1. Tìm hiểu lực lượng vũ trang của công xã nông thôn và chiến tranh trong thời kỳ Hùng Vương qua chuyện Gióng.
Qua sự nghiên cứu của chúng tôi, thấy rằng dưới thời Hùng Vương bên cạnh lực lượng vũ trang thường trực ở dưới một dạng nào đó, còn có lực lượng to lớn và có vị trí chủ yếu trong chiến tranh chống ngoại cảm là dân quân công xã. Đó là một đặc điểm và truyền thống rất độc đáo của Việt Nam, được thể hiện tập trung qua chuyện Gióng:
Tính chất và quy mô chiến tranh trong chuyện Gióng đã hoàn toàn vượt ra ngoài khuôn khổ của chiến tranh bộ lạc. Đó là một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhằm bảo vệ một cộng đồng người đã phát triển ra ngoài khuôn khổ của chế độ cộng sản nguyên thủy, kể cả thời kỳ quân sự dân chủ. Do đó, Gióng là nhân vật tiêu biểu cho anh hùng dân tộc.
Chuyện Gióng chắc chắn được thêm hoặc bớt ở các thời kỳ sau, nhưng nó vẫn mang dấu ấn lịch sử của thời Hùng Vương.
Cũng từ chuyện Gióng còn giúp chúng ta hiểu thêm trình độ phát triển xã hội về nhiều mặt, đặc biệt sức sản xuất và quan hệ xã hội. Biểu hiện nền văn minh của người Việt Nam trong thời kỳ ấy.
2. Tìm hiểu vấn đề hình thành nhà nước ở thời Hùng Vương:
Từ những tài liệu cụ thể mà bản thân tôi nắm được và kết hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác Lê-nin về nhà nước, tôi nghĩ rằng ở thời đại Hùng Vương nhà nước đã hình thành. Tất nhiên quy luật hình thành và phát triển Nhà nước bất cứ ở đâu cũng tiến từ thấp đến cao. Ở Việt Nam, trong thời kỳ Hùng Vương chắc cũng đã theo con đường ấy. Tìm hiểu ranh giới để xác định thật cụ thể việc ra đời nhà nước là rất khó. Nhưng có một điều cần chú ý là; mặt bạo lực xuất hiện trong xã hội và đi theo đó bao gồm nhiều biểu hiện khác nữa. Tình hình đó sẽ giúp ta hiểu được sự xuất hiện của Nhà nước và sự hoạt động của nó.
Nhà nước thời kỳ Hùng Vương có những đặc thù rất quan trọng, do điều kiện lịch sử Việt Nam quy định – Nhưng nó vẫn có đầy đủ những yếu tố chung, như sự định nghĩa về nhà nước của Mác và Lê-nin. Nhà nước trong thời kỳ Hùng Vương cũng mang tính chất bạo lực và giai cấp.
Nhà nước thời kỳ Hùng Vương tuy cũng phát triển từ thấp đến cao, nhưng nó là một thể thống nhất, dù biểu hiện về trình độ ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Nhưng nó vẫn cùng một tính chất. Từ sự suy nghĩ trên, chúng tôi chưa tán thành một số ý kiến gần đây, được trình bày về thời Hùng Vương ở giai đoạn trước có vẻ như thuộc thời kỳ “Cộng sản nguyên thủy” và giai đoạn sau mới hình thành “Nhà nước phôi thai”.
Tóm lại, ý kiến riêng của chúng tôi là ở thời kỳ Hùng Vương, xã hội Việt Nam đã hình thành nhà nước và đã vượt ra ngoài khuôn khổ của chế độ cộng sản nguyên thủy. Câu nói của Hồ Chủ tịch : “Các vua Hùng có công dựng nước…”, là bao hàm nội dung nhà nước thật sự.
3. Vấn đề chữ viết cổ của Việt Nam
Trước khi chữ Hán được truyền vào, nước ta đã có chữ viết riêng chưa? Đó là câu hỏi lớn của nhiều người Việt Nam qua các thời đại khác nhau. Vì nó là một trong những khâu quan trọng để giúp ta tìm hiểu được hàng loạt vấn đề khác.
Tuy không phải là người chuyên nghiên cứu về chữ viết và ngôn ngữ cổ, nhưng bằng nhiệt tình của mình, chúng tôi muốn góp phần nhỏ bé vào vấn đề lớn trên đây. Qua nhiều năm nghiên cứu đối chiếu các tài liệu trên lá cọ, sách viết còn lại ở các vùng Thái và có lẽ ở các vùng người Tày – Nùng,… một số rất ít sách viết còn giữ được ở Thư viện khoa học Trung ương, bản đá khắc với các hiện vật đồ đồng đào được từ lòng đất lên, chúng tôi thấy có một số hình trên một số đồ đồng được thể hiện tương đối có hệ thống, mà lâu nay nhiều nhà khảo cô học gọi là hoa văn, có lẽ là một loại chữ viết cổ. Nó khá phù hợp với hệ thống chữ viết trên lá cọ và sách bằng giấy hiện còn lưu lại ở vùng người Thái trên đất nước ta. Những đồ đồng nói trên đều thuộc nền văn hóa Đông Sơn – giai đoạn phát triển cực thịnh của thời Hùng Vương. Như vậy, phải chăng đây là những tài liệu đáng quan tâm trước hết để tìm và nghiên cứu chữ viết của người Việt dưới thời Hùng Vương.
