584. ☀ Vua Hùng của người Việt có phải vua nước Sở không?

Trong tâm thức của người Việt, thì các vua Hùng luôn là những vị Tổ của dân tộc Việt, là nguồn cội, là những vị vua dựng nên quốc gia đầu tiên của người Việt là quốc gia Văn Lang. Hằng năm, người Việt vẫn kính ngưỡng tổ chức ngày giỗ Tổ vào ngày mùng 10 tháng 3 trên quy mô cả nước, cùng một lòng hướng về đền Hùng, nằm tại nơi kinh đô Phong Châu cũ của quốc gia Văn Lang. Nhưng trong thời gian gần đây, đã xuất hiện rất nhiều luồng tư tưởng phủ nhận về thời kỳ Hùng Vương, kể cả tư tưởng chính thống lẫn không chính thống, cho rằng các vua Hùng không có thật, quốc gia Văn Lang cũng không tồn tại, hình thức tổ chức quốc gia của người Việt thời kỳ này chỉ là liên minh các bộ lạc Việt.

Những tư tưởng, các bài viết tuyên truyền này đã ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức về nguồn gốc của dân tộc Việt, khiến nhiều người nghi hoặc về thời kỳ Hùng Vương, cho rằng người Việt hoàn toàn không có lịch sử trước thời kỳ Bắc thuộc, phải nhờ người Hán mới biết tới văn minh. Bên cạnh các dòng tư tưởng chính thống và không chính thống phủ nhận về thời kỳ Hùng Vương và thời kỳ Hồng Bàng, thì còn có những luồng tư tưởng có xu hướng xuyên tạc dựa trên sự không rõ ràng trong lịch sử thời kỳ tiền Bắc thuộc của người Việt, đó là sự cố tình nhập nhằng giữa vua Hùng của người Việt với vua Hùng của nước Sở, theo đó họ cho rằng vua Hùng của người Việt là một “phiên bản” của vua Hùng nước Sở. Từ đó, thì tư tưởng này cho rằng triều Hùng Vương có nguồn gốc từ người Hoa Hạ.

Chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu một cách toàn diện và sâu sắc về thời kỳ Hùng Vương, về quốc gia Văn Lang cũng như nguồn gốc của nước Sở và hoàng tộc quốc gia này, phản biện giả thuyết cho rằng vua Hùng của người Việt có nguồn gốc từ vua Hùng của nước Sở, nhằm làm rõ một vấn đề rất quan trọng về nguồn gốc của người Việt, từ đó giúp người Việt có một góc nhìn khách quan hơn về nguồn gốc thời Hùng Vương và nguồn gốc dân tộc Việt.

1. Nguồn gốc thời kỳ Hùng Vương:

Các ghi chép trong lịch sử và truyền thuyết của người Việt là những tư liệu ghi lại về thời kỳ Hùng Vương và các quốc gia của người Việt là Xích Quỷ và Văn Lang, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu về nguồn gốc họ Hồng Bàng người Việt trong nhiều bài viết khác, các cơ sở khảo cứu đa ngành đều cho thấy cơ sở thực tế của nguồn gốc họ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương. [1][2][3]

Ghi chép về quốc gia Xích Quỷ của người Việt được truyền trong văn hóa dân gian, sau đó được ghi thành văn vào thời nhà Trần và nhà Lê trong các sách Lĩnh Nam chích quái và Đại Việt sử ký toàn thư. Quốc gia này có địa bàn nằm trong vùng Dương Tử, với Kinh Dương Vương là vua của đất nước này, về mặt từ ngữ, thì Kinh Dương Vương tức là người làm chủ hai châu Kinh và châu Dương, tương ứng với vùng trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhâm Tuất, năm thứ 17. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. [4]

Truyện họ Hồng Bàng chép: “Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.” [5]

Sau đó, hơn 4000 năm trước, thì người Việt trong vùng Dương Tử đã phân tán về phía Nam, đây là thời điểm kết thúc của quốc gia Xích Quỷ, bắt đầu sự hình thành của quốc gia Văn Lang và thời Hùng Vương. Trong cuộc di cư về phía Nam, thì nhóm chính của cộng đồng tộc Việt đã trở về Phong Châu, kéo theo lãnh thổ của tộc Việt bao trùm trong vùng Dương Tử về tới Việt Nam.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai, là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam, phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua, đóng đô ở Phong Châu. Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam).” [4]

Truyện họ Hồng Bàng chép: “Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành).” [5]

Theo các ghi chép trên của người Việt, thì thời kỳ Hùng Vương khởi nguồn khi người Việt di cư về Phong Châu vào khoảng 4000 năm trước, cuộc di cư này đã được các nghiên cứu di truyền xác minh [6][7], hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên, cũng có trung tâm là vùng Phú Thọ ngày nay.

