BỐ CỤC BÀI VIẾT
PHẦN DẪN NHẬP
PHẦN I: CƠ SỞ CHO VẤN ĐỀ TRANG PHỤC THỜI HÙNG VƯƠNG
I. Những vấn đề logic khi tìm hiểu về trang phục thời kỳ Hùng Vương:
II. Cơ sở cho trang phục từ khảo cổ học và lịch sử:
1. Liệu người Việt có biết dệt vải hay không?
a. Bằng chứng từ khảo cổ học:
b. Bằng chứng từ lịch sử:
2. Những chiếc khuy áo và khóa thắt lưng:
III. Thử tìm hiểu về chất liệu, kỹ thuật dệt may và màu sắc của vải trong thời kỳ này:
1. Chất liệu:
a. Theo các tài liệu khảo cổ học:
b. Theo các tài liệu lịch sử:
2. Kỹ thuật dệt may:
3. Màu sắc của vải và trang phục:
IV. Trang phục thời kỳ Hùng Vương với những bằng chứng trực tiếp:
1. Tài liệu lịch sử:
2. Tài liệu khảo cổ:
3. Tài liệu cán dao găm và hình vẽ trên các trống đồng Đông Sơn:
V. Kết luận:
PHẦN II: PHỤC DỰNG TRANG PHỤC THỜI KỲ HÙNG VƯƠNG
I. Nhận thức cơ bản:
II. Cơ sở tiến hành và phương pháp thực hiện:
1. Cơ sở tiến hành:
a. Nguồn gốc tộc Việt:
b. Các cuộc di cư hình thành các dân tộc thuộc các hệ ngữ:
c. Sự tương đồng trong nguồn gen của các nhóm dân có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt giai đoạn muộn:
d. Văn hóa Điền Việt và vấn đề nghiên cứu, tiếp cận trong tham khảo cổ vật Điền Việt:
e. Tổng kết:
2. Phương pháp thực hiện:
III. Tiến hành phục dựng:
A. Khảo sát về các dạng trang phục và một vài vấn đề về trang phục thời Hùng Vương:
1. Khảo sát về các dạng trang phục thời Hùng Vương:
2. Trang phục thời Hùng Vương trong thời Bắc thuộc:
3. Khố và trang phục thời kỳ Hùng Vương:
B. Tiến hành phục dựng trang phục:
1. Trang phục của vua, thủ lĩnh và quý tộc thời Hùng Vương:
1.1. Trang phục cơ bản của các tầng lớp quý tộc thời Hùng Vương:
a. Bộ trang phục của quý tộc nữ:
a. Bộ trang phục của quý tộc nam:
1.2. Áo choàng lông chim và lông vũ dành cho vua, hoàng tộc và thủ lĩnh vùng:
a. Áo choàng lông chim dành cho vua, hoàng tộc và thủ lĩnh nam:
b. Áo choàng lông ngỗng, lông thiên nga dành cho hoàng tộc, thủ lĩnh nữ:
1.3. Dạng áo choàng vải dành cho thủ lĩnh, quý tộc nam và nữ:
2. Các dạng trang phục của các tầng lớp khác trong xã hội Việt:
2.1. Áo chui đầu vạt trái cho cả nam và nữ giới:
2.2. Các dạng trang phục dành cho thường dân:
a. Dạng áo váy quấn với hoa văn đơn giản dành cho cả nam và nữ giới:
b. Dạng áo hai tà cho nữ giới:
c. Dạng váy xòe xếp ly cho nữ giới:
2.3. Dạng áo hai tà cho lễ tế:
2.4. Dạng áo trùm Poncho:
2.5. Dạng áo – quần dành cho cả nam và nữ:
2.6. Trang phục lao động:
a. Khố:
b. Áo tơi:
2.7. Trang phục của chiến binh:
3. Các bộ phận phụ của trang phục:
3.1. Mảnh áo trùm ngực:
3.2. Băng đeo chéo:
3.3. Khăn:
3.4. Dép:
4. Tìm lại các dạng mũ và khăn:
4.1. Vương miện của các vua Hùng:
4.2. Dạng mũ của thủ lĩnh nữ:
4.3. Khăn đội đầu:
4.4. Khăn vấn:
4.5. Mũ hình nón:
4.6. Nón dẹt:
4.7. Mũ hình tam giác:
4.8. Dạng mũ hình chữ nhật:
4.9. Mũ dạng khăn đội đầu:
4.10. Dạng khăn xếp lớp:
5. Tìm lại các dạng tóc của người Việt xưa:
5.1. Các kiểu tóc dành cho nam giới:
5.2. Các kiểu tóc dành cho nữ giới:
PHẦN III: CÁC PHỤ KIỆN, VẬT DỤNG PHỤC DỰNG CÙNG TRANG PHỤC
I. Trang sức và phụ kiện đi cùng trang phục:
1. Bao tay, bao chân đồng:
2. Những chiếc vòng tay, trang sức:
3. Vòng (kiềng) bằng đồng:
4. Xà tích đeo cổ:
5. Nhẫn đồng, bạc và vàng:
6. Trâm cài đầu bằng đồng và vàng:
7. Khuy cài áo cho trang phục nam và nữ giới:
8. Các loại vòng cổ dành cho nam và nữ giới quý tộc:
9. Các dạng khuyên tai cho quý tộc và thường dân:
a. Khuyên tai dành cho quý tộc:
b. Khuyên tai dành cho thường dân:
10. Khóa thắt lưng và gài đai lưng dành cho quý tộc và thường dân:
a. Khóa thắt lưng cho quý tộc nam:
b. Gài đai lưng cho trang phục dạng váy thụng:
II. Phụ kiện phục dựng cùng trang phục:
1. Rìu Việt:
2. Dao găm:
3. Kiếm dài:
4. Gùi tre:
PHẦN IV: KHẢO CỨU VỀ HOA VĂN, KỸ THUẬT DỆT VÀ MAY TRANG PHỤC
I. Hoạ tiết trang trí trên trang phục và khăn:
1. Các loại hoa văn trang trí:
2. Cách bố trí các loại hoa văn:
a. Đối với trang phục của nam giới:
b. Đối với trang phục của nữ giới:
3. Các loại hoa văn trong thực tế may mặc:
II. Khảo cứu về các kỹ thuật dệt, nhuộm và may trang phục:
1. Trồng cây, nuôi tằm và khai thác sợi:
2. Xe sợi:
3. Các kiểu khung dệt:
a. Dệt bằng khung rời:
b. Dệt bằng khung cửi:
4. Dệt vải, may thêu trang phục:
a. Kỹ thuật dệt may của người Mường, người Thái:
b. Kỹ thuật ikat, hay nhuộm bao sợi:
5. Tìm hiểu về kỹ thuật nhuộm vải và màu nhuộm:
PHỤ LỤC
Sơ khảo về tục xăm mình
PHỤ LỤC: CÁC VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ
Θ Trang phục nhà Sở và văn hóa Điền Việt
Θ Khảo về trang phục quần
PHẦN DẪN NHẬP
Dân tộc Việt có một quá khứ đáng tự hào và trân trọng, các vị vua Hùng chính là “linh hồn” kiến tạo nên giai đoạn lịch sử quan trọng đó. Thời kỳ do các vua Hùng làm chủ từng được xem như một giai đoạn huyền sử không có thật, nhưng những khám phá khảo cổ đã chứng tỏ sự tồn tại của một nhà nước trong thời kỳ cội nguồn của dân tộc Việt, được kế thừa truyền thống từ các văn hóa cổ xưa tại vùng Động Đình, Dương Tử trong huyền sử được truyền lại từ ngàn xưa.
Họ phát triển mạnh mẽ trình độ văn minh của mình liên tục trong nhiều nghìn năm, thể hiện trên cả hai khía cạnh tinh thần và vật chất, với biểu hiện di vật từ thời kỳ đồ đá, đồ ngọc cho tới đồ đồng, cùng những di sản tinh thần hiện đã phai mờ hoặc biến mất. Sự phát triển đó đi cùng với trình độ văn minh, đi cùng với trang phục, thế nhưng hình ảnh “trang phục” của thời đại này lại được các nhà nghiên cứu khắc họa một cách kỳ lạ và khó hiểu:
Trang phục được phục dựng lại một cách bất hợp lý như thế, đã tạo nên những hiểu lầm không nhỏ trong suy nghĩ của người Việt về thời đại các vua Hùng của dân tộc mình, cho rằng thời kỳ đó người Việt đang còn trong trạng thái sơ khai, lạc hậu, bởi đây là dạng trang phục của một dân tộc chậm tiến, kém văn minh, chứ không phải của một dân tộc đã tạo ra những chiếc trống đồng với những ý niệm sâu xa, phi thường, cũng như có một tiến trình phát triển văn minh lâu dài trong nhiều ngàn năm.
Sự bất hợp lý trong phục dựng trang phục thời kỳ Hùng Vương còn thể hiện rõ hơn, khi chính những phát hiện khảo cổ đã chứng tỏ người Việt biết dệt vải ngay từ thời kỳ văn hóa Hà Mẫu Độ cho tới Lương Chử (cách ngày nay từ 7000 tới 5000 năm), kế thừa vào thời văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay hơn 4000 năm), tới thời Đông Sơn thì đã có khuy áo, có khóa thắt lưng, chứng tỏ lịch sử lâu dài và sự phát triển tới độ phức tạp và cầu kỳ của trang phục Việt. Vậy nên, trang phục “cởi trần, đóng khố, đeo lá cây” là một hình ảnh bất hợp lý, thiếu chính xác và cũng không khách quan với những thực tế khảo cổ học.
Việc phục dựng lại trang phục thời kỳ Hùng Vương là rất quan trọng, có thể tác động tới nhận thức của mọi người về thời kỳ này. Đó là điều chúng tôi cho rằng cần thiết phải làm được, mặc dù sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, do sự thiếu thốn tư liệu. Nhưng có một điều rất may mắn với chúng ta: còn nhiều dân tộc ở miền Đông Á và Đông Nam Á ngày nay giữ gìn được những nét văn hóa của cộng đồng Việt cổ xưa, trong đó có trang phục, và tư liệu hình ảnh từ các cổ vật văn hóa Đông Sơn, tư liệu cổ sử và văn hóa, cũng như cổ vật Điền Việt là những tư liệu đặc biệt quan trọng để chúng ta tìm lại trang phục cổ của dân tộc mình.
Qua những cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiến hành phục dựng lại trang phục thời kỳ Hùng Vương, với hướng đi lấy cổ vật Việt thời Đông Sơn làm cốt lõi, so sánh, đối chiếu, chọn lọc qua cổ vật văn hóa Điền Việt, đối chiếu, so sánh với các dân tộc còn lưu giữ những nét văn hóa Việt cổ với sự cẩn trọng cần thiết để có thể tìm lại những dạng trang phục cơ bản nhất của thời kỳ này.
Chúng tôi hy vọng rằng công trình này của mình có thể làm cơ sở cho việc phục dựng trang phục Việt cổ thời Hùng Vương sau này, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của mọi người về cội nguồn của dân tộc, để có thể thấy được quá khứ đáng tự hào mà Tổ Tiên người Việt đã từng xây dựng nên.
Bài khảo cứu sẽ được chúng tôi chia thành bốn phần, phần đầu tiên là tiền đề chứng minh có sự tồn tại của trang phục, phần tiếp theo, chúng tôi sẽ tìm kiếm, phục dựng tương đối các loại trang phục thời Hùng Vương, cũng như tìm lại các dạng mũ miện, trang sức, phụ kiện và các hoa văn sử dụng trong trang trí trang phục.
Nếu có bất kỳ điểm nào mà bạn đọc thấy chưa thỏa đáng ở bài viết, xin hãy tự nhiên chia sẻ quan điểm của mình ở phần bình luận, để chúng tôi có thể hoàn thiện hơn bài khảo cứu của mình.
Lang Linh
PHẦN I
CƠ SỞ CHO VẤN ĐỀ TRANG PHỤC THỜI HÙNG VƯƠNG
I. Những vấn đề logic khi tìm hiểu về trang phục thời kỳ Hùng Vương:
Việc nghiên cứu trang phục thời kỳ Hùng Vương từ trước tới nay đều chưa có sự khảo sát toàn diện các tư liệu lịch sử, khảo cổ, văn hoá, trang phục thời kỳ này đã được mặc định là dạng trang phục cởi trần, đóng khố, ngoài ra không còn trang phục gì khác đối với nam giới. Tuy nhiên các yếu tố logic về tự nhiên, dân tộc, trình độ phát triển đã thể hiện tính bất hợp lý trong tư duy cởi trần đóng khố về trang phục thời kỳ Hùng Vương.
1. Vào thời kỳ Đông Sơn hơn 2200 năm trước, thì nhiệt độ trung bình của trái đất thấp hơn ngày nay khá nhiều (hình dưới), miền Bắc nước ta trong thời kỳ đó lại nằm trong vùng có mùa đông rất lạnh, có thể còn có băng tuyết (đến thời Lý, thời tiết vẫn còn lạnh hơn ngày nay và có hiện tượng băng tuyết ghi lại trong sử sách [1]), thêm nữa, do khí hậu có độ ẩm cao nên mùa đông ở miền Bắc Việt Nam thường lạnh giá hơn so với nhiệt độ thực tế. Với khí hậu như vậy, thì trang phục đóng khố, cởi trần chắc chắn sẽ không thể chống chịu được thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông.
Khí hậu của miền Bắc Việt Nam cũng có mùa nóng, trang phục có thể đơn giản hơn trong mùa này, người Việt cũng đã sáng tạo ra nhiều chất liệu có tính thoáng mát như vải lanh, vải tơ chuối… để phù hợp cho tiết trời nóng bức. Chiếc khố chỉ được sử dụng trong đời sống lao động, có thể thấy trong các hình ảnh tư liệu thời Pháp thuộc, thì nông dân, ngư dân Việt vẫn đóng khố để thuận tiện cho lao động, thường ngày, họ vẫn mặc trang phục đầy đủ, chiếc khố thường ngày có thể chỉ được sử dụng như một dạng đồ lót mặc trong trang phục thôi vậy.
Quần áo có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi sự giá lạnh của thời tiết, và theo các nghiên cứu, thì khi loài người còn ở châu Phi đã có quần áo [1a, 1b]. Quần áo trong giai đoạn trước khi rời khỏi châu Phi có thể bằng lông thú, vỏ cây, lá cây quấn quanh người. Nhiệt độ của miền Bắc Việt Nam vào mùa đông cao hơn nhiệt độ trung bình ngày nay, vậy nên để duy trì sự sống trước thời tiết lạnh giá, con người cần mặc đủ ấm.
2. Vấn đề thứ hai, một vấn đề logic mà chúng ta thường bỏ quên: văn minh vật chất, văn minh tinh thần phải đi cùng với trang phục. Những người tạo ra những chiếc trống đồng phức tạp và tinh xảo, với trình độ luyện kim thượng thừa, ý niệm nghệ thuật phi thường, cô đọng, ẩn giấu những triết lý thâm sâu mà hậu thế chúng ta ngày nay còn chưa thể hiểu hết được, không lẽ lại là những người dã man, kém văn minh, không biết may trang phục mà mặc hay sao?
Xét về tính logic, nếu còn mặc trang phục như thế, thì con người chưa tới tiến ngưỡng cửa văn minh, bởi dệt vải, may trang phục là nền tảng cơ bản đầu tiên chứng tỏ trình độ văn minh của cư dân nông nghiệp định cư. Không biết dệt vải may trang phục, cũng có nghĩa họ không có đủ năng lực vật chất, tri thức và kỹ thuật để tạo nên những chiếc trống đồng tinh xảo, vì vậy cũng sẽ không tồn tại nền văn minh Đông Sơn ảnh hưởng rộng lớn tới khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á như vậy.
3. Người Việt có nguồn gốc chung với các dân tộc ở vùng miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa như: Mường, Tày, Thái, Nùng… [2], cùng với đó là các dân tộc có địa bàn sinh sống trong vùng đất nay là Trung Hoa như Choang, Dai, Thủy… Có thể thấy họ đều có trang phục, và trang phục đều có những điểm chung và có sự tương đồng, thống nhất nhất định trong dạng trang phục, màu sắc, hoa văn, suy luận một cách hợp lý, thì người Việt cũng phải có một dạng trang phục tương tự như thế.
4. Những logic chúng tôi đề cập tới ở trên đã thể hiện việc phục trang cởi trần đóng khố cho người Việt thời Hùng Vương là bất hợp lý, bởi họ là những người thuần hóa lúa nước từ sớm, phát triển đời sống nông nghiệp định cư, tạo ra nguồn lương thực dư thừa để phát triển đời sống vật chất, biểu hiện qua các giai đoạn đồ đá, đồ ngọc cho tới đồ đồng. Đời sống văn minh đó phải đi cùng với trang phục, đi cùng với kỹ thuật dệt vải, điều này sẽ được chúng tôi chứng minh thông qua những bằng chứng chứng tỏ kỹ thuật dệt vải của người Việt khởi nguồn từ thời kỳ Hà Mẫu Độ tới Lương Chử và văn hóa Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn.
II. Cơ sở cho trang phục từ khảo cổ học và lịch sử:
Chúng tôi sẽ đi tìm những cơ sở từ khảo cổ học và thư tịch lịch sử để chứng minh sự tồn tại của vải, kỹ thuật dệt vải cùng với khả năng sản xuất vải số lượng lớn, là những tiền đề chứng minh cho sự tồn tại trang phục của người Việt trong thời kỳ Hùng Vương.
1. Liệu người Việt có biết dệt vải hay không?
Nguồn gốc của người Việt là một vấn đề chính để chúng ta xác định được thời điểm xuất hiện của kỹ thuật dệt vải trong xã hội Việt thời xưa. Vấn đề nguồn gốc người Việt đã được chúng tôi khảo cứu kỹ lưỡng trong bài “khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt Nam” [dẫn], các văn hóa tại vùng Động Đình, Dương Tử là cội nguồn gần nhất của người Việt trước khi về Việt Nam, tại đây đã tìm thấy nhiều dấu tích quan trọng chứng minh sự tồn tại của vải và kỹ thuật dệt vải. Vào thời điểm 4000 năm trước, người Việt từ vùng Động Đình, Dương Tử đã di cư về Việt Nam, các nghiên cứu di truyền học đã thể hiện rất rõ dòng di cư này [2][13]. Khi họ di cư về Việt Nam, thì tại văn hóa Phùng Nguyên, cũng đã tìm thấy rất nhiều dọi xe sợi là bằng chứng quan trọng chứng tỏ sự tồn tại của kỹ thuật dệt vải.
a. Bằng chứng từ khảo cổ học:
Người Việt đã biết dệt vải từ rất sớm, ngay từ thời điểm văn hóa Hà Mẫu Độ đã tìm thấy những mảnh khung dệt nguyên thủy sớm nhất thế giới, kế thừa nó là văn hóa Lương Chử có niên đại hơn 5000 năm trước ngày nay đã có dấu tích của các mảnh vải bằng các chất liệu lụa, lanh, gai, sau khi họ di cư về Việt Nam, tại văn hóa Phùng Nguyên, cũng đã thể hiện những dấu tích quan trọng chứng minh kỹ thuật dệt vải: dấu vải và dọi xe sợi. Tới thời Đông Sơn thì nghề dệt vải đã thịnh đạt, chiếm thế chủ đạo trong đời sống của người Việt, và họ cũng phát triển được nhiều chất liệu vải khác nhau.
◊ Dấu tích tại văn hóa Hà Mẫu Độ và Lương Chử:
– Những mảnh của khung dệt nguyên thủy cũng được tìm thấy từ các địa điểm của văn hóa Hà Mẫu Độ tại tỉnh Chiết Giang, di vật sớm nhất được tìm thấy có mốc niên đại vào khoảng 8000 năm trước ngày nay [3], đây là những mảnh khung dệt cổ nhất thế giới, kế cận giai đoạn này, là những mảnh khung dệt có niên đại khoảng 6500 năm cách ngày nay (hình dưới).
– Dấu tích vải với các chất liệu lụa, vải lanh (hemp) và vải gai (ramie) đã được tìm thấy trong các địa điểm văn hóa Lương Chử – Chiết Giang, có niên đại từ 2700 năm trước Công nguyên. Đây là các chất liệu cơ bản được kế thừa và sử dụng trong các văn hóa từ Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn, thời kỳ Đông Sơn cũng tìm được 3 loại chất liệu cơ bản này trong vải mặc. [4]
Mảnh lụa, sợi lụa và mảnh vải gai được tìm thấy tại văn hóa Lương Chử, có niên đại tới khoảng 4700 năm BP. [Nguồn: 1, 2, 3]
◊ Dấu tích tại các văn hóa Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn tại Việt Nam:
– Khoa khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều dọi xe sợi trong các di chỉ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên cách nay 4000 năm. GS.TS Hán Văn Khẩn, Viện khảo cổ học Việt Nam xác nhận: “Dọi xe chỉ tìm thấy khá phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Nó được làm bằng đất sét tương đối mịn hoặc tương đối thô… Dọi xe sợi có đường kính trung bình 0,6 – 2cm… Như vậy, nghề dệt vải đã phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Cư dân văn hóa này ít nhất có hai loại vải mặc, đó là vải dệt từ sợi và vải vỏ cây”. [5]
Dọi xe sợi có chức năng se nguyên liệu thành sợi vải. Đây là bằng chứng quan trọng chứng tỏ cho sự tồn tại của kỹ thuật dệt vải.
Tư liệu về cách sử dụng dọi xe sợi của Thổ Nhĩ Kỳ và châu Mỹ. [Nguồn: 1, 2]
– Khảo cổ học Việt Nam phát hiện nhiều vết tích vải vóc bao bọc trên các đồ sứ, đồ đồng, nhất là trong các mộ táng. Tại Bắc Bộ Việt Nam tìm thấy dấu vết các loại vải sớm trong các di tích Châu Can, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, chứng tỏ người Phùng Nguyên đã biết dệt vải (Lê Văn Lan, Trịnh Minh Hiên [1973: 236]). [6]
– Một số mộ táng thời Hùng Vương ở Lâm Thao (Phú Thọ) thuộc giai đoạn văn hóa Gò Mun cách nay 3.000 năm thấy rõ vết vải liệm trên hài cốt. Các mộ Châu Can (Hà Tây cũ), mộ Việt Khê (Hải Phòng) thuộc văn hóa Đông Sơn cách nay 2.800 năm đến thế kỷ II trước công nguyên, đều có vải liệm. [5]
– Năm 2002, trung tâm tiền sử Đông Nam Á kết hợp với bảo tàng Hưng Yên khai quật khu mộ táng hình thuyền ở Động Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Từ khoảng 1200 miếng vải to nhỏ khai quật được phát hiện ra 7 loại vải, làm từ ba cỡ sợi của hai lối dệt khác nhau. Ngoài những phát hiện các loại vải khá giống ở mộ Châu Can, mộ Động Xá còn tìm thấy hơn 20 miếng vải làm từ những băng sợi lanh màu nhuộm chàm. Nền vải chính dệt xen kẽ những sợi gai cho thấy sự đa dạng trong kiểu cách thời bấy giờ, có những loại vải phục vụ riêng cho yêu cầu trang trí hoặc để may cắt và thêu trang phục. [7]
Vải thời văn hóa Đông Sơn [Nguyễn Việt]
– Năm 2005 hai tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt và Bùi Văn Liêm hợp tác với hai tiến sĩ khảo cổ học người Úc, khai quật ngôi mộ ở Động Xá (Hưng Yên) có niên đại 2.100 (+_60 năm). Trong ngôi mộ tìm thấy một tấm vải liệm còn nguyên vẹn, bên trong còn bọc vài lớp vải nữa… Họ kết luận: “Dữ liệu vải sợi của đội khảo cổ Việt Nam – Úc ở Đông Xá khẳng định rằng, nghề dệt vải đã phát triển trong thời đại kim khí ở Bắc Việt Nam và rằng vải giữ vai trò trung tâm trong mộ táng Đông Sơn, không chỉ cho trang phục mà còn làm chiếu, vải bọc và vải liệm”. [5]
b. Bằng chứng từ lịch sử:
Thư tịch lịch sử cũng ghi lại một dấu tích quan trọng chứng tỏ cho sự phát triển và quy mô của nghề dệt vải của người Việt trong thời gian đầu thời kỳ Bắc thuộc, thể hiện một trình độ phát triển cao trong kỹ thuật dệt vải của người Việt đã có từ trước đó:
Sử có ghi lại rằng, vào thế kỷ I – II, vào thời nhà Hán, nhà Ngô đô hộ đất nước ta, chính quyền đô hộ buộc dân Việt phải cống nộp vải Cát Bá (một loại vải bông trắng mịn), vải tơ chuối, lụa tơ tằm. Tới thời Đường, chính quyền Trung Quốc đánh thuế người Việt bằng các loại vải, lụa, sa, the. Điều này cho thấy, vải dệt dành cho may mặc của người Việt từ đầu công nguyên đã rất phong phú, đẹp đẽ, và được người Hán ưa chuộng.
Các tài liệu của Trung Quốc cũng ghi chép về các loại vải tơ chuối, vải bông (cát bá), các loại vải này là minh chứng cho sự phát triển của nghề dệt vải tới độ đa dạng về chất liệu của người Việt thời kỳ hậu Đông Sơn không lâu, cũng như khả năng sản xuất số lượng lớn, với chi tiết Sĩ Nhiếp đưa về làm cống phẩm cho triều đình hàng nghìn tấm vải cát bá mịn.
Sách Quảng chí của Trung Quốc chép: “Ở Giao Chỉ, thân cây chuối xé ra như tơ, dệt thành vải gọi là tiêu cát, dễ rách, nhưng đẹp, màu vàng nhạt. Cũng gọi là vải Giao Chỉ.” Từ vải tơ chuối, lại tiến đến vải dệt bằng sợi quả cây bông vải, gọi là vải cát bối hay cát bá. Sách Ngô lục của Trương Bột ghi: “Huyện Yên Định ở Giao Châu có cây bông cao hơn một trượng, quả to như chén rượu, da mỏng, trong ruột như mối tơ, sắc trắng bạch, làm vải được…”. Trong những sản vật mà Sĩ Nhiếp đưa về làm cống phẩm có hàng nghìn tấm vải cát bá mịn (…) Đã dệt được khăn bông, thêu hoa, gọi là “bạch diệp”. [5a]
2. Những chiếc khuy áo và khóa thắt lưng:
Những bằng chứng từ khảo cổ và lịch sử chứng tỏ rằng cư dân tộc Việt đã biết dệt vải từ sớm, tại Việt Nam, thì người Việt cũng đã sản xuất được vải ngay từ thời văn hóa Phùng Nguyên sau khi di cư về Việt Nam, tới thời Đông Sơn thì đã có khả năng sản xuất số lượng lớn, cung cấp vải cho đa số cư dân. Và chúng tôi còn tìm thấy những bằng chứng chứng tỏ cho sự tồn tại của trang phục thời kỳ Hùng Vương: khuy áo và khóa thắt lưng.
– Những chiếc khuy áo bằng đồng này được phát hiện tại di chỉ Gò Quê trên địa bàn văn hóa Sa Huỳnh, cùng với nhiều hiện vật Đông Sơn khác như hộ tâm phiến, dao găm (sắt và đồng), rìu cân xòe cùng những chiếc khuy đồng này, trên đó có dấu vết của vải [Trịnh Sinh].
Những chiếc khuy này từng được thấy sớm nhất trong mộ Việt Khê (Hải Phòng, thế kỷ 3 TCN), cũng như xuất hiện trong nhiều di chỉ Đông Sơn khác. Theo thông tin khảo cổ, thì tại ngôi mộ Việt Khê cũng đã thu thập được nhiều loại vải khác nhau. [Nguyễn Việt]
Theo Ts. Lâm Thị Mỹ Dung, thì loại khuy này đã có tiền thân là loại khuy bằng ngọc được phát hiện trong thời văn hóa Đồng Đậu (3500 năm trước ngày nay).
Bên cạnh đó, khảo cổ học Việt Nam phát hiện rất nhiều những chiếc khóa thắt lưng bằng đồng, với nhiều kiểu dáng khác nhau, được đúc tinh xảo với nhiều kiểu dáng tinh tế.
Những chiếc thắt lưng tinh xảo được sử dụng cùng với trang phục thời Đông Sơn. [Nguồn: BST Phạm Lan Hương, BST Bảo tàng Barbier-Mueller]
Đây là những bằng chứng rất quan trọng chứng tỏ vấn đề trang phục của người Việt thời kỳ Hùng Vương: có khuy, có khóa thắt lưng, tức có trang phục, không chỉ thế, trang phục còn có thể phát triển tới độ phức tạp và cầu kỳ, tư duy về trang phục của Tổ Tiên chúng ta cũng đã rất tiến bộ.
III. Thử tìm hiểu về chất liệu, kỹ thuật dệt may và màu sắc của vải trong thời kỳ này:
1. Chất liệu:
a. Theo các tài liệu khảo cổ học:
Theo tài liệu khảo cổ học, thì có 3 chất liệu cơ bản được sử dụng trong dệt may của người Việt thời Đông Sơn:
Có ba chất liệu được khảo cổ xác nhận chắc chắn được sử dụng trong dệt may trang phục Đông Sơn, đó là sợi tơ tằm, sợi làm từ cây gai, và sợi làm từ cây lanh. [8]
Các chất liệu cơ bản này đã bắt đầu được sử dụng từ thời văn hóa Lương Chử, với những mảnh vải, sợi vải lụa, gai và lanh tìm được có niên đại sớm nhất vào khoảng 4700 năm trước ngày nay, thời kỳ Đông Sơn hay tới thời phong kiến và ngày nay, người Việt vẫn tiếp tục sử dụng những chất liệu này trong may mặc trang phục. Lụa có thể cũng đã được sử dụng phổ biến từ ngay thời kỳ này, với nhiều dấu lụa tìm được tại văn hóa Lương Chử.
Tới thời Đông Sơn, thì những khảo cứu khảo cổ học cũng đã cho phép khẳng định về việc sử dụng phổ biến sợi tơ tằm, thêm vào đó, thì tài liệu lịch sử cũng ghi lại rằng trong giai đoạn đầu công nguyên, trong khi Trung Quốc một năm chỉ nuôi được 3 lứa tằm thì năng suất tằm ở Giao Chỉ, Nhật Nam, Lâm Ấp một năm đạt được tới 8 lứa, tạo ra nguồn cung lớn để cung cấp vải lụa cho các tầng lớp cư dân. [Thủy Kinh Chú, Tam Đô Phú, Tề Dân Yếu Thuật] [7] [9]
b. Theo các tài liệu lịch sử:
Người Việt cũng đã sáng tạo ra rất nhiều loại vải khác nhau, dựa trên những loại chất liệu có nguồn gốc từ tự nhiên:
“Nghề dệt đan cũng là một thành tựu đáng kể của người Bách Việt cổ. Khảo cổ học đã phát hiện khoảng 20 loại vải khác nhau đã từng xuất hiện ở cộng đồng này, phổ biến có vải đay, vải gai, tơ, lụa, gấm, the, vải thuyên, v.v. với nhiều khổ vải khác nhau tùy theo từng vùng, trong đó nổi tiếng nhất là các loại vải làm từ sợi gai, đay [Li Hui-Lin 1983: 48].
Chất liệu may mặc thiên về thực vật. Vào khoảng 1.000 năm trCN, vùng Bách Việt đã sản xuất được nhiều chủng loại vải vóc khác nhau, như tơ đay, tơ gai, tơ lụa, the, vải thuyên, vải sa, vải tơ rối v.v… Vải bông xuất hiện muộn hơn. Đến đầu CN, dân Đông Lạc Việt ở đảo Hải Nam đã sản xuất loại vải khổ to rất được ưa chuộng (theo Hậu Hán Thư). Ban Cố trong Hán Thư viết “… (Vùng Nam Việt) gần biển, có tê giác, voi, trân châu, bạc, đồng, trái cây, gấm vóc..”, “(Đảo Hải Nam) nam thì làm đồng, nữ thì dệt vải”. Trong mộ Nam Việt Vương tại Quảng Châu tìm thấy “bao vải đay”, “bó dây thừng vải đay” và nhiều “di vật bằng lụa” khác. Khảo cứu của Eberhard W. [1968: 270-277] cho thấy loại vải cát bối (sớm nhất ở Lâm Ấp), vải ngô đồng, vải câu mang, vải mộc miên và vải làm từ vỏ cây dó là đặc sản Lĩnh Nam và Vân–Quý, kết quả của tài trí tận dựng các loại chất liệu thực vật chỉ có ở địa phương. Hơn thế, kỹ thuật dùng vỏ cây dó của người Bách Việt được xem là tiền thân của nghề chế tạo giấy, mà sau này người Hán ghi công phát minh cho Thái Luân đời Tây Hán [Eberhard W. 1968: 270-275].
Đặc biệt hơn, tiểu vùng Tây Lạc Việt còn có loại vải tơ chuối, được sản xuất bằng kỹ thuật tiến bộ. Loại vải này rất phù hợp với kiểu thời tiết nóng bức của mùa hè nên rất được ưa chuộng (ghi trong Nam Châu Dị Vật Ký, Ngô Đô Phú, Nam Phương Thảo Mộc Trạng). Về sau kỹ thuật chế biến truyền rộng khắp Lĩnh Nam, đến thời Đường, nó đã trở thành vật triều cống của nhiều vùng đất như Quảng Châu, Triều Châu, Đoan Châu, Phong Châu, Hạ Châu, Tân Châu (thuộc Quảng Đông), thậm chí lên đến tận Kiến Châu vùng Ngô-Việt (ghi trong Nguyên Hòa Quận Huyện Chí). Vải trúc tuy chỉ là mặt hàng thứ cấp song cũng sớm xuất hiện trong lịch sử. Ngoài ra, cây ngô đồng cũng cung cấp lượng nguyên liệu dệt vải đáng kể.” [6]
2. Kỹ thuật dệt may:
Thời kỳ văn hóa Đông Sơn, đã có những nghiên cứu chứng minh những kỹ thuật phức tạp trong dệt may trang phục: sử dụng xen kẽ các loại sợi để tạo thành các loại vải chất lượng cao, kỹ thuật thêu, kỹ thuật dệt đăng-ten (tạo khoảng trống).
– Trong ngôi mộ cổ Việt Khê ở Thủy Nguyên – Hải Phòng khai quật năm 1958, và khu ngôi mộ ở xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Tây cũ) khai quật năm 1974 đã thu thập được nhiều loại vải khác nhau. Khu mộ ở Châu Can đã tìm được những mảnh vải của trang phục, nhiều nhất là ngôi mộ số 3 và số 6. Nhận xét bước đầu: “Những mảnh vải sợi không được se lại mà để nguyên sợi tự nhiên, sợi dọc thưa hơn sợi ngang và cách đều khoảng 2mm sợi ngang bé hơn đượt dệt dày xít nhau đều đặn”. Có những mảnh vải có đường mép dọc và ngang, điều này chứng tỏ sợi vải được dệt vòng đi vòng lại. Theo ý kiến của kĩ sư phòng kĩ thuật dệt thuộc nhà máy dệt kim Đông Xuân thì đây là loại vải sợi đay hay gai, sợi dọc to và thưa hơn sợi ngang nhưng rất đều. Chiều ngang và chiều đọc vải đều có đường biên, khổ vải hẹp, có thể vải được dệt bằng phương thức con thoi với khung cửi. Khi nói về thời đại kim khí, F. Ăng-ghen nhận xét: “Thành tựu thứ nhất là khung dệt vải, thành tựu thứ hai là việc nấu quặng và chế tác đồ kim loại”, vậy từ những mảnh vải, lụa và kĩ thuật dệt ở khu mộ Châu Can đã chứng tỏ trình độ văn minh phát triển ở thời Hùng Vương. [7]
– Theo TS Nguyễn Việt, năm 2000, trung tâm tiền sử Đông Nam Á đã thu thập nghiên cứu cùng với người nước ngoài để bảo quản thành công các miếng vải cổ trong mộ thuyền Châu Can. Những mảnh vải này thực sự đã cho ta thấy rõ nét kĩ thuật dệt, cấu tạo trang trí, may cắt, các loại diềm tua và trang phục thời Đông Sơn. Qua nghiên cứu 118 miếng vải lớn nhỏ được chắt lọc ra từ 0,015m khối đất bùn vớt ra từ lòng mộ Châu Can. Những mảnh vải hiện diện rõ những phần khác nhau của trang phục. Trang phục ở mộ mà chủ nhân được chôn là một thanh niên tuổi khoảng 18 đến 20, mặc áo có diềm khâu, diềm tua. Vạt áo trang trí dệt bằng hai loại sợi hỗn hợp: sợi lanh (cannabis) và lụa (silk). Những mảnh thắt lưng ở mộ Châu Can được dệt bằng chất liệu sợi vải gai (boehmira) có bề ngang rộng khoảng 6cm. Kĩ thuật dệt vải thắt lưng đều được se theo kĩ thuật xoắn nhưng hoàn toàn khác so với kĩ thuật se xoắn S phổ biến hiện nay. Những bằng chứng đầu tiên của kĩ thuật thêu (embroidery) cũng đã tìm thấy ở trang phục trong những ngôi mộ này. [7]
– Nghiên cứu hơn 1300 mảnh vải và lụa khác nhau có tuổi khoảng 2100 đến 2300 năm, bước đầu biết chúng thuộc loại sợi thân cây gai (boehmira) và lanh (cannabis). Trên một số mảnh vải gai có hiện tượng sợi dọc mất đứt đoạn tạo ra như vải dệt kiểu đăng-ten. Trong những công bố đầu tiên cho rằng do kĩ thuật dệt tạo nên vải như vậy, nhưng sau khi những mảnh vải này qua kính phóng đại cho thấy những vết lồi lõm, so le đều đặn ở phần sợi đăng-ten là dấu ấn tồn tại của những sợi dọc trước đây. [7]
3. Màu sắc của vải và trang phục:
a. Theo tài liệu khảo cổ, thì có 4 màu sắc chính thể hiện trên vải cổ thời Đông Sơn:
“Có thể nhận ra bốn màu sắc chính trên nền vải sợi thời Đông Sơn: Màu ngà tự nhiên của sợi vỏ cây cũng như tơ tằm (màu natural), màu xanh chàm, màu nâu gụ với những tông màu từ đậm đến tươi hồng, màu vàng nghệ óng của tơ tằm. Bốn màu trên về cơ bản vẫn được lưu truyền và ưa thích cho đến tận ngày nay trong trang phục lễ hội và hàng ngày của các dân tộc sinh sống trên đất Việt Nam.” [8]
b. Theo các tài liệu dân tộc học, thì các dân tộc ưa chuộng các màu sắc sau, đều là những màu sắc cơ bản được nhuộm từ các loại lá cây tự nhiên:
Màu sắc trên trang phục của các dân tộc: cơ bản nhất là màu chàm từ đậm tới nhạt, được hầu hết các dân tộc cùng nguồn gốc với người Việt ưa chuộng (nó cũng được thể hiện trên nền vải cổ Đông Sơn), sau đó là các màu sắc: trắng, đen, đỏ, hồng, vàng, nâu, xanh, cam, tím.
Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn về màu sắc cũng như kỹ thuật nhuộm tại Phần IV, Mục II.5.
IV. Trang phục thời kỳ Hùng Vương với những bằng chứng trực tiếp:
Bên cạnh những tư liệu gián tiếp chứng minh sự tồn tại trang phục thời kỳ Hùng Vương, thì trong tài liệu lịch sử, tài liệu khảo cổ, các hình hoạ trên trống đồng cũng đã trực tiếp thể hiện trang phục trong thời kỳ Hùng Vương.
1. Tài liệu lịch sử:
Trong sách Tam Quốc Chí, phần Ngô chí có ghi lại: Thế kỷ III SCN, Thái thú Tiết Tông trong tờ sớ xin chọn Thứ sử Giao Châu đã miêu tả người Việt: “tóc búi, chân trần, áo chui đầu vạt trái”.”
Sách Tam Quốc chí đã ghi lại cụ thể về phong tục tóc búi, chân trần, cùng với chi tiết quan trọng nhất là áo chui đầu vạt trái của người Việt, cũng tương đồng với các sử liệu về phong tục của người Việt trong các thời kỳ trước. Tới thời điểm đó người Việt vẫn cơ bản giữ được phong tục và văn hóa của dân tộc mình. Áo vạt trái là đặc trưng chung của tộc Việt, có phân bố rộng khắp trong địa bàn có cư dân tộc Việt sinh sống, kiểu dáng áo này được chia thành hai loại hình, một là áo chui đầu vạt trái và áo váy quấn vạt trái.
Trong sách Luận Ngữ có ghi lại chi tiết: “Quản Trọng theo giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá, nhờ vậy mà thiên hạ từ loạn đổi sang trị. Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải gióc tóc và vắt vạt áo bên trái như bọn man di. Lẽ nào vì tấm lòng trung quân nhỏ hẹp tầm thường mà đi treo cổ bên lạch suối sao?”. [Luận Ngữ, 14:17]
Man di là cách gọi có tính miệt thị được người Hoa Hạ sử dụng để chỉ người Việt, chi tiết này cung cấp cho chúng ta thông tin quan trọng về dạng áo vạt trái của người Việt từ thời Khổng Tử.
Tài liệu trong Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng ghi lại về chi tiết người Âu Việt tại vùng Chiết Giang có phong tục xâm mình, mặc áo quấn thân sang trái, như phong tục chung của tộc Việt:
“Người đàn ông cắt tóc xâm mình, mặc áo quấn thân áo sang trái, giống như dân Âu Việt vậy”.
(Tư Mã Thiên, Sử Ký, Triệu thế gia)
2. Tài liệu khảo cổ:
Tài liệu khảo cổ cũng đã xác nhận sự tồn tại của trang phục thời kỳ Hùng Vương, với dạng áo tương đồng với áo váy quấn vạt trái mà tài liệu lịch sử đã ghi lại:
Năm 2000, trung tâm tiền sử Đông Nam Á đã cùng với các chuyên gia nước ngoài khai quật mộ thuyền Châu Can, chủ nhân của ngôi mộ là một thanh niên tuổi khoảng 18 đến 20, trên người có trang phục, mặc áo có diềm khâu, diềm tua. Vạt áo trang trí dệt bằng hai loại sợi hỗn hợp: sợi lanh (cannabis) và lụa (silk). Những mảnh thắt lưng ở mộ Châu Can được dệt bằng chất liệu sợi vải gai (boehmira) có bề ngang rộng khoảng 6cm. [7]
3. Tài liệu cán dao găm và hình vẽ trên các trống đồng Đông Sơn:
Các tượng cán dao găm Đông Sơn, cũng như trên hình họa của trống đồng Đông Sơn cũng đã trực tiếp thể hiện trang phục thời kỳ Hùng Vương, với các dạng trang phục khác nhau đối với cả nam và nữ giới. Đây là bằng chứng khẳng định một cách chắc chắn về trang phục thời kỳ Hùng Vương.
Trang phục được thể hiện trên cán dao găm và hình họa trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: 1. Lê Văn Hảo; 2. BST nhà hàng Trống Đồng; 3. Hoa Văn Việt Nam – Nguyễn Du Chi; 4. Trống đồng Động Xá, chụp lại trong phim Đi tìm trang phục Việt; 5. Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam – Nguyễn Văn Huyên]
Như vậy tài liệu lịch sử, khảo cổ đều đã cùng chứng minh rằng người Việt trong thời kỳ Hùng Vương đã có trang phục, trang phục được may bằng nhiều loại vải, với nhiều kiểu dáng khác nhau, dành cho cả nam và nữ giới. Do đó hình ảnh cởi trần đóng khố là hoàn toàn không phù hợp với thực tế trang phục thời kỳ Hùng Vương.
V. Kết luận:
Những cơ sở gián tiếp và trực tiếp mà chúng tôi đã đề cập ở trên đã chứng tỏ người Việt đã có trang phục, trong đó một tiền đề quan trọng là dệt vải, thì nghề dệt vải người Việt đã có tiến trình phát triển ít nhất trong hơn 4000 năm, khởi nguồn từ văn hóa Hà Mẫu Độ, kế thừa tại các văn hóa Lương Chử và Phùng Nguyên, tới thời Đông Sơn thì vải đã phát triển về số lượng và đa dạng về chất liệu. Dấu tích về những chiếc khuy áo và khóa thắt lưng cũng chứng tỏ cho sự phát triển của trang phục thời kỳ các vua Hùng của người Việt.
Bằng chứng khảo cổ cũng đã chứng minh sự tồn tại của trang phục trong thời kỳ Hùng Vương, với nhiều kiểu dáng áo được thể hiện trên các đối tượng là nam và nữ. Do đó vấn đề trang phục của người Việt đã rõ ràng: họ có trang phục, và trang phục được may bằng nhiều loại vải, với nhiều màu sắc khác nhau, cũng như có một tư duy rất phát triển trong thiết kế trang phục.
Trong phần hai, chúng tôi sẽ tiến hành tìm kiếm và khảo sát trang phục đã từng tồn tại trong thời kỳ Hùng Vương.
PHẦN II
PHỤC DỰNG TRANG PHỤC THỜI KỲ HÙNG VƯƠNG
I. Nhận thức cơ bản:
Những khảo cứu tuần tự của chúng tôi đã chứng minh rằng người Việt thời kỳ Hùng Vương đã có nghề dệt vải rất phát triển, họ đã có trang phục, và những dấu tích quan trọng: khuy áo, khóa thắt lưng chứng tỏ cho sự phát triển trong tư duy trang phục tới độ cầu kỳ, phức tạp và hiện đại, những tác phẩm phác họa người Việt thời kỳ Hùng Vương về hình ảnh người Việt cởi trần đóng khố, không có trang phục vì thế mà hoàn toàn vô lý và không chính xác. Bên cạnh đó cũng đã có những bằng chứng trực tiếp chứng minh sự tồn tại của trang phục với tài liệu khảo cổ, cổ vật cũng như tài liệu lịch sử, khẳng định sự tồn tại của trang phục trong thời kỳ Hùng Vương.
Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiến hành khảo cứu toàn diện về trang phục thời kỳ Hùng Vương, với cổ vật Đông Sơn được sử dụng làm cốt lõi, chọn lọc và so sánh với cổ vật Điền Việt, đối chiếu với trang phục của các dân tộc có cùng nguồn gốc với người Việt trong vùng Đông Á và Đông Nam Á, cũng như so sánh với các vùng văn hóa có liên hệ với tộc Việt. Một phương pháp nghiên cứu cẩn trọng và toàn diện sẽ giúp chúng ta tìm được trang phục thật sự của người Việt trong thời kỳ Hùng Vương.
II. Cơ sở tiến hành và phương pháp thực hiện:
1. Cơ sở tiến hành:
Nguồn gốc dân tộc Việt và nguồn gốc tộc Việt là vấn đề cơ bản để xác định chính xác phương pháp tiếp cận của chúng tôi trong khảo cứu trang phục thời kỳ Hùng Vương, khi chúng tôi tham khảo, tìm kiếm và đối chiếu trên diện rất rộng các dân tộc thuộc các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai, Hmong-Mien trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. Nguồn gốc từ một cộng đồng chung là cơ sở cơ bản để xác định tính liên kết trong văn hóa và trang phục của các nhóm dân có nguồn gốc từ tộc Việt.
a. Nguồn gốc tộc Việt:
Chúng tôi đã khảo cứu kỹ lưỡng về nguồn gốc tộc Việt và nguồn gốc dân tộc Việt Nam trong bài: Khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt Nam [dẫn]. Chúng tôi sẽ đề cập qua trong bài khảo cứu này để bạn đọc hình dung cơ bản về nguồn gốc tộc Việt.
Tộc Việt có nguồn gốc cư dân cổ di cư từ vùng Đông Nam Á đi lên trong thời điểm hơn 12000 năm trước do nạn biển tiến, khiến vùng sinh sống của họ là vùng đồng bằng sông Hồng nối liền với đảo Hải Nam chìm xuống biển.
Nghiên cứu của Chuan Chao Wang và cộng sự năm 2013 [11] đã phát hiện một dòng di cư rất lớn từ Đông Nam Á vào thời điểm 12.000 năm trước lên vùng Động Đình, Dương Tử, dòng di cư này cũng đã đi lên cả vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.
Cư dân cổ gốc Đông Nam Á đã sinh sống tại vùng Động Đình, Dương Tử và bắc Đông Á, hình thành nên các văn hóa Cao Miếu, Hà Mẫu Độ, Lăng Gia Than tại vùng Động Đình, Dương Tử, và các văn hóa Hồng Sơn, Đại Vấn Khẩu, Ngưỡng Thiều tại vùng bắc Đông Á, sau đó cư dân tiền Việt đã di cư về Động Đình, Dương Tử để hình thành tộc Việt với các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà. Tới thời điểm hơn 4000 năm trước, đã xảy ra nạn hạn hán [11], khiến cư dân tộc Việt phải di cư về phía Nam. [2][12][13]
b. Các cuộc di cư hình thành các dân tộc thuộc các hệ ngữ:
Các dân tộc rộng lớn thuộc các hệ ngữ Nam Á, Tai-Kadai và Nam Đảo có một nguồn gốc chung từ cộng đồng tộc Việt. Họ cùng nhau xây dựng nên văn minh tộc Việt tại vùng Động Đình, Dương Tử, trước khi những biến cố xảy ra khiến cư dân tộc Việt phải di cư về Đông Nam Á lục địa, Đài Loan và vùng Đa Đảo. Đây là cơ sở chính để chúng tôi tiến hành phục dựng trang phục thời kỳ Hùng Vương.
Các nghiên cứu di truyền học được công bố trong thời gian gần đây đã thể hiện dòng di cư của cư dân tộc Việt về vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo trong khoảng thời gian hơn 4000 năm trước.
Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck Đức, Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion Pháp năm 2019 đã thể hiện người Việt có nguồn gốc chủ yếu là những người di cư từ Nam Đông Á về Việt Nam cách đây từ 2.500 – 4.000 năm trước [2].
Nghiên cứu gen của Hugh McColl và các cộng sự năm 2018 [13] (hình 9) cũng có quan điểm tương đồng với nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam hợp tác với các chuyên gia Pháp, Đức. Cả hai nghiên cứu di truyền trên đều dựa trên các bộ gen cổ và các bộ gen hiện đại.
Mô hình di cư ở Đông Nam Á thời tiền sử được xây dựng nên gồm 2 lớp từ châu Phi tới Đông Nam Á vào khoảng 30.000-60.000 năm trước và từ Đông Á di cư ngược về cách đây 2.500 – 4.000 năm.
Nghiên cứu về nhân chủng học dựa trên hình thái xương sọ năm 2019 [14] (hình 11) cũng cho thấy nhân chủng học người Việt hiện đại hình thành do dòng di cư từ 4.000 năm trước từ sông Dương Tử.
Các cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á di cư về Việt Nam và Đông Nam Á lục địa, với nhóm chính đã trở về Việt Nam. Bản đồ phân bố hệ ngữ Nam Á thể hiện phân bố của cư dân trong cuộc di cư này.
Người Nam Đảo đã di cư từ vùng Động Đình, Dương Tử sang Đài Loan, sau đó mới xuống vùng Đa Đảo.
Cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai hình thành tại vùng miền Bắc Việt Nam hoặc Quảng Tây sau khi đất Việt chìm vào vòng lệ thuộc, sau đó một phần đã di cư xuống vùng Đông Nam Á lục địa, một phần ở lại Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam.
Cư dân thuộc hệ ngữ Hmong-Mien cũng có nguồn gen tương đồng với cư dân tộc Việt (Việt (Kinh), Dai).
Đây chính là cơ sở để học giả Andréas Lommel trong tác phẩm “Tiền sử” nhận định như sau: “Tất cả miền đất mênh mông từ Thái Bình Dương trở lên đến Hoa Nam Trung Quốc đều có cùng một nền văn hóa. Đảo Bornéo ở Nam Dương (Indonesia) cũng có cùng nghệ thuật như miền sông Hoài thuộc Giang Tô miền Nam nước Ngô thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đặc tính văn hóa gắn liền với môi trường sinh sống của thực vật và động vật từ trầu cau, cây dâu đến heo, gà, công. Các phong tục tập quán từ nhuộm răng ăn trầu, xâm mình, cà răng đến lễ hội mừng nước, đua thuyền, vai trò quan trọng của trống đồng và cồng chiêng trong các lễ hội dân gian.”.
Nguồn gốc tộc Việt và các dân tộc thuộc các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai cũng như sự tương đồng với hệ ngữ Hmong-Mien là cơ sở chính để chúng ta có thể qua đó tìm hiểu trang phục của người Việt trong thời kỳ Hùng Vương qua các dân tộc có một địa bàn sinh sống rộng khắp trong vùng Đông Á.
c. Sự tương đồng trong nguồn gen của các nhóm dân có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt giai đoạn muộn:
Các dân tộc nhóm Nam Á và Nam Đảo tách ra khỏi tộc Việt kể từ thời điểm hơn 4000 năm trước, nhưng vẫn có sự giao lưu, qua lại rất thường xuyên, với biểu trưng chính là những chiếc trống đồng và đồ đồng. Sau thời điểm 4000 năm, cư dân tộc Việt vẫn tiếp tục phát triển trong vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam, sau đó được ghi lại như cộng đồng Bách Việt trong sách sử Trung Hoa. Các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt sau thời điểm này là các dân tộc: Việt, Mường, Thái, Tày, Nùng, Choang… thuộc hai hệ ngữ Nam Á và Tai-Kadai. Sự giao lưu và hòa huyết nội tộc khiến nguồn gen tộc Việt hòa trộn đều hơn, nên gen người Việt trong giai đoạn này có phần khác với người Nam Á và Nam Đảo di cư xuống trong hơn 4000 năm trước, đặc biệt là người Nam Đảo, họ đã hòa huyết với số đông người Australoid da đen, tuy văn hóa vẫn là tộc Việt nhưng nguồn gen đã thay đổi khá nhiều.
Công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy cư dân gốc tộc Việt như Kinh Việt, Tày, Nùng, Choang, Mường, Thái, Hán Hoa Nam… có hệ gen gần nhau và khác biệt so với Hán Hoa Bắc. [2]
Sự tương đồng gen của các dân tộc thuộc hai hệ ngữ Nam Á và Tai-Kadai cho chúng ta thấy nguồn gốc chung của các dân tộc trong giai đoạn gần nhất trước khi tộc Việt tan rã, đây là các dân tộc gần nhất để chúng ta có thể tìm hiểu về trang phục thời kỳ Hùng Vương của dân tộc mình.
d. Văn hóa Điền Việt và vấn đề nghiên cứu, tiếp cận trong tham khảo cổ vật Điền Việt:
Văn hóa Điền Việt cũng thuộc tộc Việt, có cổ vật hoàn toàn tương đồng với đồ đồng Đông Sơn và các vùng tộc Việt khác, điều đó đã được chúng tôi chứng minh thông qua bài khảo cứu về cổ vật các vùng tộc Việt [dẫn], và các nghiên cứu khảo cổ xác nhận tính thống nhất của nó với văn hóa Đông Sơn:
Học giả Mỹ Chiou Peng (2008 a: 34) về Điền Việt và Đông Sơn: “Những tư liệu tích lũy hơn nửa thế kỷ qua khẳng định những hiện vật tương đồng từ vùng Đông Sơn và Vân Nam thuộc về hai nền văn hóa anh em trong một vùng văn hóa của người Việt ở bán đảo Đông Dương và Tây Nam Trung Quốc”. Nhà khảo cổ học Việt Nam Chử Văn Tần (1980/2003) đã xác định một loạt các yếu tố tương đồng Điền – Đông Sơn, ngoài trống đồng còn có lưỡi cày hay cuốc hình tim, lưỡi liềm, dao gặt, bàn chải bầu dục, dao găm, kiếm ngắn, rìu lưỡi cân hoa văn hình vảy cá, muôi hình quả bầu, tên đồng mặt cắt tam giác .v.v. [16]
Các cổ vật đặc trưng tộc Việt tại vùng Vâ
n Nam của văn hóa Điền Việt. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Vân Nam, Bảo tàng thành phố Yuxi (Ngọc Khê), Vân Nam, BST Kiều Quang Chẩn]
Văn hóa Điền Việt theo trường phái nghệ thuật tả thực, nên trang phục được thể hiện trên cổ vật của họ khá rõ, đây là cơ sở để chúng ta đối chiếu, tìm kiếm và so sánh để tìm ra những dạng trang phục trong thời kỳ Hùng Vương. Tuy nhiên cũng cần phải làm rõ một vài vấn đề về văn hóa Điền Việt, do sự đa dạng trong bối cảnh văn hóa và lịch sử Điền thời kỳ đó, nên cần tách bạch để chúng ta nhận diện được cốt lõi văn hóa tộc Việt trong văn hóa của họ. Văn hóa của họ có văn hóa tộc Việt làm cốt lõi, cư dân đa phần cũng là cư dân tộc Việt, tuy nhiên trên phương diện trang phục, kiểu tóc, thì có sự đa dạng nhất định.
Wang Ningsheng (1979, 1989) dựa trên cơ sở sự khác biệt trong trang phục, kiểu tóc đã chia các nhân vật trên các tượng đồng và đồ đồng văn hóa Điền Việt thành hai nhóm chính, trong đó tầng lớp cao nhất và chiếm số đông là quý tộc Điền, là cư dân tộc Việt, có đặc trưng trang phục: cả nam và nữ đều mặc áo chẽn thường xuyên có hoa văn dọc sọc, đi chân trần, và đeo khuyên tai lớn. Đàn ông đôi khi mặc một chiếc áo choàng với cổ áo đặc biệt bên ngoài áo chẽn của họ. Đầu của họ búi tóc hoặc búi tóc với một chiếc mấn. Đây là những đặc trưng quan trọng của tộc Việt, trong đó trang phục có thể đa dạng hơn so với đánh giá của Wang Ningsheng. [17]
Kiểu đặc trưng trang phục của quý tộc Điền Việt, thuộc nhóm thứ nhất, cư dân tộc Việt tại vùng này. [17]
Bên cạnh dạng trang phục này, thì quý tộc Điền Việt còn được thể hiện trong trang phục áo váy quấn, dạng áo váy quấn của họ quấn vạt phải, có phần khác với phong tục chung của tộc Việt.
Dạng áo váy quấn được mô phỏng chi tiết hơn trên hình vẽ trên các bức tượng Điền Việt. [1,2]
Nhóm thứ hai là tầng lớp bao gồm những người đã chiến đấu chống lại người Điền và những người đã bị họ chinh phục. Phụ nữ thuộc nhóm 2 có đặc điểm là để tóc hai bên, bím tóc dài xuống lưng với hai lọn tóc buông xõa khuôn mặt. Váy của họ dài, rộng và nặng; họ đeo những chiếc vòng (hình dưới). Đàn ông để tóc dài thắt bím hoặc trong hai tết lỏng lẻo. Chiếc áo dài không tay vừa vặn của họ dài đến bắp chân. [17]
Hình 1: Trang phục đặc trưng của nhóm thứ hai, thuộc tầng lớp những người chiến đấu chống lại người Điền hoặc bị họ chinh phục. Hình 2: những người đàn ông trong nhóm này là tù nhân hoặc là nạn nhân của chiến tranh.
Bên cạnh đó có những tượng với trang phục được thể hiện rất đa dạng, thể hiện có thể họ thuộc các dân tộc khác nhau tới cống nạp và thể hiện lòng trung thành với vua Điền.
Các dân tộc khác nhau đến cống nạp, thể hiện lòng trung thành với vua Điền. [17]
Qua những cơ sở xác định bối cảnh trang phục và văn hóa này, chúng tôi sẽ sử dụng những đặc điểm chung của văn hóa tộc Việt trong văn hóa Điền Việt đã được loại trừ các yếu tố ảnh hưởng hoặc tới từ bên ngoài để đối chiếu, so sánh với sử liệu, khảo cứu, cổ vật Đông Sơn để tìm được các dạng trang phục gần chính xác nhất.
e. Tổng kết:
Các cơ sở mà chúng tôi đã dẫn ra cụ thể ở trên, đã thể hiện mối quan hệ trực tiếp giữa người Việt tại miền Bắc Việt Nam từ thời văn hóa Phùng Nguyên với các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, có thể khẳng định người Việt tại Việt Nam là hậu duệ của các cư dân từ vùng Động Đình, Dương Tử (vốn có nguồn gốc từ Việt Nam và Đông Nam Á di cư lên), đây là cơ sở để tham khảo cổ vật và trang phục của các văn hóa này trong phạm vi hạn chế, do thời gian đã cách nhau khá xa, nên chúng tôi sẽ lựa chọn những cổ vật ít có khả năng thay đổi nhất để kết hợp phục dựng với trang phục thời Đông Sơn, trang phục thời kỳ Lương Chử cũng chỉ được sử dụng để đối chiếu và so sánh với thư tịch lịch sử.
Cư dân của các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, vào thời điểm hơn 4000 năm trước đã di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á, thời điểm đó đa phần là cư dân của hai hệ ngữ lớn: Nam Á như các dân tộc Tây Nguyên, Khmer, Khơ Mú… và các dân tộc tại vùng Nam Đảo, các dân tộc này đã tách ra tộc Việt từ thời điểm đó, cũng như có sự giao thoa, hòa huyết với người Ấn Độ và người Australoid da đen, nên việc tham khảo trang phục của họ cũng cần đối chiếu và so sánh cẩn thận, do đã có sự thay đổi nhất định trong phong cách trang phục.
Sau thời điểm 4000 năm, thì các cư dân tộc Việt vẫn tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung tại vùng Nam Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam, cho tới khi tộc Việt tan rã do bước chân xâm lược của người Hoa Hạ vào thời Sở-Tần-Hán, đã hình thành các dân tộc thuộc hai hệ ngữ Nam Á như Việt, Mường, và Tai-Kadai như Thái, Tày, Nùng, Choang, Dai… Bên cạnh đó là các dân tộc thuộc hệ ngữ Hmong-Mien như Hmong, Dao. Đây là các dân tộc gần nhất với tộc Việt, nên có thể làm cơ sở gần hơn để đối chiếu với cổ vật và sử liệu về trang phục thời kỳ Hùng Vương.
2. Phương pháp thực hiện:
Dựa trên cơ sở nghiên cứu di truyền, khảo cổ và ngôn ngữ về nguồn gốc chung của các cư dân tộc Việt, cùng với khảo sát về văn hóa tộc Việt trong văn hóa Điền Việt ở trên, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu toàn diện để tìm hiểu về trang phục thời kỳ Hùng Vương theo hướng đi như sau: lấy cổ vật Đông Sơn, thư tịch lịch sử, khảo cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa làm nền tảng, rồi tới tìm kiếm, so sánh các cổ vật văn hóa Điền Việt, tiếp theo đó là đối chiếu, so sánh với các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt ở vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam theo các thứ tự ưu tiên mà chúng tôi đã đề cập tới ở phần trên, sử dụng một phần cổ vật về trang phục tại các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, sau đó mới tìm kiếm các dạng trang phục tương đồng với thư tịch lịch sử ở những nơi có liên hệ với tộc Việt.
Các vùng có liên hệ với tộc Việt bao gồm vùng châu Mỹ và Bhutan, chúng tôi sẽ tham khảo các dân tộc này trên cơ sở đối chiếu với thư tịch lịch sử để tìm dạng trang phục gần nhất. Việc đối chiếu này không có ý nghĩa khẳng định các dạng trang phục đó là của người Việt, chỉ có thể nói đó là các dạng trang phục tương đồng với trang phục của tộc Việt, chúng ta dựa vào đó để tìm hình dáng gần nhất với trang phục thời kỳ Hùng Vương.
Từ hướng đi này, chúng tôi sẽ tiến hành tìm lại trang phục thời kỳ Hùng Vương của dân tộc Việt.
III. Tiến hành phục dựng:
A. Khảo sát về các dạng trang phục và một vài vấn đề về trang phục thời Hùng Vương:
1. Khảo sát về các dạng trang phục thời Hùng Vương:
Trang phục thời kỳ văn hóa Đông Sơn có thể bao gồm cả dạng áo váy, và dạng áo – quần, trong đó dạng áo váy chiếm thế chủ đạo trong trang phục của người Việt, dành cho cả nam và nữ, theo như thư tịch lịch sử đã ghi lại:
“Người Việt vùng Lĩnh Nam, đặc biệt là Tây Lạc Việt, thường ngày vẫn mặc áo và váy (theo Hậu Hán Thư, Đông Di Truyện) (áo váy quấn và váy chui đầu), cũng giống như câu ca dao Việt Nam: “Cái thúng mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tàu thì không”.” [6]
Chúng tôi cũng nhận thấy có cơ sở để cho rằng thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã có thể có cả dạng trang phục quần. [Xem thêm ở phần Θ Khảo về trang phục quần ở cuối bài khảo cứu]
Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ đi tìm các dạng trang phục tồn tại trong đời sống người Việt, cả hai dạng áo váy và áo quần.
◊ Áo váy quấn vạt áo sang trái (tả nhậm)
Trong sách Luận Ngữ có ghi lại chi tiết: “Quản Trọng theo giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá, nhờ vậy mà thiên hạ từ loạn đổi sang trị. Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải gióc tóc và vắt vạt áo bên trái như bọn man di. Lẽ nào vì tấm lòng trung quân nhỏ hẹp tầm thường mà đi treo cổ bên lạch suối sao?”. [Luận Ngữ, 14:17]
Áo vạt trái trên trống đồng Động Xá. [Nguồn: Phim Đi tìm trang phục Việt]
◊ Áo hai tà:
Áo hai tà là một trong những đặc trưng quan trọng của tộc Việt, nó được thể hiện trên trang phục trên trống đồng, cũng như trên các cán dao găm bằng đồng. Dạng trang phục này có nhiều kiểu dáng, được sử dụng cho nhiều đối tượng.
◊ Dạng áo chui đầu vạt trái:
Trên trống đồng Đông Sơn cũng như trong thư tịch lịch sử cũng thể hiện dạng áo váy chui đầu vạt trái cho cả nam và nữ giới.
[Nguồn: Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam – Nguyễn Văn Huyên]
◊ Áo chui đầu kiểu Poncho:
“Cổ sử Trung Hoa như Bác Vật Chí, Dị Vật Chí và Tam Tài Đồ Hội (三才图会, đời Minh), từng nhắc đến khái niệm “dân khoan ngực (穿胸民)”, theo khảo cứu của Eberhard W. [1968: 360-361], đó chính là hình ảnh chiếc áo choàng đầu kiểu poncho đặc trưng của người Việt cổ vùng Dương Tử. Theo tác giả, cư dân Bắc Bộ Việt Nam thời Đường cũng rất chuộng loại áo này.” [6]
◊ Váy xòe xếp ly:
Trên thạp Hợp Minh có thể hiện một dạng váy có thể là dạng váy xòe xếp ly.
[Nguồn: Hoa Văn Việt Nam – Nguyễn Du Chi]
◊ Áo lông chim:
Theo khảo cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Thơ, chúng ta cần để ý đến một loại trang phục rất quan trọng để biểu trưng cho quyền lực của người Việt, áo lông chim, áo này đi cùng với văn hoá tôn thờ và xem trọng loài chim của người Việt xưa. Loại áo này có thể được dùng cho cả các vị vua Hùng và quý tộc.
“Ngoài các sản phẩm đồ dệt nói trên, áo lông chim cũng là một sản vật đặc trưng Bách Việt. Các cuốn Lĩnh Biểu Kỷ Man, Xích Nhã, Việt Tây Tùng Tải và Lĩnh Ngoại Đại Đáp có dẫn các thủ lĩnh (hoặc vua) các bộ tộc Âu Việt, Lạc Việt và Lâm Ấp thường mặc áo lông thiên nga (hoặc lông chim). Người Hán gọi kiểu áo đó là “điểu y” (鸟衣), gọi cộng đồng mặc áo lông chim là Điểu Di (鸟夷). Áo lông chim gắn liền với tục thờ chim của cư dân địa phương. Hình ảnh “vũ nhân”, “điểu nhân” trên mặt trống đồng hay các sản phẩm có chạm khắc hoa văn Đông Sơn – Điền Việt phản ánh đầy đủ nhận định này.” [6]
◊ Áo lông ngỗng:
Theo khảo cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Thơ và Bùi Thiết, thì các cư dân Việt Lĩnh Nam đã sử dụng lông ngỗng làm chất liệu may mặc, có thể là áo khoác lông ngỗng như truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy đã ghi lại.
“Ngoài chất liệu thực vật, cư dân trong vùng còn sử dụng lông ngỗng làm chất liệu may mặc. Cuốn Lĩnh Nam Di Vật có chép rằng các tù trưởng các đạo phương Nam thường lấy lông ngỗng dệt làm áo ấm [Bùi Thiết 1999: 191-192]” [6]
◊ Áo khoác vải:
Dạng áo khoác vải có dây buộc là một dạng áo phổ thông, được sử dụng trong nhiều nền văn hóa, cũng có thể được sử dụng trong đời sống của người Việt xưa, dành cho cả nam và nữ.
2. Trang phục thời Hùng Vương trong thời Bắc thuộc:
Truyền thống trang phục của người Việt có từ thời Hùng Vương được duy trì tới thời điểm nào? Chúng tôi tìm thấy một dấu tích lịch sử quan trọng được ghi lại, chứng tỏ cho sự tồn tại lâu bền của phong tục trang phục Việt trong thời Hán thuộc:
Trong sách Tam Quốc Chí, phần Ngô chí có ghi lại: Thế kỷ III SCN, Thái thú Tiết Tông trong tờ sớ xin chọn Thứ sử Giao Châu đã miêu tả người Việt: “tóc búi, chân trần, áo chui đầu vạt trái”.”
Phong tục mặc áo quấn thân sang trái của người Việt còn được duy trì tới ít nhất tới TK III SCN. Điều này cũng có nghĩa trang phục người Việt tới lúc đó vẫn cơ bản giữ nguyên truyền thống từ trước thời Hán thuộc của mình.
Do đó chúng ta khi phục dựng trang phục thời hai Bà Trưng, cho tới thời Bà Triệu, hay sau đó, cũng có thể sử dụng trang phục thời Hùng Vương để phục dựng lại.
3. Khố và trang phục thời kỳ Hùng Vương:
Trang phục dạng khố là một dạng trang phục tồn tại trong hệ thống trang phục của người Việt thời kỳ Hùng Vương, có ý kiến đề cập đến khái niệm “văn minh” và “không văn minh” đối với dạng trang phục khố để xác định vai trò của nó trong đời sống của người Việt. Vậy khố chính xác được sử dụng trong các hoạt động nào trong đời sống của người Việt?
Các tư liệu của văn hóa Điền Việt, qua sự khảo sát cơ bản của chúng tôi ở phần trên sẽ là cơ sở để chúng ta xác định chính xác được khố đóng vai trò như thế nào trong đời sống của người Việt. Trong các bức tượng của văn hóa Điền Việt, qua sự khảo sát rất rộng cổ vật của họ, chúng tôi hầu như không tìm thấy dấu vết của sự tồn tại trang phục dạng khố trong các hoạt động của họ, bao gồm cả tâm linh, di chuyển và đời sống thường nhật.
Kiểu đặc trưng trang phục của quý tộc Điền Việt, qua sự khảo cứu của chúng tôi ở phần trên thì là tầng lớp cao nhất của vùng này, là cư dân tộc Việt. [17]
Trang phục chính và thường ngày của người Điền Việt là dạng áo váy liền, cùng với đó là áo choàng vải hoặc lông vũ, dạng trang phục này cũng gần tương đồng với trang phục của người Việt. Hầu như không tìm thấy dạng trang phục khố trong đời sống của người Điền Việt.
Bên cạnh đó còn một vấn đề nữa, đó là trang phục của các hình họa trên trống đồng, có nhiều người cho rằng trang phục trên trống đồng là chiếc khố. Vậy chính xác những hình ảnh trên trống đồng là dạng trang phục như thế nào?
Hình họa được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: Nguyễn Văn Huyên, Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam]
Đầu tiên chúng ta cần xác định chính xác vai trò của những hình họa trên trống đồng: đây là những hình ảnh thể hiện hoạt động tâm linh, do trống đồng là vật thờ trời, nên các hình họa đều được thể hiện với mục đích tế trời, cũng như thờ cúng Tổ Tiên, thờ núi sông. Đây là cơ sở đầu tiên để chúng ta nhìn nhận chính xác về trang phục trong lễ tế, nó yêu cầu sự trang trọng và kín đáo trong trang phục, tương tự như chúng ta ngày nay không được phép ăn mặc hở hang tới các địa điểm tâm linh. Hoạt động tâm linh của người Việt có vai trò rất quan trọng, có thể nói chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống của cư dân tộc Việt, do đó các hoạt động này cần có sự nghiêm chỉnh trong trang phục. Tư duy trang phục của người Việt cũng đã rất phát triển, các dạng trang phục đều thể hiện tính triết lý nhất định, đặc biệt là dạng trang phục đi cùng hai tà, nên việc cho rằng người Việt sử dụng chiếc khố trong lễ tế là chưa hợp lý về mặt logic. Hoạt động tâm linh của người Điền Việt cũng đã thể hiện dạng trang phục rất kín đáo.
Quan sát kỹ hình họa trống đồng, chúng ta sẽ thấy được hai tà rất dài và rộng, cũng như nối liền với thân và tách từ phần thân dưới, nên nó khó có khả năng là một chiếc khố, phần chân cũng hoàn toàn có khả năng là một chiếc quần, chứ không phải chân trần. Dạng trang phục này khá tương đồng với trang phục sử dụng trong điệu Hoàng Vũ của người Miêu trên đảo Hải Nam, cũng sử dụng áo hai tà và quần.
Điệu Hoàng Vũ của người Miêu trên đảo Hải Nam.
Như vậy trang phục khố chỉ có thể đóng vai trò trong hoạt động lao động, thể thao hoặc sử dụng như một dạng đồ lót mặc trong trang phục. Trang phục khố ít có khả năng được sử dụng trong hoạt động tâm linh được mô tả trên các hình họa trống đồng, cũng như không đóng vai trò chính trong hệ thống trang phục của người Việt.
B. Tiến hành phục dựng trang phục:
1. Trang phục của vua Hùng, thủ lĩnh và quý tộc thời Hùng Vương:
1.1. Trang phục cơ bản của các tầng lớp quý tộc thời Hùng Vương:
Đối tượng tham khảo chính:
– Những bức tượng trên cán dao găm đồng Đông Sơn:
Các bức tượng trên các cán dao găm là nữ giới được thể hiện trang phục rất rõ ràng, vì vậy đây sẽ là cơ sở chính để chúng tôi tìm lại trang phục của quý tộc nữ:
[Nguồn: 1. Lê Văn Hảo; 2. BST Phạm Lan Hương, chụp bởi Nguyễn Việt; 3. BST Bảo tàng Barbier-Mueller; 4. BST nhà hàng Trống Đồng]
– Trang phục của quý tộc của văn hóa Lương Chử:
Trang phục thời văn hoá Lương Chử, được các nhà nghiên cứu Trung Quốc phỏng dựng từ một ngôi mộ vị quý tộc của thời kỳ văn hoá này, là nguồn tham khảo đáng giá cho chúng ta để tìm lại trang phục nam thời văn hoá Đông Sơn, với dạng váy quấn, đầu đội mũ lông chim, cổ đeo vòng nhiều lớp, tay đeo vòng. Đây là những đặc điểm trang phục cơ bản được bảo lưu về thời kỳ văn hoá sau như từ Phùng Nguyên tới Đông Sơn.
[Nguồn: dẫn]
Trang phục của các vua Hùng, thủ lĩnh và quý tộc cả nam và nữ thời Hùng Vương đều cùng một dạng cơ bản như thế này, từ kết cấu trang phục này, các hoa văn, chi tiết trang trí, chất liệu sẽ được sử dụng để phân định địa vị của người mặc chúng.
a. Bộ trang phục của quý tộc nữ:
◊ Kết cấu trang phục cơ bản:
Trang phục cơ bản của quý tộc nữ thời kỳ này là áo cùng với váy quấn, áo có thể là dài tay hoặc ngắn tay, váy được quấn quanh thân mình. Nhiều dân tộc Đông Á và Đông Nam Á còn thể hiện một dạng áo váy tương tự như vậy.
Dạng áo váy của người Việt có thể có màu sắc cùng với hoa văn áo và chân váy đồng nhất với nhau, chứ không khác màu và đơn điệu như các dân tộc Mường, Thái. Cổ áo cũng có thể xẻ nhẹ tương tự như bức tượng gỗ Điền Việt thứ hai.
– Sử dụng cạp váy quấn quanh bụng như các dân tộc Mường, Thái. Trước váy được trang trí với một đoạn vải rời (xế) như trang phục của người Hmong.
Kiểu cạp váy quấn quanh bụng của người Mường và người Thái.
Dạng trang phục này rất tương đồng với các dạng trang phục của người Lê, người Bana, cũng như người Bhutan. Màu sắc và hoa văn trên áo và váy là thống nhất với nhau tương tự như trang phục của người Lê. Cách quấn váy chúng ta có thể tham khảo cách quấn Kira của người Bhutan ở hình ảnh cuối cùng. Trang phục của người Việt khác với các dân tộc là có đoạn vải rời (xế), cũng như có cạp váy quấn quanh bụng.
Dạng áo cùng váy quấn của người Lê, người Bana, người Bhutan.
◊ Phỏng dựng:
Trang phục quý tộc nữ thời Hùng Vương được phỏng dựng bởi họa sĩ Đỗ Thái Thanh (trang Anh Hùng 4000) với dạng mũ dành cho quý tộc, khuyên tai ngọc hai đầu thú, áo choàng lông vũ, áo cùng váy quấn thân sang trái được sử dụng cùng cạp váy và chiếc xế, bên cạnh đó là các phụ kiện như vòng cổ, vòng tay, kiếm dài.
Họa sĩ Phan Thanh Nam đã phác họa hình tượng hai bà Trưng dựa trên trang phục quý tộc nữ thời kỳ Đông Sơn. Hoa văn được họa sĩ thực hiện khá tốt, như những gì chúng tôi đã tìm lại trong bài khảo cứu này.
Họa sĩ lilsuki cũng đã phỏng dựng trang phục dựa trên hình tượng được khắc họa trên các cán dao găm bằng đồng Đông Sơn:
◊ Bộ phụ kiện:
– Đầu búi tóc hoặc đội khăn tròn đội đầu.
– Tai đeo khuyên tròn bằng ngọc hoặc đá mã não. [Xem thêm Phần III, mục I.9. Các dạng khuyên tai cho quý tộc và thường dân]
– Cổ đeo những chiếc vòng mã não, ngọc… tương tự như trong các nền văn hoá cổ xa xưa, gốc rễ của Đông Sơn như Lương Chử, Thạch Gia Hà. Vòng được thiết kế thành nhiều lớp dài ngắn nối tiếp nhau (có thể là 3 lớp), tương tự như cách đeo trang sức của thời văn hóa Lương Chử. [Xem thêm phần III mục I.8. Các loại vòng cổ dành cho nam và nữ giới quý tộc]
So sánh trang phục thủ lĩnh nam Lương Chử với tượng nữ thời Đông Sơn (dạng vòng cổ nhiều lớp này có thể được sử dụng cho cả nam và nữ)
b. Bộ trang phục của quý tộc nam:
◊ Kết cấu trang phục cơ bản:
Dạng trang phục của quý tộc nam thời kỳ Hùng Vương, là dạng áo váy quấn, thân áo được quấn sang trái (tả nhậm), như mô tả lại của sách Luận Ngữ.
Trong sách Luận Ngữ có ghi lại chi tiết: “Quản Trọng theo giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá, nhờ vậy mà thiên hạ từ loạn đổi sang trị. Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải gióc tóc và vắt vạt áo bên trái như bọn man di. Lẽ nào vì tấm lòng trung quân nhỏ hẹp tầm thường mà đi treo cổ bên lạch suối sao?”. [Luận Ngữ, 14:17]
Man di là cách gọi có tính miệt thị được người Hoa Hạ sử dụng để chỉ người Việt, chi tiết này cung cấp cho chúng ta thông tin quan trọng về dạng áo vạt trái của người Việt từ thời Khổng Tử.
Tài liệu khảo cổ về văn hóa Đông Sơn cũng ghi lại một dạng áo với vạt áo được trang trí, cùng mảnh thắt lưng, chứng tỏ đây là một dạng áo váy quấn, có kết cấu tương đồng với dạng áo được mô tả trong sách Luận Ngữ.
“Trong mộ thuyền Châu Can được khai quật, những mảnh vải hiện diện rõ những phần khác nhau của trang phục. Trang phục ở mộ mà chủ nhân được chôn là một thanh niên tuổi khoảng 18 đến 20, mặc áo có diềm khâu, diềm tua. Vạt áo trang trí dệt bằng hai loại sợi hỗn hợp: sợi lanh (cannabis) và lụa (silk). Những mảnh thắt lưng ở mộ Châu Can được dệt bằng chất liệu sợi vải gai (boehmira) có bề ngang rộng khoảng 6cm.” [7]
Dạng áo váy quấn này cũng được thể hiện khá rõ trên hình họa trống đồng Động Xá, với áo được sử dụng cùng với thắt lưng để cố định thân áo.
Hình vẽ trang phục dạng áo váy quấn trên trống đồng Động Xá.
Dạng áo này được thể hiện rõ ràng trong tranh phục dựng trang phục thủ lĩnh nam thời Lương Chử, loại trang phục này tồn tại rất lâu về sau này ở các dân tộc khắp vùng Đông Á. Với người Việt, thì hoa văn, màu sắc cũng như chất liệu có thể là quy chuẩn cho vị thế của người mặc.
Trang phục quý tộc Lương Chử. [Nguồn: dẫn]
Dạng áo váy quấn của người Việt là áo dài tay, chân váy có thể dài tới quá nửa đầu gối, chứ không ngắn như tranh phục dựng thời văn hóa Lương Chử. Thân áo cũng được quấn theo hướng ngược lại so với tranh phục dựng, tức tả nhậm (quấn thân sang trái).
Thử so sánh với trang phục của người Bhutan, thì chúng tôi nhận thấy dạng áo váy quấn này hoàn toàn tương đồng với áo Gho. Dạng áo váy quấn (kiểu giao lĩnh) là trang phục của nhiều dân tộc khắp vùng Đông Á, Bhutan cũng là vùng thuộc văn hóa Đông Á cổ xưa, có nhiều đặc điểm của văn hóa Đông Á, kiểu trang phục của họ có thể mang dấu ấn từ xa xưa. Chúng ta có thể tham khảo trực tiếp kiểu dáng áo của họ, và sử dụng màu sắc và hoa văn Việt mà chúng tôi liệt kê ở phần IV để trang trí và thiết kế.
Cả hai dạng áo váy quấn dành cho nam, và áo váy dành cho quý tộc nữ mà chúng tôi tìm lại ở trên đều khá tương đồng với bộ đôi áo váy dành cho quý tộc nam (Gho) và nữ (Kira) của người Bhutan.
[Nguồn: dẫn]
◊ Bộ phụ kiện:
– Đầu đội băng đô hoặc búi tó.
– Đối với nam giới cũng có những chiếc vòng mã não, ngọc nhiều lớp như đối với nữ. [Xem thêm phần III mục I.8. Các loại vòng cổ dành cho nam và nữ giới quý tộc]
– Tai cũng đeo khuyên tròn tương tự như nữ giới. [Xem thêm phần III mục I.9. Các dạng khuyên tai cho quý tộc và thường dân]
– Bụng đeo thắt lưng, khóa thắt lưng được sử dụng cùng với vải để cố định thân áo. Những chiếc khóa thắt lưng có thể được dành riêng cho quý tộc nam. [Xem thêm phần III mục I.10. Khóa thắt lưng và gài đai lưng dành cho quý tộc và thường dân]
◊ Phỏng dựng:
Trang phục quý tộc nam thời Hùng Vương được phỏng dựng bởi họa sĩ Đỗ Thái Thanh (trang Anh Hùng 4000) với áo váy quấn thân sang trái, thắt lưng đồng, mũ lông chim, khuyên tai, áo choàng lông vũ cùng phụ kiện.
◊ Trang phục của các vị vua Hùng:
Với các vị vua Hùng, họ cũng sử dụng dạng áo váy quấn thân sang trái như chúng tôi đã tìm lại ở trên, tuy nhiên dạng áo của họ sẽ cầu kỳ, phức tạp hơn, được may bằng loại vải tốt nhất, cũng như có thể rộng và dài hơn so với trang phục quý tộc, ống tay và thân váy rộng hơn, chân váy có thể dài chấm đất, như vậy sẽ thể hiện được tính quyền uy của các vị. Trang phục của vua Hùng cũng sử dụng những chiếc khóa thắt lưng với độ tinh xảo cao hơn so với của quý tộc.
Đây có thể là chiếc thắt lưng dành riêng cho các vị vua Hùng, bởi sự khác biệt và tinh xảo của nó so với tất cả các loại khóa thắt lưng khác đã tìm thấy được. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller]
Trang phục của thủ lĩnh Lương Chử được bảo tàng tỉnh Chiết Giang phục dựng có thể là một nguồn tham khảo cho chúng ta về trang phục của các vị vua Hùng, với mũ lông chim và áo váy quấn vạt trái.
Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
◊ Phỏng dựng:
Trang phục vua Hùng được phỏng dựng bởi họa sĩ Đỗ Thái Thanh (trang Anh Hùng 4000) với áo mũ miện mào chim, áo choàng lông chim, áo váy quấn thân sang trái, vòng cổ, thắt lưng, cùng dép và phụ kiện.
1.2. Áo choàng lông chim và lông vũ dành cho vua, hoàng tộc và thủ lĩnh vùng:
Vua, hoàng tộc hay thủ lĩnh vùng cũng sử dụng những dạng trang phục của quý tộc nam và quý tộc nữ như chúng tôi đã tìm lại ở trên, với sự khác biệt trong thiết kế, chất liệu cũng như hoa văn và màu sắc, bên cạnh đó, có thể họ còn có dạng áo để thể hiện tính quyền lực của mình: những chiếc áo choàng lông chim và lông vũ. Cả hai dạng áo này trong thư tịch lịch sử được ghi lại dành cho những người thuộc tầng lớp cao trong xã hội.
Với nam giới, thì dạng áo lông chim được ghi lại sử dụng cho vua hoặc thủ lĩnh vùng ở khắp vùng Hoa Nam và Việt Nam, trong địa bàn của quốc gia Văn Lang:
“Các cuốn Lĩnh Biểu Kỷ Man, Xích Nhã, Việt Tây Tùng Tải và Lĩnh Ngoại Đại Đáp có dẫn các thủ lĩnh (hoặc vua) các bộ tộc Âu Việt, Lạc Việt và Lâm Ấp thường mặc áo lông thiên nga (hoặc lông chim).” [6]
Còn đối với nữ giới, thì dạng áo lông ngỗng được ghi lại như một dạng trang phục của Mị Châu, một Mị Nương (hoàng tộc) của thời An Dương Vương.
Dạng áo này rất cầu kỳ và phức tạp trong may mặc, yêu cầu nhiều thời gian, công phu cũng như nguyên liệu, nên chúng chỉ dành cho một số đối tượng hãn hữu, là các tầng lớp cao nhất trong xã hội.
a. Áo choàng lông chim dành cho vua, hoàng tộc và thủ lĩnh nam:
Đối với các vị vua, thủ lĩnh nam giới, thì họ sử dụng những chiếc áo choàng lông chim, với vai trò thể hiện địa vị, do tính cầu kỳ và phức tạp trong thiết kế và may mặc của nó. Dạng áo này đã được ghi nhận trong thư tịch lịch sử, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người Việt. Ở vùng Đông Á chúng tôi hầu như không tìm thấy dấu tích của chúng, nhưng thật may mắn là người bản địa Hawaii còn lưu giữ loại áo khoác lông chim này.
Các dạng áo khoác lông chim của người Hawaii và cách sử dụng trong thực tế. [Nguồn: tổng hợp qua công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google]
◊ Người Việt và người Polynesian liên hệ với nhau như thế nào?
Các nghiên cứu di truyền đã chứng minh về một phần nguồn gốc tộc Việt của người Polynesian, họ di cư từ vùng Động Đình, Dương Tử sang Đài Loan sau đó xuống vùng Đa Đảo [18][19], bao gồm cả đảo Hawaii, cư dân tại đây có phong tục tương đồng với tộc Việt, như việc ăn trầu. Sự liên hệ của người Việt và người Polynesian còn được thể hiện qua nghiên cứu gen của loài heo, theo nghiên cứu này, thì loài heo tại Hawaii có nguồn gốc trực tiếp từ miền Bắc Việt Nam [20], chứng tỏ sự giao thương và trao đổi giữa hai vùng trong thời kỳ sau thời điểm 4000 năm. Văn hóa Đông Sơn cũng ảnh hưởng tới vùng Đa Đảo với biểu hiện là trống đồng và các di vật bằng đồng có phong cách Đông Sơn.
Do đó, chúng ta có thể tham khảo kiểu dáng áo của người Polynesian bản địa Hawaii để phục dựng lại dạng áo lông ngỗng và lông chim của tộc Việt. Dạng lông, dạng màu sắc của loại áo lông chim của người Việt có thể sử dụng lông các loài chim bản địa Việt Nam và Hoa Nam có màu sắc đẹp.
Loại áo này có thể được sử dụng cho mùa đông, có đồng thời hai chức năng: biểu tượng quyền lực và giữ ấm.
Chúng tôi còn tìm được cách thức chi tiết làm loại áo này, bạn đọc có thể xem ở đây.
b. Áo choàng lông ngỗng, lông thiên nga dành cho hoàng tộc, thủ lĩnh nữ:
Đối với hoàng tộc, thủ lĩnh nữ, thì áo choàng lông ngỗng hoặc lông thiên nga được họ sử dụng để thể hiện tính quyền lực của mình. Dạng áo này được ghi lại trong truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, cũng như trong thư tịch lịch sử như một dạng áo dành cho hoàng tộc. Dạng áo này cũng không còn dấu tích ở vùng Hoa Nam và Đông Nam Á, nhưng thật may mắn vì người Hawaii ngoài việc có dạng áo lông chim, họ còn có cả dạng áo choàng sử dụng lông ngỗng.
Chiếc áo lông ngỗng này được một nghệ nhân Hawaii có tên Boris Huang phục dựng lại, kiểu dáng gần tương tự dạng áo choàng lông chim, nhưng thay vào vì sử dụng lông chim thì tác giả sử dụng lông ngỗng, tạo thành một chiếc áo choàng với màu sắc thuần trắng rất đẹp và phù hợp với nữ giới.
1.3. Dạng áo choàng vải dành cho thủ lĩnh, quý tộc nam và nữ:
Bên cạnh những dạng trang phục chính mà chúng tôi đã tìm lại ở trên, thì trong trang phục của người Việt còn có thể tồn tại dạng áo choàng vải, được choàng bên ngoài trang phục chính, sử dụng cho các tầng lớp từ hoàng tộc, thủ lĩnh cho tới quý tộc. Cách thiết kế, màu sắc, chất liệu và hoa văn trang trí giữa các tầng lớp sẽ có sự khác biệt.
Kết cấu áo choàng vải tương tự như áo choàng lông chim, đó là dạng áo cơ bản chung dành cho các dạng áo choàng, với kết cấu chung đó áo sẽ được thiết kế các họa tiết khác nhau cho nam và nữ, các kiểu áo choàng vải trên trang phục của người Điền Việt là một gợi ý cho cách trang trí họa tiết trên áo choàng vải.
◊ Áo choàng vải dành cho thủ lĩnh, quý tộc nữ:
Với quý tộc nữ, thì dạng áo choàng vải được thể hiện khá rõ ràng trên tượng đồng Điền Việt, với áo được choàng bên ngoài trang phục, có dây buộc trước cổ, cũng như được trang trí bằng hoa văn các loài vật: Phượng, Hươu…, chứng tỏ đây là dạng áo dành cho tầng lớp cao trong xã hội. Với dạng áo của người Việt, cũng có thể sử dụng các vật tổ như Rồng – Phượng, hay hình tượng mặt trời để thiết kế trên áo để biểu trưng cho hoàng tộc và quý tộc.
◊ Áo choàng vải dành cho thủ lĩnh, quý tộc nam:
Đối với thủ lĩnh, quý tộc nam, thì dạng áo cũng cơ bản tương đồng với áo choàng của thủ lĩnh, quý tộc nữ, được thể hiện khá rõ ràng trên tượng đồng Điền Việt. Dạng áo này cũng có dây buộc trước cổ, choàng bên ngoài trang phục chính.
Dạng áo choàng vải cũng được các nhà nghiên cứu Trung Quốc phục dựng lại, chúng ta có thể tham khảo được kiểu dáng và cách thức trang trí được thể hiện trong tranh phục dựng:
2. Các dạng trang phục của các tầng lớp khác trong xã hội Việt:
2.1. Áo chui đầu vạt trái cho cả nam và nữ giới:
Các tài liệu lịch sử cũng cho thấy ngoài dạng áo váy quấn thân sang trái, thì trang phục của người Việt còn tồn tại dạng áo chui đầu vạt trái, dành cho cả nam và nữ giới.
Trong sách Tam Quốc Chí, phần Ngô chí có ghi lại: Thế kỷ III SCN, Thái thú Tiết Tông trong tờ sớ xin chọn Thứ sử Giao Châu đã miêu tả người Việt: “tóc búi, chân trần, áo chui đầu vạt trái”.”
Trong các tài liệu lịch sử khác như Hán Thư, Hậu Hán Thư, cũng có ghi về dạng trang phục “áo chui đầu vạt trái”, tương tự như mô tả của sách Tam Quốc Chí. Đây là một dạng áo váy xuông đơn giản của người Việt, với triết lý tả nhậm được thể hiện trên vạt áo phía bên trái, sử dụng cùng với khuy áo bằng đồng. Khảo cứu văn hóa học cũng cho thấy một dạng áo tương tự như mô tả của các tài liệu lịch sử.
“Người Việt vùng Lĩnh Nam, đặc biệt là Tây Lạc Việt, thường ngày vẫn mặc áo và váy (theo Hậu Hán Thư, Đông Di Truyện) (áo váy quấn và váy chui đầu), cũng giống như câu ca dao Việt Nam: “Cái thúng mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tàu thì không”.” [6]
Dạng áo chui đầu này tồn tại cả trong các tài liệu khảo cổ của văn hóa Điền Việt và văn hóa Đông Sơn.
a. Dạng áo chui đầu vạt trái khổ rộng dành cho tầng lớp cao trong xã hội:
Dạng áo chui đầu vạt trái này có nhiều kiểu dáng khác nhau, về hình dáng cơ bản có thể tương tự như những hình ảnh trên trống đồng văn hóa Điền Việt ở dưới đây. Dạng áo này rất gần với trang phục của dân tộc Mapuche, người bản địa Nam Mỹ (Chile). Tuy nhiên khác biệt của trang phục người Việt với trang phục của Điền Việt và người Mapuche là áo có thêm vạt bên trái đi cùng với khuy.
Dạng áo trùm trên trống đồng Điền Việt và dạng áo của người bản địa Nam Mỹ (Chile) [Nguồn].
b. Dạng áo chui đầu vạt trái cho cả nam và nữ thường dân:
Bên cạnh dạng áo chui đầu vạt trái cho tầng lớp cao trong xã hội, thì còn tồn tại cả dạng áo dành cho các tầng lớp thấp hơn trong xã hội của người Việt. Đây là dạng áo váy có thể được sử dụng cho cả nam và nữ giới, được thể hiện rõ ràng trên trống đồng Đông Sơn và Điền Việt, và cũng được ghi lại trong thư tịch lịch sử mà chúng tôi đã dẫn lại ở trên.
Dạng váy xuông trên trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam – Nguyễn Văn Huyên]
Theo hình vẽ trên cả hai trống đồng Điền Việt và Đông Sơn, thì đây là trang phục dành cho cả nam và nữ, có kích thước nhỏ hơn dạng trang phục cho tầng lớp cao trong xã hội, với nam giới có thể sử dụng cùng dây lưng vải, còn với nữ giới có thể sử dụng cùng cạp váy.
[Nguồn: dẫn]
Dạng áo này của người Điền được phỏng dựng lại bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc, dạng áo của người Việt cũng tương đồng với dạng áo của người Điền Việt, nhưng được bổ sung thêm hàng khuy cài vạt trái, với những chiếc khuy bằng đồng.
2.2. Các dạng trang phục dành cho thường dân:
a. Dạng áo váy quấn với hoa văn đơn giản dành cho cả nam và nữ giới:
Bên cạnh dạng áo váy quấn với hoa văn, chất liệu cao cấp hơn dành cho quý tộc, thì kiểu áo váy quấn cũng được dành cho cả thường dân, với hoa văn đơn giản hơn hoặc không có hoa văn, khi nó được ghi lại như một đặc trưng của người Việt.
Trong sách Luận Ngữ có ghi lại chi tiết: “Quản Trọng theo giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá, nhờ vậy mà thiên hạ từ loạn đổi sang trị. Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải gióc tóc và vắt vạt áo bên trái như bọn man di. Lẽ nào vì tấm lòng trung quân nhỏ hẹp tầm thường mà đi treo cổ bên lạch suối sao?”. [Luận Ngữ, 14:17]
Áo váy quấn được thể hiện trên trống đồng Động Xá. [Nguồn: Phim Đi tìm trang phục Việt]
Dạng áo váy quấn thân sang trái được mô phỏng chi tiết hơn trên hình vẽ trên các bức tượng Điền Việt. [1,2]
Dạng áo này trong sử liệu không ghi rõ là dành riêng cho nam hoặc cho nữ, do đó nữ giới cũng có thể có dạng áo vạt trái tương tự, bên cạnh các loại trang phục chính. Dạng áo vạt trái có thể được phối với váy quấn cùng cạp váy tương tự như trang phục của người Tai Lue, đây là một nhánh của người Shan thuộc hệ ngữ Tai-Kadai. Dạng trang phục của người Tai Lue còn được giữ được đặc trưng áo vạt trái.
Trang phục của người Tai Lue Thái Lan. [Nguồn]
◊ Phỏng dựng:
Trang phục áo váy quấn thân sang trái thời Hùng Vương được phỏng dựng bởi họa sĩ Đỗ Thái Thanh (trang Anh Hùng 4000), trang phục được phục dựng cùng thắt lưng đồng, mũ lông chim, khuyên tai, áo choàng lông vũ cùng phụ kiện.
Bên cạnh dạng áo dành cho nam, thì nữ giới cũng có thể có kiểu áo váy quấn thân sang trái đi cùng với dạng váy quấn và cạp váy tương tự của người Tai Lue.
b. Dạng áo hai tà cho nữ giới:
Dạng áo hai tà cũng là một đặc trưng của người Việt, khi dạng áo này được sử dụng cho nhiều đối tượng mà mục đích, dành cho cả nam và nữ. Trên rìu đồng Đông Sơn cũng thể hiện hình ảnh một gia đình bao gồm cha, mẹ và con cái đều mặc dạng áo hai tà, cũng như hình ảnh nữ giới mặc chiếc áo hai tà được thể hiện trên hoa văn Đông Sơn.
Áo hai tà được thể hiện cho cả nam và nữ trên rìu đồng, cũng như cho riêng nữ trên hình họa trống đồng. [1. Hoa Văn Việt Nam – Nguyễn Du Chi; 2. Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam – Nguyễn Văn Huyên]
Dạng áo váy hai tà này có cùng ý nghĩa và ý tưởng thiết kế với áo váy của nữ quý tộc, với lớp xế ở phía trước váy. Dạng áo váy hai tà cũng như có xế là rất phổ biến trong các dân tộc được chúng tôi khảo cứu.
Dạng áo hai tà của người Việt xưa có thể được cài khuy và bố trí hoa văn trang trí bên vai trái (tả nhậm), với những chiếc khuy đồng. Áo bao gồm hai lớp, áo váy bên trong, và áo hai tà bên ngoài, tà váy có thể dài bằng hoặc quá lớp váy bên trong.
Dạng áo váy hai tà cũng tồn tại trong trang phục của người Dao Tiền. Họ còn cải biến hơn với việc sử dụng khá nhiều tà áo. Trang phục của người Dao Tiền khá tương đồng với cả hai dạng áo váy hai tà và áo váy quấn cùng xế. Người Hmong xưa kia cũng có trang phục với tà áo rộng hơn, tương tự như dạng áo hai tà của người Việt và các dân tộc.
Dạng áo hai tà ở người Dao Tiền và người Hmong thời Pháp thuộc.
Dạng áo hai tà ở các dân tộc Động, Pa Dí, Kam, La Hủ, Bố Y.
c. Dạng váy xòe xếp ly cho nữ giới:
Trên thạp Hợp Minh có hoa văn thể hiện một dạng váy xòe xếp ly, dạng váy xòe xếp ly xuất hiện rất phổ biến trong các dân tộc ở Việt Nam và Hoa Nam như Hmong, Choang, Động, Paiwan…
Dạng váy xòe xếp ly được thể hiện trên thạp Hợp Minh là liền với thân áo, độ dài có thể tới gần cổ chân. Dạng áo này có thể có thêm chiếc xế hoặc hai tà ở lớp ngoài cùng tương tự như các dân tộc được chúng tôi dẫn ở các hình phía dưới.
Dạng váy xòe xếp ly ở các dân tộc Choang, Hmong, Động, Paiwan.
2.3. Dạng áo hai tà sử dụng cho lễ tế:
Chúng tôi nhận thấy dạng áo hai tà được sử dụng trong hầu như trên tất cả hình họa trên các trống đồng thời Đông Sơn của người Lạc Việt và cộng đồng tộc Việt, với đa số hình họa được thể hiện cho hoạt động tế lễ.
Dạng áo hai tà này cũng xuất hiện trong hình họa của hầu hết các trống đồng ở các vùng tộc Việt khác, cũng dành cho nhiều mục đích và đối tượng như trên trống đồng Đông Sơn.
Dạng áo hai tà được thể hiện trên trống đồng Điền Việt và trống đồng Dư Hàng, Chiết Giang. [Nguồn: 1, 2]
◊ Kiểu dáng cơ bản của áo hai tà:
Dạng áo hai tà theo các hình vẽ trên trống đồng cho thấy thân áo nối liền với áo hai tà, phần chân có thể mặc quần dài, do tính chất trang trọng của các dịp lễ tế. Theo khảo cứu văn hóa, thì tộc Việt có thể đã có trang phục dạng quần. Dạng áo hai tà này còn có thể thấy trong điệu Hoàng Vũ của người Miêu trên đảo Hải Nam. Tà áo của người Việt có thể rộng hơn so với tà của người Miêu trên đảo Hải Nam.
Điệu Hoàng Vũ của người Miêu trên đảo Hải Nam [nguồn]
◊ Dạng áo hai tà đính lông chim sử dụng cho lễ tế:
Dạng áo hai tà với kiểu dáng tương tự như trên được đính thêm lông chim để sử dụng trong lễ tễ, cùng với đó là đội mũ lông chim, như một hình thức hóa trang thành chim, để thể hiện nền văn hóa lưỡng hợp Tiên (Chim) – Rồng của dân tộc Việt (cùng với hình thức xăm mình hình rồng).
Trên trống đồng Điền Việt có thể hiện khá rõ ràng hai hình ảnh tương phản: trang phục thường ngày và trang phục lễ tế, trang phục thường ngày là dạng áo váy xuông và váy quấn sử dụng cho đa số cư dân, còn phía dưới là dạng áo hai tà đi cùng lông chim được sử dụng trong các dịp lễ tế.
Trong ngày lễ, người Việt cũng có sử dụng cùng với những chiếc mũ lông chim, thường ngày có thể không sử dụng. Dạng mũ lông chim có thể tương tự như của người Paiwan và người Động, với chiếc khăn đội đầu đính lông chim lên phía trên.
Mũ lông chim của người Động. [Nguồn: dẫn]
Điệu vũ thờ cúng Tổ Tiên, tế lễ núi sông được thể hiện khá rõ ràng trên trống đồng, với hình ảnh người hóa trang thành chim với áo hai tà đính lông chim và đội mũ lông chim.
Dạng trang phục tương đồng với dạng áo hai tà trên trống đồng Đông Sơn còn được thể hiện trên trang phục điệu vũ của các dân tộc Miêu, Đồng.
Điệu vũ của người Miêu và người Đồng. [Nguồn: 1, 2]
Điệu vũ thờ cúng Tổ Tiên, tế lễ sông núi, còn giữ được ở người Hmong, được gọi là Hoàng Vũ.
Thời nhà Chu cũng sử dụng áo lông chim phục vụ cho mục đích tế lễ tương tự như người Việt. Đây là ảnh hưởng có tính lan tỏa của văn hóa gốc Cao Miếu tại Hồ Nam của người Việt.
Điệu Hoàng Vũ của người Hmong trên đảo Hải Nam, và áo lông sử dụng trong cúng tế của nhà Chu. [Nguồn: 1, 2]
2.4. Dạng áo trùm Poncho:
Dạng áo chui đầu kiểu Poncho được cổ sử Trung Hoa như Bác Vật Chí, Dị Vật Chí và Tam Tài Đồ Hội (三才图会, đời Minh), từng nhắc đến khái niệm “dân khoan ngực (穿胸民)”, theo khảo cứu của Eberhard W. [1968: 360-361], đó chính là hình ảnh chiếc áo choàng đầu kiểu poncho đặc trưng của người Việt cổ vùng Dương Tử. Theo tác giả, cư dân Bắc Bộ Việt Nam thời Đường cũng rất chuộng loại áo này. [6]
Chúng tôi có tìm được một tư liệu trang phục của dân tộc Mapuche, người bản địa châu Mỹ, họ cũng có liên hệ với văn hóa của tộc Việt, cổ vật của họ có điểm tương đồng với văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà của tộc Việt, nên chúng ta có thể dựa vào những ghi chép trong cổ sử và tham khảo dạng áo của họ để phục dựng lại dạng áo Poncho thời kỳ Hùng Vương, chúng ta cần sử dụng những hoa văn, màu sắc của người Việt để phác họa lại một trang phục có tính Việt nhất.
Dạng áo trùm Poncho này có thể được may bằng vải gai, và có thể được sử dụng như một dạng áo ấm trong mùa đông.
Hình vẽ dạng áo choàng Poncho của người bản địa Nam Mỹ (Chile). [Nguồn]
2.5. Dạng áo – quần dành cho cả nam và nữ:
Về trang phục dạng quần, chúng tôi chưa tìm được bằng chứng khảo cổ chứng minh trang phục thời Hùng Vương đã có dạng quần, tuy nhiên quần đã xuất hiện từ sớm tại văn hóa Hoa Hạ, sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại giữa người Việt và người Hoa Hạ là rõ ràng trong các giai đoạn. Văn hóa Điền Việt cũng đã có quần. Các dân tộc có cùng nguồn gốc với người Việt cũng đã có rất phổ biến trang phục dạng quần. Yu Tianjin và các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng xác định “Tục mặc quần ngắn hay váy ngắn, đội khăn”, là một phong tục của tộc Việt. Do đó có cơ sở để nói rằng thời kỳ Hùng Vương đã có trang phục dạng quần. [Xem thêm mục Θ Khảo về trang phục quần ở cuối bài khảo cứu]
Trang phục dạng quần dài và áo khá đơn giản, đa phần các dân tộc đều có cùng một kiểu dáng. Áo và quần riêng biệt, áo có thể là ngắn tay hoặc dài tay.
Bên cạnh quần dài, thì còn tồn tại cả dạng quần ngắn, đi cùng với áo dài, đầu đội khăn, đây là một phong tục được Yu Tianjin và các nhà nghiên cứu Trung Quốc kể tới như đặc trưng của văn hoá tộc Việt: “Tục mặc quần ngắn hay váy ngắn, đội khăn”.
Dạng áo và quần ngắn của người Điền Việt. [Nguồn: dẫn]
Các dạng áo – quần của người Paiwan, Dao Đỏ, Hmong, Tày, Nùng.
2.6. Trang phục lao động:
a. Khố:
Tượng trên cán dao găm Đông Sơn rất phổ biến hình ảnh nam giới cởi trần, đóng khố, đó là hình ảnh có tính nghệ thuật, thể hiện sự mạnh mẽ của giới nam, tương tự như những bức tượng Hy Lạp cổ đại. Thường ngày, người Việt mặc xiêm áo như chúng tôi đã tìm lại ở trên, họ chỉ đóng khố, cởi trần lúc lao động cho thoải mái và tiện lợi. Khố của người Việt thời Hùng Vương có thể còn cầu kỳ hơn, với cả những hoa văn tương tự như trên cán dao găm.
Dạng khố cùng hai tà khố trên cán dao găm Đông Sơn và của người Việt thời Pháp thuộc sử dụng trong lao động. [Nguồn: 1. Martin Doustar – Art of bronze age in Southeast Asia; 2. Ảnh được chụp từ thời Pháp thuộc tài miền Bắc Việt Nam (Tonkin)]
Dạng khố của người Việt thời Hùng Vương cũng kín đáo và dày dặn hơn so với khố của người Việt cận đại, có cả hai tà trước và sau, tương tự như khố của người Dayak.
Tà sau của khố thể hiện trên cán dao găm và khố của người Dayak. [Nguồn: 1. Martin Doustar – Art of bronze age in Southeast Asia; 2. như ảnh]
b. Áo tơi:
Bên cạnh chiếc khố, thì chiếc áo tơi với chất liệu tự nhiên, dễ tìm kiếm, dễ may mặc như thế này cũng có thể được sử dụng trong đời sống lao động của người Việt xưa. Loại áo này có thể sử dụng khi làm ruộng, khi lao động để tránh nắng mưa.
2.7. Trang phục của chiến binh:
Trong hình ảnh minh họa lại “trang phục” của các chiến binh Đông Sơn, thì họ chỉ cởi trần, đóng khố, đeo hộ tâm phiến và đánh giặc, hình ảnh đó hoàn toàn không chính xác với thực tế khảo cổ học. Khảo cổ học phát hiện rất nhiều mảnh áo giáp bằng đồng, bên cạnh những chiếc hộ tâm phiến, nên trang phục của người lính Việt thời Đông Sơn có thể đã phức tạp và cầu kỳ, chứ không đơn giản là cởi trần, đóng khố, đeo hộ tâm phiến.
Bên cạnh đó, thì bức tượng của văn hóa Điền Việt cũng đã thể hiện trang phục và áo giáp rất rõ ràng:
Bản mô phỏng lại bộ giáp trên tượng của văn hóa Điền Việt:
Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phục dựng lại trang phục của vua Điền, với áo giáp đi cùng với áo choàng vải hoặc lông vũ như chúng tôi đã tìm lại ở trên.
Ngoài dạng áo giáp mảnh như trên, thì chiến binh Việt còn có thể sử dụng áo giáp da và áo giáp vải, cũng có tác dụng rất hiệu quả trong chiến tranh.
Các dạng áo giáp có thể được sử dụng cùng với những miếng hộ tâm phiến được phát hiện rất phổ biến trong thời Đông Sơn, được sử dụng để che chắn điểm hiểm yếu trước ngực.
Chiến binh cũng có thể có những chiếc khiên phòng thủ bằng gỗ, với hình dáng tương tự như trên tượng đồng Điền Việt:
Bản phục dựng chiến binh Đông Sơn từ bạn Phan Thanh Nam (Ấm Chè), đây là bản phục dựng dựa trên sự khảo sát trang phục và cổ vật Đông Sơn và tộc Việt còn sót lại, rất đáng để chúng ta tham khảo:
3. Các bộ phận phụ của trang phục:
3.1. Mảnh áo trùm ngực:
Các dạng trang phục của nữ giới mà chúng tôi đã tìm lại ở trên có thể được sử dụng cùng với áo trùm ngực với những tua rua trang trí. Loại áo này thường được sử dụng trong những dịp quan trọng như lễ hội, lễ cưới, được sử dụng dành riêng cho các thiếu nữ.
Người Kalavan (Đài Loan), người Paiwan (Đài Loan), người Dayak (Indonesia), người Miao (Hồ Nam, TQ).
3.2. Băng đeo chéo:
Dạng băng đeo chéo người chúng tôi nhận thấy được các dân tộc sử dụng khá phổ biến, và nó cũng xuất hiện trên các bức tượng của văn hóa Điền Việt. Nó có thể được sử dụng để thể hiện tính quyền lực, hoặc sử dụng trong những dịp quan trọng như lễ hội, lễ cưới…
Băng có thể là băng đơn, hoặc băng đôi đeo chéo thân người, tương tự như các dân tộc ở các ảnh dưới đây.
Băng đeo chéo trong trang phục người Kalavan, Tây Nguyên, Dayak, Paiwan, Hmong.
3.3. Khăn:
– Có thể đã có những chiếc khăn tương tự như khăn của các dân tộc anh em của người Việt đang sử dụng vào thời văn hoá Đông Sơn, được sử dụng với chức năng giữ ấm, và có thể cả trong những dịp tế lễ.
Khăn Piêu của người Thái. [Nguồn]
Khăn thổ cẩm của người Mạ (Tây Nguyên). [Nguồn]
3.4. Dép:
Người Việt rất ưa thích đi chân đất, do đời sống gắn bó chặt chẽ với đồng ruộng, với nông nghiệp, đây cũng là đặc điểm gắn bó chặt chẽ với người Việt trong thời kỳ trung đại, xuất hiện ở cả tầng lớp bình dân và quý tộc.
Tuy nhiên, ngay từ thời văn hóa Hà Mẫu Độ cách ngày nay khoảng 7000 năm, thì người tiền Việt cũng đã sáng tạo ra một dép bằng gỗ, với di vật khảo cổ tìm được tại di tích khảo cổ Cihu, tỉnh Chiết Giang, là chiếc dép bằng gỗ cổ nhất thế giới tìm thấy được. Có thể thấy từ các lỗ xỏ dây, thì đây là một dạng xép xỏ ngón như dép lào chúng ta đi ngày nay.
Tới thời văn hóa Lương Chử, thì người Việt cũng đã kế thừa loại dép này, cũng tìm thấy được di vật khảo cổ để lại. Đây là một loại dép có hình dáng hơi khác so với dép thời văn hoá Hà Mẫu Độ, với 6 lỗ thay vì 5 lỗ, hình dáng có thể gần tương tự như hình phục dựng phía dưới.
Dép thời văn hóa Lương Chử cùng tranh phục dựng lại. [Nguồn]
Tới các thời văn hóa từ Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn, người Việt có thể kế thừa những loại hình dép này, tuy nhiên thời tiết của miền Bắc Việt Nam rất khó lưu giữ được những đồ vật bằng gỗ như thế này, hoặc có thể có nhưng chúng tôi chưa tìm thấy được tư liệu, nên chúng ta có thể sử dụng dạng dép của văn hóa Hà Mẫu Độ và Lương Chử.
Loại dép này có thể được sử dụng riêng cho bậc quý tộc và các vị vua Hùng, do dân thường thường chỉ đi chân đất như lý do chúng tôi đã đề cập. Những kiểu dáng cũng đã khá cơ bản, nên khả năng chúng sẽ không thay đổi quá nhiều theo thời gian.
Theo nghiên cứu khảo cổ của người Trung Quốc, thì người Lương Chử có thể còn sử dụng guốc da thú để giữ ấm trong mùa đông, đây cũng là gợi ý quan trọng để chúng ta thử tìm lại các loại giày dép trong thời kỳ này.
4. Tìm lại các dạng mũ và khăn:
4.1. Vương miện của các vua Hùng:
Đối với các vị vua, thì họ có riêng cho mình những chiếc vương miện, do quyền lực của các vị vua Hùng thời kỳ đó là rất lớn, cả về chính trị và tôn giáo, nên họ phải có vật để thể hiện sự khác biệt. Loại vương miện thời kỳ đó chúng ta có thể tham khảo chiếc mũ miện mào chim trên tượng ngọc thời văn hoá Thạch Gia Hà.
Mũ miện mào chim thể hiện trên tượng ngọc Thạch Gia Hà. [Nguồn: dẫn]
4.2. Dạng khuôn búi tóc của thủ lĩnh nữ:
Dạng khuôn búi tóc của thủ lĩnh nữ được thể hiện trên cán kiếm ngắn có thể hiện hình tượng hai bà Trưng. Chiếc khuôn búi tóc trên chiếc cán kiếm ngắn có thể tương tự như hình ảnh được phục dựng của blog Daiyevon ở phía dưới.
[Nguồn: BST Phạm Lan Hương; Blog Daiyevon]
Kiểu búi tóc cao, buộc ở giữa này cũng có thể hiện rõ ràng trên tượng cán dao găm Đông Sơn khác, và cũng được thể hiện trên tượng gỗ Điền Việt:
[Nguồn: BST Kiều Quang Chẩn – Vang vọng từ trống Đông Sơn]
4.3. Khăn đội đầu:
Những chiếc khăn tròn đội đầu được các dân tộc sử dụng rất phổ biến, đa phần được sử dụng cho những người trẻ, dành cho cả nam và nữ giới. Mỗi dân tộc sẽ có sự khác biệt trong thiết kế về kích cỡ, hoa văn, cũng như có thể có sự khác biệt trong từng dịp. Chúng ta có thể sử dụng những hoa văn truyền thống của người Việt như chúng tôi đã liệt kê ở phía dưới để thiết kế một dạng khăn riêng biệt của người Việt. Dạng khăn tròn đội đầu cũng được thể hiện khá rõ ràng trên các di vật khảo cổ của văn hóa Đông Sơn.
Người Dayak, người Yao, người Bana, người Paiwan, người Thuỷ, người Mường, người Bana (nam).
– Trên khăn vải có thể được thiết kế thêm biểu tượng chữ V, được thể hiện trên bức tượng người quỳ Đông Sơn, có thể có tính tượng trưng cho quyền lực của người quý tộc.
So sánh hình ảnh khăn đội chữ V của tượng Lạc Việt Đông Sơn với của tộc Paiwan, Đài Loan.
Chiếc khăn tròn đội đầu này có thể đi cùng với mảnh khăn trùm phía sau đầu, tương tự như trên cán dao găm Đông Sơn, có chức năng giữ ấm trong mùa đông. Dạng khăn này khá tương đồng với dạng khăn của người Lô Lô.
Cán dao găm Đông Sơn và dạng khăn của người Lô Lô.
Dạng khăn tròn đội đầu này có thể sử dụng những hoa văn tứ giác cũng như hoa văn chữ S, đây là hai dạng hoa văn được sử dụng rất phổ biến trong thiết kế trang phục cũng như mũ miện, ngoài ra các họa sĩ cũng có thể sáng tạo các loại hoa văn được chúng tôi liệt kê ở phía dưới.
Dạng hoa văn tứ giác trên khăn đội đầu Điền Việt; hoa văn tứ giác và chữ S Đông Sơn và Phùng Nguyên.
Những chiếc băng đô được may bằng vải gai, với một kỹ thuật riêng biệt còn được giữ gìn ở các dân tộc Đông Nam Á, được gọi là “supplementary weaving”. Các hoa văn được tạo hình đơn giản tương tự như thế này:
4.4. Khăn vấn:
Chiếc khăn vấn, vật dụng rất quen thuộc và phổ biến trong đời sống người Việt cho tới ngày nay, cũng có thể được sử dụng trong đời sống người Việt thời Đông Sơn. Các dân tộc cũng có sử dụng và thể hiện loại khăn vấn này khá phổ biến. Chúng tôi nhận thấy nó có thể có cùng ý nghĩa với loại khăn tròn đội đầu như phía trên. Loại khăn vấn này có thể được sử dụng cho người trung niên và cao tuổi, cho cả nam và nữ giới.
Khăn vấn của người Việt, người Paiwan, người Dayak, người Lự, người Lê, người Miao.
Chiếc khăn vấn được thể hiện trên cán dao găm Đông Sơn và tượng Điền Việt. [Nguồn: Nhà hàng Trống Đồng, dẫn]
Khăn vấn được thể hiện rõ ràng hơn trên chiếc cán dao găm Đông Sơn được trưng bày tại Nhà hàng Trống Đồng. [Chụp lại từ phim đi tìm trang phục Việt, tập 1, dẫn]
Chiếc khăn vấn có thể được chít thêm khăn mỏ quạ, dạng khăn được người Việt ở miền Bắc sử dụng từ rất lâu đời. Chiếc khăn mỏ quạ của người Việt đi cùng với khăn vấn, tương tự như dạng khăn vấn chúng tôi đã tìm lại ở trên. Dạng khăn này giống như một sự “hóa trang” thành chim, trong văn hóa lưỡng hợp Chim-Rồng (Tiên-Rồng) của người Việt, đồng thời cũng có tác dụng giữ ấm cho đầu.
Chiếc khăn mỏ quạ cùng khăn vấn của người Việt trong trang phục hát Xoan, và bức tượng Đông Sơn có dạng thức tương đồng.
Khăn vấn cùng khăn kiểu mỏ quạ được thể hiện trên một chiếc cán dao găm Đông Sơn khác tại bảo tàng Barbier-Mueller. [Chụp lại từ phim đi tìm trang phục Việt, tập 2-3, dẫn]
Dạng đội khăn tương tự như khăn mỏ quạ của người Việt có thể nói là một phong tục chung của rất nhiều dân tộc ở vùng Đông Á. Mỗi dân tộc có một kiểu cách đội khăn khác nhau.
Dạng khăn đội đầu của người Thủy, Thái, Dao Đỏ, Cống, Dao Tiền.
4.5. Mũ hình nón:
Loại mũ tương tự chiếc nón này rất thường thấy trên các cán dao găm Đông Sơn, chúng tôi thử tìm kiếm, thì thấy chiếc mũ của người Dayak rất giống với chiếc mũ này, và cũng gần tương tự như chiếc nón lá của người Việt ngày nay. Dạng mũ này có thể được sử dụng khi lao động.
Mũ của người Dayak; bức tượng trên cán dao găm Đông Sơn có chiếc mũ tương đồng với người Dayak. [Nguồn: BST Martin Doustar – Art of bronze age in Southeast Asia]
Dạng nón này còn được thể hiện trên một chiếc cán dao găm Đông Sơn khác, là tượng nữ giới, khác với tượng nam giới chúng tôi đã dẫn ở trên.
Nón được thể hiện trên tượng cán dao găm Đông Sơn, được trưng bày tại bảo tàng Barbier-Mueller. [Chụp lại từ phim đi tìm trang phục Việt, tập 2-3, dẫn]
Dạng mũ này rất tương đồng với nón chóp của lính khố đỏ, có thể đây là một dạng mũ được người Việt lưu giữ trong dòng văn hóa dân gian, sau đó biến thể thành nhiều dạng như loại nón chóp và nón lá:
4.6. Nón dẹt:
Trên tượng cán dao găm Đông Sơn cũng có thể hiện một dạng nón dẹt rất đặc biệt. Dạng nón này còn tồn tại ở người Việt, được những người lính khố đỏ thời Pháp thuộc đội. Dạng mũ này có thể dành riêng cho chiến binh.
Nón dẹt trên cán dao găm Đông Sơn, và của lính khố đỏ.
4.7. Dạng khăn xếp lớp:
Dạng khăn xếp lớp cũng có thể từng tồn tại trong trang phục của người Việt, với hình ảnh được thể hiện khá rõ ràng trên cán dao găm, với các đường lớp được thể hiện khá rõ ràng. Dạng khăn này cũng tồn tại phổ biến trong các dân tộc, được sử dụng cho cả nam và nữ giới.
Dạng khăn xếp lớp này rất phổ biến trong các dân tộc Việt Nam và Hoa Nam.
Người Lê, người Bố Y, người Lự, người Dao Đỏ, người Lê, người Choang, người Miao (3 ảnh cuối).
Dạng khăn xếp lớp đã được phục hồi, đưa trở lại cuộc sống của người Việt bởi chúa Nguyễn, được gọi là mũ mấn.
4.8. Mũ hình tam giác:
Dạng mũ này cũng có thể đã từng được người Việt sử dụng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Nó rất giống với chiếc mũ của người Pa Dí ở miền Bắc Việt Nam.
Chiếc mũ trên cán dao găm Đông Sơn và chiếc mũ của người Pa Dí.
4.9. Dạng mũ hình chữ nhật:
Dạng mũ hình chữ nhật được thể hiện trên tượng cán dao găm thời Đông Sơn khá tương đồng với mũ của người Choang.
Tượng thể hiện mũ chữ nhật trên cán dao găm Đông Sơn tại bảo tàng Barbier-Mueller và dạng mũ trong trang phục của người Choang.
4.10. Mũ dạng khăn đội đầu:
Trên cán dao găm Đông Sơn được chúng tôi sử dụng tham khảo trang phục quý tộc nữ có thể hiện khá rõ ràng một dạng mũ trùm đầu (nhìn từ phía trước và phía sau, thì hình vẽ trên cán dao găm giống chiếc mũ hơn là vấn tóc). Chúng tôi nhận thấy dạng mũ này khá tương đồng với dạng mũ của người Lê trên đảo Hải Nam. Dạng mũ này có thể được sử dụng cùng với mái tóc thả xuôi.
Mũ trên cán dao găm Đông Sơn và mũ đội đầu của người Lê đảo Hải Nam [Nguồn].
5. Tìm lại các dạng tóc của người Việt xưa:
Các loại mũ có thể có sự đa dạng, nhưng kiểu tóc là đặc trưng của một dân tộc, được sử dụng để nhận diện dân tộc trong thời xưa, về cơ bản, kiểu tóc sẽ không khác biệt quá nhiều giữa các vùng, kiểu tóc có thể được thay đổi vào các dịp ví dụ như phụ nữ có chồng sẽ thay đổi kiểu tóc. Trong sử sách, thì hai kiểu cắt tóc ngắn và búi tóc được ghi lại đặc trưng chung của tộc Việt, cổ vật và kiểu tóc của người Việt cũng thể hiện cơ bản hai dạng tóc đó.
5.1. Các kiểu tóc dành cho nam giới:
◊ Cắt tóc ngắn và búi tó:
Cắt tóc ngắn được ghi lại trong sử sách như một đặc trưng của người Việt.
Các sách Thuyết Uyển (thiên Phụng Sứ), Hoài Nam Tử (thiên Nguyên Đạo Huấn), Sơn Hải Kinh (thiên Hải Nội Kinh) đều có ghi “người Việt cắt tóc xăm mình cho giống loài giao long để tránh bị hại”.
Trong sách Tam Quốc Chí, phần Ngô chí có ghi lại trong chi tiết, Thái thú Tiết Tông trong tờ sớ xin chọn Thứ sử Giao Châu vào thế kỷ III SCN đã miêu tả người Việt: “tóc búi, chân trần, áo chui đầu vạt trái”.”
Nhưng bên cạnh dạng cắt tóc ngắn, thì người Việt còn còn phong tục búi tóc, trong đó phổ biến nhất là kiểu búi tó, với tóc được búi lỡ sau gáy. Cả hai dạng tóc này có thể độc lập hoặc đi cùng nhau. Cả 2 dạng tóc ngắn và búi tó đều được thể hiện trên bức tượng người Việt tại vùng Chiết Giang.
Dạng búi tó ở người Việt thời cận đại:
◊ Dạng búi thấp phía sau đầu:
◊ Tết tóc đuôi sam:
Người Việt bên cạnh các kiểu búi tóc và cắt tóc ngắn, thì còn tồn tại cả tục tết tóc đuôi sam với hai nhánh ở phía sau đầu, được thể hiện phổ biến trên các tượng cán dao găm đồng Đông Sơn. Dạng tóc này khác biệt cơ bản với kiểu tết tóc của kẻ thù của người Điền Việt mà chúng tôi đã dẫn ở phần trên.
Tết tóc đuôi sam Đông Sơn.
5.2. Các kiểu tóc dành cho nữ giới:
Nữ giới thì có nhiều kiểu dáng hơn so với nam giới, do đặc điểm giới tính của mình.
◊ Dạng búi tóc lên cao, gập đôi, kẹp vòng hoặc buộc dây cố định cũng có thể là một dạng búi tóc của người Việt xưa, được thể hiện trên bức tượng cán dao găm thời văn hóa Đông Sơn.
Dạng tóc này cũng được thể hiện trên các tượng đồng và gỗ Điền Việt.
Kiểu tóc búi và buộc được thể hiện trên tượng đồng và gỗ Điền Việt. [Nguồn]
Kiểu tóc búi cao với vải buộc ở giữa này có thể biến thể thành khuôn chụp tóc tương tự như tượng hai bà Trưng mà chúng tôi đã đề cập trong phần 3.1.
◊ Ngoài ra, thì còn có thể tồn tại cả dạng xõa tóc, tồn tại trên cả cán dao găm Đông Sơn, tượng và hoa văn Điền Việt. Trước đó, trong các thời kỳ Lý Trần, cư dân Việt cũng rất ưa chuộng dạng xõa tóc như thế này.
Không chỉ cắt ngắn, xõa tóc, mà cả trên tượng Đông Sơn và hoa văn trống đồng Điền Việt, đều thể hiện một kiểu tóc uốn cụp rất hiện đại:
◊ Để tóc dài và thả tóc cũng có thể là một kiểu tóc của phụ nữ Việt thời kỳ Hùng Vương với hình họa được khắc trên thạp đồng Hợp Minh:
◊ Tết tóc và vấn tóc quanh đầu:
Trên tượng cán dao găm Đông Sơn cũng thể hiện hình ảnh nữ giới tết tóc và vấn tóc quanh đầu, tương tự kiểu quấn tóc của người Bố Y ở hình dưới.
Kiểu tết tóc trên tượng Đông Sơn và của người Bố Y.
Kiểu vấn tóc này khá tương đồng với tranh phục dựng của blog Daiyevon.
◊ Dạng búi thấp phía sau đầu:
Dạng búi thấp phía sau đầu trên tượng đồng Đông Sơn.
Nguồn: Gary Todd.
Vài nhận xét về trang phục thời kỳ Hùng Vương
Qua khảo cứu chi tiết, chúng tôi có vài lời cần trình bày với bạn đọc về bối cảnh văn hóa thời kỳ Hùng Vương thông qua trang phục.
Văn hóa tộc Việt là rất đa dạng, mỗi vùng lại có sự khác biệt nhất định trong phong tục, ngoài những đặc điểm chung, thì mỗi vùng lại có nét đặc trưng riêng, có thể nói đây là hiện trạng “đại đồng tiểu dị”, đa dạng trong thống nhất của văn hóa tộc Việt. Văn hóa Đông Sơn lại là nơi tập trung sự đa dạng lớn nhất của tộc Việt, khi đây là vùng đồng bằng, trung tâm và có điều kiện phát triển thuận lợi, nên cư dân tộc Việt đã tập trung di cư về Việt Nam trong giai đoạn cuối của tộc Việt, khi bị người Hoa Hạ xâm lược và chiếm đóng. Qua các nghiên cứu di truyền, khảo cổ và ngôn ngữ học, chúng ta có thể thấy được văn hóa thời kỳ Đông Sơn có văn hóa Nam Á chiếm ưu thế, nắm vai trò chính trong chính trị và tâm linh, các cư dân tộc Việt trở về đều hòa vào cốt lõi Nam Á để hình thành dần dần người Việt. Do đó qua đây chúng ta cũng xác định được cơ sở về trang phục chính trong thời kỳ Đông Sơn là của dòng Nam Á, có tính triết lý cao và thống nhất mạnh.
Trong bối cảnh đó, văn hóa thời kỳ Đông Sơn đã thể hiện sự đa dạng trong thống nhất. Trang phục chung và cơ bản của tộc Việt là trang phục áo váy quấn tả nhậm, áo váy hai tà, áo choàng lông chim – lông ngỗng, áo choàng vải… Đặc trưng tóc cũng được thể hiện rõ qua phong cách búi tóc và cắt tóc ngắn. Đó là sự thống nhất, còn sự đa dạng được thể hiện rõ nhất qua những chiếc mũ mà chúng tôi đã tìm kiếm trên các cổ vật và đối chiếu với các dân tộc, mỗi vùng Việt có thể lại có một kiểu mũ đặc trưng của mình, bên cạnh các kiểu tóc và trang phục đặc trưng chung của tộc Việt.
Khi phục dựng, các họa sĩ hãy tập trung vào các loại mũ từ phần 4.1 tới 4.7, đây là các dạng mũ có thể là của dòng Nam Á, chủ đạo của người Việt thời kỳ Đông Sơn. Phần trang phục cần dựa vào cổ vật và tư liệu mà chúng tôi đã tìm lại ở trên, cùng với đó là tham khảo trang phục các dân tộc để tìm ra hình dáng gần chính xác nhất của trang phục thời Hùng Vương.
PHẦN III: CÁC PHỤ KIỆN, VẬT DỤNG PHỤC DỰNG CÙNG TRANG PHỤC
I. Trang sức và phụ kiện đi cùng trang phục:
1. Bao tay, bao chân đồng:
– Loại bao tay dành cho chiến binh:
– Bao chân dành cho chiến binh hoặc hoạt động tâm linh:
– Bao tay dành cho hoạt động tâm linh:
2. Những chiếc vòng tay, trang sức:
Bên cạnh loại vòng tay bằng đồng, thì quý tộc nữ có thể đeo thêm những chiếc vòng tay được xâu chuỗi từ những hạt ngọc, thủy tinh, cũng rất đẹp và trang trọng. (Về màu sắc và hình dáng của các loại hạt ngọc, thủy tinh, xin mời xem ở phần vòng cổ ở phía dưới)
Vòng tay bằng ngọc thời văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia (2015). Văn hóa Đông Sơn – Sưu tập hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia. NXB Văn hóa dân tộc.]
[Nguồn: Trịnh Quang Vũ, 2007, Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam. NXB Văn hóa Thông tin]
Quý tộc nữ có thể đeo tới 3-4 chiếc vòng tay ở một bên tay, điều này được thể hiện khá rõ ràng trên tượng đồng Đông Sơn và tượng đồng Điền Việt:
3. Vòng (kiềng) bằng đồng:
Vòng (kiềng) cũng là một loại trang sức đặc sắc của người Việt xưa, dạng vòng kiềng này thường được sử dụng cho nữ giới.
4. Xà tích đeo cổ:
– Những chiếc xà tích được người Việt thời trung đại ưa thích sử dụng, thời kỳ Đông Sơn cũng có tồn tại các loại xà tích với nhiều kiểu dáng khác nhau, chúng ta có thể đem chúng phục dựng cùng trang phục, rất đẹp và độc đáo.
Tư liệu và phục dựng của blog Daiyevon. [Nguồn: Trịnh Quang Vũ, 2007, Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam. NXB Văn hóa Thông tin]
6. Trâm cài đầu bằng đồng và vàng:
5. Nhẫn đồng, bạc và vàng:
Nhẫn cũng là trang sức rất phổ biến trong đời sống của người Đông Sơn Lạc Việt.
Tư liệu và phục dựng của blog Daiyevon. [Nguồn: Trịnh Quang Vũ, 2007, Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam. NXB Văn hóa Thông tin]
6. Trâm cài đầu bằng đồng và vàng:
Những chiếc trâm cài đầu cũng là dụng cụ rất quan trọng đi cùng với phong tục búi tóc của người Việt. Đa phần trâm cài đầu là bằng đồng, nhưng tác giả Trịnh Quang Vũ cho biết đã tìm thấy một chiếc trâm bằng vàng ở Thanh Hóa. Loại trâm này có thể được sử dụng cho quý tộc.
Thường dân có thể sử dụng các loại trâm cài đơn giản và dễ sản xuất hơn:
Trâm cài đầu dạng đơn giản cho thường dân. [Nguồn: Nguyễn Việt; Báo Nghệ An]
7. Khuy cài áo cho trang phục nam và nữ giới:
Trong thiết kế trang phục thời Hùng Vương, chúng ta có thể sử dụng những chiếc khuy có hình dáng gần hiện đại được tìm thấy tại các văn hóa Đồng Đậu cho tới Đông Sơn, với nhiều hình dáng khác nhau để phục dựng lại trang phục.
Bắt nguồn từ thời Đồng Đậu, người Việt đã tạo ra chiếc khuy bằng ngọc:
Thời Đông Sơn đã xuất hiện dạng khuy cài áo bằng đồng với 4 lỗ chống xoay khá hiện đại:
8. Các loại vòng cổ dành cho nam và nữ giới quý tộc:
Cả nam và nữ giới quý tộc đều đeo 3 lớp vòng xếp lớp như chúng tôi đã đề cập trong phần trang phục quý tộc. Các dạng vòng này tương tự như các hình ảnh dưới đây, chúng tôi cũng sẽ cung cấp thêm các dạng hạt chuỗi để họa sĩ có thể tự do tạo ra các vòng có kiểu cách khác nhau:
Chuỗi hạt thời văn hóa Đông Sơn với các hạt ngọc, thủy tinh, mã não tuyệt đẹp, các họa sĩ có thể tùy biến dựa trên các hạt được bày trí trên chuỗi hạt này. [Nguồn: Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia (2015). Văn hóa Đông Sơn – Sưu tập hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia. NXB Văn hóa dân tộc.]
Các loại vòng mã não, ngọc.
(Nguồn: các cổ vật được chụp tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.)
Vòng đá đen, vòng ốc trắng và các hạt vòng thời Đông Sơn tìm thấy tại Làng Vạc.
Các loại vòng xưa thời văn hóa Đông Sơn.
(Ảnh chụp tại bảo tàng cổ vật Hoàng Long)
9. Các dạng khuyên tai cho quý tộc và thường dân:
a. Khuyên tai dành cho quý tộc:
Quý tộc thời kỳ Hùng Vương có thể đeo những chiếc khuyên tai bằng ngọc, được tìm thấy rất phổ biến ở văn hóa Đông Sơn với nhiều kiểu cách, hình dáng khác nhau.
Theo ghi nhận tài liệu khảo cổ, thì ở các văn hóa Đông Sơn cũng tìm thấy khuyên tai hai đầu thú và ba vấu, bốn vấu: “Khuyên tai hình 4 vấu nhọn thấy ở các xưởng thủ công Đông Sơn như ở Nghĩa Lập, Đồng Đậu, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hải Phòng. … Riêng các loại khuyên tai hai đầu thú ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh, bên bờ sông Lam bằng đá, sừng màu đen cùng với một số vũ khí Đông Sơn bằng đồng thau (Văn Tấn – Trịnh Dương 1977). Khuyên tai 3 vấu nhọn tìm thấy ở Làng Vạc (Nghệ An) trong ngôi mộ thời Đông Sơn ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Khuyên tai hình con đỉa hiện nay ở nông thôn Việt Nam người ta vẫn còn đeo.” [Nguồn: Trịnh Quang Vũ, 2007, Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam. NXB Văn hóa Thông tin]
Khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai 4 vấu, khuyên tai 3 vấn Đông Sơn. [Nguồn: Trịnh Quang Vũ, 2007, Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam. NXB Văn hóa Thông tin]
Khuyên tai bằng ngọc thời Đông Sơn và tiền Đông Sơn:
1. Khuyên tai đá xám ; 2. Khuyên tai bốn mấu.
Thời văn hóa Đông Sơn còn tìm thấy rất nhiều khuyên tai hình vành khăn, bên cạnh những chiếc vòng tai tròn bằng đồng. Dạng khuyên tai này có thể được sử dụng cho nhiều tầng lớp và đối tượng, bao gồm cả trẻ em.
Khuyên tai vành khăn bằng ngọc và thủy tinh. [Nguồn: Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia (2015). Văn hóa Đông Sơn – Sưu tập hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia. NXB Văn hóa dân tộc.]
Các dạng khuyên tai hình khăn thời Đông Sơn. [Báo mạng VN, Bảo tàng lịch sử Hà Nội, Bảo tàng Hoàng Long]
b. Khuyên tai dành cho thường dân:
Thường dân có thể sử dụng các loại khuyên tai bằng đồng tròn, đơn giản tương tự như các cổ vật dưới đây:
Khuyên tròn thời văn hóa Đông Sơn và khuyên tròn Điền Việt.
10. Khóa thắt lưng và gài đai lưng dành cho quý tộc và thường dân:
a. Khóa thắt lưng cho quý tộc nam:
Trong thời văn hóa Đông Sơn, cũng có các dạng thắt lưng được tìm thấy phổ biến, các thắt lưng này có thể được sử dụng cho dạng áo váy quấn của quý tộc nam mà chúng tôi tìm lại ở trên. (Riêng chiếc thắt lưng có hai chú chim bồ nông và mặt trời đầu tiên có thể sử dụng cho các vị vua Hùng, do sự khác biệt của nó với phần còn lại)
b. Gài đai lưng cho trang phục dạng váy thụng:
Ngoài những chiếc khóa thắt lưng có thể dành cho các cấp bậc trên, thì có thể có cả những chiếc gài đai lưng đi cùng với dây quấn vải để buộc quanh thân mình. Dạng gài đai lưng này chúng tôi cho rằng dành riêng cho nam giới, do nữ giới thường sẽ sử dụng cạp váy để cố định thân. Ở Việt Nam cũng phát hiện nhiều dạng khuy này, đặc biệt có chiếc còn mạ vàng, có thể được sử dụng cho tầng lớp quý tộc.
Khuy thắt lưng đồng của văn hóa Điền Việt cùng cách sử dụng.
Khuy thắt lưng đồng mạ vàng và khuy thắt lưng đồng trong thực tế. [Bảo tàng Hoàng Long]
II. Phụ kiện phục dựng cùng trang phục:
1. Rìu Việt:
– Một điều rất quan trọng khi phục dựng trang phục thủ lĩnh nam, đó là cần phục dựng kèm với những chiếc rìu Việt, đó là vật biểu quyền lực quan trọng của người Việt từ thời đồ đá cho tới cuối thời Đông Sơn.
Thủ lĩnh Việt cầm rìu được khắc họa trên trống đồng, và trong thời Lương Chử.
Các dạng rìu đồng sử dụng cho các quý tộc bậc cao.
Về cách tra cán, chúng ta có thể tham khảo các hình họa trên trống đồng Đông Sơn, được thể hiện khá rõ các cách tra cán, trong hình trên chúng ta có thể thấy được nhiều kiểu cách tra cán, cơ bản nhất là cán thẳng, rìu được tra trực tiếp vào cán, phía trên có thể trang trí thêm lông chim, với rìu lưỡi hài thì lưỡi nhọn được hướng lên trên.
Các cách tra cán rìu cũng như sử dụng rìu trên các trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: Nguyễn Văn Huyên, Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam]
Về trang trí và màu sắc cán, chúng ta có thể tham khảo cán sơn then với hai màu sắc cơ bản là đỏ và đen tương tự như của người Điền Việt, kỹ thuật sơn then của tộc Việt đã có từ lâu tại vùng Động Đình, Dương Tử, sau đó các thời sau vẫn tiếp tục kế thừa kỹ thuật sơn then này. Theo thông tin chúng tôi nhận được từ nhà khảo cổ Nguyễn Việt, thì ở Việt Nam cũng có dạng gỗ sơn then được tìm thấy tại các mộ Việt Khê, Châu Can, Yên Bắc…, do đó chúng ta có thể tham khảo kiểu dáng, màu sắc và cách trang trí của người Điền Việt để phục dựng lại hình tượng rìu trong thời Hùng Vương.
Chiếc cán rìu đồng phía dưới tương đồng hoàn toàn với các họa tiết đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, cách đúc và trang trí rìu đồng này chúng ta có thể sử dụng trực tiếp trong phục dựng trang phục thời kỳ Hùng Vương.
Rìu cán gỗ sơn then của văn hóa Điền Việt. [Nguồn: dẫn]
Bên cạnh rìu đồng, thì người Điền Việt còn làm cán gỗ sơn then cho nhiều đồ vật khác, chúng ta có thể tham khảo cách trang trí của họ, sử dụng thêm các hoa văn Đông Sơn để trang trí.
Các đồ vật có cán gỗ sơn then được tìm thấy tại nghĩa trang Yangfutou (Dương Phú Đầu), Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, thuộc văn hóa Điền Việt. [Nguồn: Rui Mu, 2014, Conservation of Western Han dynasty bronze excavated from Yangfutou, Kunming, China; Kiều Quang Chẩn]
2. Dao găm:
Dao găm là vật phòng thân rất quan trọng trong đời sống của người Việt, có thể mỗi người trưởng thành đều có một chiếc dao găm găm bên thân mình.
Những chiếc dao găm thường đi cùng với bao đồng để dắt bên thân mình:
[Nguồn ảnh: BST Kiều Quang Chẩn]
3. Kiếm dài:
Dạng kiếm dài cũng được sử dụng trong chiến tranh bảo vệ bờ cõi. Kiếm dài thời Đông Sơn rất cầu kỳ và đa dạng kiểu cách, tương tự những chiếc kiếm ở hai ảnh dưới. Chúng ta có thể sử dụng chúng để phục dựng cùng trang phục của tướng lĩnh và quân sĩ. Các loại hình kiếm thời Đông Sơn rất đa dạng kiểu cách, có thể bằng cả hai chất liệu đồng và sắt.
Các dạng kiếm Đông Sơn [Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3: Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, Ảnh 4: Martin Doustar]
Các loại hình kiếm đồng và kiếm sắt trên có thể được sử dụng cùng với những chiếc bao gỗ sơn then tương tự như cổ vật phía dưới của văn hóa Điền Việt.
4. Gùi tre:
– Phụ kiện của nông dân, có thể kể đến những chiếc gùi bằng mây tre đan rất phổ biến trong các dân tộc anh em của chúng ta. Đây có thể nói là một loại “phụ kiện” rất đặc trưng, có nhiều tác dụng, gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày, nên chúng ta có thể sử dụng nó cho phục dựng trang phục thời kỳ Hùng Vương, đặc biệt là cho những người phụ nữ nông dân Việt.
Gùi Tây Nguyên; Gùi Thái; Gùi Mường;
Trong văn hóa Điền Việt, chiếc gùi cũng xuất hiện trên những bức tượng trên trống đồng, với cùng một phong cách sử dụng dây vải đội lên đầu để đỡ chiếc gùi như các dân tộc Việt Nam ngày nay.
PHẦN IV: KHẢO CỨU VỀ HOA VĂN, KỸ THUẬT DỆT VÀ MAY TRANG PHỤC
I. Hoạ tiết trang trí trên trang phục và khăn:
1. Các loại hoa văn trang trí:
– Chúng ta có thể sử dụng những hoạ tiết của các nền văn hoá từ Phùng Nguyên, Đông Sơn để đem lên trang phục thời Hùng Vương, các dạng hoa văn này gắn bó rất mật thiết với các hoạt động của người Việt, thể hiện trên đồ đồng, đồ gốm và cả trong đời sống thường ngày. Các dân tộc cũng sử dụng rất phổ biến những motif hoa văn như thế này trong trang phục của mình.
Các hoa văn mà chúng tôi dẫn dưới đây được tổng hợp trong khảo cứu về kỹ thuật dệt ikat, những hoa văn này có liên hệ trực tiếp với may mặc và kỹ thuật dệt, do đó chúng ta hoàn toàn có thể đem tất cả những hoa văn này lên trang phục, với sự biến tấu phù hợp.
Các dạng hoa văn trên đồ gốm và đồ đồng Đông Sơn và tiền Đông Sơn. [Sách Hoa Văn Việt Nam – Nguyễn Du Chi]
– Con người và mặt trời: mặt trời có ý nghĩa tâm linh hết sức quan trọng đối với người Việt, biểu hiện rõ ràng nhất là những tia mặt trời được biểu diễn ngay tâm trống đồng, hình tượng này hoàn toàn có thể đem vào biểu diễn nơi trang phục, như một hình ảnh chính tâm, bên cạnh những hoạ tiết hình học lặp lại ở phía xung quanh. Số cánh của mặt trời có thể dao động theo số chẵn từ 8-18 cánh, không quan trọng số lượng.
– Rồng và Phượng, hai biểu tượng quan trọng của người Việt, được khắc họa trên những miếng ngọc của văn hóa Thạch Gia Hà cũng có thể được đưa lên trang phục. Dạng hoa văn này có thể được sử dụng riêng dành cho tầng lớp hoàng tộc và quý tộc cao cấp, bởi đây là các biểu trưng rất quan trọng, mang ý nghĩa lớn, và có tính quyền lực.
Bên cạnh loài hình ngọc Phượng Hoàng ở trên, chúng ta cũng có thể sử dụng hậu duệ của ngọc Phượng Hoàng thời Thạch Gia Hà là loại hình chim Lạc, hay chim Tiên, các văn hóa thời kỳ đồ đồng có sự biến tấu thân hình chim Phượng Hoàng theo hướng thân dài, chân dài, mỏ dài, sự thay đổi được tìm thấy trên cả văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ. Loài chim Lạc, hay chim Tiên là hậu duệ của loài chim được khắc họa trên ngọc như trên, nó xuất hiện rất phổ biến trên trống đồng. Chúng ta có thể sử dụng chúng để đem lên trang phục, nhưng vì tính quan trọng, nên chỉ có thể sử dụng cho các trang phục của quý tộc.
Chim Lạc hay chim Tiên được khắc họa trên trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: Nguyễn Văn Huyên, Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam]
– Tới thời kỳ đồ đồng, thì Rồng cũng biến đổi về hình dáng, với nhiều kiểu khắc họa khác nhau, bắt đầu có chân và móng, rồng trong thời kỳ đồ đồng có vị thế kém quan trọng hơn so với chim Lạc, khi chúng xuất hiện khá hiếm hoi trên các mặt trống đồng. Chúng ta cũng có thể sử dụng những hình tượng này để đem lên trang phục, tuy nhiên cần cải biến cho thanh thoát và phù hợp với trang phục hơn.
– Các loại chim từng tồn tại trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt cũng có thể được khắc họa trên trang phục. Có thể tham khảo những hoạ tiết chim được khắc hoạ trên trống đồng, nhưng cần phải “dày công” hơn một chút: “thổi hồn” vào những chú chim đó, cho thật và sinh động hơn, bởi hoạ tiết trên trống đồng đã được cô đọng và tối giản, tuy chúng vẫn có tính nghệ thuật nhưng nếu đem áp dụng trực tiếp vào trang phục chúng tôi cho rằng sẽ không thực sự phù hợp lắm.
– Những chú hươu cũng là một gợi ý rất thú vị để đem lên trang phục, bởi những chú hươu được gắn với hình ảnh của Mẹ Âu Cơ, cùng với các loài chim.
Ảnh hươu trên trống đồng Đông Sơn;
Hình ảnh hươu sao, biểu trưng cho Mẹ Ngu Cơ của người Mường. [Nguyễn Xuân Quang]
– Các loài cá, các loài vật đa dạng khác nhau được khắc họa trên đồ đồng, đồ gốm từ thời Phùng Nguyên tới Đông Sơn cũng là gợi ý thú vị có thể đem khắc họa lên trang phục.
– Chúng ta cũng hoàn toàn có thể đưa hình ảnh những con thuyền trên trống đồng lên trang phục, nhưng cần cải biến để nó phù hợp hơn cho việc may mặc, phù hợp hơn với trang phục nói chung, bởi thuyền là đặc trưng rất riêng của người Việt Nam Á, đặc tính của họ là đi thuyền, đánh trận bằng thuyền rất tài giỏi, đây có thể kể ra như một đặc trưng riêng biệt của người Việt Nam nhóm Nam Á.
– Hoạ tiết chữ S cùng với vòng tròn đồng tâm là các họa tiết quan trọng đối với người Việt, có nguồn gốc từ ranh giới đường thái cực cũng như đĩa bích Đông Sơn, chúng ta có thể sử dụng các kiểu biến tấu của hoa văn đồng tâm để đưa lên trang phục.
Hoa văn chữ S các biến thể đóng vai trò rất quan trọng trong trang phục của người Đồng. [Nguồn: dẫn]
– Xoáy âm dương cùng hình tượng ngôi sao tám cánh, gốc của hình ảnh tia mặt trời trên trống đồng thời văn hoá Đông Sơn, hoàn toàn có thể đưa lên trang phục của người Việt. Bởi vốn người Việt có gốc văn hoá là lưỡng hợp âm-dương, Tiên – Rồng.
– Hoa văn hình sóng nước được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn, với dạng hoa văn thực tế được hình tượng trên trang phục của người Dao Tiền, cũng là một gợi ý rất thú vị để chúng ta tạo hoạ tiết để đem chúng lên trang phục thời kỳ Hùng Vương, bởi nhóm Nam Á của người Việt có đời sống gắn liền với sông nước, bên cạnh thuyền, rồng, thì sóng nước cũng có thể thể hiện đặc điểm đó rất đặc sắc.
2. Cách bố trí các loại hoa văn:
a. Đối với trang phục của nam giới:
Trang phục áo váy quấn của nam giới có thể khá đơn giản, với các họa tiết được bố trí dọc rìa váy, và cả ở phần chân váy. Ở giữa áo có thể được biểu diễn các hình họa mặt trời, Rồng – Phượng.
Cách bố trí hoa văn dọc rìa váy và đáy váy trên trang phục trên chiếc áo váy quấn dành cho nam của người Điền Việt, ở đây là dạng hoa văn chữ S ở phần rìa váy.
b. Đối với trang phục của nữ giới:
◊ Cách bố trí cơ bản nhất:
– Bố trí hoa văn hình học dưới đáy váy, rìa váy và đáy cổ tay:
Dạng bố trí hoa văn này, ở phía dưới váy, là các hình hoa văn hình học lặp lại, với độ dài ngắn khác nhau tuỳ thẩm mỹ của người thiết kế. Ở các lớp áo khác nhau, có thể thiết kế các dạng hoa văn khác nhau, kích thước dài ngắn khác nhau, tương tự hình như dưới đây. Với hoa văn tại đáy cánh tay có thể đơn giản và tinh tế hơn.
Trang trí trang phục trên đáy váy và rìa váy của người Paiwan. [Nguồn]
Dạng hoa văn được bố trí theo cách hai đường thẳng song song dọc váy, còn bên trong được bố trí hoa văn hình học lặp lại, đối với cả đáy váy và ống tay.
Với dạng bố trí hoa văn này, chúng ta có thể sử dụng những hoa văn hình học Đông Sơn ở phía trên, cùng những đường thẳng, đường tròn, cũng như tự mình sáng tạo thêm một chút dựa trên kết cấu cơ bản đó (cần phải tham khảo trang phục của các dân tộc khác). Chúng tôi nghĩ rằng những hoa văn trên trống đồng Đông Sơn dưới đây là rất phù hợp để có thể bố trí theo cách như thế này.
Trên tượng đồng Điền Việt cũng thể hiện khá rõ ràng cách bố trí hoa văn dọc rìa áo và ở chân váy. Dạng bố trí này là cơ bản và sử dụng cho cả nam và nữ giới.
– Các hoa văn quan trọng như mặt trời, rồng – phượng, ngôi sao 8 cánh có thể được thể hiện trong trung tâm của trang phục.
Hoạ tiết trang trí dọc theo vạt khuy áo. Các dân tộc ngày nay hầu như đều đã chuyển sang dạng hữu nhậm, cài áo bên phải, còn truyền thống của người Việt là cài áo bên trái, theo hướng ngược lại, các hoa văn được trang trí dọc theo vạt áo gần đoạn khuy. Dạng trang trí này cũng sử dụng cho cả loại khuy áo ở giữa.
◊ Cách bố trí hoa văn xếp lớp:
Ngoài dạng bố trí hoa văn đơn giản, dễ may mặc như trên, chúng tôi nhận thấy còn có thể có dạng bố trí hoa văn có độ phức tạp cao hơn, với hoa văn được xếp lớp dọc thân váy. Trên bức tượng cán dao găm có thể hiện khá rõ đặc điểm này, với áo được bố trí các hoa văn xếp lớp, chân váy cũng vậy, cũng được bố trí thành các lớp hoa văn.
Dạng thiết kế hoa văn này cũng được thể hiện khá rõ trên tượng gỗ Điền Việt.
Cách bố trí, xếp lớp hoa văn này khá giống với áo váy của người Lê:
Trên một bức tượng gỗ Điền Việt khác cũng thể hiện dạng áo váy quấn với hoa văn và màu sắc thống nhất từ trên áo tới váy, chứ không chia thành hai màu sắc như các dân tộc Mường, Thái, dạng màu sắc và hoa văn này tương đồng với người Lê. Hoa văn được thể hiện đặc sắc và dày hơn ở phần chân váy, trên áo thể hiện một hệ thống hoa văn đơn giản, tinh tế hơn.
Ở đoạn giữa chân váy có thể thiết kế thêm các họa tiết mặt trời, Rồng Phượng như chúng tôi đã tìm lại ở phía trên.
Cách bố trí này có thể không phổ biến, do tính phức tạp trong may mặc của dạng trang phục này sẽ không phù hợp cho trang phục của đa số dân cư, đặc biệt là người dân Việt ở vùng đồng bằng, dân số đông cũng như cần thay đổi trang phục nhiều. Do đó dạng trang phục có hoa văn bố trí phức tạp như thế này có thể sử dụng cho quý tộc nữ.
3. Các loại hoa văn trong thực tế may mặc:
Chúng tôi sẽ thử tìm lại các loại hoa văn trong thực tế may mặc để thuận tiện hơn cho việc phục dựng của các họa sĩ. Từ những minh họa cơ bản này, chúng ta sẽ thấy được trong thực tế, hoa văn trên trống đồng, đồ gốm đều có thể được khắc họa trên trang phục. Cơ bản những họa tiết chúng tôi đưa ra ở trên có thể đem trực tiếp lên trang phục, đối với những hoa văn chim, người… thì cần phải dựa vào cách khắc họa trên thổ cẩm mà chúng tôi đã tìm lại ở phía dưới để khắc họa.
Các lớp chính có hoa văn xếp liền nhau có thể cách nhau bằng những dải trống, không có hoa văn, hoặc dải chấm, dải tròn… Cần bố trí các dải hoa văn cho hài hòa và thích hợp.
Các dạng hoa văn được hình tượng hóa từ các vật thực tế của các dân tộc Mường, Thái, Hmong chúng ta cũng có thể tham khảo và sử dụng vào trang phục của mình.
– Hoa văn mặt trời cùng dải hoa văn tam giác:
– Ngôi sao 8 cánh cùng với phối hợp các dải hoa văn trong cùng một khối trên thổ cẩm của người Tây Nguyên. Cách bố trí hoa văn này chúng ta có thể học được, đưa trực tiếp lên trang phục của người Việt do những họa tiết là cơ bản tương đồng với họa tiết của người Việt:
– Hoa văn hình người trên thổ cẩm Tây Nguyên:
– Hoa văn hình các loài vật trên thổ cẩm Tây Nguyên:
– Hoa văn hình chim và người trên thổ cẩm người Tày:
Chim thể hiện trên thổ cẩm của người Hmong:
– Hoa văn giải tam giác xếp lớp:
– Dải hoa văn tứ giác tiếp nối và xoắn thừng:
– Hoa văn tứ giác và các dạng hoa văn tương đồng trên thổ cẩm của người Tây Nguyên:
– Hoa văn dải vuông trên thổ cẩm Tây Nguyên:
– Hoa văn chữ S xoắn tròn cùng với dải hoa văn tam giác và hoa văn hoa hòe trên trang phục Hmong:
II. Khảo cứu về các kỹ thuật dệt, nhuộm và may trang phục:
Dệt vải đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Việt xưa, nó là một nghề riêng biệt, yêu cầu một lượng lớn nhân công, nguồn lương thực dồi dào do phát triển nông nghiệp cho phép cư dân Việt thời kỳ đó có đủ và dư nhân công để có thể dệt vải, cũng như cho các ngành thủ công và công nghiệp khác như đúc đồng, làm gốm… Nghề dệt vải thường được dành riêng cho nữ giới, bởi tính cầu kỳ, phức tạp, yêu cầu sự kiên nhẫn và khéo léo của người dệt vải. Các công đoạn của nghề dệt khá lâu và phức tạp, nên có thể các trang phục của người Việt xưa được dệt và nhuộm đơn giản để dành cho đa số dân cư, những hoa văn yêu cầu các công đoạn phức tạp hơn chỉ dành cho bậc quý tộc.
1. Trồng cây, nuôi tằm và khai thác sợi:
Bước đầu của kỹ thuật dệt may bắt đầu từ chỗ trồng cây, nuôi tằm và khai thác sợi.
– Đối với sợi lanh và các loài sợi có nguồn gốc thực vật, thì người dân trồng, khai thác, phơi, sau đó tước cây lanh thành các sợi đều nhau.
– Đối với sợi tơ tằm, thì người dân trồng cây dâu tằm, nuôi tằm, để tằm thả tơ, kết kén, khoảng 1 tháng sau khi nuôi tằm, người dân thu hoạch kén, luộc kén, kéo sợi tơ từ kén tằm, thành sợi tơ tằm.
Đây là khởi đầu cho quá trình dệt vải, quá trình trồng cây, nuôi tằm, khai thác sợi yêu cầu rất nhiều thời gian, tuy nhiên nó cũng chỉ là một phần của quá trình dệt vải yêu cầu nhiều kỹ thuật cũng như sự công phu, tỉ mẩn trong từng công đoạn.
2. Xe sợi:
Bước tiếp theo của quá trình dệt vải là xe sợi, trong thời Phùng Nguyên, thì rất phổ biến kỹ thuật xe sợi bằng dọi đất nung. Sợi được khai thác từ thực vật và tơ tằm được xe thành sợi với kỹ thuật như hình minh họa phía dưới.
Minh họa kỹ thuật xe sợi bằng dọi đất nung của người châu Âu và bản địa châu Mỹ.
Kỹ thuật xe sợi tới thời Đông Sơn có thể phát triển hơn, thành guồng xe sợi và quay tơ (xa), tương tự như người Mường dưới đây, để có thể xe sợi thành sợi vải, chuẩn bị cho giai đoạn dệt vải.
Sợi sau đó được kéo để đưa vào khung cửi.
Bên cạnh đó một số ít sợi sẽ được xe vào con thoi, để chuẩn bị cho công đoạn dệt bằng khung cửi.
3. Các kiểu khung dệt:
Khung dệt có hai kiểu cách khác nhau: khung rời và khung cửi, gắn liền với các giai đoạn lịch sử, khung rời được sử dụng từ thời đá mới, tới thời đồ đồng khoảng hơn 2300 năm trước, thì bắt đầu xuất hiện khung cửi cùng con thoi. Kiểu dệt bằng khung rời được sử dụng phổ biến trong thời đá mới, và vẫn được tiếp tục sử dụng trong thời đồ đồng và đồ sắt.
a. Dệt bằng khung rời:
Đối với hình ảnh dệt bằng khung rời, thì nó được được thể hiện rất rõ trên tượng đồng Điền Việt, với hình ảnh nữ giới ngồi bệt để dệt vải trên khung rời, người Tây Nguyên cũng có kỹ thuật tương tự như vậy, đây là kỹ thuật sơ khai và đơn giản nhất, được sử dụng có thể phổ biến trong giai đoạn khoảng 4000 năm trước đây.
Cách thức dệt vải thủ công của người Điền Việt và người Tây Nguyên.
Chi tiết hơn về chiếc khung rời của người Tây Nguyên: “Người phụ nữ Jrai và Bahnar không dệt trên khung cửi cố định. Công cụ dệt của họ chỉ là những bộ phận rời đơn giản mà đa số tham gia vào việc giăng sợi thành một thảm dọc trước mặt người dệt, để người này ngồi một chỗ mà đan chỉ ngang qua thảm dọc kia. Một khi sợi đã được đan thành thảm dọc, với sự tham gia của các bộ phận rời ở trên thì tổng thể ấy được thấy như một khung dệt rõ nét nhất. Khi dệt bắt buộc họ phải ngồi trên nền đất hoặc nền nhà, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt, tất cả các đầu khung dệt được cột vào chỗ chắc chắn như cột nhà, hoặc gốc cây, khi dệt người phụ nữ dùng chân và lưng của mình để căng dàn sợi.” [Nguồn]
Về cách thức dệt bằng khung rời, bạn đọc có thể xem ở đây.
b. Dệt bằng khung cửi:
Tài liệu khảo cổ cho thấy tới thời kỳ Đông Sơn, người Việt đã chuyển sang dệt bằng phương thức con thoi với khung cửi:
“Trong ngôi mộ cổ Việt Khê ở Thủy Nguyên – Hải Phòng khai quật năm 1958, và khu ngôi mộ ở xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Tây cũ) khai quật năm 1974 đã thu thập được nhiều loại vải khác nhau. Khu mộ ở Châu Can đã tìm được những mảnh vải của trang phục, nhiều nhất là ngôi mộ số 3 và số 6. Nhận xét bước đầu: “Những mảnh vải sợi không được se lại mà để nguyên sợ tự nhiên, sợi dọc thưa hơn sợi ngang và cách đều khoảng 2mm, sợi ngang bé hơn đượt dệt dày xít nhau đều đặn”. Có những mảnh vải có đường mép dọc và ngang, điều này chứng tỏ sợi vải được dệt vòng đi vòng lại. Theo ý kiến của kĩ sư phòng kĩ thuật dệt thuộc nhà máy dệt kim Đông Xuân thì đây là loại vải sợi đay hay gai, sợi dọc to và thưa hơn sợi ngang nhưng rất đều.
Chiều ngang và chiều đọc vải đều có đường biên, khổ vải hẹp, có thể vải được dệt bằng phương thức con thoi với khung cửi. Khi nói về thời đại kim khí, F. Ăng-ghen nhận xét: “Thành tựu thứ nhất là khung dệt vải, thành tựu thứ hai là việc nấu quặng và chế tác đồ kim loại”, vậy từ những mảnh vải, lụa và kĩ thuật dệt ở khu mộ Châu Can đã chứng tỏ trình độ văn minh phát triển ở thời Hùng Vương.” [7]
Khung cửi là một bước cải tiến lớn hơn nhiều so với kỹ thuật dệt bằng khung rời, các dân tộc gần với người Việt hơn như Mường, Thái, Tày, Hmong đều đã chuyển sang dệt bằng khung cửi lớn và cố định, bằng các loại gỗ có độ bền cao. Loại khung cửi này đi cùng với con thoi được xe lại bằng công cụ như chúng tôi đã đề cập tới ở trên.
4. Dệt nhuộm và may thêu trang phục:
Theo tài liệu khảo cổ, thì người Việt thời kỳ Hùng Vương dệt vải sử dụng phương pháp nhuộm sợi rồi mới dệt, chứ chưa nhuộm trực tiếp cả tấm vải sau dệt.
“Những màu sắc này được tạo ra bằng cách nhuộm sợi (chứ chưa phải nhuộm cả tấm vải). Các sợi màu khác nhau được đưa vào khung dệt để tạo hình trang trí trên tấm vải theo nguyên tắc trang trí của nghệ thuật đan lát mây tre.” [Nguồn]
Do đó các kỹ thuật chính của thời kỳ Đông Sơn bao gồm kỹ thuật dệt sợi nhuộm tương tự như người Mường, Thái, và kỹ thuật nhuộm ikat như người Dai và các dân tộc Đông Nam Á.
a. Kỹ thuật dệt nhuộm của người Mường, người Thái:
Với người Mường, người Thái, họ se sợi, sau đó nhuộm trực tiếp những bó sợi vải, hoa văn được tạo thành trong quá trình dệt vải.
Họ sử dụng những loại sợi màu nhuộm sẵn, để dệt thành các loại hoa văn trực tiếp trong quá trình dệt.
Để hình dung rõ hơn về quá trình dệt của hai dân tộc Mường, Thái, bạn đọc có thể xem qua các video sau: người Mường, người Thái.
b. Kỹ thuật ikat, hay nhuộm bao sợi:
Ở người Nam Đảo và người Dai cũng tồn tại một dạng dệt sợi dọc, tạo hoa văn ngay trên vải được dàn thành hàng ngang. Kỹ thuật này được các nhà nghiên cứu chứng minh có thể xuất phát từ khoảng hơn 4000 năm trước, khi người Nam Đảo và người Dai, cũng như người Việt đang còn ở vùng Động Đình, Dương Tử.
Kỹ thuật này bắt đầu từ việc xe sợi, sau đó dàn thành dàn sợi đều nhau, tương tự như hình phía dưới.
Hoa văn sẽ được tạo trực tiếp trên vải:
Cuối cùng là quá trình dệt vải thành tấm, với cả hai kiểu khung rời và khung cửi cố định:
Vải khi đó sẽ được hình thành các hoa văn đã được tạo ở phần bao sợi và nhuộm.
Các kỹ thuật dệt nhuộm của các dân tộc là các gợi ý quan trọng để chúng ta có thể tìm hiểu về kỹ thuật dệt nhuộm của dân tộc Việt xưa kia.
5. Tìm hiểu về kỹ thuật nhuộm vải và màu nhuộm:
Về kỹ thuật nhuộm vải, thì các tài liệu khảo cổ cho thấy người Việt thời kỳ Đông Sơn nhuộm sợi, sau đó dệt chứ chưa phải dệt cả tấm, bằng các phương pháp mà chúng tôi đã đề cập tới ở trên. Những sợi vải sau khi được se sẽ được đem đi nhuộm màu.
Về màu nhuộm, thì các màu cơ bản tạo nên các bộ trang phục thời Hùng Vương:
– Các tài liệu khảo cổ: màu ngà tự nhiên, màu xanh chàm, màu nâu gụ, màu vàng nghệ.
– Các tài liệu dân tộc học: trắng, đen, đỏ, hồng, vàng, nâu, vàng, cam, tím, xanh.
Các loại màu được sử dụng từ các loại cây tự nhiên, được pha với các tỉ lệ khác nhau để có được màu nhuộm như ý. Như vậy thì màu nhuộm sẽ rất đa dạng, có thể từ tông màu đậm tới nhạt, tùy vào người nhuộm quyết định, có thể thực hiện được qua nhiều lần nhuộm. Chúng tôi sẽ trích dẫn các tài liệu về cách dệt và các loại cây được sử dụng để nhuộm màu để bạn đọc hình dung rõ hơn.
– Của người Việt: “Bốn màu cơ bản hiện có bằng chứng trên vải sợi thời dựng nước là: màu ngà tự nhiên không nhuộm, màu chàm nhuộm từ lá cây indigo, màu nâu gụ từ củ nâu và màu vàng nghệ.” [Nguồn]
– Của người Mường: “Sợi dệt thổ cẩm được nhuộm từ các chất liệu có nguồn gốc thiên nhiên: màu đỏ nhuộm từ nước cây bang (tô mộc), màu vàng chế từ hạt quả chung khù, màu xanh lấy từ lá cây mớc… Người Mường sử dụng từ 3 màu hoặc 5 màu cho một tấm thổ cẩm gồm: xanh, đỏ, vàng, trắng, đen.” [Nguồn]
– Của người Cơ Tu: “Người Cơ Tu cho đến nay vẫn còn giữ nhiều bí quyết trong nhuộm màu thổ cẩm. Màu hồng chính là màu được tạo ra từ củ nâu luôn sẵn có trong những cánh rừng. Đồng bào thường chọn những củ lớn nặng đến vài ký. Khi sử dụng, chúng được thái thành lát, bỏ vào nồi nước đang sôi. Với chất liệu này, nếu chỉ nhuộm một lần sẽ có được màu hồng, màu nâu, màu tím. Các màu khác cũng có thể được tạo ra bằng cách kết hợp các chất liệu tạo màu đỏ và đen.” [Nguồn]
– Của người Thái: “Sau khi rửa sạch, các loại lá, rễ cây được cắt nhỏ cho vào nồi đun trong khoảng 10 phút, vừa đủ thời gian để các loại lá, rễ cây ra màu. Tùy vào từng mẫu hoa văn, bà con có từng cách thức pha chế, với tỷ lệ khác nhau để cho ra các màu sắc như đỏ tím, xanh rêu, màu vàng cam, xanh nõn chuối, xanh lá cây,… Tất cả các màu nhuộm đều bằng nguồn nguyên liệu tự nhiên có trong rừng như màu vàng da cam được chiết ra từ rễ xẹt, lá nhãn vôi ra màu xanh nõn chuối, màu nâu từ lá cà phê, màu đỏ từ cánh kiến…. Còn các màu khác phải pha trộn nhiều loại màu với nhau. Đây là bí quyết pha màu của mỗi “nghệ nhân” để có màu tự nhiên như ý.” [Nguồn]
Từ những màu sắc đa dạng và cơ bản này, các họa sĩ có thể sử dụng, phối hợp để phục dựng trang phục thời kỳ Hùng Vương, tạo nên những bộ trang phục tinh tế và hài hòa nhất.
PHỤ LỤC
Sơ khảo về tục xăm mình
Bên cạnh trang phục, thì tục xăm mình là một đặc trưng rất riêng biệt của người Việt mà chúng ta cần để ý phục dựng lại. Tục xăm mình của người Việt có sức ảnh hưởng hết sức rộng rãi khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á, phong cách xăm cũng có những nét chung gần nhau. Chúng tôi sẽ dựa vào hai bức tượng được phát hiện tại Chiết Giang để thử so sánh với các dân tộc còn giữ tục xăm mình, tìm lại cách xăm mình cơ bản nhất của người Việt xưa.
Ý nghĩa của tục xăm mình:
Xăm mình có một ý nghĩa tâm linh đặc biệt với người Việt, cùng với việc xăm mình hình rồng và hóa trang thành chim, nằm trong bối cảnh văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng, cốt lõi của văn hóa Việt cổ xưa. Tục xăm mình được tiến hành khi thanh niên tới tuổi trưởng thành, đó là một nghi thức cao quý, chứ không như ngày nay chúng ta nhìn nhận.
Cách thức xăm mình:
Cách thức xăm mình được thể hiện khá rõ ràng trên các bức tượng người xăm mình phát hiện tại Chiết Giang, đất xưa của người Lạc Việt.
– Xăm mình hoa văn hình học, dạng khối vuông dọc cánh tay, tới gần 1/4 ngực.
– Ở giữa bụng xăm hình đầu rồng, với xoáy tròn có ý nghĩa khí âm dương hội tụ. Đây mới chính là xăm hình rồng chứ không phải dạng rồng ngày nay chúng ta vẫn thấy.
Các dân tộc tuy đã biến thể và thay đổi khá nhiều, nhưng cũng có cách bố trí hoa văn gần tương đồng như thế. Ở đây chúng tôi sẽ dẫn ra cách xăm mình ở người Kalinga và Paiwan để tham khảo, còn khi phục dựng, chúng ta cần dựa vào những bức tượng Chiết Giang, đây là cơ sở chính và quan trọng để dựng lại cách chính xác nhất cách xăm mình cổ xưa của người Việt.
Kiểu xăm mình dọc cánh tay tới 1/4 ngực này ở các dân tộc Kalinga và Paiwan.
Cách xăm mình của người Kalinga, Paiwan và các dân tộc Nam Đảo chủ yếu là những họa tiết hình học, dải hoa văn bố trí song song với nhau, tương tự như hoa văn trên trống đồng của người Việt. Dạng hoa văn được bố trí theo hình chữ nhật, cả ở hoa văn dọc tay và hoa văn trên ngực, kiểu bố trí này giống với người Paiwan hơn là người Phillipines.
Như vậy chúng ta có thể dựa vào cách xăm mình trên các bức tượng Chiết Giang và phần nào đó là các dân tộc Nam Đảo để phục dựng lại tục xăm mình cổ xưa của người Việt.
Còn về dụng cụ và phương thức xăm mình thì sao?
Phương thức xăm mình chúng ta có thể tham khảo cách xăm mình của người Paiwan như dưới đây, các dân tộc vùng Đông Nam Á cũng có cách xăm mình tương tự, với những chiếc que có gắn kim để gõ vào da thịt, tạo hình xăm.
PHỤ LỤC: CÁC VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ
Θ Trang phục nhà Sở và văn hóa Điền Việt
Việc chúng tôi tham khảo các bức tượng và hoa văn trống đồng Điền Việt có vướng phải một vấn đề, là Điền Việt đã bị xâm chiếm và thống trị bởi nhà Sở, sau đó Sở Trang Kiểu làm vua của vương quốc Điền, nhưng qua khảo cứu của chúng tôi, thì bối cảnh văn hóa Điền Việt thể hiện sự Việt hóa của tướng Sở Trang Kiểu và hậu duệ hơn là sự Hoa hóa đối với văn hóa Điền Việt. Hai biểu hiện quan trọng nhất: mộ táng và trống đồng, đều không thể hiện đặc điểm văn hóa Hoa Hạ như triều Nam Việt cùng thời, mộ táng thì không theo kiểu lăng mộ của phương Bắc, trống đồng, vật biểu quyền lực và tâm linh cũng tiếp tục được đúc và sử dụng, các di vật cũng ít đặc trưng của phương Bắc, chứng tỏ cho điều đó.
Dạng trang phục của nhà Sở chúng tôi nhận thấy cũng hoàn toàn khác biệt với trang phục của Điền Việt. Người Điền Việt cơ bản vẫn giữ nguyên được văn hóa, phong tục chung của tộc Việt, cả ở quý tộc và thường dân, cũng như có sự tương đồng gần như hoàn toàn với trang phục thời kỳ Đông Sơn của người Lạc Việt, do đó cơ sở tham khảo trang phục trên các bức tượng Điền Việt để phục dựng lại trang phục thời Hùng Vương của chúng tôi là vững vàng và hoàn toàn có cơ sở.
Trang phục của nhà Sở dựa trên các bức tượng, tranh và tài liệu khảo cổ. [Nguồn]
Θ Khảo về trang phục quần
Quần vốn đã xuất hiện từ khá lâu, được tạo ra ít nhất cách ngày nay hơn 3300 năm bởi người du mục Trung Á, với nhu cầu sử dụng để cưỡi ngựa cũng như giữ ấm phần thân dưới. Dạng quần này từ vùng Trung Á, đã lan truyền sang văn hóa Hoa Hạ từ sớm, dấu tích sớm nhất là từ thời Tây Chu, các triều đại sau đó kế thừa và tiếp tục sử dụng.
Quần thời Tây Chu và quần thời Tây Hán. [Nguồn]
Văn hóa Điền Việt cũng gần với vùng Trung Á, nên đã tiếp nhận dạng trang phục quần từ khá sớm. Hai hướng lan truyền: một là nhóm Hoa Hạ ở phía Bắc có sự tiếp xúc và giao lưu khá mạnh với văn hóa tộc Việt, hai là Điền Việt ở phía Tây, anh em ruột thịt của văn hóa Đông Sơn, và ngay giáp với Đông Sơn, cư dân hai nhóm thường xuyên giao lưu với nhau, nên sự lan tỏa của quần tới vùng miền Bắc Việt Nam cũng là một điều tự nhiên.
Mặc dù người Việt trên các đồ đồng không có điều kiện để thể hiện trang phục dạng quần: dao găm đồng đa phần là ước lệ, cô đọng, đồ đồng đa phần sử dụng hoa văn kỷ hà, ít thể hiện rõ trang phục, còn trống đồng thì đa phần được thể hiện hình ảnh áo hai tà sử dụng trong lễ tế. Thì dựa trên cơ sở đã đề cập ở trên, chúng tôi cho rằng có thể thời kỳ Đông Sơn đã có trang phục dạng quần, tuy nhiên có thể sử dụng trong một phạm vi hạn chế, ví dụ như để sử dụng trong chiến trận, hoặc hoạt động nghệ thuật như trên tượng Điền Việt, nó chưa đi sâu và gắn bó mật thiết với đời sống của người Việt, người Việt đa phần vẫn chỉ sử dụng dạng áo váy như chúng tôi đã tìm lại ở trên.
HẾT BÀI KHẢO CỨU
Lang Linh
Tranh minh họa: Hộ Quốc Vệ Thần.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại 2 lần tuyết rơi ở Cấm thành Thăng Long vào mùa xuân.
– Nhâm Ngọ, Long Phù năm thứ 2 (1102), (Tống Sùng Ninh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Lập xuân; tuyết lành xuống.
– Giáp Ngọ, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 5 (1114), (Tống Chính Hòa năm thứ 4). Mùa xuân, tuyết điềm lành xuống.
[1a] Ralf Kittler, Manfred Kayser, and Mark Stoneking, Molecular evolution of Pediculus humanus and the origin of clothing. Current Biology, 2003. 13(16): p. 1414-1417.
[1b] David L Reed, Vincent S Smith, Shaless L Hammond, Alan R Rogers, and Dale H %J Plos Biol Clayton, Genetic analysis of lice supports direct contact between modern and archaic humans. 2004. 2(11): p. e340.
[2] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[3] Earliest Evidence of Pattern Looms Discovered in China
https://www.seeker.com/culture/archaeology/earliest-evidence-of-pattern-looms-discovered-in-china
[4] Gerard C. C. Tsang, Textile Exhibition: Introduction
http://www.asianart.com/textiles/intro.html
[5] Vũ Kim Biên, Thời Vua Hùng không có “văn hóa đóng khố“
https://kienthuc.net.vn/tham-cung/thoi-vua-hung-khong-co-van-hoa-dong-kho-326883.html
[5a] Trương Chính và Ðặng Ðức Siêu, Sổ tay văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1978, tr. 113-116.
[6] Nguyễn Ngọc Thơ (2011), Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong mối quan hệ với văn hóa truyền thống ở Việt Nam.
[7] Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam. Quang Vũ Trịnh. Nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin, 2007.
[8] Lịch sử vải sợi Việt Nam và vấn đề lễ phục – Nguyễn Việt
http://ape.gov.vn/lich-su-vai-soi-viet-nam-va-van-de-le-phuc-ds248.th#
[9] Lịch sử ra đời của các chất liệu vải thuần Việt
https://www.elle.vn/the-gioi-thoi-trang/lich-su-ra-doi-cua-cac-chat-lieu-vai-thuan-viet
[10] Hirofumi Matsumura, Hsiao-chun Hung, Charles Higham, et al. (2019). Craniometrics Reveal “Two Layers” of Prehistoric Human Dispersal in Eastern Eurasia. Scientific reports;9(1):1451.
[11] Chuan‐Chao WANG Shi YAN Zhen‐Dong QIN Yan LU Qi‐Liang DING Lan‐Hai WEI Shi‐Lin LI Ya‐Jun YANG Li JIN Hui LI, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1759-6831.2012.00244.x
[12] Yang, M.A., X. Fan, B. Sun, C. Chen, J. Lang, Y.-C. Ko, C.-h. Tsang, H. Chiu, T. Wang, and Q. Bao, Ancient DNA indicates human population shifts and admixture in northern and southern China. Science, 2020.
https://science.sciencemag.org/content/early/2020/05/14/science.aba0909
[13] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88
[14] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2.
https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia
[15] Zi-Yang Xia, Shi Yan, Chuan-Chao Wang, Hong-Xiang Zheng, et al. (2019) Inland-coastal bifurcation of southern East Asians revealed by Hmong-Mien genomic history
[16] Tạ Đức, 2013, Nguồn gốc người Việt – người Mường.
[17] Heather A. Peters, 2001, Ethnicity Along China’s Southwestern Frontier.
https://www.researchgate.net/publication/233703687_Ethnicity_Along_China’s_Southwestern_Frontier
[18] Bing Su và cộng sự, 2000, Polynesian origins: Insights from the Y chromosome.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC26928/
[19] Per Hage và Jeff Marck, 2015, Matrilineality and the Melanesian Origin of Polynesian Y Chromosomes.
https://www.journals.uchicago.edu/doi/10.1086/379272
[20] J. Koji Lum và cộng sự, 2006, Recent Southeast Asian domestication and Lapita dispersal of sacred male pseudohermaphroditic “tuskers” and hairless pigs of Vanuatu.