Ở đây có vấn đề là vì sao có sự giống nhau về cơ bản giữa những hoa văn trên đồ đồng đào được ở dưới đất với hệ thống chữ viết Thái – Tày – Nùng còn lưu giữ trên mặt đất?
Phải chăng hệ thống chữ viết còn lại ở vùng người Thái là chủ yếu (tuy sau này có chia làm các nhóm khác nhau, nhưng gốc vẫn là một) và có thể ở vùng người Tày – Nùng nữa, vốn là chữ viết của nước ta thời cổ ? Đó là một phương hưởng chủ yếu mà chúng tôi đang đi tìm hiểu.
Từ một hiện tượng tạm gọi là chữ viết đó, cần phải tìm hiểu nhiều khía cạnh có liên quan – tuy là mới bước đầu, ví dụ vấn đề ngôn ngữ. Đây cũng lại là vấn đề đã có nhiều ý kiến khác nhau trong việc sắp xếp tiếng Việt vào hệ thống nào. Qua sự nghiên cứu, chúng tôi thấy một hiện tượng rất đáng chú ý, là lấy những từ nói về sông núi, ruộng, làng, xóm… nhưng mà theo En-ghen là còn giữ được tiếng nói xa nhất của con người đã cư trú một vùng nào đó. Những từ thuộc loại trên, chúng tôi tìm thấy không phải phổ biến ở vùng Thái và Tày- Nùng mà còn bao trùm cả vùng đồng bằng cho đến vùng biển trên toàn bộ miền Bắc nước ta ngày nay và cho đến một số tỉnh ở trung Trung Bộ (thuộc bộ phận phía bắc người Chàm trước kia).
Nhân đây chúng tôi cũng xin trình bày thêm là, trước đây người ta cho rằng chữ Chàm chỉ có một hệ thống. Theo chúng tôi, chữ Chàm bắt nguồn từ một gốc, nhưng đã chia làm hai hệ thống có khác nhau. Hệ thống chữ Chàm cổ ở phía bắc có khá nhiều chữ cái giống với dạng chữ cái của Thái và tiếng Chàm cổ cũng gần với tiếng Thái cổ. Hiện tượng này tất nhiên làm cho chúng ta không thể bằng lòng với những kết luận cũ về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và cũng như nguồn gốc các thành phần dân tộc trên đất nước ta và trên bán đảo Đông Dương.
Qua các tài liệu khác nhau, chúng tôi nghĩ rằng tiếng Việt nằm trong hệ thống nhóm Việt – Thái ở Đông Nam Á. Tiếng Việt – Thái còn giữ lại những yếu tố cổ nhất của ngôn ngữ Nam Á. Nó rất gần với tiếng nói các nhóm: Môn-Khơ me và Malaya – Polynesian, vì vốn ở một thời kỳ lịch xa xưa nào đó chúng đã bắt nguồn từ một gốc, rồi chuyển hóa chậm chạp và lâu dài.
Ý kiến bước đầu về vấn đề này, chúng tôi cho rằng có thể, trước Bắc thuộc, từ thời đại từ Hùng Vương đến An Dương Vương, con người trên đất nước ta lúc đó đã nói tiếng nói khá gần gũi với tiếng nói của người Thái – Tày – Nùng ngày nay chăng ? Đến Bắc thuộc trở đi, đã diễn ra sự chuyển hóa của một số nhóm nữa. Nhưng xét về cơ bản các thành phần dân tộc trên đất nước ta là cùng một gốc. Dân tộc ta là một, nhưng lại có nhiều thành phần chứ không phải nhiều dân tộc.
Thời kỳ Hùng Vương có lẽ dân tộc ta chỉ là một – nên các thành phần dân tộc ở nước ta về cơ bản là bản địa (tất nhiên có cuộc thiên di những người cùng tiếng nói, văn hóa và chủng tộc qua lại).
Nền văn minh của dân tộc đó đã phát triển cao, và có thể đã có chữ viết. Dấu vết chữ viết đó còn lưu trên mặt đất và có thể dưới lòng đất – trên đồ đồng Đông Sơn. – Chữ viết này có thể trong một thời kỳ lịch sử đã làm cơ sở cho việc hình thành một số hệ thống chữ viết của các dân tộc ở Đông Dương.
Nền văn minh của thời Hùng Vương đã được phát hiện ra rõ ràng là khá phong phú. Nhưng chắc chắn nó còn vượt xa sự tưởng tượng của chúng ta. Vai trò của nó đối với sự phát triển của một phần loài người ở phương Đông khi xưa có lẽ rất lớn mà ta chưa hiểu hết.
Lê Trọng Khánh
Lược Sử Tộc Việt số hóa từ PDF.
Tranh minh họa: Tuyệt Duyệt.