545. ☀ Tìm hiểu về các giai đoạn kiến trúc tộc Việt

Những vấn đề về văn hóa Đông Sơn như chữ viết, trang phục, văn hóa đã được chúng tôi khảo cứu khá kỹ lưỡng trong nhiều bài viết với khá nhiều tư liệu đa dạng, tuy nhiên, khi tìm hiểu về vấn đề kiến trúc, chúng tôi đã nhận thấy là các tư liệu khảo cổ tại Việt Nam hầu như không cung cấp cho chúng ta những thông tin cụ thể về kiến trúc của thời kỳ này, các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn cũng thể hiện tính nghệ thuật, ước lệ, nên cũng không cung cấp cho chúng ta những hình dung cụ thể về hình dáng thực tế của các ngôi nhà trong thời kỳ Đông Sơn. Chúng tôi đã thử thực hiện nhưng đã bỏ dở, vì thiếu tư liệu.

Tuy nhiên, đây thực sự là một vấn đề cần tìm hiểu và nghiên cứu, mặc dù với sự thiếu thốn tư liệu tại Việt Nam, thì việc mở rộng nghiên cứu về sâu trong quá khứ và xuôi về thời hiện đại sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về kiến trúc của người Việt thời Đông Sơn. Qua việc nghiên cứu về các văn hóa trong vùng Dương Tử, các văn hóa thuộc cộng đồng tộc Việt, chịu ảnh hưởng văn hóa Đông Sơn, cũng như qua các dấu tích kiến trúc trong thời hiện đại, sẽ là những cơ sở để từ đó tìm hiểu về kiến trúc của người Việt trong thời văn hóa Đông Sơn.

I. Kiến trúc trong vùng Dương Tử:

Tài liệu nghiên cứu về kiến trúc trong vùng Dương Tử cũng có khá nhiều, cho chúng ta thấy được những dạng nhà quan trọng nhất của văn hóa tộc Việt: cung điện và nhà cho dân cư. Người Việt được các nghiên cứu di truyền xác định có nguồn gốc từ vùng Dương Tử [1][2], việc xác định nguồn gốc là cơ sở để có thể sử dụng các tư liệu kiến trúc trong các văn hóa tại vùng Dương Tử để tìm hiểu về kiến trúc Đông Sơn.

1. Cung điện:

Các công trình phục dựng dựa trên các khai quật khảo cổ của văn hóa Lương Chử đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu quan trọng về cung điện, thành phố của thời kỳ này.

Kiến trúc cung điện văn hóa Lương Chử tại di chỉ Mạch Cốc Sơn. [Nguồn: Centre Culture De Chinese, dẫn]

Phần chính diện của cung điện Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng Lương Chử, chụp bởi Guo Qiyu]

Phối cảnh thành phố Lương Chử dựa trên các tài liệu khảo cổ. [Nguồn: CGTN, dẫn]

Tại văn hóa Khuất Gia Lĩnh, trong vùng trung lưu Dương Tử, thì các nhà khảo cổ cũng đã phục dựng cung điện dựa trên các khám phá khảo cổ tại đây, cho thấy kiến trúc khá tương đồng với cung điện của văn hóa Lương Chử.

Nhà thủ lĩnh được phục dựng tại văn hóa Khuất Gia Lĩnh. [3]

2. Nhà thường dân:

Các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng đã phục dựng cơ bản các dạng nhà tại các di tích của văn hóa Lương Chử, giúp chúng ta hình dung được cách bố trí, sắp xếp nhà cửa và tổng thể kiến trúc của các ngôi nhà của văn hóa này.

Mô hình mái nhà bằng gốm của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Chiết Giang]

Cận cảnh hơn mô hình mái nhà bằng gốm của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng Lương Chử, dẫn]

Cấu trúc ngôi nhà thường dân của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: The World Of Jade Museum, dẫn]

Phối cảnh khu vực dân cư di chỉ Chung Gia Cảng. [Nguồn: Bảo tàng Lương Chử]

Cận cảnh hơn khu vực dân cư của di chỉ Chung Gia Cảng. [Nguồn: Bảo tàng Lương Chử]

Một mô hình nhà trong khu vực di tích Chung Gia Cảng. [Nguồn: Công viên di tích thành phố cổ Lương Chử]

Mô hình xây nhà và đời sống thường ngày của cư dân Chung Gia Cảng. [Nguồn: Công viên di tích thành phố cổ Lương Chử]

II. Kiến trúc thời Đông Sơn:

1. Kiến trúc văn hóa Đông Sơn:

Về các dạng nhà của thời kỳ này, theo tài liệu khảo cổ, chúng ta biết được người Việt thời Đông Sơn ở hai dạng nhà chính, đó là nhà sàn và nhà đất. [4]. Các hoa văn thể hiện chủ yếu là các dạng nhà sàn, bên cạnh đó là đặc trưng khá quan trọng của văn hóa Đông Sơn là si vẫn.

Các dạng nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn. [5]

Các dạng nhà sàn và nhà mặt đất trên trống đồng Đông Sơn. [5]

Hình nhà mặt đất với mái cong trên chuông trống Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller]

Về chức năng của các công trình kiến trúc, dựa vào thực tế của thời kỳ đó, có thể xác định các dạng nhà chính như sau: cung điện, thành quách, nhà của các Lạc Hầu, Lạc Tướng, nhà thờ, nhà của thường dân. nhà kho đựng lương thực, nhà cho vật nuôi. Hình dáng và kích thước của các dạng nhà này như thế nào, hiện tại chúng ta chưa có tư liệu để xác định chính xác.

Bên cạnh đó, tư liệu khảo cổ tại miền Bắc Việt Nam cũng cho chúng ta thấy có một kết cấu kiến trúc khá lớn đã được phát hiện trong thời gian gần đây, có niên đại vào thời văn hóa Đông Sơn. [6]. Đây có thể là một dạng nhà lớn cho người đứng đầu vùng.

2. Kiến trúc Điền Việt:

Cư dân Điền Việt cũng có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, chính vì vậy kiến trúc của họ cũng mang đặc trưng của văn hóa tộc Việt, mặc dù có những dấu ấn riêng của cư dân Điền, nhưng về cơ bản vẫn thể hiện kiến trúc nhà sàn, mái xéo tương tự như văn hóa Lương Chử.

Mô hình nhà văn hóa Điền Việt. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Vân Nam, dẫn]

Mô hình nhà của người Điền. [Nguồn: 1: dẫn; 2. dẫn]

3. Kiến trúc văn hóa Yayoi:

Văn hóa Yayoi của Nhật Bản cũng là một trong những văn hóa chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn. Kết cấu kiến trúc của văn hóa Yayoi rất tương đồng với kiến trúc chung của cộng đồng tộc Việt, cũng như có sự tương đồng với kiến trúc của văn hóa Đông Sơn.

Mô hình nhà sàn văn hóaYayoi [Nguồn: Osaka Prefectural Museum of Yayoi Culture, dẫn]

Kiến trúc Yayoi, tiền thân của người Nhật Bản chịu ảnh hưởng khá mạnh của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: dẫn]

III. Kiến trúc của các dân tộc thời cận và hiện đại:

Bên cạnh các tư liệu về kiến trúc thời cổ đại, thì hiện tại, chúng ta cũng có những tư liệu từ các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, hoặc từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, chúng tôi thực hiện phần này nhằm mở rộng phạm vi nghiên cứu, để có thể tìm hiểu được các dạng nhà gần nhất với thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Về kiến trúc, thì đa phần các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt hoặc từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn đều chỉ giữ lại dạng nhà sàn, chứ ít dân tộc giữ được dạng nhà mặt đất, có lẽ bởi các dân tộc chỉ còn là những bộ lạc nhỏ lẻ, không có tổ chức chính trị phát triển, trung tâm quyền lực, nên các dạng kiến trúc chính của họ là các kiến trúc cho các hộ gia đình nhỏ, hoặc lớn hơn là người đứng đầu làng bản, các dạng kiến trúc của các dân tộc chính vì vậy là khá đơn giản.

Nếu xét về thực tế địa bàn sinh sống của người Việt thời kỳ đó, thì người Việt chủ yếu sống ở vùng đồng bằng, nên sàn nhà không quá cao như các dân tộc trong vùng Đông Nam Á, có thể nhiều dạng nhà đất, chứ không phải nhà sàn chiếm đa số.

Trong các công trình kiến trúc của người Việt, thì kiến trúc đình làng Đình Bảng cho chúng ta một hình dung khá cơ bản và tương đồng với kiến trúc các văn hóa trong vùng Dương Tử cũng như văn hóa Đông Sơn, với dạng mái tương đồng, có si vẫn cũng như có sàn thấp.

Kiến trúc đình làng Đình Bảng. [Nguồn: VnExpress, dẫn]

Kiến trúc của người Tây Minh trong vùng Vân Nam cũng có sự tương đồng với hệ thống kiến trúc văn hóa tộc Việt kể từ thời Lương Chử tới thời Đông Sơn.

Kiến trúc của người Tây Minh tại tỉnh Vân Nam. [Nguồn: dẫn]

Kiến trúc nhà sàn các dân tộc tại miền Bắc Việt Nam cũng rất tương đồng với kết cấu kiến trúc của cộng đồng tộc Việt thời văn hóa Lương Chử, tuy nhiên, các dân tộc ở vùng cao, nên thường làm sàn rất cao nhằm mục đích tránh thú dữ.

Nhà sàn người Thái, Mường, Tày [Nguồn: 1, 2, 3]

Bên cạnh đó, trên 3 ngôi đền Pô-Klaung Garai của người Champa, có một ngôi đền vẫn giữ được kiến trúc của văn hóa Đông Sơn. [7] Quan sát kỹ trên tháp này, chúng ta có thể suy đoán rằng kiến trúc thời văn hóa Đông Sơn có thể không cong vút lên như các dân tộc vùng Nam Đảo, mà chỉ cong nhẹ, có tính tượng trưng, nhà là một dạng nhà sàn thấp hoặc nhà mặt đất, chứ không phải quá cao.

Ngôi đền Pô-Klaung Garai có dấu ấn kiến trúc Đông Sơn. [Nguồn ảnh: bazantravel.com]

IV. Sự giao lưu về kiến trúc tộc Việt và kiến trúc Hoa Hạ:

Qua các mô hình kiến trúc của tộc Việt được phục dựng trong vùng Dương Tử, chúng ta thấy được rằng kiến trúc của tộc Việt có đặc trưng nhà vuông, kiến trúc truyền thống của người Hoa Hạ trong văn hóa Ngưỡng Thiều mang nhiều đặc trưng của văn hóa du mục, với kiến trúc mái tròn chiếm đa số.

Mô hình làng của văn hóa Ngưỡng Thiều. [Nguồn: Bảo tàng Ngưỡng Thiều, chụp bởi Gary Todd, dẫn]

Tới thời văn hóa Nhị Lý Đầu, là văn hóa gần nhất của người Hoa Hạ, ứng với triều đại nhà Hạ trong truyền thuyết, thì hình dáng nhà đã chuyển hẳn sang nhà vuông.

Kiến trúc của văn hóa Nhị Lý Đầu. [8]

Các dạng kiến trúc cơ bản của họ cũng có loại khá tương đồng với kiến trúc của tộc Việt tại các văn hóa trong vùng Dương Tử.

Các dạng nhà của văn hóa Hoa Hạ, có thể thấy si vẫn cũng như một số dạng nhà khá tương đồng với kiến trúc của tộc Việt. [9]

Điều này thể hiện sự giao lưu về mặt kiến trúc của tộc Việt với người Hoa Hạ. Trong thời kỳ đồ đồng, chúng ta cũng thấy được dấu ấn của kiến trúc tộc Việt, đó là si vẫn và mái nhà cong xuất hiện trên kiến trúc của các triều đại Hoa Hạ.

Theo nghiên cứu của Trung Quốc, thì si vẫn (người Trung Hoa gọi nó là si vĩ Việt) trên kiến trúc Hoa Hạ các triều đại có nguồn gốc trực tiếp từ văn hóa của cộng đồng tộc Việt, thông qua sự giao lưu và hòa hợp văn hóa, si vẫn bắt đầu xuất hiện trên kiến trúc Hoa Hạ từ thời Tây Hán, tới thời Đông Hán bắt đầu phổ biến và xuất hiện thường xuyên trong các kiến trúc cung đình. [10]

Bên cạnh đó, kiến trúc mái cong của văn hóa Hoa Hạ cũng có sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, mái của các công trình kiến trúc các triều đại Hoa Hạ dần dần có xu hướng cong lên cho tới khi đạt độ cong như hiện tại, giống như trên trống đồng Đông Sơn. [10]

Si vẫn và nhà sàn mái cong trên trống đồng Đông Sơn. [11]

Kiến trúc thời Hán. [9]

Tới thời Tùy Đường, chúng ta thấy được trên mái đã được trang trí thêm si vẫn, đây là đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, người Hoa Hạ tiếp nhận và đưa lên các công trình kiến trúc, si vẫn trong quan niệm của người Việt có tác dụng chống cháy cho công trình bằng gỗ. Thời điểm này si vẫn y hệt như kiến trúc thời Đông Sơn, có dạng chim, chưa trải qua sự biến đổi về ngoại hình.

Kiến trúc thời Tùy- Đường. [9]

Trong thời gian đầu, thì si vẫn thể hiện rõ những dấu ấn của Đông Sơn, hình tượng si vẫn gần giống hệt với nhà trên trống đồng Đông Sơn.

Si vẫn trên mái nhà thời nhà Đường.

Kiến trúc nhà Tấn. [9]

Tới thời Tống, Liêu, Tấn thì si vẫn bắt đầu biến thành hình tượng cá và Rồng, nhưng đặc trưng vẫn giống như nhà trên trống đồng Đông Sơn.

Kiến trúc thời Tống, Liêu, Tấn.

Kiến trúc nhà Nguyên. [9]

Tới thời nhà Minh và sau đó, thì kiến trúc bắt đầu cong như hiện tại, trở thành một đặc trưng của văn hóa Á Đông.

Kiến trúc nhà Minh. [9]

V. Việc phỏng dựng kiến trúc văn hóa Đông Sơn:

Với các tư liệu mà chúng tôi đã dẫn ở trên, chúng ta đã có được những hình dung rất cơ bản về kiến trúc hoàng gia cũng như các công trình kiến trúc của thường dân, dạng kiến trúc mái cong có thể không phải là dạng kiến trúc chiếm ưu thế tuyệt đối trong thời văn hóa Đông Sơn, mà còn có không ít các dạng nhà mái bằng.

Các họa sĩ khi phỏng dựng về kiến trúc văn hóa Đông Sơn, có thể dựa vào các kết cấu cơ bản của các kiến trúc trong vùng Dương Tử, kết hợp với các tư liệu kiến trúc qua hoa văn của văn hóa Đông Sơn, đối chiếu với các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, để có thể phỏng dựng nên những ngôi nhà gần nhất với văn hóa Đông Sơn. Sự chính xác gần như là không thể tuyệt đối, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tiến gần nhất tới kiến trúc thật sự của thời kỳ này thông qua các tư liệu chúng tôi đã dẫn ở trên.

VI. Kết luận:

Với các tư liệu trong vùng Dương Tử, tư liệu của văn hóa Đông Sơn, cũng như tư liệu từ kiến trúc của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, chúng ta đã thấy được khá rõ ràng các dạng kiến trúc của tộc Việt, việc phỏng dựng có thể dựa trên các tư liệu này, có thể sẽ không chính xác tuyệt đối, nhưng đây sẽ là những hình ảnh gần chính xác nhất với thực tế kiến trúc của văn hóa Đông Sơn.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[2] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[3] Yoshinori Yasuda, 2003, Water Civilization: From Yangtze to Khmer Civilizations. Springer Japan xuất bản.

[4] Nguyễn Thị Thu Hoan, Phạm Thị Huyền, Tìm hiểu về một trong những nét đặc trưng kiến trúc nhà ở của cư dân nước ta qua vết tích nhà sàn trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia
vnmh.com.vn/vi/Articles/3096/17282/tim-hieu-ve-mot-trong-nhung-net-djac-trung-kien-truc-nha-o-cua-cu-dan-nuoc-ta-qua-vet-tich-nha-san-trung-bay-o-bao-tang-lich-su-quoc-gia.html

[5] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[6] Lao Động online, Phát hiện thêm bãi cọc cổ hàng nghìn tuổi Quảng Ninh
https://laodong.vn/xa-hoi/phat-hien-them-bai-coc-co-hang-nghin-tuoi-quang-ninh-873603.ldo

[7] Văn Ngọc, “Một dấu tích giao thoa văn hóa?”, Diễn Đàn Forum, Paris, số 145 tháng 11/2004.
http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/motdautichgiaothoavanhoa.htm

[8] Thorp, Robert L. “Origins of Chinese Architectural Style: The Earliest Plans and Building Types.” Archives of Asian Art, vol. 36, 1983, pp. 22–39. JSTOR, http://www.jstor.org/stable/20111134. Accessed 12 July 2021.

[9] Nancy Shatzman Steinhardt, Chinese Architecture: A History. Princeton University Press. 2019.

[10] Zhou Yuan周源. Điều tra về Nguồn gốc Văn hóa của Si Vĩ Việt 鸱尾越文化起源考[J]. Bảo tàng Văn hóa Phúc Kiến 福建文博,2016(02):26-32.

[11] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *