn biết chăn nuôi, đánh cá, dệt vải, nung gốm, luyện đồng…, tất cả các mặt hoạt động sản xuất ấy đều đạt tới một trình độ phát triển cao và là cơ sở để giải thích cơ cấu thượng tầng của xã hội thời đó. Nhưng những con người ấy về phương diện thể chất thì sao? Họ có hình dạng thế nào? Giải đáp vấn đề này chúng ta đã sử dụng những chứng cứ cổ nhân học, tức là những di tích xương cốt người cổ đào được cùng với việc khai quật các di chỉ khảo cổ học. Thực chất tìm hiểu con người thời Hùng Vương cũng chính là góp phần tìm hiểu và giải đáp vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam nói chung và vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt nói riêng.
Trong mấy lần trao đổi và báo cáo tại các cuộc họp và các hội nghị trước, chúng tôi đã có dịp thay mặt những người làm công tác cổ nhân học phát biểu một số ý kiến, về nguồn gốc dân tộc, đặc biệt quan trọng là vấn đề nguồn gốc và quá trình hình thành loại hình Nam Á. Tới nay việc nghiên cứu tiếp tục được đẩy mạnh, chúng tôi thấy có thể khẳng định thêm những nhận xét và kết luận chính sẽ trình bày dưới đây, mặt khác do phân tích tài liệu thu thập đươc trong năm qua về các nhóm cư dân hiện tại, đặc biệt về đồng bào Xá ở khu Tây Bắc, có được một số ý kiến bổ sung xin cũng trình bày.
I. TÀI LIỆU CỔ NHÂN HỌC
Niên đại thời Hùng Vương, cho đến hội nghị trao đổi gần đây nhất cũng hay còn ý kiến tranh luận. Điểm cuối của khung thời gian ấn định cho thời kỳ Hùng Vương thì nhất trí là vào khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên, nhưng điểm xuất phát thì còn có sự bất đồng: có người cho thời điểm này là vào đầu hoặc giữa thiên niên kỷ 3 trước Công nguyên, có người thì cho là đầu thiên niên kỷ 2, có người lại cho là từ thiên niên kỷ 1. Sự bất đồng này do ý kiến khác nhau trong việc định niên đại cho các di chỉ xem là thuộc thời kỳ Hùng Vương, nhưng cũng do ý kiến khác nhau trong việc quy định một nền văn hóa hoặc một giai đoạn văn hoá có thuộc thời kỳ Hùng Vương hay không, mặc dù về niên đại có thể đã ít nhiều nhất trí (thí dụ văn hóa Phùng Nguyên). Việc lựa chọn những tài liệu cổ nhân học dựa vào đó để nghiên cứu con người thời Hùng Vương phụ thuộc nhiều vào trường hợp thứ hai. Song trong điều kiện cụ thể của chúng ta hiện nay thì cả trường hợp thứ nhất và thứ hai đều không ảnh hưởng gì lớn đến việc tìm hiểu con người thời Hùng Vương vì lẽ di tích xương cốt người cổ ta có được còn rất ít ỏi: những di chỉ cung cấp di cốt còn tốt để nghiên cứu được như Thiệu Dương, Vinh Quang thì đều thuộc khung niên đại Hùng Vương, trải lại những khu di chỉ còn phải tranh luận xem là thời Hùng Vương hay trước Hùng Vương như Phùng Nguyên thì lại không có di cốt. Có thế tóm tắt tình hình về di cốt người cổ ít nhiều có liên quan đến niên đại Hùng Vương như sau.
– Di chỉ Phùng Nguyên: không có di cốt.
– Di chỉ Lũng Hòa: nhiều di cốt người cổ, nhưng dập nát, chỉ còn thu được một số xương đùi, xương cổ chân.
– Di chỉ Xóm Rền: có hai bộ xương đã nát; thu lượm được ít mảnh sọ và mảnh xương hàm dưới.
– Di chỉ Tràng Kênh : một đoạn xương đùi người lẫn trong nhiều xương động vật.
– Các di chỉ Gò Bông, Đồng Đậu, Gò Mun: không có di cốt, hoặc có mộ táng song không thu được di cốt.
– Di chỉ Gò Chiền: một ít mảnh sọ và một xương hàm dưới.
– Di chỉ Thiệu Dương: một khu mộ táng, nhưng chỉ thu được 6 sọ có thể nghiên cứu được.
– Di chỉ Vinh Quang: một khu mộ táng, thu được 11 sọ hoặc mảnh sọ nghiên cứu được.
– Di chỉ Dường Cò: một sọ trẻ em 7 – 8 tuổi.
– Hang Núi Voi: một sọ phụ nữ.
Tình hình trên đây cho thấy tài liệu cổ nhân học giúp chúng ta tìm hiểu con người thời Hùng Vương tập trung chủ yếu ở các cốt sọ Thiệu Dương và Vinh Quang (1). Những sọ này do Nguyễn Duy trước đây đo đạc và định chủng. Về những sọ này, chúng tôi đã có dịp phát biểu trong một số bài viết (2). Những ý kiến định chủng có thể thâu tóm như sau:
Theo bảng 1 trên đây, còn hai sọ, mà trong các bài viết trước đây chúng tôi chưa đề cập tới – VQ2M10. Về hộp sọ thì chúng có bề dọc sọ vào cỡ trung bình, nhưng hẹp ngang nên chỉ số sọ thấp: 69- 70. Một số kích thước hàm dưới cũng trung bình. Nhưng hầu hết phần mặt thì thiếu nên nhiều kích thước và đặc điểm mô tả quan trọng ở phần này không xác định được. Vậy là với sự thận trọng cần thiết, trong số 17 sọ Thiệu Dương và Vinh Quang, có tới 8 sọ không định chủng, còn lại 9 sọ xác định như sau:
- sọ Australo-Negroid
- sọ Indonesian
- sọ Nam Á
Tình hình trên đây đã cho phép chúng tôi đi tới kết luận: Loại hình Indonesian hình thành rõ nét từ thời đại đá mới, vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển sang thời đại đồ đồng và sau này, nhưng ít nhất từ thời đại đồng thau ở địa bàn Bắc Việt Nam ta thấy xuất hiện một yếu tố nhân chủng mới – loại hình Nam Á có thể coi là tổ tiên trực tiếp của những ngưòi Nam – Á hiện nay, tại vùng này, trong đó có người Việt.
Tuy nhiên có một điều cần được lưu ý: cho tới cuối thời đại đồ đồng sang thời đại sắt, đại chủng Australo-Negroid vẫn còn có mặt tại đây, tuy với tỷ trọng giảm bớt. Tình hình này có phản ảnh đúng hiện thực hay không, chúng ta cần tiếp tục theo dõi. Tài liệu nhân chủng học các cư dân hiện đại chúng tôi trình bày dưới đây có thể góp thêm phần suy nghĩ cho vấn đề này.
II. TÀI LIỆU NHÂN HỌC VỀ CÁC NHÓM NGƯỜI HIỆN TẠI
Nhóm loại hình Indonesian và nhóm loại hình Nam Á là những cấp phân loại thuộc tiểu chủng Mongoloid phương nam. Trong hệ thống phân loại các chủng tộc thế giới của nhà nhân học và dân tộc học Liên Xô Tre-bốc-xa-rốp nhóm loại hình là những đơn vị phân loại cơ bản. Quá trình hình thành và xuất hiện của chúng tiếp diễn từ sơ kỳ đá mới (hoặc sớm hơn) trở về đây, dưới tác động kết hợp của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, trong đó tác động của môi trường xã hội ngày càng chiếm ưu thế. Khái niệm Indonesian và Nam Á hình thành từ thực tiễn nghiên cứu các cư dân hiện tại ở Đông Nam châu Á về mặt nhân chủng học, từ đó đã mở rộng cho những loại hình nhân chủng các thời đại cổ xưa ở địa vực này. Cho nên muốn tìm hiểu nguồn gốc các cư dân hiện tại cần sử dụng đầy đủ những tài liệu cổ nhân học, đồng thời phải biết kết hợp cả hai nguồn tài liệu – cổ nhân học và nhân học những cư dân hiện tại. Khoảng ngót mười năm trở lại đây ngành nhân chủng học đã thu thập được một số tài liệu quan trọng so với những tài liệu rải rác mà trước đây các tác giả nước ngoài để lại. Đối chiếu những tài liệu này với tài liệu cổ nhân học có khả năng giúp chúng ta phát hiện quá trình hình thành các loại hình nhân chủng, mối quan hệ họ hàng giữa các loại hình và nguồn gốc tổ tiên của họ. Nghiên cứu để giải đáp vấn đề nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, trong đó có nguồn gốc dân tộc Việt cũng phải tiến hành theo con đưòng đó.
Hiện nay tài liệu nhân chủng học người Việt đã có khá đầy đủ. Ngoài ra có thêm tài liệu về người Mường, người Tày, người Thái, người Xá và nhiều tộc người vùng núi tỉnh Quảng Bình như Vân Kiều, Mong Coong, Mầy, Khùa v.v… Chính nhờ các tài liệu này chúng ta xác định được nội dung cụ thể của hai nhóm loại hình Indonesian và Nam Á và phân biệt chúng. Sự phân hóa các đặc điểm giữa Indonesia và Nam Á có thể thâu tóm như sau:
Trên đây chỉ nêu lên những nét điển hình nhất. Đi vào chi tiết còn có những biến dị tế nhị mà phương hướng biến dị chỉ thế hiện khi các nhóm nghiên cứu có số lượng đủ lớn (hình sống mũi, độ vát trán, độ dô vòm mày, độ dô lòi cằm, bề rộng miệng, bề dày môi v.v…). Dưới đây chúng tôi nêu làm dẫn chứng hai bảng số liệu về sự phân hóa các đặc điểm giữa người Indonesian và Nam Á thể hiện trên người sống và trên cốt sọ. Chúng ta sẽ thấy sự phân hoá trên hai loại tài liệu này rất tương đồng.
Trong hệ thống phân loại các cư dân ở Đông nam châu Á, khi chúng tôi đặt vị trí của nhóm loại hình Indonesian bên cạnh nhóm loại hình Nam Á thì tự nó đã bao hàm ý nghĩa về mối quan hệ gần gũi giữa chúng về mặt nguồn gốc (1965). Song lý giải cụ thể mối quan hệ này như thế nào vẫn chưa làm được. Gần đây nhờ nghiên cứu một số nhóm đồng bào Xá ở Tây bắc đem đối chiếu vói tài liệu về các tộc người Khả ở Lào của Noel Bernard năm 1904 và với các tộc ít nguời ở miền núi phía Tây tỉnh Quảng Bình (sách đã dẫn, 1969) mà có những tia sáng mới về mối quan hệ này giúp cho bước đầu hình dung được quá trình hình thành nhóm loại hình Nam Á.
Như chúng ta đều biết, nhiều nhà nghiên cứu thường cho rằng những người Xá Tây Bắc cùng với người Khả ở Lào là những chỉ tộc có họ hàng gần gũi với nhau và tộc danh “Xá” cũng bởi âm “Khả” mà ra. Noel Bernard tiến hành nghiên cứu 230 người Khả thuộc 11 tộc khác nhau ở Lào, đã khái quát người Khả bằng những nét đại thể như sau: “tóc thẳng và đen, màu da vàng, ngả sang nâu đó, lông trên người ít phát triển, tầm người thấp, thay đổi từ nhóm này đến nhóm khác trong khoảng 1,52 – l,59m, đầu sọ hẹp ngang và dài, chỉ số trung bình 76, mũi dẹt, sống mũi thường lõm, rộng trung bình với chỉ số từ 85 đến 94, gò mả dô, mặt ngắn và rộng, có hình 5 cạnh hay hình trám…” và đi tới kết luận về mặt phân loại: “Đó là những nét tiêu biểu của chủng tộc Indonesian, chủng tộc của những người ở nội địa các hòn đảo lớn thuộc quần đảo Mã Lai…” (Sách đã dẫn, trang 314). Khảo sát kỹ sự phân tích các đặc điểm nhân chủng người Khả của Bernard, chúng tôi tán đồng việc định chủng các tộc Khả ở Lào là thuộc nhóm loại hình Indonesian (dĩ nhiên với quan niệm coi đó là một nhóm loại hình của người Mongoloid phương nam).
Đem đối chiếu tài liệu về người Khả với các nhóm Xá Tây Bắc mà chúng tôi nghiên cứu, nếu đúng như giữa họ có quan hệ thân tộc với nhau như nhiều người thường nói thì nay thấy có sự phân hóa rõ rệt, một sự phân hóa đến mức độ phải đặt các nhóm Xá vào nhóm loại hình không phải Indonesian mà là Nam Á. Trong số các tộc Khả ở Lào mà Bernard nghiên cứu có một tộc Khả Khmu. So sánh với nhóm Xá Khmu Tây Bắc thì trong số các tộc Khả khác ở Lào, Khả Khmu cũng gần với Xá Khmu hơn cả. Nhưng sự phân hóa giữa những người này cũng vẫn rất lớn, như đã nói trên. Nói chung các nhóm Xá đều có những đặc điểm đậm nét của người Mongoloid, biểu hiện rõ nhất trên những đặc điểm mô tả. Về đặc điểm mê-tơ-rích so với Khả thì Xá thường có bề dọc đầu nhỏ hơn, nhưng bề ngang đầu lại rộng hơn, nên chỉ số đầu cao hơn (đầu ngắn hay tròn hơn). Các nhóm Khả đều có hình dạng đầu biển dị từ loại dài đến trung bình, nhưng cũng thiên về phía đầu dài, trái lại các nhóm Xá thì có đầu thuộc loại trung bình thiên về phía đầu ngắn. Bề rộng mặt các nhóm Khả, so với Xá, đều hẹp hơn, với sự khác biệt từ 5 – 6mm cho tới 10 – 12mm, nghĩa là khá lớn. Kích thước bề cao mũi phần lớn trường hợp đều nhỏ hơn người Xá, nhưng bề rộng mũi lại lớn hơn, nên theo chỉ số thì đa số nhóm Khả (8 trên 11 trường hợp) đều thuộc loại người có mũi rộng, còn người Xá thì mũi thuộc loại trung bình.
Bây giờ thử tiến hành đối chiếu những nhóm Xá Tây Bắc với các tộc người vùng núi Quảng Bình (Vân Kiều, Mong Coong, Trì, May, Khùa). Khác với tình hình trên đã xảy đến với người Khả, các nhóm Xá với những tộc Quảng Bình lại rất tương đồng với nhau trên những đặc điểm mê-tơ-rích. Điều này không phải ngẫu nhiên, vì tựa như các tộc Khả ở Lào và Xá Tây Bắc, các nhóm dân tộc ít người ở Quảng Bình cũng có những chi tộc thân thuộc ở đất Lào. Trong phạm vi tỉnh Khăm-muộn cùng vĩ độ với Quảng Bình cũng có những tộc người gọi là Khả Mong-coong. Sô, Trì (1) và quanh Nhom-ma-rát, một thị trấn nhỏ cách Tha-khet 60km về phía Tây Bắc còn có những tộc gọi là Ma-con (2) mà theo chúng tôi thì với Khả Mong-coong có thể cũng chỉ là một tộc danh. Nghĩa là người Khả, người Xá và các tộc ít người ở Quảng Bình đều là những tộc người ít nhiều có quan hệ nhất định với nhau về mặt nguồn gốc và ở một giai đoạn lịch sử nào đó trước đây họ đã từng phần bố rộng rãi ở vùng Bắc Đông Dương này.
Nhưng sự khác biệt giữa người Xá và các tộc Quảng Bình xuất hiện rõ nét khi khảo sát các đặc điểm mô tả. Sự phân hoá đã diễn ra theo hai hướng khác nhau: các tộc Quảng Bình theo hướng của loại hình Indonesian, các tộc Xá ở Tây Bắc theo hướng của loại hình Nam Á. Về những vấn đề vừa kể trên, chúng tôi đã có dịp trình bày đủ và chi tiết hơn trong một bài viết với tiêu đề: “Nghiên cứu nhân chủng học các nhóm người Xá ở Tây Bắc” (tư liệu 1970). Bảng 5 dưới đây minh họa tóm tắt và sơ lược nội dung trình bày vừa rồi:
Dựa trên sự so sánh và phân tích trên đây, chúng tôi đã rút ra một số kết luận quan trọng giúp cho việc đi sâu thêm về nội dung khái niệm Indonesian và Nam Á, hai nhóm loại hình nhân chủng chủ yếu ở vùng Đông Nam Á hiện nay, đồng thời gợi nên những suy nghĩ khá cơ bản về quá trình hình thành người Xá nói riêng và quá trình hình thành nhóm loại hình Nam Á nói chung. Những kết luận đó là:
1. Hai nhóm loại hình Indonesian và Nam Á có nhiều nét tương đồng, bên cạnh những nét khác biệt. Để phân biệt chủng không thể chỉ dựa nào một loại đặc điểm mê-tơ-rích hoặc mô tả tách riêng cùng không thể dựa nào từng đặc điểm riêng biệt – mà phải kết hợp toàn bộ các đặc điểm mê-tơ-rích và mô tả, nhất là các đặc điểm mô tả.
2. Ở các nhóm người Xá Tây Bắc, bên cạnh các yếu tố Nam Á là thành phần cấu tạo chủ yếu, còn có những yếu tố Indonesian thể hiện trên các mức độ khác nhau tùy từng trường hợp. Nếu đem so sánh người Khả ở Lào và các tộc miền núi Quảng Bình đều thuộc nhóm loại hình Indonesian với người Xá Táy Bắc thuộc nhóm loại hình Nam Á thì trước mặt ta rõ ràng vẽ ra một bức tranh trong đó nòi dung cấu tạo là hai yếu tố Indonesian và Nam Á đã diễn ra đậm nhạt theo hai hướng trai chiều nhau theo sơ đồ sau đây:
Sơ đồ trên nói lên một sự chuyển biến giữa các nhóm loại hình: Nam Á trở thành Indonesian, và Indonesian trở thành Nam Á. Đối với các nhóm Xá mà chúng tôi nghiên cứu thì đó là sự chuyển biến thứ hai. Nghĩa là: sự hình thành các nhóm Xá Táy Bắc chính là kết quả một quá trình chuyển biến từ những loại hình Indonesian trở thành Nam Á.
Những kết luận trên đây phù hợp với tình hình diễn ra khi nghiên cứu các tài liệu cổ nhân học trình bày ở phần trên. Thật vậy, do tính chất chuyển biến giữa các loại hình mà sự phân biệt những loại hình Indonesian và Nam Á trên những sọ cổ tìm thấy ở Việt Nam không phải luôn luôn dễ dàng. Trong các cốt sọ đều thấy có sự hết hợp giữa hai yếu tố Indonesian và Nam Á với những tỷ trọng khác nhau, một sự kết hợp nhuần nhuyễn đến mức độ có trường hợp khó phân tách được. Có thể rút ra những hệ quả thuộc nhiều khía cạnh từ các kết luận trên (tư liệu đã dẫn: Những người Xá ở Tây Bắc). Ở đây chúng tôi không đi xa vấn đề đã đặt ra mà muốn hướng những kết luận đó vào việc làm sáng tỏ đề tài: “Con người thời Hùng Vương” trong đó có bao hàm cả vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt.
III. VẤN ĐỀ CON NGƯỜI THỜI HÙNG VƯƠNG
Nghiên cứu con người thời Hùng Vương liên quan tới niên đại Hùng Vương. Song đến nay dù khung niên đại thời kỳ này có còn phải tranh luận thêm thì điều chắc chắn có thể nói được là một giai đoạn chủ yếu của nó đã tương ứng với thời đại đồ đồng. Căn cứ vào những tài liệu cổ nhân học được phát hiện, chúng tôi đã có dịp trình bày một số ý kiến liên quan đến vấn đề này trong những báo cảo lần trước (1). Tựu trung những ý chính nêu lên là như sau:
1. Vấn đề con người thời Hùng Vương và vấn đề nguồn gốc người Việt là hai vấn đề gắn vào nhau. Vấn đề thứ nhất bao trùm vấn đề thứ hai vì cư dân thời Hùng Vương không chỉ là Tổ tiên riêng của người Việt mà còn là Tổ tiên của nhiều tộc anh em miền núi khác nữa. Cho nên giải quyết vấn đề thứ nhất (cư dân Hùng Vương) là đã giải đáp được phần cơ bản của vấn đề thứ hai (nguồn gổc người Việt), và ngược lại giải quyết vấn đề thứ hai (nguồn gốc người Việt) là góp phần quan trọng để giải đáp vấn đề thứ nhất (cư dân Hùng Vương).
2. Tài liệu cổ nhân học cho hay rằng suốt thời đá mới đã cộng cư trên lãnh thố Việt Nam nhiều loại hình nhân chủng, trong đó chủ yếu là loại hình Australo-Melanesian và Indonesian. Nhưng sau đó thì loại hình Australo-Melanesian đã mất dần đi trên bán đảo Đông Dương, cho nên đối với vấn đề đang đặt ra – con người thời Hùng Vương và nguồn gốc người Việt – thì loại hình Indonesian có vai trò quan trọng đặc biệt.
3. Trong những người Mongoloid phương Nam, ngoài loại hình Indonesian còn có loại hình Nam Á. Loại hình này là thành phần chủ yếu của nhiều cư dân ở Đông Dương và Đông Nam châu Á hiện nay, bao gồm cả dân tộc Việt. Căn cứ vào tài liệu cổ nhân loại thì có khả năng cho rằng loại hình này đã xuất hiện trên đất Việt Nam (chủ yếu là miền Bắc Việt Nam) ít nhất từ thời đại đồng thau rồi tiếp tục phát triển từ đó đến nay và phân hóa thành nhiều loại hình địa phương.
4. Từ những kết luận trên mà thấy rằng địa bàn mà người Việt sống tập trung nhất hiện nay ở miền Bắc Việt Nam cũng là nơi mà tổ tiên ta đã từng sống, lao động và chiến đấu cách đây 3.000 – 4.000 năm lịch sử.
Vậy thì để giải quyết vấn đề đặt ra – con người thời Hùng Vương và nguồn gốc người Việt – còn vấn đề gì tồn tại? Trước hết phải nói rằng nguồn lài liệu nhân học (bao gồm cả cổ nhân học) dựa vào đó để rút ra những kết luận trên đây còn ít, do đó cần được tiếp tục bổ sung cho đầy đủ hơn. Ngoài ra còn những tồn tại khác, cũng rất cơ bản. Ví như: loại hình Nam Á, một thành phần quan trọng trong cư dân thời Hùng Vương, một nhân tố chủ yếu giải đáp vấn đề nguồn gốc người Việt, nếu xuất hiện vào thời đại đồ đồng, đúng như kết luận nêu ở trên, thì quá trình hình thành loại hình này ra sao? Chúng vốn có nguồn gốc bản địa từ những thời kỳ sớm hơn nữa trên giải đất này hay đã từ một vùng nào chuyển tới? Đối với loại hình Indonesian chúng quan hệ thế nào?
Tài liệu nghiên cứu về các nhóm Xá, đem đối chiếu với tài liệu về người Khả ở Lào và tài liệu về các tộc người vùng núi tỉnh Quảng Bình đã đưa lại những tia sáng góp phần giải đáp các vấn đề này.
Thật vậy, sơ đồ chúng tôi phác họa ở phần trên của bài viết (phần B), có thể khái quát như sau: “loại hình Nam Á là kết quả một quá trình chuyền biến từ các loại hình Indonesian”. Sự khái quát này cũng có thể biểu diễn bằng một sơ đồ:
Trong sơ đồ này, khâu trung gian chính là những loại hình Indonesian (kém điển hình) hoặc những loại hình Nam Á (kém điển hình) với tất cả các dạng thể hiện của chúng. Những tộc người vùng núi tỉnh Quảng Bình, các tộc Khả ở Lào hay Xá Tây Bắc đều có thể coi là hình ảnh cụ thể của các dạng này. Vậy là nhóm loại hình Nam Á ở nhiều vùng tại khu vực Bắc Đông Dương trong đó có Việt Nam đã được hình thành trên cơ sở những loại hình Indonesian bản địa. Quá trình này đã diễn ra từ thời đại đá mới và dần dần rõ nét vào thời đại đồ đồng, khi mà những nét tiêu biểu cho người Nam Á ở khu vực này đã được hình thành về cơ bản. Tài liệu có nhân học phát hiện ở miền Bắc Việt Nam là một bằng chứng cho những điều vừa trình bày (tài liệu đã dẫn: Những người cổ ở Việt Nam). Một khu vực thứ hai mà tại đó quá trình diễn biến của nhóm loại hình Nam Á cũng xảy ra mãnh liệt như ở Bắc Đông Dương và cả miền Nam Trung Quốc, vùng tiếp cận với những chủng tộc Mongoloid ở phương Bắc. Nhà học giả Liên Xô là Trê-bốc-xa-rốp khi đề cập tới địa vực của người Nam Á đã cho rằng “trung tâm hình thành của nhóm loại hình này là miền Nam Trung Quốc, rồi từ đó mới phân bố ra các vùng khác ở vùng Đông Nam Á” (1947, tr. 61; 1951, tr. 343) G). Nhưng theo chúng tôi thì trung tâm đó không chỉ bó hẹp ở Nam Trung Quốc mà rộng hơn, bao gồm cả Bắc Đông Dương, trong đó Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Mặt khác không phải các loại hình Nam Á ở những vùng khác của khu vực Đông Nam Á đều là do kết quả một sự phát tán đơn thuần từ các trung tâm nầy, mà thực tế cho hay rằng quá trình diễn biến từ những loại hình Indonesian trở thành Nam Á là một hiện tượng đã và đang xảy ra phổ biến ở khắp khu vực. Đó chính là nội dung cụ thể của hiện tượng Mongoloid hóa ngày một đậm nét các cư dân ở Đông Nam châu Á. Nguyên nhân và động lực của quá trình này là một vấn đề phức tạp mà trong phạm vi một bài viết chúng tôi chưa có đủ điều kiện trình bày. Vậy là sau khi hình thành, từ một trung tâm tương đối rộng lớn, loại hình Nam Á cổ – tổ tiên của những người Nam Á hiện nay đã tác động rộng rãi đến các vùng địa vực xung quanh, không những tới phương nam, tới các vùng cực Nam của Đông nam châu Á, mà còn sang đông tới các hòn đảo như Phi-luật-tân, Hải-nam, Đài- loan hoặc xa hơn nữa và lên bắc đến tận Triều Tiên, Nhật Bản v.v… Tài liệu nghiên cứu của nhiều nhà nhân học Liên xô đã từng xác minh sự có mặt của thành phần Nam Á tại các vùng này. Vì như khi viết về thành phần nhân chủng người Triều Tiên và Nhật Bản, Ra-ghin-xki đã khẳng định có yếu tố Nam Á trong họ bên cạnh những thành phần nhân chủng khác.
Những điều vừa trình bảy về quá trình hình thành loại hình Nam – Á đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề quan trọng trong việc tìm hiểu cư dân thời Hùng Vương.
Trước hết những người Nam Á cổ xuất hiện vào thời đại đồ đồng ở miền Bắc Việt Nam đã hình thành trên cơ sở những loại hình Indonesian bản địa. Trong quá trình này đã xảy ra sự kết hợp tất yếu giữa họ với những người Mongoloid điển hình hơn, có thể ngay với một loại hình Nam Á đã hình thành từ trước đó. Vì vậy điều nói được tương đối chắc chắn là: những người Nam Á trong bộ phận cư dân thời đại Hùng Vương, tổ tiên trực tiếp của những người Nam Á hiện nay ở vùng này trong đó có người Việt, người Mường, có thể cả người Xá, người Tày vv… đã hình thành ngay trên lãnh thổ Việt Nam chứ không phải từ một vùng nào khác chuyển tới. Tính chất bản địa của họ xác định muộn nhất là từ thời đại đồ đồng, nghĩa là còn có thể sớm hơn khởi đầu, từ một giai đoạn nào đó trong thời đại đá mới. Thời điểm này phụ thuộc vào tác động của các động lực gây nên sự chuyển biến loại hình từ người Indonesian bản địa.
Trong thành phần cư dân của các Vua Hùng, bên cạnh những người Nam Á, còn có người Indonesian. Theo cách phác họa trên thì họ có quan hệ thân tộc không xa lắm với nhau, vì đều bẳt nguồn từ những loại hình Indonesian nguyên thủy hơn. Tuy nhiên quá trình hình thành các loại hình Nam Á không phải đã diễn ra cùng một lúc trên khắp một vùng địa vực rộng lớn, mà tùy nơi, tùy lúc khác nhau, với những tốc độ chuyển biến cũng không đồng đều. Vì vậy sự tương đồng hay khác biệt giữa những người Nam Á với nhau, giữa những người Indonesian với nhau cũng như sự phân hoá giữa hai nhóm loại hình Indonesian và Nam Á vừa mang tính chất thời gian (giai đoạn) vừa mang tính chất không gian (địa vực). Cho nên những loại hình Nam Á hay Indonesian ở Việt Nam có thể khác nhiều với những loại hình Nam Á hay Indonesian ở Indonesia và gần hơn với những loại hình tương ứng ở Nam Trung Quốc, ở Lào. Riêng đối với các tộc Indonesian, do điều kiện sống cách biệt kéo dài, sự tiếp xúc và hỗn hợp với các tộc khác nhau không đồng đều nên tính chất về sự khác biệt giữa họ càng phức tạp hơn giữa các vùng địa vực. Tại trung tâm địa vực hình thành người Nam Á – tức Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương, do quá trình Mongoloid hóa đã xảy ra mãnh liệt hơn các vùng khác, nên phần lớn những loại hình Indonesian thời cổ đã chuyển biến dần trở thành Nam Á. Những người Indonesian trong thành phần cư dân các vua Hùng cung không ngoài định lệ này; quá trình hỗn hợp giữa họ với nhau và với người Nam Á trước đây dẫn tới một kết quả là ngày nay về phương diện chủng tộc họ đã tham gia như một bộ phận cấu thành của các tộc người Việt, người Mường, người Tày Thái, người Xá, v.v… Vì vậy hiện nay ở miền Bắc nước ta tuy không còn nhiều tộc người Indonesian như ở các vùng phía nam, song dòng máu của họ đã sẵn có trong những người Nam Á ở vùng này.
Nhiều nhà nghiên cứu, khi bàn về Đông Nam Á đã thấy đó là một khu vực có những đặc thù về nhiều mặt: địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v… Qua đây thấy thêm: Đông Nam Á là một khu vực có tính cách thống nhất về mặt nhân chủng nữa. Giáp ranh Đông Nam Á thì Bắc Đông Dương và Nam Trung Quốc lại làm thành một khối, có nhiều nét điển hình, ít nhất về phương diện thành phần chủng tộc và lịch sử hình thành chủng tộc. Chính trên nhận thức ấy và trong khung cảnh ấy chúng ta đi sâu tìm hiểu thêm một bước về nguồn gốc người Việt trong gia đình các dân tộc Việt Nam.
IV. VẤN ĐỀ NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT
Như đã trình bày ở phần trên hai vấn đề “con người thời Hùng Vương” và vấn đề “nguồn gốc người Việt” liên quan với nhau và giải quyết vấn đề thứ nhất là góp phần giải quyết vấn đề thứ hai về cơ bản. Vì lẽ trong cư dân các Vua Hùng có tổ tiên sinh ra người Việt, và cũng như người Nam Á nói chung, tổ tiên người Việt, một loại hình Nam Á cổ cũng đã được hình thành từ những người Indonesian bản địa. Điều cần thiết ở đây là có thêm những dẫn chứng làm sáng tỏ các vấn đề này với trường hợp cụ thể của người Việt đồng thời tiếp tục theo dõi sự chuyển biến của những dạng “Tiền Việt” này trong sự tác động với các tộc láng giềng để trở thành người Việt hiện nay.
Theo những lài liệu lịch sử của Trung Quốc thì khắp miền nam Trung Quốc từ bờ nam sông Dương Tử cho tới đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam vào khoảng thiên niên kỷ thứ 4 – 3 trước Công nguyên, có những tộc người không phải Hản thường được gọi bằng những tên là Man, là Di, là Việt gồm chung vào “Bách Việt”. Về sau thì xuất hiện nhiều tộc Việt khác nhau như Điền Việt, Dương Việt, Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt, Lạc Việt v.v… Giáp giới với Bắc Bộ Việt Nam là Điền Việt ở Vân Nam, Nam Việt ở Quảng Đông, Lạc Việt ở Quảng Tây và Bắc bộ Việt Nam. Dựa vào đó nhiều nhà nghiên cứu đã từng cho rằng người Lạc Việt chính là tổ tiên dân tộc Việt. Nếu điều đó đúng thì Lạc Việt phải là một bộ phận quan trọng của cư dân thời Hùng Vương và ngoài ra, bên cạnh Lạc Việt có thể còn các tộc khác nữa, như Tây Âu mà có tác giả coi là tổ tiên của người Choang, người Tày, người Nùng, v.v… Hoặc giả Lạc Việt là bộ phận chủ yếu của cư dân thời Hùng Vương và như vậy thì Lạc Việt không chỉ là tổ tiên người Việt, mà còn là tố tiên của các tộc người khác nữa ở miền Bắc Việt Nam và có thể cả ở Nam Trung Quốc hiện nay. Dù sao thì đối với nguồn gốc người Việt, người Lạc Việt đã có một vị trí quan trọng đặc biệt.
Vậy Lạc Việt là người như thế nào? Theo nội dung đã trình bày ở phần trên thì đó chính là những người Nam Á cổ, hoặc những người Indonesian đang trong quá trình chuyển biến trở thành Nam Á. Họ đã có mặt ở lãnh thổ Việt Nam ít nhất từ thời đại đồ đồng chứ không phải từ một khu vực nào ở Nam phần Trung Quốc mới chuyển tới từ khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên như một số tác giả chủ trương trước đây. Đối với các tộc Man hay Việt khác ở Nam phần Trung Quốc họ có mối quan hệ nhất định về nguồn gổc. Nói chung các tộc trong khối Bách Việt phần lớn đều là những loại hình Indonesian cổ dưới tác động của quá trình chuyển biến thành Nam Á.
Suốt thời đá mới cho tới đồ đồng và sau này tại khu vực Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương khối cư dân không phải luôn luôn ở yên, mà từng lúc, từng nơi có những sự di động nhất định. Ví như các tộc ngôn ngữ Tày Thái đã từng có những lần thiên cư lớn từ Bắc xuống Nam từ những kỷ trước Công nguyên và kéo dài mãi về sau này (1>. Ngoài ra còn có những cuộc thiên di của tổ tiên người Hán xuống miền Nam Trung Quốc và tới đầu nguồn các con sông lớn chảy vào Đông Dương. Kết quả của các cuộc thiên di lớn là gây nên những biến động trong khối cư dân bản địa và ảnh hưởng tới thành phần nhân chủng của họ. Sự hỗn hợp này làm cho thể lực phát triển, những bệnh tật do giao phối cận huyết sinh ra trong điều kiện sống cách ly hay biệt lập (isolat) của các bộ lạc hay các cộng đồng nhỏ giảm bớt, mật độ dân cư tăng lên. Đó là những hiện tượng sinh học có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển của xã hội, tới lịch sử các dân tộc.
Trong lịch sử của dân tộc Việt, kể từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên trở về sau còn có ngót 1000 năm Bắc thuộc. Đối với một số người nghiên cứu thì thời gian này đã có ý nghĩa quyết định đối với việc hình thành ra loại hình nhân chủng người Việt. Vì vậy mà một mặt cho người Việt và người Mường là cùng một nguồn gốc tổ tiên, mặt khác lại cho rằng Mường và Việt đã phân hóa về mặt thể chất do kết quả của dòng máu Bắc phương. Song tài liệu nghiên cứu người Việt, người Mường về mặt nhân chủng học đã phủ nhận điều này. Theo chúng tôi thì “người Mường là một bộ phận Việt đã tách ra trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định nào đó và đã cấu thành bộ tộc riêng, song từ đó đến nay cả Mường lẫn Việt về cơ bản vẫn giữ được cơ cấu thể chất gốc của tổ tiên trực tiếp đã sinh ra mình trước khi phân chia”<D. Thực vậy, trong thành phần nhân chủng người Việt thì yếu tố cấu tạo chủ yếu hoàn toàn không phải là yếu tố phương Bắc mà là phương Nam (da ngăm đen; mắt rộng, ngắn; nếp mi góc giảm mũi tương đối rộng; môi tương đối dày v.v…) Bảng dưới đây do phép so sánh, người Việt với các nhóm Indonesian và Nam Á khác:
(1) Những số liệu trong Bảng 6 đều trích từ các bài viết Noel Bernard và của Nguyễn Đình Khoa theo các tài liệu đã dẫn. Riêng số liệu về người Thái đen là phần tư liệu từ trước tới nay chưa công bố. Ngoài ra có tài liệu của Shirokogoroff về 330 người ở Quảng Đông, của Olivier và Ruffle về ngót 100 người ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến công bố trong các bài viết sau: S.M. Shirokogoroff: Nghiên cứu nhân học miền Đông Trung Quốc và tỉnh Quảng Dóng – Hội nghị nghiên cứu châu Á của hoàng gia Anh, T. IV, Thượng Hải, 1925, (Bản tiếng Anh); G. G. Olivier và J. Ruffie: Những người Nam Trung Quốc và chủng tộc Nam Mông cổ (race Sudmongole) BEFEO, T.LIII, quyển 1, Pari, 1966, tr. 227 – 269.
Theo bảng 6, ta thấy trong những người Indonesian và Nam Á, nhóm Việt có vị trí khá đặc biệt. Trên một số đặc điểm, họ có vị trí trung gian giữa các nhóm so sánh, đồng thời trên nhiều đặc điểm khác như kích thước phần hộp sọ, phần mặt, bề cao mũi, bề dày môi thì có trị số thiên về phía cực đại. Hiện tượng này nói lên tính chất về mối quan hệ của nhóm Việt với các nhóm láng giềng, đồng thời cho thấy những nét đặc thù của nhóm Việt là người có kích thước đầu và mặt vào loại cỡ lớn nhất nhì ở khu vực Đông nam châu Á. Tài liệu về nhóm Việt (Nam Đàn) bổ sung cho nhóm Thanh Trì càng khẳng định nhận xét này. Bảng 7 và sơ đồ kèm theo minh họa cụ thế thêm những điều đã trình bày:
Trong sơ đồ này không ghi đường biểu diễn của các nhóm khuyết nhiều số liệu (Mè, Nam Trung Quốc của Olivie) hoặc các nhóm mà đa số đặc điểm có vị trí trung gian và gần nhóm Việt (La-ha, Thái). Trục hoành độ đánh số 1, 2, 3… theo thứ tự các đặc điểm ghi ở bảng 7.
Cuối bảng 7 là trị số của chuẩn X với xác xuất tương ứng p (X2) biểu thị mức độ tương đồng giữa các nhóm so sánh. Những kết quả về mặt số liệu này có ý nghĩa quan trọng vì phù hợp với những nhận định cơ bản đã trình bày về nhóm Việt trong mối quan hệ chung với các tộc người cư trú tại các vùng kế cận thuộc khu vực Nam phần Trung Quốc và Bắc Đông Dương, đồng thời gợi thêm những suy nghĩ về quá trình hình thành của họ. Nổi lên hàng đầu là mấy vấn đề sau:
1. Trong phạm vi Đông nam châu Á thì Bắc Đông Dương và Nam Trung Quốc là một khu vực thống nhất về quá trình hình thành chủng tộc và các loại hình nhân chủng suốt một giai đoạn lịch sử dài từ thời đại đá mới trở về sau này.
2. Nhóm loại hình Nam Á hình thành rõ nét từ thời đại đồ đồng tiếp tục phát triển và phân hóa thành nhiều loại hình địa phương trong đó người Việt hay loại hình Việt có những sắc thái riêng làm cho bên cạnh các tộc láng giềng, họ vừa có những nét tương đồng, lại vừa có cốt cách đặc thù.
3. Những người thuộc loại hình Nam Á ở mền Bắc Việt Nam như Việt, Mường, Thái, Xá (Kháng, La-ha) v.v… Có nhiều nét tương đồng chứng tỏ rằng bên cạnh mối quan hệ nguồn gốc về mặt phân loại (cùng thuộc nhóm loại hình Nam Á), còn có mối quan hệ hỗn hợp cư dân tác động suốt trong quá trình hình thành những cộng đồng người gắn bó trên cùng một địa vực cư trú, có chung một quá trình lịch sử. Vì vậy mà người Xá ở Việt Nam đã phân hoá so với các tộc Khả ở Lào, người Thái ở Tây Bắc không giống như các tộc Thái nói chung ở các vùng cư trú khác.
Người Việt tức loại hình Việt và dân tộc Việt đã được hình thành trong khung cảnh chung trình bày theo nội dung của những nhận xét trên. Tổ tiên xa của họ là những người Indonesian bản địa, Tổ tiên gần và trực tiếp là một loại hình Nam Á cổ có mặt trên địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, ít nhất từ thời đại đồ đồng. Suốt trong quá trình hình thành họ luôn luôn tác động và chịu sự tác động của các bộ lạc và bộ tộc láng giềng. Sự kiện này có ý nghĩa sinh học quan trọng giúp họ phát triền nhanh về số lượng dân cư. Tuy nhiên, những nét đặc trưng của họ hiện nay về mặt hình thái chứng tỏ tổ tiên họ – một loại hình Nam Á cổ, có thể cũng có những sắc thải riêng, điều mà tài liệu cổ nhân học sau này sẽ giúp chúng ta giải đáp.
KẾT LUẬN CHUNG
Nội dung trình bày trong bải viết này là kết quả của sự kết hợp so sánh giữa hai nguồn tài liệu – tài liệu cổ nhân học và tài liệu nhân chủng học các cư dân hiện tại. Một số điểm bổ sung về những điều đã trình bày trong các bản báo cáo trước đây về cư dân thời Hùng Vương và nguồn gốc người Việt là xuất phát bởi giả thiết về quá trình hình thành nhóm loại hình Nam Á từ những người Indonesian bản địa ở khu vực Đông nam châu Á. Người Việt bắt nguồn từ quá trình này – một quá trình diễn ra trong sự tác động hỗn hợp của các cộng đồng hàng mấy ngàn năm tại địa bàn miền Bắc Việt Nam mà khu vực trung tâm là đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Phải chăng chính những mối quan hệ lịch sử này đã phản ảnh một cách khá rõ nét và về nhiều phương điện trên các tộc ngưòi đã từng cư trú lâu đời trên một phần lãnh thỗ này của Tổ quốc ta. Tài liệu dân tộc học, ngôn ngữ học cũng đã đưa ra nhiều bằng chứng về mối quan hệ nói trên giữa các tộc người Việt, người Mường, người Tày – Thái. Trong ngôn ngữ Việt – Mường vừa có yếu tố Thái vừa có yếu tố Môn-Khơ-me, khiến phải tách riêng thành một nhóm ngôn ngữ Việt – Mường mà vị trí của nó còn tiếp tục là vấn đề tranh luận. Gần đây theo sự phát hiện của bộ phận nghiên cứu các tộc người ngôn ngữ Nam Á ở Tây Bắc của Viện Dân tộc học thuộc ủy ban khoa học xã hội Việt Nam thì trong ngôn ngữ người Kháng, người La-ha cũng thấy có yếu tố ngôn ngữ Việt – Mường. Cuối cùng những mối quan hệ phức tạp này đã phát hiện cả trên con người về mặt cấu tạo cơ thể. Địa vực rõ ràng là một nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc kết hợp các quá trình diễn biến lịch sử của nhiều hiện tượng xã hội phức tạp, trong đó có quá trình hình thành bản thân con người. Trong khối cư dân thời Hùng Vương, “người Việt cổ” hay “người Việt thời vua Hùng” đã là một bộ phận hợp thành ngày càng có tác dụng quan trọng bên cạnh các tộc anh em trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên. Những truyền thống tốt đẹp nhất của cả dân tộc Việt Nam, mà ngày nay chúng ta có quyền tự hào phải chăng đã bắt nguồn ngay từ buổi đầu dựng nước. Đoàn kết, thống nhất vốn là sức mạnh vô địch của dân tộc ta phải chăng đã có ngay trong dòng máu của mỗi người từ thời “người Việt vua Hùng” mà qua mỗi sóng gió của lịch sử lại được nhân lên gấp bội. Đó lả những vấn đề to lớn không thuộc phạm vi nghiên cứu của Nhân chủng học, nhưng đi sâu vào đề tài Nguồn gốc dân tộc chúng tôi đã thấy hiện lên những khía cạnh thật rõ nét. Mong rằng đó sẽ là một số bằng chứng có cơ sở khoa học góp vào để các ngành khác đi sâu tìm hiểu vấn đề.
Nguyễn Đình Khoa
Pdf gốc: Con người thời Hùng Vương
LSTV số hoá từ pdf, copy vui lòng ghi rõ nguồn.