Bản đồ phân tán các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai và Hán-Tạng. [8]

Quốc gia Văn Lang bắt đầu hình thành chính vào thời kỳ khởi nguồn của văn hóa Phùng Nguyên, kế thừa từ tiền thân của văn hóa này là các văn hóa trong vùng Dương Tử: Lương Chử và Thạch Gia Hà. Đây là các văn hóa tương ứng với nhà nước Xích Quỷ của người Việt, trong thực tế khảo cổ học, thì các văn hóa trong vùng Dương Tử là Lương Chử [9][10] và Thạch Gia Hà [11][12] đã được chứng minh có sự xuất hiện của những nhà nước phát triển sớm nhất trong vùng Đông Á.

Vì vậy, tiền thân của quốc gia Văn Lang là quốc gia Xích Quỷ đã được khảo cổ học chứng minh sự tồn tại trong thực tế. Tại các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà cũng chính là các văn hóa hình thành ý thức Việt được thể hiện trong các tài liệu khảo cổ học. [13]. Trên bình gốm của văn hóa Lương Chử khắc 4 chữ đã được giải mã đó là “方钺会矢” – “Phương Việt hội thi”, có thể hiểu là “Liên minh quốc gia Việt” [14]. Chữ Việt tiếp tục được kế thừa trong văn hóa Thạch Gia Hà với hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu. Ý thức Việt sau đó vẫn được duy trì trong văn hóa Đông Sơn với hình ảnh của thủ lĩnh cầm rìu thường xuyên xuất hiện trên các đồ đồng văn hóa Đông Sơn. Bình gốm văn hóa Lương Chử cũng cho thấy nhà nước Xích Quỷ là là dạng liên minh quốc gia. [13]

Các bình gốm của văn hóa Lương Chử (1) và bình gốm của văn hóa Thạch Gia Hà (2) [15] và văn hóa Đông Sơn (3) [16] có thể hiện biểu tượng Việt.

Khi di cư về Việt Nam, thì cư dân các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà đã hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên. Văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa đánh dấu sự hình thành của nhà nước Văn Lang, với lãnh thổ kéo dài từ Việt Nam tới vùng Dương Tử.

Bản đồ mô phỏng nước Xích Quỷ, nước Văn Lang, trung tâm từng thời kỳ và các dòng di cư hình thành các quốc gia. [Ý tưởng và thực hiện: Lược Sử Tộc Việt, designer: Quốc Toản.]

Các nhà khảo cổ Việt Nam cho rằng văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa bộ lạc, không có nhà nước, nhưng có một vấn đề rất lớn trong ngành khảo cổ ở Việt Nam, đó là các nhà nghiên cứu chỉ tập trung đào xới những ngôi mộ táng, mà không khai quật, xác định diện mạo các khu định cư, các công trình kiến trúc, từ đó, các thông tin quan trọng chứng minh về nhà nước hoàn toàn là một khoảng trống, vì vậy, lập luận cho rằng văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa bộ lạc của họ hoàn toàn không đủ cơ sở để kết luận hoặc phủ nhận.

Tuy không có bằng chứng trực tiếp, nhưng chúng ta cũng đã có bằng chứng gián tiếp, đó là những chiếc Nha chương, Nha chương chính là biểu trưng cho quyền lực nhà nước của văn hóa Đông Á thời kỳ này [17][18], như Chu Lễ chép: “牙璋以起軍旅,以治兵守。” – “Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú”. Chúng tôi cũng đã chứng minh nha chương văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc từ văn hóa Thạch Gia Hà, không phải do cư dân văn hóa Nhị Lý Đầu hoặc Tam Tinh Đôi đem xuống Việt Nam. [19]. Nha chương đã cho thấy rằng nhà nước Văn Lang là một nhà nước phong kiến phân quyền, tức các vùng cơ bản sẽ có quyền tự trị, không tập trung quyền lực vào nhà nước trung ương, nên việc quản lý không quá khó khăn.

