Đây không phải là một bản báo cáo trình bày toàn diện về kinh tế thời Hùng Vương. Những điều trình bày ở đây chỉ là phần mở đầu – tất nhiên có tính chất tổng quát – cho một bản báo cáo dài về tình hình kinh tế thời kỳ Hùng Vương, mà những báo cáo chuyên đề của các bạn khác đọc sau đều là các phần của nó.
Như mọi người đã biết, khối tài liệu khảo cổ học hiện dùng cho việc nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương là thuộc các di tích có niên đại trong khoảng 2000 năm trước Công nguyên. Qua khối tài liệu đó, các nhà khảo cổ học đã xây dựng được một phổ hệ giai đoạn phát triển liên tục từ thấp lên cao.
Như vậy, theo chúng tôi nghĩ, thời kỳ Hùng Vương phải được nghiên cứu như một quá trình vận động. Quá trình này không còn là một suy lý lô gích mà đã là một thực tế lịch sử được chứng minh bằng cứ liệu khảo cổ học. Nghiên cứu kinh tế thời kỳ Hùng Vương cũng phải như thế. Rõ ràng cơ sở kinh tế trong buổi công cụ đá còn chiếm ưu thế phải khác với lúc đồ sắt đã xuất hiện. Tất nhiên, cho đến nay, chúng ta chưa có đầy đủ tài liệu để mô tả chi tiết các giai đoạn phát triển kinh tế của thời kỳ này, nhưng như vậy không có nghĩa là gạt bỏ việc nhận thức tình hình kinh tế thời kỳ này trong một quan niệm động.
Từ một quan niệm như vậy, chúng tôi đã khảo sát các ngành kinh tế thời Hùng Vương.
★ ★ ★
Ngành kinh tế chủ đạo trong thời kỳ này là nông nghiệp.
Hiện nay, đã có thêm nhiều chứng cớ để nói rằng Đông Nam Á là một trung tâm nông nghiệp rất sớm của nhân loại, có thể đã có những mầm mống nông nghiệp đầu tiên trong văn hóa Hòa Bình. Dựa vào các phát hiện khảo cổ học cũng như các tài liệu dân tộc học, một số học giả đã đoán định về hai giai đoạn nòng nghiệp kế tiếp nhau ở Đông Nam Á: giai đoạn rau củ và giai đoạn lúa. Hiển nhiên là kinh tế thời kỳ Hùng Vương bắt đần trên đất nước chúng ta thì giai đoạn nông nghiệp trồng củ cũng đã lùi về xa xưa rồi. Lúa có lẽ đã xuất hiện trước thời Hùng Vương. Bằng chứng của nghề trồng lúa thời Hùng Vương là những hạt gạo cháy ở địa điểm Đồng Đậu, trong lớp đất có niên đại C14 là 3.328 + 100 năm cách ngày nay. Ở địa điểm Tràng Kênh, mà niên đại C14 là 3405 + 100 năm cách ngày nay, đã tìm thấy hạt phấn của lúa trong tất cả các lớp. Như vậy, ở giai đoạn sớm nhất của thời kỳ Hùng Vương, nghề trồng lúa đã tồn tại. Những xóm làng định cư thuộc giai đoạn Phùng Nguyên, mà dấu vết là những di chỉ có tầng văn hóa khá dày, đã phân bố rộng từ trung du đến đồng bằng ra gần ven biển. Sống trên một địa bàn như vậy, con người tất nhiên đã biết trồng trọt ở các địa hình khác nhau với điều kiện thổ nhưỡng khác nhau, và như vậy chúng ta có thể tin rằng ngay ở giai đoạn sớm nhất của thời kỳ Hùng Vương, tổ tiên ta đã biết trồng lúa trên nhiều loại ruộng khác nhau: ruộng nước, ruộng bãi, nương rẫy…
Nghề trồng lúa càng ngày càng phát triển. Dấu vết của hạt thóc đã tìm thấy ở Đồng Dền (giai đoạn Đồng Đậu), Gò Mun, Gò Chiền (giai đoạn Gò Mun). Chỉ một lưỡi liềm đồng thau tìm thấy ở Gò Mun cũng đủ chứng minh sự phát triển của nông nghiệp sau Phùng Nguyên. Sự phát triển của nghề luyện đồng rõ ràng có tác động đến sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn Đông Sơn, đã tìm thấy nhiều lưỡi cày đồng. Sự tồn tại của nông nghiệp dùng cày trong giai đoạn này là không còn nghi ngờ gì nữa. Vấn đề là ở chỗ nông nghiệp dùng cày ra đời từ bao giờ, sớm hơn giai đoạn Đông Sơn chăng, và có thể là với những cái cày bằng gỗ và cày có lưỡi đá? Sự phát triển của nông nghiệp trong giai đoạn Đông Sơn rõ ràng mạnh hơn trong các giai đoạn trước. Trên mặt trống Đông Ngọc Lũ, rộn ràng những người giã gạo. Sách Giao Châu ngoại vực ký chép rằng tổ tiên chúng ta thời đó làm ruộng lạc, dù có ý kiến khác nhau, đều đã thừa nhận đây là loại ruộng trồng kia nước. Lúa đã là lương thực chủ yếu của cư dân Văn Lang.
Nhưng bên cạnh nghề trồng lúa, nghề trồng rau củ và cây ăn quả vẫn phát triển. Nhiều sách Trung Quốc đã chép về nhiều loại rau củ và cây ăn quả ở Việt Nam trong thời Bắc thuộc. Chắc chắn là những loại cây trồng đó không phải đến thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu được thuần hóa mà chúng đã được trồng từ trước, trong thời Hùng Vương, ở Tràng Kênh, một di tích có niên đại tương đương giai đoạn Phùng Nguyên đã tìm thấy hạt phấn của loài rau, đậu.
Đã có cuộc thảo luận về thổ nhưỡng thời Hùng Vương. Ý kiến chưa thống nhất, nhưng rõ ràng là nếu còn một số vùng nào đó, đất xấu xí vì ảnh hưởng của nước mặn, thì cả một vùng đất rộng, được tưới tắm bằng những dòng sông chở nặng phù sa, đã đủ độ màu mỡ để đem lại cho con người những mùa lúa tốt.
Chăn nuôi vẫn chưa tách khỏi nông nghiệp. Phần lớn những gia súc mà chúng ta nuôi ngày nay đã có trong thời Hùng Vương.
Hiện nay các nhà sinh học đều cho rằng chính cư dân Đông Nam Á là những người đầu tiên nuôi gà và các giống gà nhà đã từ đây phổ biến đi khắp thế giới. Lý do của họ đơn giản, nhưng chắc chắn: loài gà rừng Gallus gallus, tổ tiên của gà nhà, chỉ có ở Đông Nam Á. Trong những di chỉ sớm của thời kỳ Hùng Vương như Xóm Rền, Đồng Đậu, đã tìm thấy các tượng gà bằng đất nung. Đến giai đoạn Đông Sơn thì đã tìm thấy hình đầu gà bằng đồng.
Chó thì chắc chắn đã được thuần dưỡng trước thời Hùng Vương rất lâu, do những người đi săn trong thời đại đá. Xương, răng chó nhà đã tìm thấy trong nhiều di tích từ sớm đến muộn của thời kỳ Hùng Vương. Hình chó săn đã được khắc lên trên một số đồ đồng Đông Sơn.
Ở giai đoạn sớm nhất của thời kỳ Hùng Vương cũng đã tìm thấy dấu vết của lợn thuần dưỡng. Lợn nhà đã có mặt ở Tràng Kênh. Trong các mộ táng Lũng Hòa, tìm thấy xương hàm lợn. Thịt lợn do chăn nuôi cung cấp ngày một nhiều lên. Tỷ lệ lợn nhà so với lợn rừng tăng dần qua các lớp đất từ sớm đến muộn ở di chỉ Đồng Đậu là một chứng cứ.
Xương răng trâu bò thuần dưỡng đã tìm thấy trong nhiều di tích thuộc các giai đoạn từ sớm đến muộn của thời kỳ Hùng Vương. Ở Đồng Đậu đã tìm thấy tượng bò bằng đất nung. Ở Đình Chàng đã tìm thấy sừng trâu nhà. Ít nhất thì đến giai đoạn Đông Sơn, trâu bò đã được dùng làm sức kéo. Trên trống đồng Đồi Ro có hình bò rất đẹp.
Ngựa được nhắc đến trong chuyện ông Dóng, nhưng cho đến nay chưa tìm thấy dấu vết trong các di tích khảo cổ. Ở một sổ địa điểm khảo cổ như Gò Chiền Vậy, Cổ Loa, đã tìm thấy răng voi. Những răng voi đó còn cần được giám định, nhưng có lẽ tổ tiên ta thời Hùng Vương đã biết nuôi voi.
Mặc dù càng ngày càng phát triển, chăn nuôi trong thời kỳ Hùng Vương chưa có thể trở thành một ngành độc lập. Chưa có những bộ phận cư dân chăn nuôi tách rời khỏi cư dân nông nghiệp. Chăn nuôi bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp. Đó không phải chỉ là đặc điểm kinh tế thời Hùng Vương mà còn là đặc điểm chung cho kinh tế Việt Nam qua nhiều thời kỳ sau.
Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, các ngành kinh tế khai thác như hái lượm, săn bắn vẫn còn tồn tại nhưng đã lùi về vị trí thứ yếu. Lĩnh Nam chích quái chép rằng người thời Hùng Vương lấy bột cây quang lang, tức là búng báng, làm bánh. Trong một số di chỉ như Đồng Đậu, Đình Chàng đã tìm thấy hạt trám. Nhưng hái lượm trong thời kỳ Hùng Vương chỉ đóng vai trò nhỏ bé trong đời sống nhân dân. Dấu vết của săn bắn tất nhiên còn lại đến ngày nay rõ ràng hơn hái lượm. Xương cốt của lợn rừng, trâu rừng, hươu, hoẵng, cầy, cáo, hổ, tê giác… đã tìm thấy trong nhiều di chỉ thuộc các giai đoạn khác nhau của thời kỳ này. Ngay vào giai đoạn cuối, rừng còn lan rộng hơn bây giờ. Trên mặt đồng bằng cũng còn rừng. Các di chỉ ở vùng Hà Nội, từ giai đoạn Phùng Nguyên đến giai đoạn Đông Sơn đều có nhiều xương thú rừng. Vì rừng ở khắp nơi nên săn bắn còn đem lại một nguồn bổ sung thực phẩm quan trọng cho con người. Nhưng dù vậy, săn bắn đã không còn đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh tế của người thời Hùng Vương nữa.
Nghề đánh cá không phát triển đồng đều trong các giai đoạn và trong khu vực. Ngay trong giai đoạn Phùng Nguyên, ở rất nhiều di chỉ, ngay ở bờ các dòng sông, cũng chưa phát hiện dấu vết của nghề đánh cá. Chỉ có một số di chỉ ở vùng đồng bằng như Đồng Vông (Hà Nội) là có nhiều chì lưới lớn. Tràng Kênh, ở gần biển, cũng có nhiều xương răng cả. Trong các giai đoạn sau, khi đồng đã phổ biến, thường tìm thấy lưỡi câu bằng đồng, rất giống lưỡi câu ngày nay. Nghề đánh cá khá phát triển ở Đồng Đậu, thể hiện qua số lượng xương răng cá và qua những mũi lao bằng xương khỏe và đẹp. Ở Gò Chiền, người xưa đã vẽ hình cá lên đồ gốm. Đến giai đoạn Đông Sơn, với kỹ thuật đóng thuyền phát triển và với sự cải tiến công cụ đánh cá, nghề đánh cá hẳn là có những bước tiến lớn. Theo ghi chép của Lĩnh Nam chích quái, người thời Hùng Vương thường ăn canh cá. Họ còn biết dùng cá, tôm làm mắm. Ở thời Hùng Vương, đã hình thành các khu vực cư dân chuyên đánh cá và đem cá trao đổi với cư dân trồng trọt hay chưa, đó là vấn đề cần nghiên cứu thêm. Có điều chắc chắn là trong tuyệt đại bộ phận những người làm ruộng trên một địa bàn sông ngòi và ao hồ chằng chịt, đánh cá tuy là một nghề phụ nhưng ý nghĩa quan trọng của nó không bao giờ mất đi như nghề săn.
★ ★ ★
Bên cạnh nông nghiệp, các ngành thủ công nghiệp cũng càng ngày càng phát triên, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong đời sống của con người thời Hùng Vương.
Trong các ngành thủ công, nghề làm đá qua 2.000 năm, có những bước thịnh suy rõ rệt. Ngay ở giai đoạn Phùng Nguyên, kỹ thuật làm đá đã đạt tới trình độ hoàn thiện. Con người đã biết cưa mài, khoan thành thạo. Khoan có nhiều kiểu. Những mũi khoan bằng đá cứng nhỏ nhắn, xinh xắn tìm thấy ở Tràng Kênh là những mũi khoan dùng để khoan lỗ các hạt chuỗi. Chức năng của những mũi khoan này đã được xác định bằng dấu vết soi dưới kính hiển vi. Để tạo ra các vòng trang sức, người ta dùng cách khoan tách lõi. Phương pháp khoan tạo ra các rãnh tròn này rất gần với cách tiện. Sự có mặt của phương pháp tiện đã được chứng minh bằng những đường gờ nổi đều đặn như những đường ren trên các vòng đá. Khoan tách lõi cũng như tiện, cần có những thiết bị khá phức tạp. Kỹ thuật tu chỉnh ép là một kỹ thuật phổ biến trong thời đại đá ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả vùng Đông Nam Á, nhưng từ trước tới nay chưa phát hiện được ở Việt Nam. Gần đây, những phác vật mũi khoan tìm được ở Tràng Kênh cho chúng ta biết kỹ thuật tu chỉnh ép đã tồn tại trên đất nước ta và đã đạt tới trình độ điêu luyện. Bằng kỹ thuật này, người xưa đã tạo nên những thỏi đá vuông, mỗi cạnh vài ba mi li mét, rồi sau đó mới đem mài thành những mũi khoan tròn.
Trong những giai đoạn sau Phùng Nguyên, không còn những đóng góp quan trọng vào kỹ thuật làm đá. Do vai trò của kim loại ngày một lớn, địa vị của đá lùi dần. Công cụ đá ngày một ít, tuy đến giai đoạn Đông Sơn vẫn còn nhưng đã quá thưa thớt. Số lượng vòng trang sức bằng đá cũng ít dần qua các giai đoạn. Nhưng cũng cần chú ý là trong các giai đoạn muộn, có thể là từ giai đoạn Gò Mun trở đi, số lượng đồ trang sức bằng đá quý, trong và cứng, như ngọc bích, tăng lên. Nhưng người thợ ngọc xuất hiện. Những người làm công cụ trở thành người làm đồ mỹ nghệ.
Nếu như nghề làm đá suy thoái trước sự phát triển của kim loại thì ngược lại, nghề làm đồ gỗ, mà nguồn gốc không kém phần xa xưa so với nghề làm đá càng ngày càng phát triển. Chính sự phổ biến của công cụ kim loại đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề mộc. Hiện nay chúng ta tìm thấy rất ít đồ gỗ do chỗ chúng dễ bị hủy hoại. Ở Gò Mun, đã tìm được lưỡi giáo bằng gỗ. Mộ táng ở Việt Khê, thuộc giai đoạn Đông Sơn, để lại cho chúng ta nhiều đồ gỗ hơn, như quan tài hình thuyền, cán giáo, mái chèo và các đồ đựng bằng gỗ. Dẫu vết tích của đồ gỗ còn lại ít, sự phát triển của nghề mộc trong thời Hùng Vương là không nghi ngờ gì nữa. Nhà sàn, cối gạo, chày giã, cánh cung, cán giáo, thuyền… mà hình dáng còn được ghi lại trên trống đồng đều làm bằng gỗ. Kỹ thuật đóng thuyền ngày càng cao, tạo điều kiện cho giao thông và trao đổi giữa các vùng phát triển.
Ở Việt Khê, một số đồ gỗ đã được sơn các màu nâu, đỏ, với các đồ án trang trí rất đẹp. Chất sơn tốt và kỹ thuật sơn cao. Như vậy, có lẽ nghề sơn đã ra đời sớm hơn.
Nghề đan lát ra đời từ rất xưa, cũng phát triển dưới thời Hùng Vương. Trong giai đoạn Phùng Nguyên còn ít tìm thấy dấu vết của đồ đan đẹp, nhưng từ giai đoạn Đồng Đậu trở đi, chúng ta gặp trong nhiều di chỉ những dấu đan đều, đẹp, in trên mặt gốm. Những dấu vết đó chứng tỏ con người thời Hùng Vương đã đan lát thành thạo. Họ đã biết đến rất nhiều kiều đan khác nhau như lóng mốt, lóng đôi, lóng thúng, lóng nia, v.v. Dấu đan còn in lại trên đồ đồng ở Đông Sơn cũng như trên đất trong quan tài Việt Khê chứng tỏ là nghề đan vẫn tiếp tục phát triển trong giai đoạn Đông Sơn.
Bên cạnh đan lát là xe sợi. Dấu thừng còn lại trên đồ gốm có ở tất cả các di chỉ thuộc tất cả các giai đoạn. Căn cứ dấu vết trên gốm, chúng ta biết rằng ngay từ giai đoạn Phùng Nguyên, tổ tiên ta đã xe được những sợi rất nhỏ, săn và mịn. Trong các di chỉ giai đoạn Phùng Nguyên, đã tìm thấy các dọi xe chỉ bằng đất nung. Nhưng dọi xe chỉ như vậy, cũng thường gặp trong các giai đoạn sau. Đó là chứng tích của nghề dệt. Đã tìm thấy dấu vết của vải ở Đông Sơn, Việt Khê. Hình người trên trống, thạp và các đồ Đông giai đoạn Đông Sơn đều có áo, váy hay khố, chứng tỏ vải đã khá phổ biến. Theo các thư tịch Trung Quốc thì trong thời Bắc thuộc ở Việt Nam đã biết trồng đay, gai và bông để lấy sợi dệt vải. Hiển nhièn, các loài cây lấy sợi này không phải đến thời Bắc thuộc mới được trồng, mà đã có từ trước.
Một ngành thủ công quan trọng của thời Hùng Vương là nghề làm gốm tìm thấy trong tất cả các di chỉ của tất cả các giai đoạn ở thời kỳ này. Đồ gốm góp phần quan trọng vào việc xác định các giai đoạn. Mặt khác, nếu phân tích kỹ thuật học khối lượng gốm to lớn đã thu được, chúng ta lại thấy được bước phát triển của nghề gốm qua các giai đoạn.
Ngay từ giai đoạn Phùng Nguyên, đồ gốm đã rất đẹp và phần lớn làm bằng bàn xoay. Kỹ thuật làm gốm bằng bàn xoay ngày càng phát triển. Đến giai đoạn Gò Mun, người thợ gốm đã thể hiện một trình độ làm bàn xoay thành thạo và khéo léo khiến chúng ta ngạc nhiên. Đồ đựng giai đoạn Gò Mun có miệng gãy gấp ra ngoài, vai cùng gãy gấp, những đường gờ nổi cao ở miệng và ở vai chạy tròn trặn, đều đặn, tất cả nói lên tài nghệ tạo hình gốm bằng bàn xoay của tổ tiên chúng ta thời Hùng Vương. Ngày nay, nếu thử làm lại những đồ gốm như vậy bằng bàn xoay, chúng ta sẽ thấy rất khó khăn. Đồ gốm giai đoạn Phùng Nguyên còn bở nhưng từ giai đoạn Đồng Đậu trở đi, gốm đã khá cứng. Điều đó có nghĩa là lò nung ngày càng được hoàn thiện. Có một đặc điểm cần chú ý là đồ gốm thời Hùng Vương càng về sau càng ít được trang trí hoa văn. Con người dồn hết tài năng vào việc trang trí đồ đồng thau. Đồ gốm thông dụng. Con người sản xuất ra đồ gốm nhanh hơn, mất ít công lao động hơn và hẳn là chủ ý nhiều đến mục đích trao đổi hơn. Sự phát triển của kỹ thuật gốm qua các giai đoạn khá rõ ràng nhưng về hình dạng đồ gốm, cách tạo hình cũng như cách trang trí, giữa các giai đoạn có rất nhiều điểm giống nhau. Điều này nói lên sự thống nhất về văn hóa, về tâm lý của cộng đồng người nhưng đồng thời cũng nói lên sự xác lập một truyền thống kỹ thuật ổn định.
Một ngành thủ công quan trọng khác, có tác dụng lớn về mặt kinh tế cũng như về mặt xã hội của thời kỳ Hùng Vương là luyện kim không phải chỉ là sự chế tác kim loại mà là sự tạo thành các hợp kim nhân tạo, thì có thể nói nghề luyện kim đã xuất hiện từ giai đoạn sớm nhất của thời kỳ Hùng Vương, giai đoạn Phùng Nguyên. Hiện nay đã tìm thấy dấu vết của đồng trong một số di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên, như Gò Bòng, Xóm Rền, Đồng Xấu, Đồng Vông,… Đó là những cục đồng vụn, xỉ đồng hay gỉ đồng. Mặc dù cho đến nay chưa tìm thấy những di vật bằng đồng nguyên vẹn của giai đoạn này, sự tồn tại của nghề luyện kim là không nghi ngờ gì nữa. Thành phần hóa học của những cục đồng đem phán tích gồm đồng và thiếc, như vậy là hợp kim đồng thau đã xuất hiện. Những cục xỉ đồng lớn là chứng cứ của việc luyện đồng tại chỗ.
Trong các giai đoạn Đồng Đậu và Gò Mun, đã tìm thấy khá nhiều công cụ và vũ khí bằng đồng thau. Đã tìm thấy những khuôn đúc của các giai đoạn này. Ngay những nhà luyện kim của chúng ta ngày nay cũng phải khâm phục những chiếc khuôn đá của tổ tiên, kín, nhẵn và khéo léo lạ thường. Kỹ thuật đúc đồng đã tiến đến đỉnh cao rực rỡ của nó với giai đoạn Đông Sơn. Trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh đã trở thành niềm tự hào của văn minh Việt Nam. Cho đến nay, các chuyên gia đúc đồng vẫn chưa giải thích hết mọi điều bí ẩn quanh những trống đồng lớn, nhưng những điều đã nhận thức được cũng như những điều chưa nhận thức được đều nói lên kỹ thuật đúc đồng trác tuyệt của tổ tiên.
Thành phần hóa học của hợp kim đồng thau cũng thay đổi qua các giai đoạn. Những kết quả phân tích đầu tiên cho biết hợp kim đồng thau trong các giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đậu chỉ gồm đồng và thiếc mà chưa có chì. Hàm lượng chì xuất hiện và tăng cao trong hợp kim đồng thau trong giai đoạn Đông Sơn. Có người cho rằng tỷ lệ chì, đồng, thiếc còn thay đổi thích hợp với từng loại công cụ và vũ khí. Tuy nhiên, cần phải có nhiều mẫu phân tích hơn nữa mới xác nhận được kết luận này.
Khi kỹ thuật luyện đồng đã phát triển rực rỡ với giai đoạn Đông Sơn thì nghề làm đồ sắt cũng bắt đầu xuất hiện. Trước đây, nhiều người cho rằng kỹ thuật làm đồ sắt do người phương Bắc đưa vào Việt Nam trong thời Bắc thuộc. Nhưng phát hiện mới trong mấy năm gần đây đã bác bỏ nhận định đó. Hiện nay, đã tìm thấy công cụ sắt trong nhiều di chỉ thuộc giai đoạn Đông Sơn ở miền Bắc. Trong di chỉ Đường Mây, dưới chân thành cổ Loa, cũng đã tìm thấy công cụ sắt. Ở Gò Chiền Vậy, một di chỉ thuộc giai đoạn Đông Sơn (kiểu Đường Cổ) có niên đại C14 là 2 350 +- 100 năm cách ngày nay, tức 400 năm trước Công Nguyên, đã tìm thấy công cụ sắt. Như vậy là đã có đủ chứng cứ khoa học để nói rằng tổ tiên chúng ta thời Hùng Vương trong khi tiến đến đỉnh cao của kỹ thuật luyện đồng, đã tự mình biết luyện sắt. Sáng tạo quan trọng này đã xảy ra khá lâu trước khi phong kiến phương Bắc xâm nhập. Phân tích thành phần hóa học những mẫu sắt đã tìm được, chúng ta biết rằng sắt đã được luyện từ quặng.
★ ★ ★
Trên đây, chúng ta đã điểm qua các ngành sản xuất thời Hùng Vương với một vài nét về bước phát triển qua các giai đoạn. Trừ nghề làm đá suy dần, hợp với quy luật, tất cả đều phát triển đi lên. Sự phát triển đó đã đẩy nền kinh tế thời Hùng Vương tiến đến đỉnh cao của nó vào giai đoạn Đông Sơn.
Trong khi nghiên cứu kinh tế thời Hùng Vương, chúng ta nhận được từ khối tài liệu khảo cổ học lượng thông tin về kỹ thuật sản xuất nhiều hơn là lượng thông tin về các quan hệ kinh tế. Để tìm hiểu các mặt này, người ta phải dựa vào các tài liệu ngoài khảo cổ học, đặc biệt là tài liệu dân tộc học.
Mặc dù chưa có những tài liệu trực tiếp, chúng ta có thể nghĩ một cách hợp lý rằng các ngành thủ công như đan lát, dệt, làm gốm trong thời Hùng Vương vẫn chưa tách rời khỏi nông nghiệp. Những người làm nghề thủ công vẫn là những thành viên của công xã nông nghiệp và nghề nông là nghề chính của họ. Trong các giai đoạn sớm của thời kỳ Hùng Vương, khi mà đá còn đóng vai trò lớn trong đời sống con người, đã tồn tại những xưởng đá như Gò Chè, Hồng Đà, Tràng Kênh, chuyên làm công cụ hay đồ trang sức. Những người thợ trong các xưởng đó, tất nhiên có phần được chuyên môn hóa nhưng vẫn không tách khỏi công xã nông nghiệp mà họ phục vụ.
Trong số các ngành thủ công thì có lẽ ngành luyện kim, ít ra là vào giai đoạn phát triển cao của nó tức giai đoạn Đông Sơn, đã trở thành một ngành tách rời khỏi nông nghiệp. Những trống đồng, thạp đồng lớn, tiêu biểu cho tài năng luyện kim của tổ tiên, khó có thể nói là kết quả của một nghề phụ nông nghiệp. Đó phải là sản phẩm của những người thợ thủ công chuyên môn, lành nghề và tổ chức thành tập đoàn. Có lẽ đã xuất hiện các công xã hay các khu luyện kim. Công việc của những người luyện kim chuyên môn hóa cao hơn so với các ngành thủ công khác, vì gồm có nhiều khâu phức tạp từ khai thác quặng cho đến việc tạo ra các thành phẩm kim loại. Việc phân công lao động ở đây hẳn cũng sâu sắc hơn trong các ngành thủ công khác.
Một vấn đề được đặt ra là tình hình kinh tế hàng hóa và trao đổi trong thời Hùng Vương ra sao? Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam, không một tài liệu khảo cổ học hay dân tộc học nào xác nhận sự hình thành các bộ lạc chăn nuôi tách khỏi các bộ lạc trồng trọt. Mặt khác, như đã trình bày ở trên, trong thời Hùng Vương – và ngay cả mãi về sau, nhiều ngành thủ công vẫn không tách rời nông nghiệp. Tình hình đó đã làm cho kinh tế hàng hóa chậm phát triển.
Tuy vậy, qua 2000 năm của thời kỳ Hùng Vương, cùng với sự tiến triển kinh tế, sự sản xuất và trao đổi hàng hóa cũng đã có những bước đi lên.
Ở các giai đoạn đầu của thời Hùng Vương, khi các xưởng làm đá đang tồn tại, có thể các sản phẩm của những người thợ đá chủ yếu là để trao đổi trong nội bộ bộ lạc, nhưng điều đó cũng không loại trừ khả năng trao đổi giữa các bộ lạc. Trong các xưởng đá, đã tìm thấy những loại đá không có ở trong vùng. Như vậy chắc chắn là có sự trao đổi giữa nơi sản xuất và nơi có nguyên liệu.
Cũng cần nhớ rằng ngay ở các giai đoạn này, nghề luyện kim đã xuất hiện. Khi nghề luyện kim phát triển thì cũng có sự trao đổi giữa vùng có quặng và các trung tâm luyện kim. Chúng ta đã tìm thấy dấu vết của những địa điểm đúc đồng với các khuôn đúc và xỉ đồng, nhưng ở những nơi đó, rõ ràng là không có mỏ quặng. Đến giai đoạn Đông Sơn thì chắc chắn là trao đổi hàng hóa đã khá phát triển. Các trống đồng Đông Sơn, bằng con đường trao đổi, đã đi rất xa, thậm chí đã vượt khỏi biên giới Việt Nam ngày nay. Một số trống đồng tìm thấy ở Đông Nam Á chẳng những có kiểu dáng hoa văn giống hệt trống đống Việt Nam, mà thành phần hợp kim cũng giống đồ đồng Đông Sơn, khác với thành phần đồ đồng bản địa. Những trống đồng đó chỉ có thể là sản phẩm của chủ nhân văn hóa Đông Sơn, từ Việt Nam đưa đến các vùng của Đông Nam Á do trao đổi.
Như đã nói ở trên, đến giai đoạn Đông Sơn, đồ gốm ít được trang trí. Có người giải thích hiện tượng này bằng nhu cầu tăng năng suất sản xuất đồ gốm để trao đổi. Sự giảm trang trí trên đồ gốm có thể có nhiêu nguyên nhân, nhưng cách giải thích trên không phải là không có căn cứ.
Chúng ta chưa có những lài liệu trực tiếp về các hình thức trao đổi thời Hùng Vương. Nhưng có thể nghĩ rằng ngoài hình thức trao đổi vật lấy vật, đã có hình thức trao đổi bằng vật ngang giá, Sách Dũng chàng tiểu phẩm đã chép đến việc đổi bò lấy trống đồng ở vùng nam Trung Quốc. Có thể các trống đồng ở Việt Nam thời Hùng Vương cũng được trao đổi bằng súc vật. Súc vật đóng vai trò của tiền tệ.
Có người đã nhắc đến loại tiền bằng vỏ ốc biển Cyprac trong thời kỳ nguyên thủy ở Việt Nam. Các sách Trung Quốc như Quảng Châu ký, Giao Cháu ký, Nam Châu di vật ký đều ca tụng các loài Cyprac của Việt Nam, đặc biệt là loại ốc có vân màu tím, gọi là “tử bối”. Tuy vậy, chưa có chứng cứ gì chắc chắn để nói rằng loại vỏ ốc này đã dược dùng làm tiền tệ thời Hùng Vương. Trong hầu hết các di chỉ và mộ táng thuộc các giai đoạn từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, không tìm thấy loại vỏ ốc này trừ ở Vinh Quang, có tìm được một ít. Vấn đề tiền tệ bằng vòng trang sức cũng cần được nghiên cứu thêm. Hiện nay, chưa tìm được tiền tệ kim loại thời Hùng Vương.
★ ★ ★
Hiển nhiên là cho đến nay, một loạt vấn đề về kinh tế thời Hùng Vương, nhất là vấn đề có liên quan đến quan hệ sản xuất, vẫn chưa được giải quyết. Tuy vậy, chúng ta cũng đã nhận thức được về cơ bản bộ mặt kinh tế thời kỳ này, chuyển biến qua các giai đoạn từ thấp đến cao.
Đó là một nền kinh tế mà nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Các ngành thủ công nghiệp ngày một phát triển nhưng vẫn gắn liền với nông nghiệp, có lẽ trừ nghề luyện kim. Kỹ thuật luyện đồng đã đạt đến đỉnh cao và bắt đầu phát triển nghề luyện sắt. Trao đổi bị hạn chế do cuộc phân công lao động lớn lần thứ nhất không xảy ra và cuộc phân công lao động lớn lần thứ hai không toàn diện. Nhưng dù sao thì kinh tế hàng hóa cũng đã bắt đầu xuất hiện.
Đế cung cấp ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội, xây đựng một nền kinh tế phát triển từ thấp lên cao, mà giai đoạn rực rỡ nhất là Đông Sơn, tổ tiên chúng ta đã cần cù lao động trong khoảng 2.000 năm với biết bao sáng tạo tuyệt vời. Đó là điều khẳng định.
Hà Văn Tấn; Nguyễn Duy Hinh
Tranh minh họa: Lĩnh Nam Chích Quái – Tạ Huy Long.