Nha chương văn hóa Thạch Gia Hà [20] và Nha chương văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn]

Thời kỳ Hùng Vương trong thời kỳ này tiếp tục tồn tại và phát triển xuyên suốt từ thời văn hóa Phùng Nguyên tới thời kỳ văn hóa Đông Sơn, tiến trình phát triển từ Phùng Nguyên tới Đông Sơn có một giai đoạn thay đổi trung tâm quyền lực lên phía Bắc trong thời điểm từ 3500 tới 2800 năm trước, với sự hình thành văn hóa Ngô Thành trong vùng Dương Tử. Phải tới đầu thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thì trung tâm của nước Văn Lang mới chuyển về vùng miền Bắc Việt Nam, hình thành nên văn hóa Đông Sơn có sức ảnh hưởng rộng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. Cuộc di cư về Việt Nam trong thời văn hóa Đông Sơn đã được nghiên cứu di truyền xác định. [6][7]. Chi tiết về vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ lưỡng trong bài viết khác. [21]

Trong thực tế, thì các ghi chép lịch sử của người Hoa Hạ cũng đã trực tiếp chứng minh về sự tồn tại của quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt, giống như những ghi chép của người Việt.

Quốc gia của tộc Việt trong cổ sử Trung Hoa được chép lần đầu tiên dưới khái niệm Giao Chỉ, sau đó, thì quốc gia chung của tộc Việt cũng tiếp tục được chép trong sách Thông Điển của Đỗ Hữu đời Đường.

Hoài Nam Tử của Lưu An viết vào thời nhà Hán, trong thiên Tu vụ huấn viết: “Vua Nghiêu lên làm vua, hiếu từ nhân ái, khiến dân như con em, phương Tây dạy mán ốc dân, phương Đông đến mán Hắc xỉ, phương Bắc vỗ về đất U Đô, phương Nam thông nước Giao Chỉ. [22]

Lã Thị Xuân Thu do Lã Bất Vi soạn thời nhà Tần, trong thiên Thận hành luận, chép về lãnh thổ vua Vũ thời nhà Hạ: “南至交阯孫樸續樠之國丹粟漆樹沸水漂漂九陽之山羽人裸民之處” – “Phía nam đến các nước Giao Chỉ, Tôn Bốc, Tục Man, các núi Đan Túc, Tất Thụ, Phất Thủy, Phiêu Phiêu, Cửu Dương, các xứ Vũ Nhân, Khỏa Dân, hương Bất Tử.”  [Bản dịch của Quốc Bảo]

Quốc gia của cộng đồng tộc Việt tương ứng với khái niệm “Giao”, được sử dụng để chỉ chung các vùng đất thuộc lãnh thổ từng thời kỳ của tộc Việt, bắt đầu từ thời nhà Hạ tới tận thời phong kiến. Giao Chỉ ở đây ở phía Nam của nhà Hạ, bởi vậy, lãnh thổ của tộc Việt thời kỳ này là trong Dương Tử. Quốc gia của cộng đồng tộc Việt sau giai đoạn này được ghi chép tương ứng với địa bàn của cộng đồng tộc Việt sinh sống, là từ vùng Dương Tử về phía Nam.

Sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận chép: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”. Sách này chú thêm: “或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處,各有種姓.” – “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi, mỗi nơi đều có một chủng tính.”

Như vậy, thì vùng nam Dương Tử là đất của tộc Việt (người Bách Việt), họ đã có một quốc gia chung đương thời với Đường – Ngu, Tam Đại (Hạ – Thương – Chu) của người Hoa Hạ. Chi tiết “vào thời Đường – Ngu” cho thấy thời điểm được nhắc tới trong ghi chép này là khoảng 4300 năm trước, tương ứng với văn hóa Thạch Gia Hà, thời điểm này thì cộng đồng tộc Việt chưa di cư về phía Nam, nên lãnh thổ của quốc gia tộc Việt bao gồm vùng Dương Tử, tới sau thời điểm 4000 năm, diễn ra hạn hán [23] trong vùng Dương Tử đã thúc đẩy tộc Việt di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á [6][7], trong đó tầng lớp tinh hoa đã trở về Việt Nam, thì lãnh thổ mới kéo dài theo dòng di cư của người Việt. Sau khi diễn ra cuộc di cư vào khoảng 4000 năm trước, cộng đồng tộc Việt tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung, một quốc gia chung, với lãnh thổ kéo dài hơn, từ vùng Dương Tử trở về Việt Nam, đây cũng chính là vùng sinh sống của các cư dân tộc Việt.

Trong sách Hán thư, Địa lý chí, cũng chép về địa bàn sinh sống của cộng đồng tộc Việt từ vùng Ngũ Lĩnh về Nam, nhưng địa bàn của tộc Việt rộng hơn thế, như Thần Toản đã chú thích là “từ Giao Chỉ đến quận Cối Kê”, tương đồng với ghi chép trong sách Thông Điển của Đỗ Hữu.

Sách Hán thư, Địa lý chí chép: “粵地牽牛、婺女之分壄也。今之蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、南海、日南皆粵分也。其君禹後帝少康之庶子云封於會稽臣瓚曰「自交阯至會稽七八千里百越雜處各有種姓不得盡云少康之後也。” – “Đất Việt ở phân dã của chòm sao Khiên Ngưu, Vụ Nữ. Các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam ngày nay đều là phân dã của đất Việt. Có quân trưởng của đất ấy là dòng dõi của vua Vũ, đấy là con thứ của vua Thiếu Khang được phong ở núi Cối Kê, Thần Toản nói: “Từ quận Giao Chỉ đến quận Cối Kê dài bảy, tám ngàn dặm có các nhóm người Bách Việt ở lẫn, đều có nhánh họ, không nên nói đều là dòng dõi của vua Thiếu Khang.” [Bản dịch của Tích Dã]

Đây là các ghi chép sớm nhất trong cổ sử Trung Hoa, chúng đã trực tiếp chứng minh người Việt có nhà nước từ thời Đường – Ngu, tức là khoảng 4300 năm trước, tương ứng với với văn hóa Thạch Gia Hà, văn hóa đã được chứng minh theo các nghiên cứu khảo cổ học là có tổ chức nhà nước phát triển [11][12], như vậy thì những ghi chép của người Trung Hoa là chính xác, tiếp theo, thì Thông Điển của Đỗ Hữu cũng nhắc tới cả Tam Đại, tức bao gồm cả các triều Thương – Chu, thì người Việt cũng có một quốc gia đương thời với các triều đại Hoa Hạ.

Từ những ghi chép của Trung Hoa, chúng ta đã thấy được tộc Việt có một nhà nước chung tương ứng với địa bàn sinh sống của cộng đồng này, nó cũng bao gồm cả vùng miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Xét theo chiều ngược lại, thì những ghi chép của người Việt cũng cho thấy tộc Việt đã có một quốc gia chung từ Việt Nam tới hồ Động Đình (Dương Tử), chính là quốc gia Văn Lang của các vị vua Hùng mà chúng tôi đã dẫn ở trên.

Trong các tài liệu lịch sử của Trung Quốc, cũng đã chép rất rõ về Hùng Vương và đất Giao Chỉ, cho thấy Hùng Vương là những người làm chủ đất Giao Chỉ, là khái niệm tương ứng với sự biến động lãnh thổ từng thời kỳ của quốc gia Văn Lang, các tài liệu cũng không ghi rõ là “Giao Chỉ quận”, vì vậy nên đây là khái niệm Giao Chỉ chỉ một vùng đất rộng lớn. Vì vậy, ghi chép của cả hai chiều từ người Việt và người Hoa Hạ đều đồng nhất với nhau rằng cộng đồng tộc Việt có một quốc gia chung, đó chính là quốc gia Văn Lang của các vị vua Hùng.

Cựu Đường thư, (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn, 945 SCN), quyển 41, Chí 21, Địa lí 4, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống 420 – 479) chép: “交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。” – “Đất Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngung phát binh sang đánh. Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.” [24]

Sách Thái Bình quảng ký, thời Tống, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống, 420 – 479) khoảng thế kỷ V cũng có chép về các vị vua Hùng: ““交趾之地,頗為膏腴,從民居之,始知播植。厥土惟黑壤。厥氣惟雄。故今稱其田為雄田,其民為雄民。有君長,亦曰雄王;有輔佐焉,亦曰雄侯。分其地以為雄將。” – “Đất Giao Chỉ vốn màu mỡ, di dân tới sống ở đó, (dân) mới bắt đầu biết gieo trồng, đất vùng ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh, cho nên gọi ruộng ấy là Hùng Điền, dân vùng ấy gọi là Hùng Dân. Quân trưởng gọi là Hùng Vương. Có phụ tá là Hùng Hầu, chia đất cho các Hùng Tướng.”

Thủy kinh chúquyển 37, Diệp Du hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí chép: “交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。” – “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh.” [24]

Sử kí, quyển 113, Nam Việt liệt truyện, 53, Sách ẩn (Đường – Tư Mã Trinh soạn) dẫn Quảng châu kí chép: “《史記》卷百一十三南越列傳第五十三索隱引《廣州記》云:交趾有駱田,仰潮水上下,人食其田,名為駱人。有駱王、駱侯。諸縣自名為駱將,銅印青綬,即今之令長也。後蜀王子將兵討駱侯,自稱為安陽王,治封溪縣。後南越王尉他攻破安陽王,令二使典主交阯、九真二郡人。” – “Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân trông nước thủy triều lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy nên đặt tên là người Lạc. Có các chức Lạc Vương – Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh, tức là chức Lệnh-Trưởng ngày nay vậy. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị ở huyện Phong Khê. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Tha đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ giả điển chủ người hai quận Giao Chỉ-Cửu Chân.” [24]

Như chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác, chính xác phải là Hùng Vương chứ không phải Lạc Vương [31]. Các ghi chép này đều nhắc tới “Giao Chỉ”, mà không nhắc tới “quận”, chứng tỏ đây là một khái niệm Giao Chỉ lớn, chỉ toàn bộ lãnh thổ của tộc Việt qua các giai đoạn, như trong Thủy Kinh chú, sách này có ghi “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện”, như vậy đây chính xác là khái niệm Giao Chỉ lớn chỉ toàn bộ vùng đất Việt.

Như vậy, thì các tài liệu lịch sử của Trung Quốc cũng đã xác nhận về sự tồn tại của quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt trong cả giai đoạn nước Xích Quỷ và nước Văn Lang, họ cũng công nhận về sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương, xác nhận những ghi chép của người Việt là chính xác. Dựa trên niên đại của văn hóa Phùng Nguyên và cuộc di cư, thì sự hình thành của thời kỳ Hùng Vương là khoảng hơn 4000 năm trước.

2. Nguồn gốc nước Sở và sự hình thành nước Sở:

Từ những cơ sở khảo cứu trên, chúng ta đã thấy được thời kỳ Hùng Vương của người Việt đã bắt đầu từ 4000 năm trước, còn nhà Sở, thực tế, họ mới chỉ hình thành vào khoảng 3000 năm trước, tức là sau thời kỳ Hùng Vương tới một nghìn năm. Quốc gia của người Việt cũng có lãnh thổ trải rộng từ vùng Dương Tử trở về Việt Nam, nhưng tại sao nước Sở lại lập quốc trên vùng đất của người Việt? Điều này cần phải được tìm hiểu thông qua tiến trình lịch sử và nguồn gốc của lãnh thổ nước Sở.

Sau thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, thì người Việt tiếp tục di cư trở về phía Bắc như chúng tôi đã chứng minh ở bài viết khác [21], thời điểm cuộc di cư tương ứng với sự chấm dứt của văn hóa Phùng Nguyên (3500 năm trước) và sự khởi nguồn của văn hóa Ngô Thành (3500 năm trước). Trong truyền thuyết của người Việt, có ghi lại về cuộc chiến tranh với nhà Ân, chính là nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc, bối cảnh cuộc chiến, nếu như trung tâm ở tại Việt Nam, thì sẽ trở nên khó lý giải, nhưng trong thực tế, thì trung tâm quốc gia của người Việt thời kỳ này là trong vùng Dương Tử, chính vì vậy, cuộc chiến tranh này có đủ cơ sở chứng minh diễn ra trong thực tế.

Cuộc chiến xâm lược vào đất Việt của nhà Thương cũng xuất hiện dấu tích trong tài liệu khảo cổ, với sự xuất hiện và biến mất nhanh chóng của văn hóa Bàn Long Thành (Panlongcheng, 1500 – 1300 BC) mang đặc trưng văn hóa nhà Thương tại vùng Hồ Bắc, đây vốn là đất của tộc Việt, với văn hóa Thạch Gia Hà của tộc Việt đã xuất hiện tổ chức nhà nước, có tiền thân là văn hóa Khuất Gia Lĩnh cũng trong vùng Hồ Bắc.

Bản đồ về vùng ảnh hưởng và xuất hiện các đặc trưng văn hóa nhà Thương dựa trên tài liệu khảo cổ cho thấy được sự mở rộng và thu hẹp của văn hóa Thương trong các giai đoạn. Văn hóa khởi nguồn của người Hoa Hạ là Nhị Lý Đầu chỉ nằm trong một địa bàn nhỏ hẹp tại vùng trung lưu Hoàng Hà, sau đó vào đầu thời nhà Thương, của văn hóa Nhị Lý Cương, họ đã mở rộng ra khắp vùng đồng bằng Hoàng Hà và xuống cả vùng Hồ Bắc, nhưng tới thời kỳ An Dương, thì văn hóa Bàn Long Thành biến mất, văn hóa nhà Thương từ đó cũng không còn xuất hiện tại vùng Hồ Bắc. Đối chiếu chi tiết này với truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân, thì có thể đã diễn ra một cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thương, và cuộc kháng chiến giành lại lãnh thổ của tộc Việt. Cả chi tiết về khảo cổ và chi tiết trong truyền thuyết Thánh Gióng của người Việt đều cho thấy người Việt đã chiến thắng, giành lại được vùng Hồ Bắc từ nhà Thương, khiến văn hóa Bàn Long Thành hoàn toàn biến mất khỏi vùng đất này.

Vùng phân bố của các văn hóa Hoa Hạ và nhà Thương: Màu đỏ: Nhị Lý Đầu, màu vàng: Nhị Lý Cương, màu tím: An Dương) [Bản đồ dựa theo Campbell 2014: 20, 70, 108, 130, Liu and Chen 2003: 76, 88, 107, and Tan 1982: 13-14.]

Tuy nhiên, thì sau đó nhà Thương cũng đã chiếm được các vùng Hồ Bắc, Giang Tô, Chiết Giang. Nhà Thương sau đó đã bị nhà Chu đánh bại, các vùng đất này giai đoạn sau đã được nhà Chu phân phong cho các quý tộc nước họ, sau thành các quốc gia chư hầu nhà Chu: Sở, Ngô và Việt, trong đó, nhà Sở được phân phong cho vùng Hồ Bắc, điều này đã được tài liệu lịch sử ghi chép rất rõ.

Sử ký Tư Mã Thiên, Sở thế gia chép: Tổ tiên nước Sở xuất phát từ đế Chuyên Húc Cao Dương. Cao Dương là cháu nội của Hoàng Đế, con của Xương Ý. Cao Dương sinh ra Xứng, Xứng sinh ra Quyển Chương, Quyển Chương sinh ra Trùng Lê. Trùng Lê làm Hỏa chính cho đế Cốc Cao Tân, rất có công, có thể chiếu sáng cho thiên hạ, đế Cốc ban cho danh hiệu Chúc Dung. Cung Công thị làm loạn, đế Cốc sai Trùng Lê giết Cung Công thị nhưng không diệt hết. Ngày Canh Dần, đế Cốc bèn giết Trùng Lê, rồi lấy người em của Trùng Lê là Ngô Hồi làm người thừa tự cho Trùng Lê, lại giữ chức Hỏa chính, vẫn gọi là Chúc Dung.

Ngô Hồi sinh Lục Chung. Lục Chung sinh được sáu người con, đều do người phải bị nứt bị mổ mà sinh ra. Con trưởng là Côn Ngô; thứ hai là Sâm Hồ; thứ ba là Bành Tổ; thứ tư là Hội Nhân; thứ năm là Tào Tính; thứ sáu là Quý Liên, họ Mị, hậu duệ của ông chính là nước Sở. Công Ngô thị, thời nhà Hạ từng làm hầu bá, thời vua Kiệt bị Thành Thang diệt. Bành Tổ thị, thời nhà Ân từng làm hầu bá, cuối đời Ân, Bành Tổ thị bị diệt. Quý Liên sinh Phụ Tự, Phụ Tự sinh Huyện Hùng. Con cháu nửa chừng suy vi, có người ở vùng Trung nguyên, có người ở nước man di, không sao ghi chép được các đời.

Thời Chu văn vương, con cháu của Quý Liên là Chúc Hùng. Con của Chúc Hùng thờ Văn vương, mất sớm. Con của Chúc Hùng là Hùng Lệ. Hùng Lệ sinh Hùng Cuồng, Hùng Cuồng sinh Hùng Dịch.

Hùng Dịch vào thời Chu Thành Vương, Thành vương cất nhắc hậu duệ của các bề tôi cần mẫn có công thời Văn vương và Vũ phương, rồi phong cho Hùng Dịch ở Sở Man, phong tặng ruộng đất cho con trai Hùng Dịch, lấy họ Mị, sống ở Đan Dương.” [25]

Như vậy, thì lịch sử Trung Quốc đã xác nhận nguồn gốc của nước Sở là quý tộc nhà Chu, là người Hoa Hạ, Hùng Dịch được phong cho đất Hồ Bắc, được họ gọi là “Sở Man”. Các tên có chứa chữ Hùng của vua nước Sở: Chúc Hùng, Hùng Lệ, Hùng Cuồng, Hùng Dịch, từ chi tiết “lấy họ Mị”, đã cho thấy, đây là các tên của các vị vua nước Sở, không phải là họ Hùng, mà họ chính xác là họ Mị.

Như vậy, chúng ta có thể thấy được nguồn gốc của nước Sở là vùng đất được nhà Chu phân phong cho các quý tộc của triều đại mình, đây là vùng đất mà nhà Thương đã chiếm được của tộc Việt. Các tên gọi của các vị vua nước Sở cũng cho thấy đây đơn thuần là tên, không phải các vị vua này có họ là Hùng, vì vậy sự suy diễn cho rằng vua nước Sở là vua Hùng là hoàn toàn không chính xác.

3. Phân tích và kết luận:

Các bằng chứng di truyền, khảo cổ, lịch sử đã cho thấy sự tồn tại của các quốc gia tộc Việt, đó là Văn Lang và Xích Quỷ, sự tồn tại của các quốc gia này cũng được chính lịch sử của Trung Hoa xác nhận. Những ghi chép lịch sử của Trung Hoa cũng công nhận về sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương, các vua Hùng làm chủ đất Giao, tức toàn bộ vùng đất của cộng đồng tộc Việt trong lịch sử. Dựa vào niên đại của văn hóa Phùng Nguyên và cuộc di cư từ Dương Tử về Việt Nam, thì thời kỳ Hùng Vương bắt đầu vào khoảng 4000 năm trước, phải tới 1000 năm sau, thì nước Sở mới hình thành bởi Hùng Dịch, khi ông ta được phong cho đất mà nhà Thương đã chiếm của tộc Việt, là vùng Hồ Bắc.

Tiến trình lịch sử đã cho thấy rất rõ, vua của nước Sở hoàn toàn không phải là vua Hùng của người Việt, ngược lại, thì nước Sở còn lập quốc trên đất mà người Hoa Hạ đã chiếm được của người Việt, nên văn hóa, lịch sử mới có những dấu ấn của văn hóa tộc Việt, khiến nhiều người lầm tưởng đây là quốc gia của tộc Việt, nhưng thực tế thì đây là các quốc gia có cư dân, văn hóa là tộc Việt, nhưng tầng lớp quý tộc hoàn toàn là Hoa Hạ.

Các ghi chép lịch sử cũng cho thấy, tên của các vị vua nước Sở có chứa chữ Hùng, chính là tên, Hùng hoàn toàn không phải họ, mà họ của các vua nước Sở là họ Mị. Bên cạnh đó, thì chữ Hùng của vua nước Sở là 熊, có nghĩa là con gấu, còn chữ Hùng 雄 của vua Hùng nước Văn Lang có nghĩa là sự hùng mạnh. Vì vậy, việc cho rằng vua Hùng của người Việt có nguồn gốc từ vua Hùng của nước Sở hoàn toàn không có căn cứ cả trong các ghi chép lịch sử và văn tự.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2021), Hồng Bàng thị có phải ‘truyền thống được kiến tạo’ hay không?
https://luocsutocviet.com/2021/10/14/560-hong-bang-thi-co-phai-truyen-thong-duoc-kien-tao-khong/

[2] Lang Linh (2021), Cơ sở tiếp cận và nghiên cứu về thời kỳ Hồng Bàng.
https://luocsutocviet.com/2021/07/24/547-co-so-tiep-can-va-nghien-cuu-ve-thoi-ky-hong-bang/

[3] Lang Linh (2020), Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
https://luocsutocviet.com/2020/07/16/498-huyen-su-hong-bang-va-nguon-goc-dan-toc-viet-nam/

[4] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển I – Kỷ Hồng Bàng thị, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993.

[5] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

[6] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[7] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92

[8] David Reich. Who we are and how we got here: Ancient DNA and the new science of the human past. 2018: Oxford University Press.

[9] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/abs/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/0D4FD61E9460755CED69047FAD7FA2AD

[10] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.

[11] Zhang, Chi; Hung, Hsiao-chun (2008), “The Neolithic of Southern China-Origin, Development, and Dispersal”, Asian Perspectives, 47 (2): 299–329, doi:10.1353/asi.0.0004

[12] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

[13] Lang Linh (2021), Khái niệm tộc Việt và nguồn gốc cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/09/29/553-khai-niem-toc-viet-va-nguon-goc-cong-dong-toc-viet/

[14] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.

[15] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.

[16] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[17] Wang Yongbo 王永波. Nghiên cứu về Ruigui ở Trung Quốc cổ đại 中国上古瑞圭研究 [J] Học thuật Tử Cấm Thành, 1992 (Tập 10, Số 2) 故宫学术季刊, 1992. (第十卷 第二期):55-102..

[18] Qin Xiaoli 秦小丽. Nha chương và tầm quan trọng của nó trong việc hình thành nhà nước sơ khai của Trung Quốc 中国初期国家形成过程中的牙璋及意义[J]. Nghiên cứu văn hóa trung nguyên 中原文化研究,2017,5(04):85-94. . [J].

[19] Lang Linh (2021), Nguồn gốc và vai trò của nha chương trong văn hóa Á Đông.
https://luocsutocviet.com/2021/07/01/540-nguon-goc-va-vai-tro-cua-nha-chuong-trong-van-hoa-a-dong/

[20] Zhang Changping, Guo Weimin, Wang Mingqin, Yu Yajao, The Complete Collection of Jades Unearthed in China, Tập 10: Hubei-Hunan, Nhà xuất bản Khoa học Trung Quốc

[21] Lang Linh (2021), Nguồn gốc ngôn ngữ và di truyền của văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/12/12/581-nguon-goc-ngon-ngu-va-di-truyen-cua-van-hoa-dong-son/

[22] Trần Kinh Hòa (Cheng Ching-Ho), 1960, Khảo cứu về danh xưng Giao Chỉ, tạp chí Đại học Huế.

[23] Li, Bing & Zhu, Cheng & Wu, Li & Li, Feng & Sun, Wei & Wang, Xiaocui & Liu, Hui & Meng, Huaping & Wu, Di. (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China. Quaternary International. 308. 45-52. 10.1016/j.quaint.2013.05.041.

[24] Tích Dã, Thời đại Văn Lang – Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam: Từ truyện ký đến tín sử
https://nghiencuulichsu.com/2019/05/10/thoi-da%cc%a3i-van-lang-au-la%cc%a3c-trong-li%cc%a3ch-su%cc%89-vie%cc%a3t-nam-tu-truye%cc%a3n-ky-den-tin-su%cc%89/

[25] Tư Mã Thiên, Sử ký III – Thế Gia, Phạm Vân Ánh dịch, Nhà xuất bản Văn học. 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *